Ngày 1/8
Thánh Đa Minh Nguyễn Văn Hạnh
Linh mục (1772-1838)
I. Tiểu sử
nên không ai được chà đạp, vì đó là một trọng tội.
Sau khi thụ phong linh mục, cha Hạnh xin gia nhập và khấn trọn đời trong dòng Đa Minh ngày 22-8-1826 khi đã 54 tuổi.
Khi cuộc bắt đạo diễn ra, cha Hạnh đang làm mục vụ cách âm thầm tại làng Quần Anh Hạ. Khi tình hình căng thẳng, cha muốn chuyển sang làng Trung Thành. Hai người làng Quần Anh hứa đưa cha đến nơi an toàn nhưng chính họ lại bắt nộp cha cho quan. Ngày 07-5-1838, cha bị bắt giải về thị trấn Nam Định.
Khi quan khuyên cha bước qua Thập giá, cha nói: “Thập tự đối với chúng tôi tượng trưng cho ơn cứu độ, nên không ai được chà đạp, vì đó là một trọng tội”.
Lần khác, họ yêu cầu cha đạp ảnh Đức Mẹ, cha kính cẩn cầm lấy ảnh mà hôn. Thế là cha bị đánh 100 roi vì tội này. Khi thấy không thể làm lung lay đức tin của cha, quan soạn bản án gửi về kinh xin vua Minh Mạng châu phê.
Ngày 28-6-1838, bản án trảm quyết đạo trưởng Hạnh được nhà vua châu phê.
Sáng ngày 01-8-1838, quan lãnh binh vào khám bắt cha đi xử tội. Cha Hạnh chịu xử trảm tại pháp trường Bảy Mẫu. Quan xử án truyền chôn tại chỗ. Về sau, thi hài cha được cải táng về giáo xứ Lục Thủy, Giáo phận Trung (Bùi Chu ngày nay).
Linh mục Ðaminh Nguyễn Văn Hạnh được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.
Biên soạn: Hội đồng Giám mục Việt Nam
II. Cầu nguyện
Đạo thấm vào tận tâm can nghĩa là thế nào? Câu trả lời này đã được thánh Đa Minh Nguyễn Văn Hạnh trả lời bằng chứng tá đời sống của ngài. Sinh năm 1772 tại làng Nàng A, tỉnh Nghệ An, thuộc Giáo phận Tây Đàng Ngoài. Ngay từ bé ngài đã có nguyện ước làm linh mục. Sau khi thụ phong linh mục, cha Hạnh xin gia nhập Dòng Đa Minh. Sống vào thời kì đạo Công Giáo bị bách hại gay gắt, nhưng cha đã tích cực rao giảng danh Chúa và phục vụ các Ki-tô hữu mấy chục năm trước khi lãnh phúc tử đạo. Khi bị bắt, cha Hạnh bằng lòng với những tra tấn, những nhục hình về thể xác. Ngài cương quyết tuyên xưng danh Chúa và mạnh mẽ lên án những ai xúc phạm đến Thánh Danh Người.
Đạo thấm vào tâm can nghĩa là gì? Thưa, là tuyên xưng danh Chúa dù gian khó, bắt bớ, cùm gông; đạo thấm vào tâm can là “Tôi sống nhưng không còn là tôi mà là Chúa sống trong tôi” (Gl 2,20); là không hành động ngược đức tin, không chối bỏ, không ngại làm chứng; là dám lên án những gì trái với điều Chúa dạy; dám hi sinh tính mạng vì danh Chúa.
Cha Đa Minh Nguyễn Văn Hạnh đã thực hiện được những điều ấy, ngài yêu mến Chúa nồng nàn, đến nỗi không điều gì có thể làm nguy hại đến đức tin của ngài, ngược lại những gian nan khốn khó chỉ làm tăng thêm lửa nhiệt thành làm chứng cho Chúa mà thôi. Trong cơn bách hại, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết mỏng manh như sợi chỉ, Cha Đa Minh Hạnh đã không ngần ngại dõng dạc tuyên xưng: “Dù tôi được làm quan ngay hôm nay mặc lòng, tôi cũng không bỏ đạo đâu. Tôi chỉ mong được làm con Đức Chúa Trời thôi… Được chết vì đạo là điều tôi mong đã lâu, nay sự ấy đã gần thì tôi vui mừng lắm”.
Ngày ra pháp trường lãnh án tử cha Đa Minh Nguyễn Văn Hạnh vừa đi vừa chào giáo dân: "Anh chị em ở lại bình an, hai chúng tôi về Thiên Đàng hưởng phúc vô cùng".
Bạn thân mến, tôi và bạn trong cuộc sống hôm nay có lẽ không phải đánh đổi mạng sống hay phải chịu những đau khổ thể xác vì đạo thánh Chúa, nhưng đời sống đạo đòi chúng ta một thái độ sống mạnh mẽ, xác quyết: Tôi thuộc về Đức Ki-tô, là chiên của Ngài. Đạo đã thấm vào tâm can của tôi, đó không phải chỉ là một đời sống với những thói quen đọc kinh, những luật lệ hay những công việc của một tín hữu. Nhưng, để cho đạo của Chúa Ki-tô thấm nhuần vào tâm can phải là một cuộc đời dám để cho Chúa thanh luyện và biến đổi, dám sống sự thật cho dẫu có bị thiệt thòi, dám sống yêu thương cho dẫu bị thù ghét - oán hận, và dám quên đi chính mình sống dấn thân vì danh Chúa.
Lạy Chúa, nhịp sống hằng ngày của con với những việc bổn phận của người tín hữu: đọc kinh, đi lễ, tham dự các Bí tích,... Con biết rằng đó chưa phải là tất cả những gì Chúa cần nơi con. Con thấy mình thiếu một chút niềm tin để dám tuyên xưng danh Chúa giữa thế giới vô thần. Con thấy mình thiếu một chút yêu thương, bác ái cảm thông để nói về Chúa cho một xã hội đầy dẫy sự ích kỉ, tranh giành, ghen ghét, tìm tư lợi. Và con thấy mình còn thiếu một chút hy sinh, một chút xả thân, một tấm lòng rộng mở để đến với những anh chị em đang khao khát tìm kiếm tình yêu của Chúa. Ôi lạy Chúa là nguồn mạch của mọi ân sủng, xin thương tưới gội mảnh đất tâm hồn khô cằn của con.