06/06/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1357
Ngày 06/6 Thánh Phêrô Đinh Văn Dũng - Thánh Phêrô Đinh Văn Thuần
Ngày 06/6
Thánh Phêrô Đinh Văn Dũng
Ngư phủ (1800 – 1862)

I. Tiểu sử
Xin đừng khóc nhưng hãy vui mừng,
bởi tôi được dâng hiến mạng sống mình vì danh Chúa Kitô.

 
Thánh Phêrô Đinh Văn Dũng sinh năm 1800. Ông Dũng là người Công giáo chất phác và nhiệt thành thuộc giáo xứ Trung Đồng, Kẻ Mèn, tỉnh Thái Bình, Giáo phận Trung Đàng Ngoài. Ông làm nghề đánh cá,  sống đời tín hữu bình dân, đạo hạnh, hiền hòa và giáo dục con cháu sống đức tin.

Mùa xuân năm 1862, thảm họa cấm đạo đổ xuống làng Đông Phú. Ông Dũng bị bắt giải về phủ và đưa đi đày tại làng Ngọc Chí, rồi chuyển sang làng Lương Mỹ thuộc huyện Quỳnh Côi.

Trong cảnh tù tội ở tuổi 62, ông Dũng bị đóng gông, chân chịu xiềng xích, nhiều lần bị điệu đến công đường tra khảo, bị cưỡng ép chà đạp Thánh Giá, nhưng ông vẫn một lòng kiên vững tuyên xưng đức tin.

Thấy không thể lung lay đức tin của ông, quan án bèn nghĩ ra kế cho binh lính dẫn ông về thăm gia đình và vợ con. Trong giây phút thăm viếng, dù phải chịu cảnh gông cùm và nghe tiếng khóc nức nở của vợ con, ông Dũng vẫn điềm tĩnh, an ủi, khích lệ vợ con can đảm chấp nhận: “Xin đừng khóc nhưng hãy vui mừng, bởi tôi được dâng hiến mạng sống mình vì danh Chúa Kitô”. Sau đó, ông bình tĩnh chào từ biệt gia đình rồi trở lại chốn lao tù.

Tháng 4 năm 1862, ông Dũng bị đày đến làng ngoại giáo Lương Mỹ và bị giam thêm hai tháng. Biết không thể lay chuyển niềm tin sắt đá của ông, quan kết án thiêu sinh và bản án được thi hành vào ngày 06-6-1862 tại Nam Định, dưới đời vua Tự Đức.

Chứng nhân đức tin Đinh Văn Dũng bị nhốt vào một chiếc cũi tre và bị thiêu sống. Thi hài của vị tử đạo được chôn cất ngay tại pháp trường. Về sau, các tín hữu trong vùng long trọng rước ngài về an táng tại sân nhà thờ giáo xứ Đông Phú.

Ngư phủ Phêrô Ðinh Văn Dũng được nâng lên hàng chân phước ngày 29-4-1951 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Thánh Phêrô Đinh Văn Thuần
Ngư phủ (1802 – 1862)
I. Tiểu sử
Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người,
và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.

(1Cor 1, 25)

 
Thánh Phêrô Đinh Văn Thuần sinh năm 1802 tại họ đạo Đông Phú, xứ đạo Trung Đồng, Kẻ Mèn, tỉnh Thái Bình. Ông chuyên nghề đánh cá để mưu sinh. Tuy nghèo nhưng gia đình êm ấm. Ông bà quan tâm giáo dục con cái sống đức tin. Trong chức vụ lý trưởng, ông Thuần tích cực phục vụ công ích cho dân làng, bất kể lương giáo.

Tháng 8 năm 1861, với chiếu chỉ Phân sáp của vua Tự Đức, mọi người, dù già hay trẻ, đều phải bỏ đạo và bước qua Thánh Giá. Ai là tín hữu thì bị khắc hai chữ “tả đạo” trên má để khỏi lẩn trốn. Đất đai, ruộng vườn, nhà cửa và súc vật của các tín hữu bị phân sáp đều phải bị tịch thu hoặc phá hủy.

Đến mùa Xuân năm 1862, cơn bách hại đạo bao phủ toàn Giáo phận Trung (Giáo phận Bùi Chu ngày nay). Chính trong hoàn cảnh này, ông Thuần bị vây bắt, giải về phủ huyện, bị tống giam vào ngục thất Ngọc Chí.

Tại công đường, dù chịu nhiều cực hình và bị ép chà đạp Thánh Giá, nhưng ông vẫn nhất quyết trung kiên, thẳng thắn tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô.

Đến mùa hè năm 1862, ông Thuần mất tinh thần nên đã chối đạo và đạp ảnh Chúa. Nhưng sau đó, nhờ các bạn tù khuyên bảo, ông đã tuyên xưng đức tin, xác tín vào lòng thương xót và ơn tha thứ của Chúa.

Vì cương quyết không chịu chối bỏ đức tin, ngày 06-6-1862, cùng với thánh Phêrô Đinh Văn Dũng, vị anh hùng đức tin Phêrô Đinh Văn Thuần bị nhốt vào một chiếc cũi tre chật hẹp và bị thiêu sinh dưới triều vua Tự Đức. Thi hài của ngài được các tín hữu cung kính rước về an táng tại khuôn viên nhà thờ quê hương Đông Phú.

Ngư phủ Phêrô Ðinh Văn Thuần được nâng lên hàng chân phước ngày 29-4-1951 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện


Ơn gọi của hai anh em



 Lời mời gọi của Chúa Giêsu “hãy theo Thầy” vẫn vang vọng qua bao đời khi nhìn về các chứng nhân trong suốt dòng lịch sử Giáo hội. Thánh Anrê - vị tông đồ niên trưởng đã đáp lại lời kêu gọi ấy của Thầy Giêsu. Chúng ta nhớ lại khung cảnh tuyệt đẹp bên bờ hồ năm xưa, thánh Anrê và thánh Phêrô - người anh em cốt nhục - được Chúa trực tiếp tuyển chọn; họ đã theo Chúa đến cùng cho dẫu phải đầu rơi máu đổ. Trong Giáo hội Việt Nam cũng có những ơn gọi đặc biệt như thế. Theo danh sách 117 thánh tử đạo Việt Nam, ta có thể kể đến Anrê Tường và Vinh Sơn Tưởng là hai anh em đồng huyết nhục, cũng là hai vị chứng nhân tử đạo. Giờ đây, chúng ta được mời gọi nhìn về thánh Phêrô Đinh Văn Dũng và thánh Phêrô Đinh Văn Thuần là cặp anh em thúc bá, là chứng nhân tử đạo và là thánh trên trời cao.

Phêrô Đinh Văn Dũng sinh năm 1800 và Phêrô Đinh Văn Thuần sinh năm 1802 tại Thái Bình: là những ngư phủ yêu nghề, lao động chân chính; là những tín hữu bình dân, chất phác và nhiệt thành. Sau khi lập gia đình, hai ông đã tận tâm giáo dục con cái sống đạo một cách sốt sắng theo tinh thần Phúc Âm. Tuy nghèo, nhưng đời sống thanh bạch, gia đình êm ấm, hạnh phúc, điểm nổi bật nhất của các ngài là lòng đạo đức và gương mẫu trong việc tham gia những sinh hoạt của họ đạo.

Với chiếu chỉ phân sáp, việc bách hại đạo gia tăng. Đầu năm 1862, thảm họa đổ xuống làng Đông Phú. Trong dịp này, hai ông Phêrô Dũng và Phêrô Thuần bị bắt. Tại đây hai ông chịu nhiều cực hình: cổ mang gông, chân chịu xiềng xích, và nhiều lần quân lính đưa hai ông đến trình diện quan lớn, rồi bị cưỡng ép chà đạp Thánh Giá.  Đã có lúc các ông đấu tranh với chính mình khi phải lựa chọn giữa đức tin và tình cảm gia đình, giữa đức tin và những đau khổ mà các ông phải chịu nơi thân xác. Là người chồng, người cha trong gia đình, chắc chắn thật khó để quyết định một lần mà vẹn tròn cả đôi đường. Cuối cùng, tình yêu dành cho Chúa và sức mạnh đức tin đã chiến thắng. Các ông khuyến khích động viên vợ con, truyền sức mạnh niềm tin và hy vọng cho các thành viên thân yêu trong gia đình và thẳng thắng tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Kitô trước vua chúa quan quyền.

 Ngày 06/6/1862 với bản án thiếu sống, xác thân hai vị thánh bị nhận chìm trong ngọn lửa phừng phực nóng bỏng, mỗi lúc một bốc to, cháy lớn… Ngày đó, xác thân hai vị thánh trở về tro bụi, nhưng cũng chính ngày đó, ngày Thiên Chúa ghi danh hai linh hồn trung kiên trở thành công dân Nước Chúa.

Chiêm ngắm mẫu gương của hai anh em thúc bá - thánh Phêrô Dũng và thánh Phêrô Thuần - chúng ta có thể mượn lời Giáo lý để nói rằng: “Ngày nay, những gia đình được Chúa Kitô cư ngụ cũng có thể trở thành men làm cho xã hội chúng ta được đổi mới.”
[1] “…Gia đình là trường học tuyệt hảo dạy sống tương quan với nhau. Con cái lớn lên không ở chỗ nào tốt hơn là trong một gia đình hiệp nhất, bao bọc bởi sự âu yếm và tình yêu, bởi sự tôn trọng và có trách nhiệm đối với nhau. Và chính đức tin cũng được lớn lên trong gia đình. Theo giáo huấn của Hội thánh, gia đình là một Hội thánh thu nhỏ, “một Hội thánh tại gia,” một cộng đồng đức tin, đức cậy và đức mến; gia đình phải loan báo Tin Mừng bằng sự tỏa sáng của mình. ”[2]

Sự băng hoại trong tương quan gia đình là dấu hiệu báo trước sự suy đồi của xã hội. Là những người có đức tin, chúng ta càng nhận ra trách nhiệm kiến tạo và vun đắp cho các giá trị vĩnh cữu. Giữ đạo hiếu và thuận hòa trong các tương quan vẫn là dấu chỉ của những con người đạo đức, chuẩn mực. Sau phút cầu nguyện này, chúng ta lại trở về với các mối tương quan gia đình. Xin cho chúng ta trở nên các mắt xích giao hòa giữa người với người. Thiết nghĩ đó là ơn mà chúng ta khấn xin Chúa trong giờ cầu nguyện hôm nay:

 Lạy Chúa, qua mẫu gương của thánh Phêrô Dũng và thánh Phêrô Thuần, chúng con nhận ra mình cũng có một gia đình, có những tương quan thân thiết được thiết lập bằng máu huyết, bằng đức tin và tình thương mến. Xin cho chúng con trở thành những tia sáng trong gia đình. Xin giúp chúng con sống chan hòa với những người Chúa đã đặt để trong cuộc đời chúng con là các anh chị em, cha mẹ, bạn bè thân hữu. Amen.
 
[1] Youcat VN số 271.
[2] Youcat VN số 368.
 
114.864864865135.135135135250