10/12/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

2197
Ngày 10/12 - Thánh Simon Phan Đắc Hoà
Ngày 10/12
Thánh Simon Phan Đắc Hoà

Trùm họ và lang y (1787 - 1840)


I. Tiểu sử
Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa.
(Rm 14, 8)

 
Thánh Simon Phan Đắc Hòa sinh năm 1774[1] tại làng Mai Vĩnh, xã mông Thôn, tỉnh Thừa Thiên. Song thân, ông Thục và bà Đáo, là những người không Công giáo. Chú Hòa đón nhận ánh sáng đức tin, lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy năm 12 tuổi, lấy tên thánh là Simon.

Simon Hòa là một cậu bé sáng trí và chuyên cần. Chú được học chữ Nho, rồi đi giúp các linh mục. Chú Hòa khôn ngoan, đạo đức, được các cha chọn gửi vào chủng viện để học tiếng Latinh.

Do có ngăn trở về phía gia đình, khó tiến lên chức thánh, nên cha bề trên khuyên Simon Hòa quay trở về nhà. Với tình con thảo, chú Hòa thành tâm đón nhận ý Chúa và cảm tạ công ơn dạy dỗ của các cha trong chủng viện.

Chú Hòa sau theo học nghề đông y, lập gia đình với một thiếu nữ đạo đức trong làng Nhu Lý. Gia đạo êm ấm. Hai vợ chồng sinh được 12 người con. Các cha thấy ông Hòa ăn ở nết na, nêu gương sáng cho mọi người, thì đặt ông làm trùm họ.

Ông trùm Hòa bốc thuốc rất hiệu nghiệm và danh tiếng đồn ra nhiều làng. Nhờ vậy, ông có dịp để giúp đỡ các bệnh nhân nghèo. Ông trùm hết lòng lo lắng cho các giáo hữu hồn an xác mạnh, chống thói xấu cờ bạc, rượu chè, khuyên nhủ kẻ sống ơ hờ nguội lạnh.

Nhà ông trùm Hòa là nơi nương náu của Đức cha Cuenot - Thể, thừa sai Jaccard - Phan, Đức cha  De la Motte - Y
[2]. Tối ngày 13-4-1840, khi đang đưa Đức cha De la Motte Y đến làng Hòa Ninh, thuyền ông bị các quan phát hiện. Quân lính đuổi theo bắt ông và Đức cha đưa về huyện Dương Xuân, rồi giải về Quảng Trị giam hai tháng, và cuối cùng đưa về Huế.

Ông trùm Hòa và Đức cha De la Motte - Y bị bắt và bị đóng gông điệu về ngục thất Quảng Trị. Tại công đường Quảng Trị, trước mặt quan án, ông trùm Hòa vẫn một lòng trung kiên không chối bỏ đạo.

Tại pháp trường Chợ An Hòa, gần họ Đốc Sơ, vị chứng nhân đức tin Phan Đắc Hòa nhìn thấy cha Ngôn đang đứng lẫn giữa đám đông, thì âm thầm cúi đầu nhận Bí tích Giải tội, rồi bình tĩnh quỳ trên chiếc chiếu và tấm mền trắng do một người giáo dân dọn sẵn. Ông trùm Simon Phan Đắc Hòa đã thụ án tử ngày 12-12-1840.

Ông trùm Simon Phan Ðắc Hòa được tuyên phong chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.
 
 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

 
Cầu nguyện cho những người làm nghề y

Từ xưa đến nay, trong dân gian Việt Nam mọi người vẫn truyền cho nhau câu tục ngữ “lương y như từ mẫu.”Câu nói như nhấn mạnh sự đòi hỏi về phẩm chất - đức độ của những người trong nghề y và cũng là lời để ca ngợi họ. Tay nghề của họ phải là “lương y” nghĩa là“thầy thuốc giỏi”, tấm lòng của họ dành cho bệnh nhân phải dịu dàng, ân cần và đáng yêu như là “từ mẫu” -“mẹ hiền.” Họ phải là người vừa có tài vừa có tâm. Nghĩ về họ, chúng ta trân trọng - đồng thời chúng ta cũng cầu nguyện cho họ. Nghĩ về họ, chúng ta được mời gọi giới thiệu cho họ mẫu gương thánh tử đạo lương y Simon Phan Ðắc Hòa, và cầu xin thánh nhân phù trợ cho họ, những người chọn nghề nghiệp cao quý nhưng cũng đầy dẫy những khó khăn trong thế giới hôm nay.

Simon Phan Đắc Hòa sinh năm 1787 tại Mai Vĩnh, Thừa Thiên là một y sĩ, bị xử trảm ngày 12/12/1840 tại An Hòa dưới đời vua Minh Mạng; là con trong một gia đình ngoại giáo cha mất sớm. Nhìn vào cậu, nhiều người cho rằng cuộc đời dường như không ưu ái với cậu. Nhưng Chúa đã bù lại cho cậu những may mắn khác: cậu đã được nhận biết Chúa; cậu lại được một trí thông minh sắc sảo, một tấm lòng rất quảng đại với tha nhân và một tinh thần đạo đức sâu xa dành cho Chúa.

Khi được bầu làm trùm họ, ông Simon Phan Đắc Hòa phục vụ họ đạo trong tư cách người nâng đỡ tinh thần: ông nhắc nhở, sửa dạy, chỉ giáo đối với những ai sa ngã lầm lạc… Với nghề nghiệp y sĩ, ông phục vụ tận tình. Ông chăm sóc người bệnh như chăm sóc người thân, ông lo liệu và giúp đỡ người bệnh mà không quản ngại cũng chẳng nề hà. Khi vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo, ông cho các đạo trưởng và các thầy giảng trú ngụ trong nhà của ông. Đức cha Cuénot Thể cũng đã trọ một thời gian. Tối ngày 13/4/1840, khi đang trên thuyền đưa Đức cha De la Motte Y đến làng Hòa Ninh, ông bị các quan phát hiện rồi đuổi theo. Quân lính bắt ông và Đức cha Y đưa về huyện Dương Xuân, rồi giải về Quảng Trị giam hai tháng và cuối cùng điệu về Huế.

Bị giam trong ngục, nhưng vị lương y – từ mẫu Simon Hòa vẫn nhiệt tình với nghề nghiệp: ông bốc thuốc, chữa bệnh, chăm sóc phần xác cho các bạn tù; ông nâng đỡ tinh thần bằng khuyến khích các bạn tù trung thành với Chúa đến cùng. Ông tìm mọi cơ hội để nói về Chúa. Tra tấn, gông cùm, xiềng xích… không thể tách ông ra khỏi Chúa Giêsu, cũng không thể làm ông lìa bỏ hay phản bội ngài.

Mặc dù dành trọn tấm lòng cho nghề nghiệp cao quý và dành hết tinh thần cho sứ vụ phục vụ Chúa, ông cũng không quên làm tròn bổn phận với gia đình. Khi các con đến thăm ông trong nhà tù, ông khuyên nhủ: "Cha yêu thương các con và hằng chăm sóc các con. Nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn, các con hãy vui lòng vâng ý Chúa, đừng buồn làm chi. Các con ở với mẹ, yêu thương nhau, và chăm sóc việc nhà. Từ đây cha không thể lo cho các con được nữa. Chúa muốn cha chịu khổ, cha xin vâng trọn."

Tấm lòng của ông như khơi lại cho con cháu tâm tình:

Uống nước thì phải nhớ nguồn
“Hiếu thảo” – hai chữ con luôn ghi lòng.
Ơn cha nghĩa mẹ biết không,
Ghi tâm khắc cốt khát mong đáp đền.
Phượng thờ Thiên Chúa trước tiên,
Sau là vâng phục thảo hiền chăm ngoan.
Lộc Thiên Chúa, phúc tràn lan,
Cho người thảo hiếu muôn vàn hồng ân!

Năm 1840, vua Minh Mạng châu phê án xử trảm, rồi bêu đầu ba ngày. Ông Simon Hòa kiên quyết tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa. Hiệp cùng với ngài, xin ngài chuyển cầu, chúng ta dâng lên Chúa lời nguyện xin cho các vị lương y:

Lạy Chúa, chúng con dâng lên Chúa những người đang phục vụ trong ngành y tế:Xin cho họ có sức khỏe và niềm vui trong phục vụ. Xin cho họ biết cộng tác với Chúa trong việc bảo vệ mạng sống của con người.Xin cho sự hy sinh, sự ân cần và nỗ lực học tập của họ được đền đáp cân xứng, được nhìn nhận và trân trọng, để họ phục vụ anh chị em đồng loại mỗi ngày một tốt hơn.Xin gìn giữ và đừng để ai trong họ đánh mất phẩm chất “lương y như từ mẫu”.Xin thánh Simon Hòa phù trợ cho họ luôn mãi.Amen

[1]. Một số tài liệu ghi thánh nhân sinh năm 1787, nhưng theo nghiên cứu của Tổng giáo phận Huế, ông trùm họ Phan Đắc  Hòa sinh năm 1774.
 
[2]. Theo tại liệu nghiên cứu của Tổng giáo phận Huế, De La Motte Y là giám mục chứ không chỉ là linh mục thừa sai.
114.864864865135.135135135250