13/08/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

796
Ngày 12/8 - Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ
Ngày 12/8
Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ
Lý trưởng (1804-1838)

I. Tiểu sử
 
Ông lý Mỹ: “Ta được phúc tử vì đạo thì mẹ Mỹ có bằng lòng chăng?”
Vợ: “Thầy mình có được phúc trọng ấy thì tôi bằng lòng lắm”.

 
Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ ra đời vào năm 1804. Quê cha ông lý Mỹ ở trại Đại Đăng giáp tỉnh Vân Sàng, bây giờ gọi là Ninh Bình. Ông lý Mỹ, còn gọi là Nguyễn Huy Diệu, là con trai cả. Ông Mỹ bỏ nhà quê mà đến ở làng Kẻ Vĩnh, lấy vợ ở làng ấy, sinh được tám người con.

Ông Mỹ mồ côi cha lúc mười tuổi, mồ côi mẹ lúc mười hai tuổi. Ông và các em phải ở với người dì. Ông được dì cho học chữ Nho và nghề thuốc. Đến năm hai mươi tuổi thì lập gia đình cùng thị Mến là con ông trùm Đích. Mặc dù còn thanh niên nhưng ông Mỹ đã có tiếng là người sắc sảo, giỏi giang, ăn nói trôi chảy. Đến khi làng khuyết cai tổng, người làng bầu ông Mỹ làm cai tổng, nhưng ông không nhận. Về sau, Đức cha Du
[1] bảo ông Mỹ ra gánh việc lý trưởng để bênh đỡ Nhà chung và giúp dân trong thời buổi cấm đạo, ông vâng lời Đức cha ra làm lý trưởng. Từ đó, người ta gọi ông là lý Mỹ.

Khi còn bé, ông có tiếng nết na nghiêm trang, có lòng đạo tốt. Khi có gia đình, ông lý Mỹ càng sống tốt đạo hơn nữa. Ông chẳng uống rượu, đánh bạc bao giờ, chỉ chuyên một việc làm ăn, chăm sóc gia đình và giữ đạo mà thôi. Vợ chồng ông hòa thuận thương yêu, chẳng nói nặng lời nhau bao giờ. Ông lý Mỹ thương kẻ khó khăn và hay bố thí cho họ. Đức cha Liêu, giám mục Tây Đàng Ngoài làm chứng rằng, Nhà chung và dân Kẻ Vĩnh được nhờ ông lý Mỹ nhiều lắm. Khi đã giúp ai việc gì ông lý Mỹ không bao giờ lấy của tạ ơn của họ. Ông ấy chẳng ăn bớt của dân một đồng nào, xử kiện phân minh, đánh đòn sửa phạt kẻ có lỗi, chẳng vị nể ai. Hàng tổng khen làng Kẻ Vĩnh yên bình hơn các làng khác.

Thời ông Mỹ làm lý trưởng cũng là lúc vua cấm đạo rất ngặt. Ông Mỹ tỏ ra vững vàng, lại năng khuyên bảo người ta phải giữ đạo vững vàng trong thời buổi ngặt nghèo ấy. Khi quan tuần phủ Nam Định, Trịnh Quang Khanh, bắt các người lính có đạo trong hạt Nam Định phải bước qua thập giá, ông lý Mỹ, lúc ấy ở xa, liền gửi thư cho các người lính Vĩnh Trị rằng: “Xin anh em chịu khó đừng bước qua thập giá, chẳng mấy ngày nữa tôi về nhà thì tôi sẽ ra với anh em”.

Sáng ngày 11-5-1838, khi lính quan tuần phủ Nam Định đến vây làng Vĩnh Trị, ông lý Mỹ đến nhà ông trùm Đích, đưa tin ấy cho cha vợ rằng: “Cha con đồng sinh đồng tử với nhau. Việc Đức Chúa Trời định đã đến rồi”. Lúc ấy, quan Trịnh Quang Khanh ở dưới thuyền lên ngồi tại đình, truyền đòi mọi người trong làng từ mười tám tuổi trở lên đến điểm mục, cùng bảo kỳ mục rằng: “Bao nhiêu đạo trưởng ở trong làng này thì phải đem nộp, bằng không thì mất đầu!”. Lý Mỹ thưa rằng: “Bẩm lạy quan lớn muôn tuổi, ông lớn khám mà bắt được trưởng đạo Tây, trưởng đạo Nam hay là đồ đạo quốc cấm thì tôi xin nộp đầu”.

Lý trưởng vừa cam kết xong thì thấy lính điệu cha Năm và ông trùm Đích nộp cho quan. Quan truyền nọc lý Mỹ ra đánh đòn và đóng gông đem xuống thuyền, giải ra tỉnh làm một cùng cha Năm và ông trùm Đích. Quan lớn truyền tra tấn ông lý Mỹ để ông ấy ngã lòng mà bước qua thập giá. Nhưng mà ông Mỹ chẳng những không bị lay chuyển, mà lại càng vững vàng.

Ngày 12-8-1838, khi được tin vua Minh Mạng châu phê án tử, cả ba vị đã chuẩn bị tầm hồn đón nhận Bí tích Giải tội và rước Mình Thánh Chúa sốt sắng. Cha Năm, ông trùm Đích và ông lý Mỹ bị chém đầu cùng ngày tại pháp trường Bảy Mẫu.

Ông lý trưởng Nguyễn Huy Mỹ được tôn lên bậc chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

Cầu cho các nhà lãnh đạo, các gia trưởng


Ngày 12/8/1838, vua Minh Mạng truyền lệnh xử tử ba chứng nhân anh hùng của Đức Kitô: linh mục Giacôbê Đỗ Mai Năm, ông trùm Antôn Nguyễn Đích và người con rể Micae Nguyễn Huy Mỹ. Lý do xử tử ba vị cùng một lúc là vì ông Mỹ -  lý trưởng chứa chấp đạo trưởng trong làng; ông Antôn Nguyễn Đích chứa chấp đạo trưởng trong nhà. Một cuộc tử đạo có ba ông trưởng: một “đạo trưởng” - trưởng về lãnh vực tôn giáo, một “lý trưởng” - trưởng về lãnh vực xã hội và một “gia trưởng” - trưởng của một gia đình. Giây phút này đây, chúng ta chiêm ngắm mẫu gương của thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ và cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo.

Micae Nguyễn Huy Mỹ, sinh năm 1804 tại Kẻ Vĩnh, Hà Nội. Mồ côi cha năm lên mười, rồi hai năm sau mồ côi mẹ. Được người thân tận tâm nuôi dưỡng giáo dục, cậu tỏ ra rất thông minh và đạo đức.

Năm 20 tuổi, anh lập gia đình. Cuộc sống gia đình đầm ấm với tám người con đạo hạnh. Vợ ông đã nói: "Gia đình tôi sống trong hòa thuận yêu thương. Ông Micae chuyên chăm đạo đức, dự lễ hằng ngày,… Ông không uống rượu, không đánh bạc hay to tiếng với ai bai giờ."

Làm Lý trưởng, ông Mỹ tỏ ra là người liêm khiết, không nhận tiền hay quà hối lộ. Khi phân xử, ông rất công bằng chính trực, không thiên vị bên nào. Với những người vướng mắc tệ đoan xã hội, ông khuyên răn, sửa trị nghiêm minh. Lo cho gia đình thế nào, ông Lý cũng chăm sóc làng xã như vậy. Ông khuyên nhủ người khô đạo, giúp đỡ người nghèo khổ, tạo điều kiện cho họ năng nhận các bí tích, tu thân sửa lỗi, để họ trở thành người giáo hữu tốt lành và người công dân lương thiện.

Một lần, quan quân bao vây làng Kẻ Vĩnh đúng lúc Đức giám mục và một số linh mục đang trú ẩn tại đó. Ông Lý Mỹ can đảm và khôn khéo, đánh lạc hướng, dẫn quan quân đi khám xét từng nhà mà không bắt được vị nào. Ngày 02/7/1838, quan Tổng đốc chỉ huy cuộc bao vây làng Kẻ Vĩnh. Ngày hôm đó cha Mai Năm, ông trùm Đích và ông Lý Mỹ cùng bị bắt. Quan dùng đủ các phương thế dụ ông chối đạo: Anh còn trẻ trung, thông minh sắc sảo, dân chúng đều quý sao anh lại dại khờ không bước qua Thập Tự? Ông trả lời: “Giá như có ai nói quan lớn đạp đầu Đức Vua đã ban chức trọng cho quan, ắt hẳn quan chẳng dám làm, thì tôi đây lẽ nào giám cả gan đạp ảnh Chúa tôi thờ kính…” Quan Tổng đốc nổi giận truyền đánh đòn ông Lý nhiều lần. Tính tổng cộng trong suốt thời gian bị giam giữ, ông Lý phải chịu đến 500 roi, kể cả ba lần chịu đòn thay cho nhạc phụ.

Khi bị tù, bà Lý bồng con mới sinh được mấy tháng ra thăm chồng, bà nói với ông trong nghẹn ngào: "Vợ con ai mà chẳng thương chẳng tiếc, nhưng ông hãy hy sinh vác Thánh Giá rất nặng vì Chúa, hãy trung thành với Chúa cho đến cùng, đừng lo nghĩ về mẹ con tôi. Thiên Chúa sẽ quan phòng tất cả." Nhờ lời khích lệ của vợ con, ông Lý như được tăng thêm sức mạnh, nên càng vững lòng tin hơn, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì đạo Chúa.

Suốt một tháng trời, quan vừa hành hạ vừa khuyên dụ ông Lý Mỹ bước qua Thánh Giá mà không thành công, dù phải những trận đòn tan xương nát thịt, dù gông cùm, xiềng xích nặng nề đau buốt thịt xương, vị chứng nhân Chúa Kitô vẫn một lòng kiên trung với đức tin.

Ngày 12/8/1838, ông bị điệu ra pháp trường cùng với cha Mai Năm và ông trùm Đích. Đến pháp trường Bảy Mẫu, ba vị chứng nhân quỳ xuống cầu nguyện một lúc. Ông Lý Mỹ xin xử cha Giacôbê Mai Năm và ông Antôn Nguyễn Đích trước, quan chấp thuận. Ông Lý Mỹ bị chém sau cùng. Thi hài của ba vị tử đạo được rước về làng Kẻ Vĩnh ngay trong đêm đó.

Mẫu gương lãnh đạo gia đình, lãnh đạo xã hội, và là người con thảo hiếu của thánh tử đạo Micae Lý Mỹ thật đáng cho người thời nay noi theo.

Giờ đây, trong tâm tình yêu mến chúng con cầu nguyện cho những nhà lãnh đạo quốc gia: xin cho họ để biết luôn mưu cầu lợi ích cho người dân. Xin cho những nhà lãnh đạo luôn tận tâm, có sức khỏe. Xin cho họ được may lành trong phục vụ. Cầu cho họ được tín nhiệm, được nâng đỡ. Và cuối cùng, con xin Chúa cho có nhiều người quảng đại dấn thân trong vai trò lãnh đạo để phục vụ. Amen


[1]. Đức cha Du: Đức Giám mục Tây Đàng Ngoài, Jean Marie Havard Du.
114.864864865135.135135135250