18/12/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

836
Ngày 18/12 - Thánh Phêrô Vũ Truật
Ngày 18/12
Thánh Phêrô Vũ Truật

Thầy giảng (1817 – 1838)


I. Tiểu sử

 
Ai khôn mới biết hiến mình cho chân lý, để chiếm hữu phần gia nghiệp muôn đời.

Thánh Phêrô Vũ Văn Truật sinh năm 1817 tại Hà Thạch, họ Kẻ Thiếc, huyện Sơn Vy, trấn Sơn Tây. Cha mất sớm, nhà nghèo, nên Phêrô Truật không được đi học. Tuy nhiên, anh Truật có lòng đạo đức, mơ ước dâng mình cho Chúa. Năm lên 15 tuổi, thừa sai Cornay - Tân thông cảm, nhận chú Truật gia nhập Nhà Chúa.

Năm 1838, chú Truật về giúp thừa sai François Marette - Phan và Jean Cornay - Tân đang quản nhiệm xứ đạo Bầu Nọ. Dầu học ít nhưng chú Truật vẫn đủ khả năng giúp dạy giáo lý cho giáo dân.

Bà Yến vợ tên tướng giặc Đức, muốn chạy tội cho chồng đã đi tố cáo nhà quan việc các đạo trưởng Tây Nam đang ẩn núp tại xứ Bầu Nọ. Khi quan quân đến vây làng, thầy Truật bị tập họp tại đình làng để điểm danh. Cuối ngày, vẫn chưa tìm ra tung tích đạo trưởng, chú Truật bị đóng gông và tra tấn để khai báo nơi đạo trưởng tây dương trốn tránh, nhưng chú vẫn im lặng. Chú Truật bị bắt ngày 20-6-1837 và áp giải về nhà lao Sơn Tây.

Đức cha Havard - Du hay tin chú Truật vững vàng can đảm tuyên xưng đức tin nên nâng chú lên hàng “thầy giảng” để khuyến khích tôi tớ Chúa xưng danh thánh Chúa trước mặt giáo hữu và lương dân, cũng như trước mặt quan quyền thế gian. Sau bốn tháng bị giam cầm, thầy Truật bị kết án xử giảo giam hậu.

Mùa đông năm Mậu Tuất, ngày 18-12-1838, vị anh hùng đức tin nhận bản án xử giảo tại pháp trường gần ngọn đồi nhỏ Đò Voi thuộc làng Mông Phụ. Thầy Truật qùy cầu nguyện bên cạnh thẻ án ghi: Tên Truật, họ Vũ, quán làng Hà Thạch, huyện Sơn Vì, bị xử vì theo đạo Giatô, đã thú nhận.

Sau khi lãnh nhận Bí tích Giải tội do cha Triệu ban, Thầy Truật hiến dâng mạng sống theo án lệnh xử giảo.

Thầy giảng Phêrô Vũ Văn Truật được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 
 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

 
Chuyển trao Lòng đạo đức bình dân
 
[1] Trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, ở chương III về việc rao giảng Tin Mừng, Đức giáo hoàng Phanxicô đã dành 5 số nói về sức mạnh của lòng đạo đức bình dân. Ở số 123, ngài nhắc lại lời của Đức Thánh giáo hoàng Phaolô VI và Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI rằng: “Lòng đạo bình dân ‘biểu lộ một lòng khao khát Thiên Chúa mà chỉ những kẻ đơn sơ và nghèo khó mới cảm nhận được’ và ‘nó khiến người ta có thể quảng đại và hy sinh đến mức anh hùng khi cần chứng tỏ đức tin’.”[2] “Lòng đạo bình dân là ‘một kho báu của Hội thánh Công giáo’, ở đó ‘chúng ta thấy được tâm hồn của các dân tộc…’[3]

Đọc các số này của Tông huấn, chúng ta được gợi nhớ về chuyện của cuộc đời thánh Tử đạo Phêrô Vũ Truật rằng: ngài là người làng Hà Thạch, họ Kẻ Thiếc, huyện Sơn Vy, trấn Sơn Tây. Sinh ra trong một gia đình nghèo, cha chết sớm, chẳng được đi học… thân xác thì lại hay ốm đau bệnh tật, trí não thì chậm hiểu… Biết bao điều chẳng may dường như đổ ập xuống cuộc đời cậu. Tuy nhiên, hồng ân của Thiên Chúa dành cho cậu lại chẳng thiếu bao giờ. Cậu được nhận biết Thiên Chúa qua việc nghe giảng và học thuộc các kinh. Cách thế bình dân này đã dẫn cậu đến với Chúa. Và cũng chính bằng cách ấy, cậu dẫn nhiều người đến với Chúa, đặc biệt là những người đơn sơ nghèo khó.

Lòng đạo đức đơn sơ của cậu Phêrô Truật, như lời Đức Thánh giáo hoàng Phaolô VI miêu tả, nó khiến cậu Phêrô Truật có thể quảng đại và hy sinh đến mức anh hùng khi cần chứng tỏ đức tin. Quả vậy, muốn giữ đạo muốn hy sinh vì đạo thì trước tiên chúng ta phải biết đến đạo. Chúng ta thấy cách thức mà thánh Phêrô Truật học biết về đạo rất đỗi bình dị và giảnđơn. Ngài chỉ biết học thuộc những câu kinh, những câu hỏi thưa đáp thuộc lòng, nhưng những cách thức đơn giản như thế lại trở nên những con đường tuyệt vời dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa.

Trước mỗi Thánh Lễ, từng nhà thờ nhà nguyện vẫn râm ran đọc kinh cầu nguyện, những cung bậc của những lời kinh Mười điều răn Đức Chúa Trời, Cải tội bảy mối có bảy đức, Phúc thật tám mối… Những lời kinh nghe có vẻ bình dị như thế, nhưng những lời kinh lại dễ dàng đi vào lòng người, nó gợi nhớ lên những lời răn dạy của Thiên Chúa dành cho dân của Ngài. Đây quả là những lời kinh diệu vợi cho chúng ta.

Một bài học khác chúng ta học được từ thánh nhân chính là việc dũng cảm nói về Chúa cho mọi người với một lòng đơn sơ, giản dị. Thánh Phêrô Truật học hành không được nhiều thế nên chắc là Ngài cũng không thể trở nên một nhà giảng thuyết hùng hồn. Thánh nhân chỉ nói về Chúavới bạn bè bằng những cách đơn giản, nhưng điều quan trọng là Ngài rao giảng với hết con người với tất cả tình yêu và niềm tin của Ngài. Quả thật,“…Lòng đạo bình dân là một cách diễn tả đích thực về hoạt động truyền giáo tự phát của dân Chúa. Đây là một tiến trình đang phát triển liên tục mà Chúa Thánh Thần là tác nhân chính.”
[4] Chính vì thế, noi gương Ngài chúng ta hãy đến với mọi người với một tấm lòng chân thành, đặc biệt chúng ta hãy đến với những người đang gặp những thử thách về sức khỏe, công ăn việc làm, những gia đình đang có những bất hòa... Sự hiện diện của chúng ta là một sự an ủi vô cùng quý giá mà chắc hẳn không ai có thể mua được. Với sự hiện diện này chúng ta đang đem Chúa đến với những người anh em đang gặp những thử thách. Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót nhưng Ngài chỉ có thể hiện diện thật sự trong những ai nhận biết được Ngài, và chắc hẳn theo cách thức của Ngài, Ngài sẽ làm cho những ai đang đau khổ biết nương tựa vào Ngài.

Lạy Chúa, xưa Chúa đã mời gọi thánh Phêrô Truật bước theo con đường của Chúa và thánh nhân đã can đảm đi trọn con đường Chúa mời gọi. Xin thêm lòng can đảm cho chúng con, xin thêm cho chúng con lòng nhiệt thành để nhờ ơn Chúa giúp chúng con cũng biết mở lòng để đến với anh em, đặc biệt đến với những người đang gặp thử thách trong cuộc sống này. Xin cho chúng con luôn biết nâng đỡ động viên nhau trong những khó khăn, ngõ hầu danh Chúa được cả sáng, nước Chúa được trị đến. Amen.

 
[1] Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, các số 122-126.
[2] Tông Huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi), số 48.
[3] Diễn từ Khai mạc Đại hội Lần Thứ V của các Giám mục Châu Mỹ Latinh và Caribê (13-5-2007), 1: AAS 90 (2007), 446.
[4] Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, các số 123.
114.864864865135.135135135250