21/12/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1460
Ngày 21/12 - Thánh Phêrô Trương Văn Thi
Ngày 21/12
Thánh Phêrô Trương (Phạm) Văn Thi
Linh mục (1763-1839)

I. Tiểu sử

Dù thế nào mặc lòng, khi có người đau ốm nặng nguy tử
các con cũng phải đón cha đi xức dầu bệnh nhân
kẻo gây thiệt hại linh hồn người bệnh.

Thánh Phêrô Trương Văn Thi sinh năm 1763 tại xứ Kẻ Sở, Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Dù xuất thân từ gia đình nghèo nhưng cha mẹ có lòng đạo đức, sốt sắng. Dòng họ của cha cũng có một người chịu tử vì đạo, đó là thầy Đường, là con anh ruột của cha Thi. Cha Thi chịu chức linh mục lúc bốn mươi ba tuổi.

Cha mẹ cha Thi nghèo, cho con đi chăn bò cho dòng Mến Thánh Giá Kẻ Đầm. Các nữ tu thấy cậu có đức tính tốt nên xin cha xứ nuôi và cho vào nhà xứ (nhà Đức Chúa Trời). Bấy giờ cậu mới được mười hai tuổi. Cậu Thi ngày càng thêm sốt sắng nhân đức, nên bề trên cho vào nhà trường học hành, về sau làm thầy giảng. Chẳng bao lâu, bề trên gọi thầy Thi vào chủng viện và thầy được lãnh nhận thánh chức linh mục vào ngày 22-3-1806, lúc 43 tuổi. Sau khi chịu chức, cha Thi được cử đi coi sóc xứ Sông Chảy, tỉnh Phú Thọ và ở đấy hai mươi bảy năm.

Giáo hữu đã làm chứng về cha rằng: Cha Thi là người rất nhân đức và sống khó nghèo. Cha dâng Thánh lễ cách nghiêm trang, sốt sắng, thường ăn chay các ngày thứ Sáu trong tuần.

Đức cha Du
[1] khen cha Thi rằng: Cha Thi đã già nhưng người sống mực thước và giữ các lễ phép kỹ càng lắm. Đức cha Khiêm[2] làm chứng: Năm 1835 tôi mới biết cha Thi. Tôi thấy người rất sốt sắng và giữ mực thước trong cách cư xử. Người rất hiền lành và khôn ngoan.

Vì có lệnh cấm đạo của vua Minh Mạng, giáo dân không dám mời cha đi giúp các bệnh nhân. Khi nghe tin, cha rất buồn và nhắc nhở các tín hữu: “Dù thế nào mặc lòng, khi có người đau ốm nặng nguy tử, các con cũng phải đón cha đi xức dầu, kẻo gây thiệt hại linh hồn người bệnh”.

Năm 1833, khi cha được 70 tuổi, bề trên đổi cha về xứ Kẻ Sông. Bấy giờ đang cấm đạo ngặt, đến nỗi cha phải ẩn ở nhà các giáo hữu. Cha Thi coi sóc xứ Kẻ Sông được bảy năm thì bị lý Pháp cùng bốn đầy tớ bắt cùng với cha Dũng Lạc đang khi hai cha đến xưng tội với nhau. Thấy cha Thi bị bắt, cha Dũng Lạc cũng xưng là đạo trưởng và bị bắt giải về huyện Bình Lục.

Các tín hữu lo tiền để chuộc hai cha nhưng lại bị quan huyện bắt lại vào ngày 10-10-1839. Có giáo hữu định cầm cố cả cơ nghiệp để lấy tiền mà chuộc hai cha, đồng thời viết thư cho cha Lạc rằng: “Lạy cha! Cha chịu tử vì đạo thì được một mình cha lên Thiên Đàng, nhưng nếu cha còn ở lại thì chúng con được nhờ, xin cha nghĩ lại”. Người nhà quan cũng đã nói rằng: “Hễ khi có tiền, thì chúng tôi bỏ người vào võng mà võng ra”. Thế nhưng cha Lạc cấm và nói: “Tôi bị bắt lần này là lần thứ ba nên quyết vâng ý Đức Chúa Trời định cho tôi làm vậy. Đừng chuộc tôi làm gì”.

Qua ba ngày, quan huyện giải cha lên Kẻ Chợ. Bởi vì cha Thi đã già và yếu đuối, quan huyện bảo giáo hữu thuê võng cho cha, còn cha Lạc thì mang gông đi chân không. Đến tỉnh, hai cha bị tra hỏi ba lần. Quan án bảo bước qua thập giá để quan tha nhưng các cha cương quyết không chịu.

Hai cha biết chắc mình sẽ bị xử trảm nên đọc kinh cầu nguyện, dọn mình chịu chết. Cha Thi yếu lắm, chỉ nằm nghỉ. Cha Lạc tươi tỉnh vui vẻ như khi ở nhà và yên ủi cha già rằng: “Ta hãy chịu khó ít nữa để ta được gặp Cha Cả”.

 
[1]. Đức cha Du: Đức Giám mục Tây Đàng Ngoài, Jean Marie Havard Du.
[2]. Đức cha Khiêm: Đức cha Charles Hubert Jeantet (1858 - 1861).
 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện
 
Cuộc sống đầy tràn niềm vui hy vọng

Đức Thánh cha Phanxicô đã nói: “Chúng ta cần niềm hy vọng biết bao, trong thời điểm xem ra tối tăm này, nhiều khi chúng ta cảm thấy bị lạc lối trước sự dữ và bạo lực vây quanh, trước nỗi khổ đau của biết bao anh chị em của chúng ta. Cần có niềm hy vọng!... ‘Tôi hy vọng vì Thiên Chúa ở bên tôi.’ Tất cả chúng ta đều có thể nói điều này: ‘Tôi hy vọng, tôi có niềm hy vọng, vì Thiên Chúa bước đi với tôi. Ngài đang bước và cầm tay tôi dẫn đi’.”[1]

Vâng! Chúng ta sẽ càng cảm nghiệm sâu sắc lời nói này của Đức Thánh Cha hơn khi chúng ta đọc hạnh các thánh tử đạo Việt Nam: giam cầm, tù tội, đòn roi, gông cùm, xiềng xích, chết chóc, thịt nát xương phơi, đầu rơi máu chảy… hoặc mua chuộc, tố cáo, thù hận… tất cả những thứ ấy không làm tắt đi niềm hy vọng của các thánh, của cộng đoàn các giáo dân Việt Nam thời sơ khai - bách hại. Thật đẹp và thật đáng tự hào biết bao.

Quả vậy, niềm hy vọng trong tôi thật đẹp và được lớn mạnh thêm lên rất nhiều khi tôi đọc hạnh thánh tử đạo Phêrô Trương Văn Thi. Một cuộc đời tràn đầy niềm hy vọng, một cuộc đời gieo cho con người niềm hy vọng. Cha Phêrô Trương Văn Thi, sinh năm 1763 tại làng Kẻ Sở, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Lên 11 tuổi, cậu Thi được nhận vào nhà Đức Chúa Trời để tu học. Cậu tập tành nhân đức, rèn luyện nhiệt tâm tông đồ, yêu mến thánh chức linh mục. Đến năm 43 tuổi thầy mới lãnh chức linh mục. Khi đã lãnh chức linh mục, cha Thi phục vụ giáo xứ Sông Chảy 27 năm, xứ Kẻ Sông 6 năm cho đến khi chịu tử đạo.

Cuộc đời của ngài là cuộc đời gieo hy vọng: tính tình thì hiền hòa, khôn ngoan, mực thước; đời tu thì nhân đức, hãm mình, thánh thiện, trung thành mến yêu kỷ luật… Cuộc đời tràn ngập niềm hy vọng của cha đúng như nhận định của Lev Tolstoy rằng: “Mọi người đều khẳng định, chẳng sớm thì muộn, cái chết sẽ đến với tất cả chúng ta. Chúng ta có thể chuẩn bị giường để ngủ cho ngày mai, cho mùa đông đang tới, vậy thì sao chúng ta lại không chuẩn bị cho cái chết? Cách tốt đẹp nhất để chuẩn bị cho cái chết, là sống một cuốc sống tốt đẹp. Bạn càng sống đời mình tốt hơn, bạn càng ít sợ chết hơn. Một vị thánh không sợ chết một chút nào.”
[2] Sức khỏe yếu, nhưng cha Thi không sợ chết, cha càng yêu mến và hy vọng thì cha càng ăn chay hãm mình; giảng dạy đạo Chúa và liên lạc với các đạo trưởng là bị liên lụy, bị bắt và bị xử án. Tuy vậy, cha Thi vẫn trung thành bền tâm phục vụ trong hy vọng.

Ngày 10/10/1839, khi cha Dũng Lạc ở làng kế bên tìm đến với cha Thi để xưng tội, viên lý trưởng hay tin, đưa người đến bắt cả hai linh mục. Hôm sau, quan cho điệu hai cha ra công đường và bắt đạp lên Thánh Giá. Cha Thi cung kính quỳ xuống, nghiêm trang hôn kính Thánh Giá. Cử chỉ của cha thật đẹp và thật tuyệt vời. Ta có thể mượn lời Lev Tolstoy để gián tiếp ca ngợi ngài rằng: “Nếu bạn sợ chết, bạn nên nhớ, nỗi sợ hãi đó không nằm trong chính sự chết, mà nằm trong bạn. Trở nên một người tốt hơn, có nghĩa là, bạn sẽ sợ cái chết ít hơn. Bất luận cái gì xảy ra cho bạn, bạn sẽ luôn hạnh phúc nếu bạn được hợp nhất với Thiên Chúa.”
[3] Cha Thi luôn kết hiệp mật thiết với Chúa, nên đời sống của cha chứa chan niềm hy vọng. Cha không sợ hôn kính Thánh Giá trước mặt quan quyền, cái chết không làm mất niềm hy vọng tin yêu vào Chúa nơi cha.

Cuộc đời hạnh phúc và tràn trề niềm hy vọng của cha Thi đã làm cho các quan thất vọng. Không khuất phục được cha Thi bỏ đạo, hay tỏ lòng bất kính với Thiên Chúa, họ liền làm án tâu vua xin trảm quyết.

Trên đường đưa cha Thi ra pháp trường, những dòng lịch sử lại cho ta một niềm hy vọng khác đó là: khi thấy người tử tội ốm yếu bệnh tật già nua bước đi chẳng nổi, ông lảo đảo rồi ngã quỵ. Một người lính trong đoàn hành quyết đã cúi xuống cõng người tử tội Phêrô Trương Văn Thi đến nơi thụ án. Người tử tội trân quý nghĩa cử này, đã tặng đôi giày của mình cho người lính làm kỷ niệm. Hình ảnh ấy đẹp mãi trong lòng tôi. Trái tim tôi tràn đầy niềm hy vọng.

Lạy Chúa, xin cho cuộc đời con luôn đặt hy vọng nơi Chúa. Xin cho con biết sống chứng tá, để đời con là niềm hy vọng cho anh chị em sống chung quanh con và đời con luôn rao truyền về một Thiên Chúa niềm hy vọng cho muôn người. Amen

[1] ĐTC Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ngày 07/12/2016. Khởi đầu một loạt bài giáo lý về “Niềm hy vọng Kitô giáo.”
[2] Lev Tolstoy, “Suy niệm mỗi ngày”, 303, tr.297.
[3] Lev Tolstoy, “Suy niệm mỗi ngày”, 27, tr.48.
114.864864865135.135135135250