21/08/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1113
Ngày 21/8 - Thánh Giuse Đặng Đình Viên
Ngày 21/8
Thánh Giuse Đặng Đình Viên
Linh mục (1787-1838)

I. Tiểu sử

 
Tôi là đạo trưởng mà bước qua thập giá, thì ai theo đạo nữa!
 
Thánh Giuse Đặng Đình Viên còn có tên là Lương, sinh năm 1785 tại làng Tiên Chu, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Khi còn nhỏ, cậu sống và học tập ở quê ngoại, họ Vân, huyện Ân Thi. Khi cha mẹ qua đời, cậu theo giúp các cha và được giới thiệu vào chủng viện.

Năm 1821, cha Viên thụ phong linh mục và coi sóc giáo hữu làng Lục Thủy, Nam Định. Hai năm sau, cha được cử đi giúp các họ Đông Bài, Thiết Nham, Như Thiết, An Mỹ. Cha nổi tiếng là một linh mục đạo đức, siêng năng phục vụ, được mọi người yêu mến.

Ngày 17-4-1838, thầy giảng Vũ Văn Lân được cha Viên cử đi lãnh dầu thứ năm Tuần Thánh bị bắt cùng với sáu bức thư cha gởi cho hai Đức cha và các thừa sai. Không ngờ những lá thư trên đã làm bùng nổ cuộc bách hại thảm khốc của tổng đốc Trịnh Quang Khanh tại Nam Định và Hưng Yên, khiến hai Đức cha, nhiều linh mục và tín hữu chịu tử đạo.

Tại Hưng Yên, để bắt cha Viên, quân lính mua chuộc hai người Công giáo có họ hàng với cha. Ngày 01-8-1838, cha Viên bị quân lính vây bắt ở họ Cầu Chay, xã Như Thiết. Cha đã kịp ẩn trốn trong vườn mía dày đặc, nhưng lại ra trình diện khi nghe tiếng kêu thảm thiết của bé con chủ nhà bị tra tấn. Cha nói: “Tôi là đạo trưởng Viên các anh đang tìm bắt đây. Xin đừng làm khổ đứa trẻ này nữa”.

Trước lời khuyên chối đạo để được tha về, cha Viên cương quyết trả lời: “Dù có chết tôi cũng không bước qua thập giá. Tôi là đạo trưởng mà bước qua thập giá, thì ai theo đạo nữa!”.

Ngày 21 tháng 8, án xử trảm về đến tỉnh. Các quan cố thuyết phục cha lần cuối nhưng vô hiệu, nên tuyên đọc bản án và thi hành ngay hôm đó.

Trên đường ra pháp trường, cha Viên xá tội cho hai người đã tiết lộ chỗ cha ẩn náu. Sau khi ăn chút cơm, cha quỳ trên chiếc chăn bông trải sẵn và ngước mặt lên trời cầu nguyện. Lý hình đưa vị chứng nhân Đức Kitô lên đài vinh quang. Thi hài cha được khoảng 300 tín hữu rước long trọng về an táng tại nhà thờ Tiên Chu.

Linh mục Giuse Ðặng Ðình Viên được suy tôn lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

Nên như Mục Tử Tối Cao
 
Công đồng Vat II trong Sắc lệnh về Thánh chức Linh mục đã nói: “Khi trở thành hiện thân của Đức Kitô theo chức vụ của mình, mỗi linh mục cũng nhận được ơn ban đặc biệt, để khi phục vụ đoàn dân đã được trao phó cho ngài cũng như toàn thể dân Chúa, các ngài có thêm khả năng vươn đến sự hoàn thiện của chính Đấng đã trao tác vụ cho các ngài, và để sự yếu đuối của xác thịt phàm nhân được chữa lành nhờ sự thánh thiện của Đấng vì chúng ta đã trở nên vị Thượng Tế thánh thiện, vô tội, vẹn toàn, tách biệt khỏi các tội nhân (Dt 7,26).”[1] Ý tưởng này hướng chúng ta đến hình ảnh vị Mục Tử Tối Cao là Chúa Giêsu và đặc biệt là thánh linh mục tử đạo Giuse Đặng Đình Viên môn sinh theo sát Ngài.

Giuse Đặng Đình Viên sinh năm 1784 tại làng Tiên Chu, huyện Tiến Lữ, tỉnh Hưng Yên. Thuở thơ bé, cậu Viên đã chuyên chăm tập luyện nhân đức và nuôi dưỡng ước mơ trở thành linh mục. Lớn lên, cậu Viên cố tâm tu luyện và chuyên chăm trau dồi các kiến thức thần học cùng các môn thánh khoa. Đến năm 37 tuổi (1821), thầy Giuse Viên được thụ phong linh mục. Từ đây, cha đến với rất nhiều họ đạo trong tinh thần hăng say, dấn thân phục vụ các linh hồn, ân cần chăn sóc con chiên và nhiệt tâm truyền giáo cho lương dân.

Trong suốt thời gian 17 năm làm linh mục, gian nguy, khó khăn của buổi cấm đạo càng làm cho đức tin của cha Giuse Viên được củng cố. Cha hết lòng cho các hoạt động tông đồ, thi hành sứ vụ mục tử.

Ngày kia, quan quân thu giữ được những bức thư mà cha Viên nhờ một thầy giảng đem đi gửi cho hai Đức Cha và bốn anh em linh mục khác. Quan cho quân lính truy tìm cha khắp nơi. Cha Viên tìm cách ẩn trốn và được giáo dân giúp đỡ. Thế nhưng, hai người trong thân tộc vì tham tiền nên đã chỉ điểm chỗ cha ẩn náu. Cha Viên bị bắt trói hai tay, chịu mang xiềng hai chân, chịu mang gông nơi cổ, chịu sự tra tấn nơi ngục tù rất dã man. Quan hứa hẹn sẽ tha ngay nếu cha bước qua Thánh Giá. Cha trả lời nhanh chóng rõ ràng và thẳng thắn rằng: Tôi luôn xác tín sự diện của Chúa trên Thánh Giá và tôn kính Người trên hết mọi sự. Câu trả lời thẳn thắn và sự xác tín mạnh mẽ của cha Viên càng làm cho quan quân tức giận. Vì thế, chỉ 20 ngày sau khi bị bắt, cha Giuse Đặng Đình Viên đã bị điệu ra pháp trường.

Cha Viên đi chịu tử đạo trong niềm vui của người vai mang thập giá Chúa Kitô, lòng ngập tràn niềm tri ân, cảm tạ vì được trở về quê trời vĩnh cửu. Ngày ấy, ngày21/8/1838 máu tử đạo của Giuse Đặng Đình Viên đổ ra không những minh chứng cho một đức tin kiêu hùng, một tình yêu nồng thắm mà còn thể hiện một sự tha thứ, khoan dung thật lòng dành cho hai người trước đây đã tố giác Cha.

Đức Lêo XIII tôn phong cha lên bậc chân phước ngày 27/5/1900 và Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II suy tôn cha lên bậc hiển thánh ngày 19/6/1988.

Tấm gương cuộc đời của Thánh Tử Đạo Giuse Đặng Đình Viên luôn mãi ngời sáng, để ngày nay, không chỉ các vị mục tử soi mình, nhưng còn hướng ánh nhìn của hết thảy chúng ta, để ai nấy biết xóa đi những vết mờ đục trong các mối tương quan với tha nhân, để sự nhạy cảm, lòng trắc ẩn được làm mới lại, để sự dửng dưng vô cảm sẽ không còn và để cho định nghĩa “Thiên Chúa là Tình Yêu” ngày càng lan tỏa.

Ước mong sao ta luôn ghi nhớ: “Nếu chỉ yêu thân xác mình, thì sẽ mang sự khổ đến cho kẻ khác. Bạn sẽ trở thành cái mà bạn yêu. Nếu bạn yêu những sự thế trần thế, bạn sẽ trở thành “thế tục.” Nếu bạn yêu Thượng Đế, thì bạn sẽ trở nên thành phần của Thượng Đế. Chỉ có tình yêu không có giới hạn, tình yêu vô điều kiện mới là vĩnh cửu.”
[2]

Lạy Chúa Giêsu vị mục tử tối cao:
 
  • Chúa đã tự nguyện hy sinh mạng sống: Xin cho linh mục là những người Chúa chọn, biết hy sinh quên mình vì Chúa và vì anh chị em.
  • Chúa đã vâng lời bằng lòng chịu chết: xin cho linh mục biết vâng phục ý Chúa, bằng lòng bỏ những ý riêng, dấn thân phục vụ, để nên hình ảnh của Chúa giữa trần gian.
  • Chúa đã minh chứng tình yêu: xin cho linh mục minh chứng tình yêu bằng đời sống chứng tá của mình.
Chúa Giêsu hạt giống mục nát: xin cho linh mục cũng biết quên mình để Hội thánh trổ sinh nhiều hoa trái.

[1] Công Đồng Vat II – Chương III – Sắc lệnh thánh chức linh mục.
[2] Lev Tolstoy, Một kho tàng minh triết, tr.25.
 
114.864864865135.135135135250