23/10/2024 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1810
Ngày 23/10 - Thánh Phaolô Tống Viết Bường
Ngày 23/10
Thánh Phaolô Tống Viết Bường
Quan thị vệ (1773 - 1833)


I. Tiểu sử
 
Quan lớn có lòng thương thì tôi đội ơn quan lớn,
nhưng xin quan lớn để tôi được giữ trọn chữ trung với Đức Chúa Trời là Thiên Chúa tôi thờ.

 
Thánh Tống Viết Bường sinh năm 1773 tại Phủ Cam, Tổng Giáo phận Huế ngày nay. Ngài là quan thị vệ của triều đình Huế. Ngài có hai đời vợ và có tất cả mười hai người con. Ông nội và thân sinh của ngài là những người kính sợ Thiên Chúa, nhiều đời làm quan phục vụ Chúa Nguyễn.

Quan thị vệ Bường là một vị quan liêm chính, được thăng đến chức thị vệ hoàng cung và nhiều lần được vua Minh Mạng khen ngợi. Dù bận việc quân, quan thị vệ vẫn luôn nhớ bổn phận làm con Thiên Chúa trong việc sống đạo và giáo dục đức tin cho con cái.

Sau một lần đánh dẹp quân nổi loạn, quan quân kéo đến chùa Non Nước để tạ ơn trời phật, nhưng quan thị vệ Bường không tham gia vì ngài là người Công giáo. Sự việc đã đến tai vua Minh Mạng. Trước mặt vua quan, quan thị vệ Bường khẳng khái tuyên xưng đức tin Công giáo. Nhà vua tức giận hạ lệnh xử trảm. Nhưng vì có các đại thần can gián, vua truyền lệnh đánh 80 đòn, lột hết chức tước bổng lộc và đuổi về làm thứ dân.

Năm 1832, vua Minh Mạng duyệt xét danh sách binh lính Công giáo thì thấy thiếu tên thị vệ Bường, vì đã bị đuổi khỏi chức quan. Vua hạ lệnh bắt giam ngài vào Trấn Phủ.

Trong chốn ngục tù, bị xiềng xích và nhiều lần bị tra tấn, dụ dỗ bỏ đạo để được phục hồi chức tước, bổng lộc, nhưng ông đội Bường vẫn khăng khăng từ chối bỏ đạo và trung kiên chịu đựng nhục hình vì lòng yêu mến Chúa.

Khi được quan Thượng thư bộ hình Võ Xuân Cần khuyên bỏ đạo, thánh nhân khiêm tốn trả lời: “Quan lớn có lòng thương thì tôi đội ơn quan lớn, nhưng xin quan lớn để tôi được giữ trọn chữ trung với Đức Chúa Trời là Thiên Chúa tôi thờ”.

Vì quan thị vệ Bường có nhiều công lao với triều đình nên vua muốn cuộc xử án diễn ra âm thầm, tránh gây ồn ào trong dư luận. Án xử trảm được thi hành tại pháp trường Thợ Đúc vào buổi tối ngày 23-10-1833. Thi hài của thánh nhân được an táng trong cung thánh nhà thờ Phủ Cam.


Quan thị vệ Phaolô Tống Viết Bường được tôn lên bậc chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh  ngày 19-6-1988.

 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam

 
II. Cầu nguyện
 
Yêu mến Mẹ Mân Côi
 
Vào thời Đức Giáo hoàng Lêô XIII từ năm 1883 đến năm 1898, ngài đã công bố 13 thông điệp, 2 tông thư về Kinh Mân côi. Ngài đã dùng Kinh Mân côi để cầu xin bình an cho thế giới và cho Giáo hội. Trong thông điệp 1892 ngài viết: “Trong mọi gia đình, mọi quốc gia, nếu kinh Mân côi của Đức Maria vẫn còn được tôn kính, người ta không còn phải lo lắng về việc mất đức tin do thờ ơ và lầm lỗi.” Lòng sùng kính Kinh Mân côi cũng đơn giản và trang trọng như là chính đức tin vậy. Trong thông điệp 1893 ngài quả quyết rằng: “Chắc chắn một điều, nếu đọc kinh Mân côi một cách thành kính, sẽ có lợi không những cho cá nhân mà thôi mà còn cho cả thế giới.” Và trong thông điệp 1894 Ngài nhấn mạnh thêm, việc yêu mến Kinh Mân côi là cách tốt nhất để giữ Chúa Giêsu luôn ở vị trí hàng đầu trong lòng mọi người. Ngài còn xác quyết những bài học của Kinh Mân côi sẽ trở thành sức mạnh chống lại: “Sự chán ghét một đời sống lao động bình thường, sự ghê tởm trước mọi thứ đau khổ, và sự sao nhãng cuộc sống mai sau.”

Những xác tín và những lời kêu mời tha thiết của đức giáo hoàng Lêô XIII về Kinh Mân Côi đã đem lại nhiều ơn ích thiêng liêng cho Giáo hội. Chẳng bao lâu sau, vào các ngày 13 từ tháng 5 đến 10/1917 đích thân Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ ở Fatima, mẹ trao sứ điệp “hãy siêng năng lần hạt mân côi.” Hôm nay, ngày 13/10 kỉ niệm Đức Mẹ hiện ra, đặc biệt tháng này là tháng mân côi trong năm thánh mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm thánh Phaolô Tống Viết Bường để học nơi ngài gương yêu mến Mẹ Maria, siêng năng lần hạt Mân Côi.

Tiểu sử cuộc đời thánh Phaolô Tống Viết Bường còn ghi lại: “Trong nhà giam, ngài thường khuyên các bạn bị bắt hãy kiên tâm bền chí, trông cậy và cầu nguyện với Đức Mẹ luôn, để được vững lòng chịu khổ đến cùng, vác Thập Giá theo Chúa Giêsu. Càng bị đau khổ, đời sống thiêng liêng của ngài càng gia tăng. Mỗi ngày ngài siêng năng cầu nguyện, suy gẫm và đọc kinh Mân Côi.” Ắt hẳn là lòng đạo đức này phải được bắt nguồn từ một dòng tộc Công Giáo lâu đời, nơi mà ngài được chào đời năm 1773 tại Phủ Cam, Phú Xuân (Huế). Và cũng ắt hẳn rằng đức tin kiên vững ngài có được là do sức mạnh của Kinh Mân Côi mà ngài từng yêu mến.

Vì sinh ra trong dòng tộc tổ tiên đều làm quan nên khi trưởng thành Tống Viết Bường cũng được chọn làm lính thị vệ của triều đình.
[1] Tuy nhiên khác với các quan lại thời bấy giờ, ông sống đời liêm khiết, đức độ và phục vụ cần mẫn nhiệt tâm. Ông cũng có đức tính thẳn thắn và chân thật không vị nể sợ sệt. Trước mặt vua, ông không ngần ngại tuyên xưng mình là người theo đạo Công giáo.

Vào thời vua Minh Mạng, hễ ai đã mạnh dạn tuyên xưng mình theo đạo Công giáo thì trước sau gì cũng sẽ bị xử tử. Tháng 12/1832 vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo toàn quốc. Lúc đó các quan mới phát hiện ra nhiều thị vệ đã nghe lời "quyến rũ" của ông đội Bường vừa gia nhập đạo. Thế là ông Bường và 11 binh sĩ khác có tên trong danh sách được trình lên vua. Họ bị tống giam vào ngục, bị đeo gông và xiềng xích nặng nề. Bốn lần quân lính khiêng ông qua Thập Giá, ông đều mạnh mẽ chống cự đến cùng.

Đàn áp không được, các quan quay qua dụ dỗ. Hãy chiều theo ý vua "bỏ đạo lúc này thôi, rồi sau sẽ hay, muốn làm gì thì làm." Thấy không thể lay chuyển đức tin của người môn đệ Chúa Kitô, quan Thượng thư Bộ Hình liền xin nhà vua tuyên án. Vì  Phaolô Tống Viết Bường là viên quan thị vệ có nhiều công trạng với vua, nên vua muốn cuộc hành hình phải diễn ra thật âm thầm, ít người biết đến.Thế là ngày 23/10/1833, vào lúc năm giờ chiều Phaolô Tống Viết Bường bị xử án. Quân lính trói tay ông lại và vung gươm chém rơi đầu người chiến sĩ đức tin kiên cường. Thủ cấp ông bị bêu ba ngày ở nhà thờ Thợ Đúc, còn thi hài vị tử đạo được an táng ở họ Phủ Cam.

Lạy Chúa, khi ngập tràn niềm vui, xin cho con biết kết hợp với Chúa trong mầu nhiệm mùa vui, để con chia sẻ niềm vui cho anh chị em xung quanh.

Khi đời con bình an, xin cho con lên đường làm sáng danh Chúa, như hình ảnh Chúa trong các mầu nhiệm sự sáng.

Khi đời con đau khổ, xin cho con nên một với Chúa trong các mầu nhiệm mùa thương, để con mạnh mẽ bước đi đến cuối hành trình.

Xin cho con hy vọng vào cuộc sống vĩnh hằng qua việc con kiết hiệp với Chúa trong các mầu nhiệm mùa mừng. Amen

[1] Tục ngữ có câu: “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa.”
114.864864865135.135135135250