24/11/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1309
Ngày 24/11
Thánh Phêrô Borie Cao
(PIERRE DUMOULIN BORIE - CAO)
Giám mục Hội Thừa Sai Paris (1808 - 1838)


I. Tiểu sử
 
Phần riêng tôi, quan trên muốn làm gì thì làm
nhưng xin cho một mình tôi chịu là đủ rồi.

 
Thánh Bori - Cao sinh ngày 20-02-1808 tại Pháp. Cha của Borie mất sớm. Mẹ cậu không nỡ xa con nhưng rồi cũng đón nhận Thánh Ý Chúa cho con tu học.

Sau khi thụ phong phó tế, vì sợ mẹ buồn, thầy Borie âm thầm thu xếp hành trang, để lại bức tâm thư từ giã gia đình cho thân mẫu cùng các em và bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

Sau khi được thụ phong linh mục năm 1830, cha Borie trải qua chuyến hải trình 7 tháng đến vùng đất Nghệ An, thuộc Giáo phận Tây Đàng Ngoài. Cha nhanh chóng hội nhập khí hậu, văn hóa, ngôn ngữ địa phương và lấy tên Việt là Cao.

Cha Cao hoạt động tông đồ trong hạt Bố Chính, với ước khoảng 20.000 giáo dân. Khi vua Minh Mạng ra lệnh cấm đạo năm 1833, cha Cao đã phải nhiều lần lẩn tránh.

Do bị đánh đòn đau đớn, một chủng sinh có tên là Khang đã khai ra chỗ cha ẩn nấp. Cha bị bắt tại Xóm Trà thuộc họ đạo Mỹ Hảo năm 1838. Trong chốn lao tù, cha Cao đối đáp lanh lợi và trả lời thay mỗi khi nhà quan thẩm vấn hai cha người Việt khác là cha Điểm và cha Khoa. Cha là nơi nương tựa tinh thần vững chắc của họ. 

Khi quan dụ dỗ đạp lên Thánh Giá, cha đáp: “Không thể được, một trăm lần không. Phần riêng tôi, quan trên muốn làm gì thì làm, nhưng xin cho một mình tôi chịu là đủ rồi”. Quân lính dùng nhiều cực hình hành hạ ngài. Trong chốn ngục tù tăm tối, cha Cao thường giữ giờ cầu nguyện chung với cha Điểm và cha Khoa.

Ngày 31-7-1838, cha được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Tây Đàng Ngoài khi vừa tròn 30 tuổi nhưng chưa được tấn phong.

Ngày 18-11-1838, vua Minh Mạng phê án trảm quyết. Khi nhận án tử, Đức cha đã sấp mình xuống cám ơn quan vì được chết để minh chứng đức tin. Ngày 24-11-1838, Đức cha bị xử trảm tại pháp trường Đồng Hới. Năm 1842, xác ngài được cải táng và được đưa về tôn kính tại Nhà nguyện Hội Thừa Sai Paris.

Ðức giám mục Borie - Cao được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam



II. Cầu nguyện

Số phận của những nhà truyền giáo



Nếu như trong kế hoạch của Thiên Chúa có những người bén duyên với Ngài mà trở thành những nhà truyền giáo bằng lời đáp trả dứt khoát, trọn vẹn… thì ở đó cũng có những người lại xuất phát từ sự lẩn trốn, từ dáng vẻ thiếu hẳn nét tự nguyện, từ sự ép buộc của người thân mà cuối cùng lại là những cuộc hạnh ngộ nhiệm màu, diễm phúc với Thiên Chúa. Vẻ đẹp độc đáo này đã được họa lại nơi nhiều người và thật rõ ràng nơi cuộc đời của thánh giám mục tử đạo Phêrô Borie Cao.

Thuở còn thơ bé, cậu Cao đã chẳng có một sự định hình hoặc có một khái niệm nào liên quan đến việc truyền giáo, vì thế cậu không mấy quan tâm đến sứ vụ này. Xuất thân trong một gia đình làm nghề xay lúa, nên cụm từ “chiếc cối xay” cũng được gắn thêm vào tên của cậu. Lớn hơn một chút, chủng viện là nơi mà mẹ cậu chọn lựa để ép con trai phải vào. Môi trường mới dù lành thánh nhưng lại không thu hút được “cậu bé cối xay,” nên cậu thường vi phạm kỷ luật. Tuy cậu thường bị phạt, nhưng hình phạt cũng không làm cậu thay đổi để giảm bớt những lần lỗi phạm.

Giữa những khúc quanh cuộc đời, Chúa lại vẽ nên những con đường thẳng khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên, bởi: “Chẳng ai có thể được sai đi, nếu trước đó họ đã không hoàn trả lại mọi sự một cách tự do... Chỉ sau khi tất cả đều đã được hiến dâng và phó thác triệt để, chỉ khi Thiên Chúa không gặp một dè giữ nào nơi những người tin nữa, và Ngài tự do chọn ở nơi họ điều Ngài muốn, thì khi ấy mới có thể có một sứ vụ thừa sai Kitô giáo. Vì từ điểm gặp gỡ ấy, mà một đời sống trong lòng tin mới có thể sinh hoa trái Kitô giáo.”
[1]

Đối với Borie Cao, cuộc gặp gỡ riêng tư với Chúa đã bắt đầu, vì sau lần lên cơn sốt, cậu Cao nhìn lại chính mình và bắt gặp sứ vụ truyền giáo cao quý khi đọc lại cuộc đời của các vị thừa sai. Khát khao truyền giáo bùng cháy khiến cậu kiên trì học hành, tập luyện nhân đức và được nhận lãnh chức linh mục lúc 22 tuổi (21/11/1830). Từ đó, cha quyết tâm lên đường truyền giáo.

Hành trình truyền giáo đến Viễn Đông ngập tràn gian nan, bão tố, hơn nữa cha Phêrô Borie Cao lại đã đặt chân đến Việt Nam vào thời điểm lệnh cấm đạo diễn ra gay gắt và tàn bạo. Hăng say trong sứ vụ, cha nhanh chóng làm quen với mọi sự nơi vùng đất mới bằng một tâm hồn vui tươi, thân thiện, bình dị… Vừa tận tâm hoạt động mục vụ, vừa liên tục di chuyển nơi cư trú trong âm thầm, kín đáo, nhưng cuối cùng cha cũng bị bắt giữ cùng nhiều vị thừa sai khác. Dù được nhiều người kính phục nhưng cha luôn khiêm nhường, chuyên cần cầu nguyện và không bao giờ tự mãn về mình. Cha trở thành giám mục mà không có lễ thụ phong, vì nhận được quyết định từ Tòa Thánh trong thời gian ở tù. Càng kiên vững trong đức tin, Đức cha Phêrô Borie Cao càng cảm nhận được sự đỡ nâng và sức hút của tình yêu thập giá, nên Đức cha đã hân hoan đón nhận bản án xử trảm ngày 24/11/1838, khi ngài tròn 30 tuổi.

Dưới ánh nhìn đức tin, mỗi khi nhận lãnh sứ vụ truyền giáo là mỗi lần ta được khơi gợi để có những chọn lựa làm cho hình ảnh của Chúa thêm rõ nét giữa đời, mỗi khi nhận lãnh sứ vụ truyền giáo là mỗi lần ta nhớ đến Giáo hội của chúng ta là một Giáo hội đã được sinh ra từ những nhà truyền giáo quảng đại nhiệt tâm. Chiêm ngắm mẫu gương của nhà truyền giáo Phêrô Borie Cao, mỗi người chúng ta “không thể không cảm thấy bị ấn tượng sâu xa bằng tất cả những nỗi vất vả đáng sợ mà các nhà truyền giáo của chúng ta đã trải qua để mở mang đức tin, sự sốt sắng tuyệt vời mà họ đã chứng tỏ, và vô vàn những gương sáng về sự dũng cảm chịu đựng mà họ đã cống hiến cho chúng ta.”
[2]

Ước gì mẫu gương của nhà truyền giáo Phêrô Borie Cao, của các Kitô hữu đầu tiên trên quê hương chúng ta có thể dẫn bước chúng ta. Ước gì lòng biết ơn đối với họ luôn là nguồn của lòng nhiệt thành truyền giáo đối với từng người chúng ta.

Giờ đây, ước mong cho mỗi người đặc biệt là các người trẻ có thể thân thưa với Chúa tâm tình: Ôi Thiên Chúa của con, mỗi hành trình mà Chúa ban cho con luôn là một bước đi truyền giáo, để loan báo cho mọi người biết những điều tốt đẹp mà Thiên Chúa đã làm cho con, và Người đã thương con như thế nào! (Mc 5,19). Lạy Chúa, lệnh truyền của Chúa vẫn còn là một lệnh truyền khẩn thiết dành cho chính con hôm nay. Ước gì nhờ đời sống chứng tá của con, sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa có thể chạm đến trái tim của những người thân cận và đồng bào của con. Amen
[3]
 
[1]Những người thợ giờ thứ 11” Các bài suy niệm theo chủ đề, tr.83.
[2] ĐGH Bênêđictô XV, Tông thư Maximum Illud, số 6.
[3] Ý tưởng Sứ điệp ĐTC Phanxicô gởi giới trẻ VN ngày 19/11/2019.
114.864864865135.135135135250