27/07/2024 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

780
Ngày 27/7-Thánh Giuse Maria Diaz Sanjuro An

Ngày 27/7

Thánh Giuse Maria Diaz Sanjuro An  

(1818-1857)

Cầu nguyện cho người mất niềm trông cậy
 

Đã có lúc nào trong cuộc đời chúng ta mất niềm trông cậy vào Chúa chưa ? Đã có lúc nào chúng ta cảm thấy thất vọng vì đau khổ ê chề, vì thất bại, vì dường như tất cả các sự xấu đều đổ ập trên cuộc đời ta, đổ vào gia đình ta, và tràn vào cả tâm hồn của ta chưa ? Thất vọng, đau khổ là gì mà cứ còn mãi đâu đây. Trong phút cầu nguyện này, chúng ta cùng chiêm ngắm Thánh Giám mục Giuse Maria Diaz Sanjuro An, để xin ngài chuyển cầu cho chúng ta, giúp chúng ta có được sự bình an. Chúng ta cũng cầu nguyện cho những anh chị em đang gặp đau khổ thử thách, xin Chúa cho các anh chị em ấy đừng bao giờ đánh mất niềm trông cậy vào Chúa.

Đức cha Giuse Maria Diaz Sanjuro An, sinh năm 1818 tại Santa Eulalia de Suegos, tỉnh Lugo, Tây Ban Nha. Ngài có lòng đạo đức, có nhiều khả năng và có khát vọng truyền giáo. Ngài đến giáo phận Đông Đàng Ngoài ngày 12/9/1845. Ngài được lãnh phúc tử đạo ngày 20/7/1857, tại Nam Ðịnh.

Năm 1848 cuộc bách hại đạo của vua Tự Đức đã gây thiệt hại nặng nề cho Giáo hội Việt Nam. Tại Chủng viện Nam Am, khi ấy cha Sanjurjo An và cha Alcazar Hy đang coi sóc chủng sinh. Các ngài đã phải gấp rút giải tán các chủng sinh, cho chôn giấu các đồ thờ phượng… Trong thư gởi cho một người bạn ở quê nhà, cha viết: "Chúng tôi chẳng còn nhà, chẳng còn sách vở quần áo, chẳng còn gì nữa…"

Năm 1849, cha Giuse An được thụ phong Giám mục. Ngài lại trở về Cao Xá tiếp tục coi sóc chủng viện. Trong lá thư gởi về gia đình, Đức cha viết: "…Con thường phải đi bộ, có khi phải đi chân không, nhiều lần phải lội bùn đến đầu gối, để trốn tránh những người tìm bắt". Khi thi hành nhiệm vụ đi kinh lý, Đức cha bị sốt rét nặng một thời gian.

Năm 1852, Đức cha An lãnh trách nhiệm coi sóc Giáo phận Trung, trực tiếp điều hành việc truyền giáo. Số tân tòng gia tăng mau lẹ. Số rửa tội năm 1852 của giáo phận ghi thêm tên của 28.355 người. Đức cha viết: "Đó quả là phần thưởng đầy khích lệ các nhà truyền giáo tiếp tục những trách vụ tông đồ, bất chấp mọi âm mưu của thần dữ, không nản lòng trước những cơ cực thiếu thốn, trước nguy hiểm vây quanh và những nghịch cảnh có thể xẩy đến…"

Chỉ mới lược qua vài năm, trong hành trình truyền giáo tại Viễn Đông của Đức cha Giuse Sanjuro An, chúng ta đã thấy những đau khổ chồng chất… Nhưng trong mọi sự Đức cha vẫn một niềm cậy trông vào Chúa, ngài không để cho những đau khổ làm mất đức tin của Ngài. Ngài dã dùng những đau khổ để củng cố niềm tin cho các tín hữu.

Công cuộc truyền giáo gặp nhiều khó khăn, ngài đã bị bắt. Ngày 20/07/1857, có lệnh chém đầu Đức cha Giuse An. Tại pháp trường Nam Định, Đức cha An lớn tiếng nói đôi lời với những người có mặt, sau đó nói với viên chỉ huy: "Tôi gởi quan 30 đồng tiền để xin một ân huệ: xin đừng chém tôi một nhát, nhưng là ba nhát. Nhát thứ nhất, tôi tạ ơn Chúa đã dựng nên tôi và đưa tôi đến đất Việt giảng đạo. Nhát thứ hai, tôi nhớ ơn cha mẹ sinh thành ra tôi. Còn nhát thứ ba, là lời di chúc cho các bổn đạo của tôi, giúp họ bền chí trong đức tin, theo gương vị chủ chăn của mình. Và như thế họ đáng lãnh phần hạnh phúc cùng các thánh trên trời". Đức cha vừa dứt lời, quân lính trói ngài vào cây cọc hình Thập Giá. Lý hình chém Đức cha ba nhát như ngài xin.

Lạy Chúa Giêsu, con đến xin Chúa an ủi con, vì con đang gặp đau khổ, con đau khổ lắm Chúa ơi ! Xin cho con tìm được niềm an ủi vì tin rằng còn có Chúa yêu thương con, và bảo đảm cho con được ơn cứu độ.

Lạy Chúa Giêsu, con hướng tâm hồn lên cùng Chúa, xin đừng để con hoài nghi thánh ý Ngài. Xin cho con biết đón nhận những gì xảy đến và hiểu rằng Chúa luôn yêu thương quan phòng cho con. Xin đừng để con thất vọng dù bao gian nan khốn khó xảy đến trong đời con. Xin cho con kiên nhẫn chờ đợi Chúa đáp lời. Xin đừng để con đắng cay chua xót khi gặp đau khổ. Xin chỉ cho con đường lối phải đi, xin cho con nhận ra rằng con rất cần đến Chúa, con cần đến Chúa trong mọi giây phút của cuộc đời con.

Xin Thánh Giám mục Giuse An cầu cho chúng con. Amen

 

114.864864865135.135135135250