Têrêsa Avila (1515-1582)
Têrêsa Lisieux (1873–1897)
Têrêsa Calcutta (1910-1997)
Giữa một thế giới khủng hoảng về
ơn gọi sống đời thánh hiến
Mùa khấn và mùa chiêu sinh ơn gọi của các Dòng tu trong cả nước vừa kết thúc. Đó đây trong các Hội dòng dấu hiệu ơn gọi đang giảm dần cũng đã để lại những băn khoăn và những câu hỏi nan giải. Phải chăng khi nói đến cuộc khủng hoảng về ơn gọi sống đời thánh hiến hiện nay, chúng ta chỉ quan tâm đến việc khủng hoảng về số lượng? Xin được gởi trao trong số báo này ba vị thánh nữ mang tên TÊRÊSA để chúng ta cùng nhau nhìn lại các thách đố dẫn đến khủng hoảng và cùng tìm ra giải pháp tiếp cận với khủng hoảng ngang qua cuộc đời ba vị thánh được mừng trong vòng hơn một tháng (tháng 9 và tháng 10).
Ở phần tiêu đề, người viết sắp xếp ba vị thánh theo thời gian chào đời để tiện cho việc tra cứu. Trong bài viết, người viết tạm sắp xếp ba vị thánh theo từng góc nhìn về đời thánh hiến ở mức độ nông sâu, xa gần, lâu mau của nó.
Tưởng cũng nên biết thêm rằng, có một sự trùng hợp ngẫu nhiên thật đẹp chẳng phải một, chẳng phải hai, mà là Ba Têrêsa trong vòng hơn một tháng. Trong khi Giáo hội chuẩn bị mừng 100 năm ngày Têrêsa Hài Đồng và Nhan Thánh (Têrêsa Lisieux) qua đời 30/9/1897-30/9/1997 thì Mẹ Têrêsa (Têrêsa Calcutta) qua đời ngày 05/9/1997. Trong khi Giáo hội mừng 150 năm ngày sinh của Têrêsa Hài Đồng và Nhan Thánh 1873-2023, thì Đức Thánh Cha Phanxicô ban Tông huấn mới nói về Thánh Têrêsa Lisieux nhưng lại được công bố vào ngày mừng kính thánh Têrêsa Avila 15/10/2023. Hẳn rằng có một sự liên kết trùng hợp và khăng khít giữa ba vị thánh cùng mang một tên Têrêsa như dã được sắp xếp từ trước, cho nên Giáo hội mừng Têrêsa Calcutta (1910-1997) ngày 05/9, mừng Têrêsa Lisieux (1873–1897) ngày 01/10 và mừng Têrêsa Avila (1515-1582) ngày 15/10.
Ba vị thánh tu sĩ mang Têrêsa đã để lại cho Giáo hội một cách nhìn về đời tu một cách phong phú nếu không muốn nói là gần như toàn diện. Ba con người, ba thế hệ, ba thời đại, ba cuộc sống khác nhau đã làm nên cái nhìn toàn diện ấy. Một người ở tuổi chập chững bước vào đời tu (theo tuổi tu ngày nay), một người trong vai trò bề trên (trải qua những khủng hoảng ơn gọi và khủng hoảng tuổi trung niên), một người đã ngả bóng (với cuộc đời tu trải đầy kinh nghiệm) đã để lại biết bao dấu chân qua vạn nẻo đường phục vụ…
Câu chuyện giữa một thế giới khủng hoảng về ơn gọi sống đời thánh hiến mời gọi các tu sĩ chúng ta chiêm ngắm ba vị thánh cùng tên Têrêsa để chúng ta tìm ra một con đường cho chính mình trong những thách đố của cuộc khủng hoảng ấy. Bài viết xin tạm giới hạn dước góc nhìn về ba vấn đề khủng hoảng hiện nay:
- Khủng hoảng về định hướng
- Khủng hoảng về quyền lực và nhân thân
- Khủng hoảng về việc thi hành sứ vụ
* * *
1/ Khủng hoảng về định hướng (khủng hoảng cá nhân)
Gương Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (1873-1897)
Ngày 15/10/2023, Đức Thánh Cha Phanxicô ban Tông huấn nói về Thánh Têrêsa thành Lisieux dịp kỷ niệm mừng 150 năm ngày sinh của ngài (1873-2023). Trong những số đầu tiên, Đức Thánh Cha đã nhắc: đến tính độc đáo trong linh đạo của ngài. Ngay từ lúc 15 tuổi, ngài đã có được một định hướng mạnh mẽ và rất chắc chắn, ngài quyết tâm dâng hiến đời mình cho Chúa trong ơn gọi dòng kín Cát Minh. Trong định hướng cuộc đời đó, con đường trong Dòng kín Cát Minh được Têrêsa Hài Đồng xác tín: “Chỉ có lòng tin cậy, và ‘không có gì khác,’ không có con đường nào khác dẫn chúng ta đến Tình Yêu trao ban tất cả.”[1] Trong sự tin cậy tuyệt đối đó, ngài đã xác định sứ mạng của mình: “Con mong muốn cùng một điều ở trên Trời cũng như dưới đất: Yêu mến Chúa Giêsu và làm cho Ngài được yêu mến.” Vì thế, ngài ý thức việc ngài vào Dòng Cát Minh là “để cứu các linh hồn.” Nói cách khác, chị thánh không quan tâm đến việc hiến mình cho Thiên Chúa mà không tìm kiếm lợi ích cho anh em mình.[2]
Khi đã định hướng được con đường mình sẽ đi, Têrêsa Hài Đồng cũng xác định cách thế mình đi. Ngài không đi như những bậc vĩ nhân và những vị thánh vĩ đại đã từng làm mà ngài đi theo cách thế của một trẻ thơ. Nhỏ bé, không có khả năng tin cậy vào chính mình, nhưng tín thác vào vòng tay đầy sức mạnh yêu thương của Chúa. Ngài nghĩ đến hình ảnh chiếc thang máy: “Thang máy nâng con lên Thiên đàng chính là cánh tay Người, Ôi Chúa Giêsu! Để làm được điều đó, con không cần phải lớn lên, trái lại con cần phải nhỏ bé, ngày càng trở nên nhỏ bé hơn.”[3] Nhiều người đã quan niệm việc tiến đức và nên thánh phải đến từ nỗ lực của bản thân, Têrêsa Hài Đồng thì nhấn mạnh đến tính ưu việt bởi ân sủng của Thiên Chúa. Chị nói: “Con luôn cảm thấy tin tưởng táo bạo rằng mình sẽ trở thành một vị Thánh lớn, bởi vì con không cậy dựa vào công trạng riêng mình, nhưng con đặt hi vọng vào Đấng là Nhân đức, là chính sự Thánh thiện: chỉ có Ngài là Đấng hài lòng với những nỗ lực yếu đuối của con, sẽ nâng con lên với chính Ngài và bao phủ con bằng công nghiệp vô hạn của Ngài, sẽ làm cho con nên thánh.”[4]
Cuộc khủng hoảng định hướng trong ơn gọi làm cho người tu sĩ chơi vơi trong cuộc đời, tự sức mình thì không thể, bám vào các chỗ dựa không chắc thì sẽ ngã đổ. Con đường Têrêsa Hài Đồng đi là một con đường mà mỗi người tu sĩ hôm nay có thể đi, vì đó là con đường nhỏ, con đường cho trẻ thơ.
[5]Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, sinh năm 1873 tại Alăngxông, nước Pháp. Song thân ngài là ông Luy Martin và bà Zêli Martin được tôn phong hiển thánh ngày 18/10/2015. Têrêsa là cô gái út trong số năm chị em. Chị rất ao ước được gia nhập đan viện Cát Minh, nơi có hai người chị của mình đã khấn dòng tại đó.
Với tính tình rất hoạt bát và dễ thương, năm 15 tuổi, Têrêsa cảm nghiệm chắc rằng Chúa Giêsu muốn mình sống cho Chúa và chỉ yêu mến một mình Người trong đời sống tu tại đan viện, nên Têrêsa đã cầu nguyện và xin Mẹ Bề trên, xin Đức Giám mục, thậm chí sang đến Rôma trực tiếp xin Đức Thánh Cha Lêô XIII ban cho đặc ân như lòng mong muốn. Và cuối cùng, Têrêsa đã được phép gia nhập đan viện Cát Minh lúc 15 tuổi.
Dù rất trẻ trong đường tu, nhưng Têrêsa đã có một đời sống rất trưởng thành và có một định hướng rất rõ ràng chắc chắn. Chị còn có một lòng khao khát chịu đau khổ vì yêu mến Thiên Chúa. Thánh nữ viết: “Xin Chúa hãy cho con được chịu tử đạo hoặc trong tâm hồn, hoặc ngoài thể xác – hoặc tốt hơn, cả hai!” Têrêsa có nhân cách Kitô giáo độc đáo, ngài khám phá ra một con đường vừa với sức mình, ngài giữ vững bản lãnh khi đi trên con đường ấy, ngài lấy khát vọng mãnh liệt để giải mã tất cả các khó khăn, ngài gọi lòng tin cậy tuyệt đối vào Thiên Chúa và những thực hành đơn sơ là “con đường nhỏ” để nên thánh. Khi hấp hối, Têrêsa đã nói: “Tôi đã chẳng cho Thiên Chúa tốt lành điều gì ngoài tình yêu, và Người sẽ trả lại cho tôi chính tình yêu.”
Têrêsa đã về trời ngày 30/9/1897 lúc 24 tuổi. Đức Giáo hoàng Piô XI tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1925. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên phong thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu là Tiến sĩ Hội thánh năm 1997 trong dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhật trên trời của ngài.
Cuộc đời ngắn ngủi trong bốn bức tường Dòng kín, Têrêsa đã trao tặng cho Giáo hội một con đường tu đức mới lạ, con đường thơ ấu thiêng liêng ấy dường như đã bỏ qua hết những điều thường có trong việc nên thánh: không có những việc phạt xác lạ thường, không có những đặc ân kỳ lạ, không có phương pháp cầu nguyện rõ ràng và cũng không có những công trình hiển hách. Những nét nổi bật của con đường này là: đơn sơ và giản dị, nhỏ bé, khiêm nhường nhận mình là hư vô trước mặt Chúa, tin tưởng vào Chúa nên sống trọn vẹn từng ngày, phó dâng mọi sự cho Chúa, và trên hết là tình yêu: yêu Chúa - yêu người - khát khao phần rỗi các linh hồn.
Những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Chính lòng tin cậy[6] về cuộc đời thánh Têrêsa Hài Đồng đã để lại cho chúng ta, cách riêng là những tu sĩ đang khủng hoảng về định hướng trong ơn gọi thánh hiến một cách nhìn và cách định hướng con đường tu của mình:
Trong một thời đại đang lôi kéo chúng ta đóng khung trong những mối bận tâm của riêng mình, Têrêsa cho chúng ta thấy rằng: thật tuyệt vời khi biến cuộc đời thành một món quà trao ban.
Vào thời điểm mà những nhu cầu hời hợt nhất lên ngôi, thì chị thánh là chứng nhân của tinh thần cấp tiến Tin Mừng. Trong thời đại của chủ nghĩa cá nhân, chị giúp chúng ta khám phá ra giá trị của tình yêu trở thành lời chuyển cầu cho người khác.
Vào thời điểm con người bị ám ảnh bởi sự vĩ đại và những hình thức quyền lực mới, chị thánh chỉ ra con đường dẫn đến sự nhỏ bé đơn sơ.
Vào thời điểm mà nhiều sinh linh bị vứt bỏ, chị thánh dạy chúng ta vẻ đẹp của sự quan tâm, chăm sóc người khác.
Vào thời điểm phức tạp, chị thánh có thể giúp chúng ta khám phá lại sự đơn sơ, tính ưu việt tuyệt đối của tình yêu, lòng tin cậy và sự tín thác, vượt xa thứ luận lý mang tính pháp lý và luân lý, vốn làm ngộp đời sống Kitô hữu bằng những việc phải tuân giữ và những giới luật, đồng thời khiến cho niềm vui Tin Mừng bị đóng băng.
Trong một thời đại thờ ơ và khép kín, Têrêsa mời gọi chúng ta lên đường loan báo Tin Mừng, bị chinh phục bởi sức hấp dẫn của Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng.
Một thế kỷ rưỡi sau khi sinh ra, Têrêsa vẫn sống động hơn bao giờ hết trong lòng Giáo hội lữ hành, trong lòng Dân Chúa.
Chúng ta tin những ân sủng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua lời chuyển cầu đầy tình yêu của chị thánh sẽ nâng đỡ chúng ta trên đường đời khi chúng ta đang mất phương hướng. Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng, nếu muốn nên như Têrêsa thì mỗi tu sĩ cũng cần có một định hướng và khát vọng thánh thiêng thật sự, một khát vọng mãnh liệt vừa với sức mình…
2/ Khủng hoảng về quyền quản trị và nhân thân
(khủng hoảng trong đời sống cộng đoàn)
Gương Thánh Têrêsa Avila (1515-1582)[7]
Trong Tông huấn Chính lòng tin cậy - viết về thánh nữ Têrêsa Hài Đồng và Thánh Nhan, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: Ngày công bố Tông huấn này, kính nhớ Thánh Têrêsa Avila, nhằm mục đích giới thiệu Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan như hoa trái chín mùi của cuộc cải cách Dòng Cát Minh và linh đạo của vị Thánh vĩ đại người Tây Ban Nha - Thánh Têrêsa Avila (1515-1582).[8] Dường như chuyện của Têrêsa Lisieux cũng là chuyện của Têrêsa Avila và ngược lại.
Cuộc khủng hoảng về định hướng là cuộc khủng hoảng về căn tính là căn bệnh từ gốc, còn những khủng hoảng liên quan đến cuộc sống là cuộc khủng hoảng phát sinh từ cội căn gốc rễ lan ra. Những cuộc khủng hoảng này nếu không chữa trị tận căn sẽ gây ra khủng hoảng căn tính. Thời đại của chúng ta hôm nay là một thời đại có nhiều thách đố do những khủng hoảng từ cuộc sống ấy. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi cầu nguyện để các nữ tu có thể “tiếp tục tìm ra những cách thế đáp lại những thách đố của thời đại.”[9] Một trong những mẫu gương nữ tu can đảm và sáng tạo đáp lại những thánh đố của thời đại đó là thánh nữ Têrêsa Avila.
Thánh nữ Têrêsa sinh năm 1515 tại thành Avila, nước Tây Ban Nha, trong một gia đình quý tộc, cha mẹ đạo đức thánh thiện. Khi còn nhỏ, chị đã ham thích đọc truyện các thánh tử đạo đến nỗi trốn nhà đi đến sống “giữa người Maures” với ước vọng được tử đạo để “thấy Thiên Chúa.”
Bước vào tuổi niên thiếu, Têrêsa lại đã để những sách phàm tục làm giảm lòng yêu mến cầu nguyện. Năm Têrêsa 16 tuổi – cha của Têrêsa lo lắng gửi cô đến ở trường của dòng Thánh Augustinô ở Avila. Tại đây, các sách thiêng liêng mà Têrêsa đọc đã hướng nàng trở lại sự cầu nguyện và sống thanh tĩnh. Têrêsa được thôi thúc quyết định trở nên hiền thê của Chúa Giêsu.
Năm 20 tuổi, Têrêsa đã trốn nhà để đi vào dòng Cát Minh ở Avila. Tại đây, Têrêsa đã được tuyên khấn trọng thể năm 22 tuổi. Khi đã khấn dòng, Têrêsa Avila vẫn thường cảm thấy khó cầu nguyện. Tư chất thông minh, nhưng chị Têrêsa Giêsu gặp nhiều thử thách nghiêm trọng về sức khỏe. Cũng thế, đời sống thiêng liêng của chị, cũng chỉ tỏ ra bình thường không có sự sốt sắng đặc biệt nào trong suốt thời gian dài.
Năm 25 tuổi, những người thân mất dần và chia xa chị. Khi được ơn trưởng thành nội tâm, Têrêsa bắt đầu phát triển ý tưởng cải tổ Dòng Cát Minh. Năm 37 tuổi (1562), Têrêsa lập Đan viện Cát Minh Cải Cách đầu tiên tại Avila. Mùa chay năm 39 tuổi (1554), Têrêsa đạt tới tột đỉnh cuộc chiến đấu chống lại các yếu đuối của bản thân. Một ngày kia, khi đứng trước bức tượng của “Chúa Giêsu mang thương tích,” Têrêsa cảm thấy hết sức đau buồn vì đã chưa yêu mến Chúa cho đủ, chị đã hoán cải để bước vào một đời sống sốt mến nồng cháy tràn đầy kinh nghiệm thần bí. Từ đó, tình yêu của chị dành cho Thiên Chúa đã trở thành một “ngọn lửa thiêu đốt.” Têrêsa đã chia sẻ: “Bất thình lình, tôi cảm thấy Thiên Chúa hiện diện thật sự trong tôi, đến nỗi tôi không hề nghi ngờ chút nào về sự hiện diện sâu sắc của Người nơi tôi, và tôi hoàn toàn bị chìm đắm trong Người.”[10] Các năm tiếp theo chị lập 17 Đan viện Cải Cách khác. Năm 1580, Têrêsa được phép Tòa Thánh cho lập Dòng Cát Minh Nhặt Phép.
Thánh nữ Têrêsa Avila là nhà lãnh đạo đại tài cũng như là một người rất mực yêu mến Chúa Giêsu và Giáo hội. Têrêsa Avila về trời năm 1582. 40 năm sau (1622), chị được Đức Thánh Cha Grêgôriô XV phong thánh. Năm 1970, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã tôn nhận Têrêsa Avila làm nữ Tiến sĩ Hội thánh đầu tiên của Giáo hội Công giáo.
Thánh Têrêxa Avila cũng đã để lại cho chúng ta một kho tàng văn chương vô cùng phong phú có giá trị tuyệt vời: Tiểu sử tự thuật, Sách lòng thương xót Chúa, Con đường hoàn thiện, Lâu đài nội tâm, Các vụ thành lập,v.v... Tính cách của thánh Têrêxa Avila được phản ánh trong các tác phẩm của ngài vẫn còn sức hấp dẫn đối với các tín hữu, đặc biệt là các nữ tu và người ngoại đạo cho đến ngày nay.
Cuộc đời của thánh nữ Têrêxa Avila gặp không ít những thách đố: thách đố của khủng hoảng thời niên thiếu với những tiếp xúc mới nơi xã hội; thách đố về sức khỏe và bệnh tật; thách đố về đêm tối tâm hồn; về việc phải chia xa những người thân yêu; thách đố vì xã hội và môi trường cần phải được cải cách; thách đố trong những khủng hoảng của tuổi trung niên; thách đố của một nhà lãnh đạo dòng tu… Nhìn chung đó là những thách đố về nhân thân và về quyền quản trị. Thánh nhân đã giải quyết và vượt qua thách đố nhờ đã “xuất phát lại từ Đức Kitô.” Ngài chia sẻ: “Ai được Chúa Giêsu là bạn thân và là nhà lãnh đạo hào hiệp ngự trong lòng, thì có thể chịu đựng mọi sự. Quả thật, chính Người trợ lực và tăng cường sức mạnh cho chúng ta.”[11]
Ước gì mỗi tu sĩ cũng học được nơi thánh nữ Têrêxa Avila cách thức vượt qua những thách đố của thời đại hôm nay bằng việc trở lại lâu đài nội tâm của mình, gặp gỡ Chúa, hoàn thiện bản thân, biết sử dụng quyền trong quản trị để xây dựng xã hội cũng như Giáo hội theo đường lối Chúa.
3/ Khủng hoảng về việc thi hành sứ vụ
(khủng hoảng đời tu trong môi trường xã hội)
Gương Thánh Têrêsa Calcutta (1910-1997)
Lúc sinh thời Mẹ Têrêsa Calcutta đã từng giới thiệu về mình như sau: “Theo huyết thống, tôi là người Anbani. Theo quốc tịch, tôi là người Ấn Độ. Theo đức tin, tôi là một nữ tu Công giáo. Theo ơn gọi, tôi thuộc về thế gian. Theo con tim, tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu” (Mẹ Têrêsa).[12] Văn phong câu nói giống hệt như văn phong quảng cáo một thương hiệu. Mà quả thật, chính Mẹ Têrêsa Calcutta là một thương hiệu nổi tiếng trong việc thi hành sứ vụ; Hội dòng Thừa sai Bác ái và các Hội khác do mẹ sáng lập là một nhóm thương hiệu. Mẹ đã làm nên một thương hiệu nổi tiếng có gắn “logo là trái tim yêu thương của Chúa Giêsu” thương hiệu ấy ám chỉ đến công việc thi hành sứ vụ trong bác ái yêu thương.
Mẹ Têrêsa Calcutta có tên thật là Gonxha Bojaxhiu tên thánh là Agnes, sinh ngày 26/8/1910, tại Skopje, thủ đô nước cộng hòa Albani thuộc Macedonia. Gonxha là con út trong ba người con của gia đình ông Nikola và bà Drana. Năm Agnes Gonxha lên 9 tuổi, cha cô qua đời một cách đột ngột. Nhờ sự dạy dỗ tận tâm của mẹ, Agnes Gonxha đã sớm hòa nhịp chung theo từng nỗi vất vả của lớp người cùng khổ. Cô thường theo mẹ đi tình nguyện chăm sóc một phụ nữ nghiện rượu ở trong làng, đồng thời tắm rửa và lo cho con bà ăn uống.
Năm 12 tuổi, cô có ý nguyện dâng đời mình để phục vụ ước muốn của Chúa. Năm 18 tuổi ý nguyện của cô được thành sự. Vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời năm 1928, cô nhập dòng Đức Mẹ Lorette, một hội dòng đang hoạt động tích cực tại Ấn Độ.
Tháng 12/1928, Agnes Gonxha cùng với một nhóm nữ tu lên đường đi Ấn Độ. Ngày 23/5/1929, Agnes Gonxha vào tập viện. Ngày 24/5/1931, chị khấn lần đầu và chọn tên là Têrêsa, để tưởng nhớ chị thánh Têrêsa Hài Đồng ở Lisieux. Ngay sau đó, chị được sai đến giúp đỡ các chị trong một bệnh viện nhỏ hầu chăm sóc các bà mẹ đau yếu, đói khát và không nơi nương tựa. Một thời gian sau, chị được gửi đến Calcutta để học sư phạm. Khi ra trường, chị trở thành cô giáo dạy ở trường cấp hai.
Ngày 24/5/1937, Têrêsa khấn trọn đời tại Darjeeling. Sau đó, chị được nhà dòng gửi đến Calcutta để điều hành một trường nữ tư thục của nhà dòng tại thành phố này. Trong suốt thời gian sống ở nơi đây, Têrêsa là giáo viên và sau đó làm hiệu trưởng trường trung học Sainte Mary dành riêng cho các nữ sinh Bengali tại thị trấn Entally.
Thế rồi, một biến cố bất ngờ đã xẩy đến với chị đó là ngày 10/9/1946, trên một chuyến xe lửa từ Calcutta tới Darjeeling để tham dự khóa tĩnh tâm, chị thực sự nghe được tiếng Chúa mời gọi từ sâu thẳm trong tâm hồn mình rằng: “Hãy đến làm ánh sáng của Ta.” Chị xác tín đó là sứ điệp rất rõ ràng khi Người muốn chị phải rời tu viện để giúp đỡ những kẻ khốn khổ nhất và cùng sống với họ: “Đấy là một mệnh lệnh, một bổn phận, một xác tín tuyệt đối. Tôi biết mình phải làm gì, nhưng không biết phải làm thế nào.” Sau này, mỗi khi có dịp nhắc lại về chuyến đi ngày 10/9/1946, chị Têrêsa thường nói đó là chuyến đi quan trọng nhất trong cuộc đời của mình.
Khi nhận ra thánh ý Chúa, Têrêsa cầu nguyện, đồng thời trình bày cho Mẹ Bề trên, cho Đức Cha Perrier - Tổng giám mục Calcutta. Một năm sau, khi chị Têrêsa trình lên ý định mình, Đức Tổng Giám mục muốn cho phép, nhưng ngài bảo tốt hơn là chị hãy xin phép Tòa thánh và Mẹ Bề trên Tổng quyền của chị ở Dublin. Chị lại phải chờ đợi một thời gian khá lâu để nhận được quyết định từ Trung ương. Tháng 8/1948, chị Têrêsa mới được sự chấp thuận của Tòa thánh cho phép rời dòng tu Loretto với điều kiện là tiếp tục tuân giữ các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Ngay sau đó, Têrêsa từ giã chiếc áo nữ tu Loretto và thay vào đó bằng chiếc áo vải thô với viền xanh nhạt trị giá chỉ một đồng tiền Ấn Độ.
Sau khi học một khóa huấn luyện kỹ càng về làm thế nào để sống, để chăm sóc cho những người nghèo và bệnh tật, Têrêsa trở lại Calcutta, đi vào các khu ổ chuột và giúp đỡ dân chúng cùng khổ ở đó. Chị tắm cho các em bé, lau chùi các vết thương của bệnh nhân, chăm sóc những người sắp chết với phương tiện duy nhất là đôi bàn tay, một cục xà phòng nhỏ và vài chiếc khăn. Chị làm việc âm thầm một mình như thế trước sự ngạc nhiên của mọi người.
Dần dần với những công việc mà Mẹ Têrêsa tận tụy làm đã khiến nhiều thiếu nữ cũng muốn được như Mẹ. Hội của những Nữ Tu Bác Ái với 12 nữ tu đầu tiên được thành lập và được Đức Thánh Cha Piô XII chấp thuận vào ngày 07/10/1950 (ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi) với danh xưng Dòng Thừa Sai Bác Ái (The Mission Of Charity).
Năm 1952, Mẹ Têrêsa thành lập Nhà Lâm Chung – Nirmal Hriday để săn sóc những người hấp hối ngoài hè phố, hầu giúp họ có nơi để nằm chết trong yêu thương, bình an và xứng với phẩm giá con người hơn. Năm 1957, Viện Cô Nhi – Shishu Bhavan được thành lập để nuôi dưỡng và giáo dục những trẻ bị bỏ rơi hoặc không ai thừa nhận. Tiếp theo, Mẹ Têrêsa lập Làng Phong Cùi Prem Nivas tại ngoại ô thành phố Calcutta và nhiều nhà khác của hội dòng ở khắp nơi để chăm sóc những người nghèo khổ.
Trước ảnh hưởng lớn lao của hội dòng năm 1965, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã đặt dòng Thừa Sai Bác Ái trực tiếp dưới sự kiểm soát của Tòa Thánh. Đức Thánh Cha cũng đề nghị Mẹ Têrêsa mở rộng dòng tu sang các quốc gia khác ngoài Ấn Độ. Năm 1970, Đức Thánh Cha nhận Mẹ Têrêsa vào quốc tịch Vatican. Năm 1971, Đức Thánh Cha trao tặng Mẹ Têrêsa giải thưởng Hòa Bình Giáo Hoàng Gioan XXIII cao quý. Năm sau, chính phủ Ấn Độ trao tặng Mẹ Têrêsa giải thưởng quan trọng Jawaharial Nehru – tên của vị Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, đây là giải thưởng được trao có những người có công thăng tiến nền hòa bình và sự thông cảm trên thế giới. Năm 1978, chính phủ Ấn Độ lại tặng Mẹ Têrêsa và nhà dòng huân chương Bharat Ratma (Viên Kim Cương của Ấn Độ) là huân chương cao cấp nhất của quốc gia này. Năm 1979, chính phủ Thụy Điển trao tặng Mẹ giải thưởng Nobel Hòa Bình (The Nobel Prize of Peace), là giải thưởng nổi tiếng nhất thế giới. Năm 1996, chính phủ Hoa Kỳ trao tặng Mẹ tước hiệu Công Dân Danh Dự Mỹ Quốc và Huân Chương Vàng Quốc Hội.
Trong những năm cuối đời, mặc cho sức khoẻ càng ngày càng giảm sút, Mẹ vẫn tiếp tục điều hành hội dòng, đáp ứng các nhu cầu của người nghèo và của Giáo hội. Tháng 03/1997, Mẹ chúc phúc cho vị Bề trên Tổng quyền mới của hội dòng Thừa Sai Bác Ái (Sơ Nirmala Joshi). Ngày 05/9/1997, Mẹ Têrêsa được Chúa gọi ra khỏi thế gian, tại thành phố Calcutta, vì cơn bệnh tim đột ngột, sau hơn 50 năm phục vụ những người cùng khổ. Ngày 13/9/1997, nước Ấn Độ đã tổ chức quốc tang Mẹ Têrêsa trọng thể giữa muôn ngàn nỗi tiếc thương của toàn thế giới.
Vào ngày 19/10/2003, ngày Khánh nhật Truyền giáo, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong Chân phúc cho Mẹ Têrêsa để nêu cao tấm gương là chứng nhân của Chúa trong sứ mạng dấn thân phục vụ người nghèo với một trái tim tràn đầy yêu thương. Ngày 04/9/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên phong Mẹ Têrêsa lên bậc hiển thánh. Giáo hội hân hoan vui mừng vì có thêm một vị thánh dành trọn cả cuộc đời để phục vụ người nghèo.
Ngày nay, một số tu sĩ trẻ và một số các dòng tu hẳn đang rơi vào cuộc khủng hoảng về sứ vụ. Họ có thể là những người: không còn lửa nhiệt thành cho sứ vụ, không còn đủ nhạy bén để tìm ra sứ vụ trước những thách đố của thời đại, không xác tín về sứ vụ của mình; hoặc cũng có thể họ lạc hướng trong việc thi hành sứ vụ, biến chất hoặc thoái hoá trong khi thi hành sứ vụ, .v.v... Giữa những thách đố đó, gương của Mẹ Têrêsa Calcutta sẽ giúp cho những ai rơi vào khủng hoảng tìm thấy được niềm vui và ơn thánh trong từng bước chân thi hành sứ vụ của mình.
Thương hiệu sứ vụ có gắn “logo là trái tim yêu thương của Chúa Giêsu” mà Mẹ Têrêsa Calcutta và các chị em trong dòng đã tạo nên, làm thành một kiểu mẫu cho những ai đang thi hành sứ vụ trên mọi nẻo đường hôm nay bắt chước. Chỉ dẫn để tạo thương hiệu giúp người trẻ trung thành, dấn thân trong phục vụ và bác ái yêu thương có thể tìm thấy trong Tông huấn Đức Kitô đang sống các số từ 168 đến 174. Thương hiệu ấy mời gọi người tu sĩ sống giữa xã hội và thế giới để mang Tin Mừng cho khắp mọi nơi, hoạt động vì sự lớn mạnh của hòa bình, hòa hợp, công bằng, nhân quyền và lòng thương xót,... Thương hiệu ấy giúp người tu sĩ xây dựng các cây cầu qua các trải nghiệm của văn hóa gặp gỡ. Cụ thể là: biết sử dụng tài năng và kỹ năng một cách sáng tạo... dành thì giờ cho người già và người khổ đau,… quan tâm đến những người vô gia cư, giúp phục hồi các khu vực bị ô nhiễm hoặc cung cấp nhiều loại trợ giúp cho người túng thiếu… cộng tác với nhau trong môi trường đại học…
Ngày nay, các công ty, các doanh nghiệp đều rất coi trọng thương hiệu bản quyền. Lý do là vì họ muốn uy tín và chất lượng sản phẩm không thể bị đánh cắp hay buôn bán trao đổi một cách giảm giá các sản phẩm của họ. Thế giới hôm nay phải nghiêng mình vì tấm lòng nhân hậu của Mẹ Têrêsa đối với người nghèo. Sinh thời Mẹ đã nổi danh với các hoạt động bác ái, một người không mỏi mệt trong việc tìm kiếm và cứu giúp những nghèo nhất trong số những người nghèo. Mẹ đã từng tuyên bố: “Nếu trên cung trăng có người nghèo tôi cũng sẽ lên đó để giúp đỡ họ.” Đây là cách Mẹ Têrêsa xây dựng và bảo vệ thương hiệu có gắn “logo là trái tim yêu thương của Chúa Giêsu” trong khi thi hành sứ vụ. Còn tu sĩ chúng ta, chúng ta đang chọn và bảo vệ “thương hiệu” nào khi thi hành sứ vụ? Gương của Mẹ Têrêsa hẳn cũng đang để lại cho mỗi chúng ta những thôi thúc mãnh liệt chăng?
* * *
Theo gương ba vị thánh mang tên Têrêsa, mỗi người tu sĩ chúng ta cũng xin các ngài chuyển cầu cùng Chúa, giúp chúng ta nhận ra những khủng hoảng và những thách đố của cá nhân của cộng đoàn và của hội dòng để cùng với các ngài, chúng ta can đảm bước tới, càng ngày càng nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu hơn.
Lạy Chúa, những thách đố của cuộc sống tu sĩ chúng con thật quá nhiều. Xin Chúa qua lời chuyển cầu của ba vị thánh nữ Têrêxa ban cho chúng con được ơn sức mạnh, biết tìm về với Chúa nơi lâu đài nội tâm của chính mình hầu đủ sức vượt qua các thách đố ấy. Amen.
Nt. MT. Minh Thuỳ
[1] x. Đức Thánh cha Phanxicô, Tông huấn Chính lòng tin cậy, số 1.
[2] x. Đức Thánh cha Phanxicô, Tông huấn Chính lòng tin cậy, số 9.
[3] x. Đức Thánh cha Phanxicô, Tông huấn Chính lòng tin cậy, số 16.
[4] x. Đức Thánh cha Phanxicô, Tông huấn Chính lòng tin cậy, số 17.
[5] x. Susan Helen Wallace, Fsp. Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ http://tinmung.net/CAC-THANH/CacThanhINDEX.htm
x. Bài đọc Kinh sách - Giữa lòng Hội Thánh, tôi sẽ là tình yêu. Trích sách Tự thuật của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Trinh nữ.
x. Bài đọc Kinh sách - Giữa lòng Hội Thánh, tôi sẽ là tình yêu. Trích sách Tự thuật của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Trinh nữ.
[6] x. Đức Thánh cha Phanxicô, Tông huấn Chính lòng tin cậy, số 52-53.
[7] SUSAN HELEN WALLACE, FSP
[8] x. Đức Thánh cha Phanxicô, Tông huấn Chính lòng tin cậy, số 4.
[9] Ý cầu nguyện của Đức Thánh cha Phanxicô tháng 02/2022.
[10] Đức Thánh cha Bênêđictô XVI, Những người nữ thánh thiện - Thánh Têrêsa Avila, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2018, tr 155-165.
[11] Bđ Kinh sách “Chúng ta hãy luôn luôn nhớ đến tình yêu của Chúa Giêsu Kitô” Trích tác phẩm của thánh Têrêsa Giêsu, trinh nữ.
[12] Trần Duy Nhiên. Tổng hợp theo tài liệu của Mạng Lưới Vatican và Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái.
https://www.songtinmungtinhyeu.org/index.php?open=contents&display=2&id=4403
http://www.sachhay.org/sach/ChiTiet/3443/me-teresa-tren-ca-tinh-yeu
https://www.songtinmungtinhyeu.org/index.php?open=contents&display=2&id=4403
http://www.sachhay.org/sach/ChiTiet/3443/me-teresa-tren-ca-tinh-yeu