10/03/2016 -

Các văn kiện

912
Giáo huấn xã hội Công Giáo – đôi cánh tình yêu

Giáo huấn xã hội Công Giáo
đôi cánh tình yêu

Vi Vi

Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo (GHXHCG)[1] bắt nguồn từ Thánh Kinh và trải qua một quá trình hình thành rất lâu dài. Chính vì vậy, theo nghĩa rộng, chúng ta có thể nói rằng  xuất hiện đồng thời với Kitô giáo.

GHXHCG bắt nguồn nơi Thánh Kinh, khởi đi từ sách Sáng thế, đặc biệt trong Tân Ước, và các văn kiện của các thánh Tông đồ. Ngay từ lúc đầu, nó đã là thành phần của Giáo huấn Giáo Hội, của quan niệm về con người và cuộc sống xã hội, và đặc biệt của luân lý xã hội, được xây dựng và phát triển dần dần tuỳ theo nhu cầu của các giai đoạn lịch sử. Gia sản này đã được truyền lại và khai triển qua giáo huấn của các Giáo chủ về “vấn đề xã hội”, bắt đầu từ thông điệp Tân s[2]

Thật vậy, Kitô giáo không chỉ bao gồm những chân lý về Thiên Chúa và mối tương quan giữa con người với Đấng Tạo Hoá, mà còn hàm chứa những mối tương quan sinh tử  của con người với tha nhân, với gia đình và xã hội. Tuy nhiên, xét theo phương diện phân tích lịch sử, GHXHCG chỉ chính thức xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX, kể từ thông điệp “Tân Sự” (Rerum Novarum) của Đức Lêo XIII, năm 1891.

Có thể nói, Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã đóng vai trò ngôn sứ và khai mở hướng đi mới cho Giáo Hội nói chung và cho GHXHCG nói riêng với thông điệp “Mẹ và Thầy”,  tình yêu và công lý làm tiêu chuẩn hướng dẫn giải quyết các vấn đề. Thông điệp khẳng định rằng: sự thật là ánh sáng của giáo huấn xã hội của Hội Thánh, tình yêu thương là sức mạnh thúc đẩy, công lý là mục đích[3] . Tông thư “Giáo Hội tại Á châu” quan niệm GHXHCG như một “tổng thể nguyên lý để suy tư, những tiêu chuẩn để phê phán và những định hướng để hành động cho các Kitô hữu. Tông thư nhấn mạnh đến trách nhiệm của các trung tâm đào tạo, đặc biệt các Chủng viện và Học viện, trong việc phổ biến Giáo huấn xã hội. Đối với Tông thư, “điều thiết yếu là làm sao để các Kitô hữu dấn thân trong lãnh vực thăng tiến nhân loại có một kiến thức vững chắc về toàn bộ giáo huấn quí báu này và coi nó như thành phần nguyên vẹn của sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Các Kitô hữu có trách nhiệm lãnh đạo trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội, đặc biệt các giáo dân đang nắm trách nhiệm trong đời sống xã hội, cần được đào tạo vững chắc về lãnh vực này, để họ có thể tác động trên xã hội dân sự cũng như các cơ cấu của nó bằng chất men của Tin Mừng. GHXHCG không  những cảnh báo các Kitô hữu giữ chức vụ lãnh đạo về trách nhiệm của họ, mà còn đem đến cho họ những hướng dẫn để cổ võ sự phát triển con người và giúp họ tránh khỏi những quan niệm sai lầm về con người”[4].

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho rằng: “việc dạy và phổ biến học thuyết xã hội là thành phần của sứ vụ rao giảng[5]. Và ngài “ước mong giáo huấn này được đặc biệt phổ biến và áp dụng trong các quốc gia, nơi mà sau khi Chủ Nghĩa Xã Hội hiện thực bị sụp đổ, con người dường như mất định hướng trước công cuộc tái xây dựng đất nước[6]. Với những khủng hoảng trước mắt, chúng ta đang đứng ở trường hợp này. Chính vì thế, hơn bất cứ nơi nào, việc học hỏi và nghiên cứu GHXHCG tại Việt Nam đã trở thành một nhu cầu cấp bách và khẩn thiết cho người Công giáo nói chung và người Công Giáo Việt Nam nói riêng[7]

Vi những gì chúng ta đang thấy xảy ra trên thế giới hôm nay, chúng ta không thể chọn tư thế tự vệ, hay co cụm mình lại, nhưng phải khôn ngoan, tỉnh táo để đọc ra “những dấu chỉ thời đại[8], biết phân tích và tìm ra những phương thế mới, những hướng đi mới giúp Giáo Hội thực thi sứ mạng của mình cách hiệu quả hơn.

GHXHCG cho chúng ta hiểu rõ hơn, Giáo Hội là một tổ chức hữu hình, hiện diện trong một thế giới, một xã hội cụ thể. Giáo Hội không thể ở bên ngoài thế giới, tách rời khỏi xã hội. Giáo Hội không thể có thái độ khoanh tay vô cảm, bàng quan trước những vấn đề chính trị, xã hội và con người, nhất là những vấn đề về công lý, nhân quyền và tự do tôn giáo. Giáo Hội có sứ mạng đấu tranh, cổ võ cho những giá trị này theo tinh thần của Phúc Âm. Khi làm như thế, Giáo Hội đang thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình[9].

Tuy nhiên, GHXHCG không bao giờ đồng hóa với bất cứ một chế độ kinh tế, chính trị, xã hội, triết học hay một nền văn hóa nào[10]. Càng không phải là giải pháp hay con đường thứ ba giữa Chủ Nghĩa Cộng Sản và Chủ Nghĩa Tư Bản. Vai trò của GHXHCG, dưới ánh sáng của Tin Mừng, là lượng định giá trị đạo đức của các sinh hoạt xã hội và đề nghị những nguyên tắc chỉ đạo phù hợp với phẩm giá con người, tôn trọng công thiện công ích và biết đặt ưu tiên cho những người nghèo khổ. Giáo Hội hiện diện trong thế gian như là men, là muối, là ánh sáng cho thế gian nhưng không thuộc về thế gian[11]. GHXHCG mang tính thực hành . Nó không mang tính lý thuyết quy ngã, mà là lời mời gọi dấn thân và phương pháp để trả lời cho nhu cầu hiện thực của mỗi giai đoạn lịch sử.

 Chúng ta là người Công giáo nói chung và người Công Giáo Việt Nam nói riêng, được kêu gọi để đưa bàn tay chữa lành của Chúa Kitô cho những người có nhu cầu, như những tiếng nói can đảm của vị Ngôn sứ mang thông điệp Tin Mừng tình yêu, công lý và hòa bình đến cho cuộc sống, hầu mong xây dựng xã hội ngày càng thắm đượm tình yêu Giêsu hơn.

 

[1] Từ đây “Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo” sẽ viết tắt GHXHCG.

[2] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, Laborem Exercens, s.3.

[3] Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, Mater et Magistra.1961.

[4] Ecclesia in Asia, số 32.

[5] Gioan Phaolô 2, Sollicitudo rei socialis, 41. (SRS.,41).

[6] Gioan Phaolô 2, Centesimus Annus, số 56.

[7] Xem Nguyễn Thái Hợp, Giáo huấn Xã hội Công Giáo, sơ thảo cho sinh viên, 2005; H. Carrier, Một cái nhìn mới về Học thuyết xã hội Công giáo, Định Hướng, 1999; Hội đồng Giáo Hoàng “Công lý và Hoà bình”, Nhân quyền và Giáo hội, Định Hướng, 1999; Nguyễn Hồng Giáo, Giáo huấn xã hội của Giáo hội, (một hợp tuyển các văn kiện của huấn quyền), 2001; Nguyễn Tri Sử, Học thuyết xã hội Công Giáo, Chân Lý, Houston,1991; J. Hưffner, La dottrina sociale cristina, San Paolo, 1987; Alfonso A. Cuadron (dir.), Manual de doctrina social de la Iglesia, Madrid, 1993; E. Combi & E. Monti, Fede cristiana & Agire sociale, Milano, 1993; J.-Y. Calvez, L’économie, l’homme, la societé. L’enseignement social de l’Eglise, Paris, 1989; A.F. Utz, Doctrine Sociale de l’Eglise à travers les siècles, 4 vol. , Paris, 1970; F. Fuente, Doctrina social de la Iglesia, Madrid, 1990; E.P. DeBerri & James E. Hug, Catholic Social Teaching, Quezon City, Philippines, 2005 ; Conseil Pontifical Justice et Paix, Compendium de la doctrine sociale de l’Eglise, Vatican, 2005.

[8] Gaudium et spes, số. 4

[9] Gioan Phaolô II, Sollicitudo Rei Socialis, s. 41.

[10] “Giáo Hội không đề nghị một triết học riêng cho mình, cũng không thần thánh hóa một triết học nào đặc biệt để gây thiệt thòi cho những triết học khác” ( Fides et Ratio, số 49).

[11] Hiến Chế Lumen gentium và Gaudium et Spes

114.864864865135.135135135250