Trong Sứ điệp cho Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao Tuổi lần IV, sẽ diễn ra vào ngày 28/7/2024, đứng trước một thế giới cá nhân chủ nghĩa tìm cách gạt bỏ người già, Đức Phanxicô mời gọi đừng bỏ rơi họ và có can đảm như bà Rút « hình dung một tương lai khác cho người cao tuổi », vốn là « dấu hiệu của sự chúc lành » của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha kêu gọi : « Vào Ngày Thế giới lần thứ IV được dành riêng cho họ này, chúng ta đừng tước đi sự dịu dàng của mình đối với ông bà và người cao tuổi trong gia đình chúng ta, chúng ta hãy đến thăm những người đang chán nản và không còn hy vọng rằng một tương lai khác là khả thi. Trước thái độ ích kỷ dẫn đến sự gạt bỏ và cô đơn, chúng ta hãy đối lại bằng trái tim rộng mở và khuôn mặt vui tươi của người có can đảm nói rằng “tôi sẽ không bỏ rơi bạn!” và đi một con đường khác. »
Dưới đây là Sứ điệp của Đức Thánh Cha, được công bố vào ngày 14/5/2024 :
“Xin đừng bỏ rơi con lúc tuổi đà xế bóng” (x. Tv 71, 9)
Anh chị em thân mến !
Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con cái của mình. Ngay cả khi tuổi tác ngày càng cao và sức lực suy giảm, khi tóc bạc đi và các vai trò xã hội biến mất, khi cuộc sống trở nên ít hiệu quả hơn và có nguy cơ tỏ ra vô dụng. Ngài không nhìn vào vẻ bề ngoài (1 Sm 16, 7) và không ngần ngại chọn những người mà trong mắt nhiều người có vẻ tầm thường. Ngài không gạt bỏ hòn đá nào. Ngược lại, những hòn đá “lâu đời” nhất là nền tảng vững chắc để những hòn đá “mới” có thể dựa vào và cùng nhau xây dựng nên tòa nhà thiêng liêng (x. 1Pr 2,5).
Toàn bộ Thánh Kinh là một câu chuyện về tình yêu trung tín của Chúa, từ đó nảy sinh ra một xác tín đầy an ủi: Thiên Chúa luôn tiếp tục cho chúng ta thấy lòng thương xót của Ngài trong mọi giai đoạn của cuộc sống và trong bất kỳ hoàn cảnh nào của chúng ta, ngay cả khi chúng ta phản bội. Các Thánh vịnh chứa đầy sự ngạc nhiên thán phục của tâm hồn con người trước Thiên Chúa, Đấng luôn quan tâm đến chúng ta, bất chấp sự nhỏ bé của chúng ta (x. Tv 143, 3-4). Chúng bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa đã dệt nên tất cả chúng ta từ trong lòng mẹ (x. Tv 138:13) và Ngài sẽ không bỏ rơi mạng sống của chúng ta (x. Tv 15,10), ngay cả trong âm phủ. Do đó, chúng ta có thể chắc chắn rằng, ngay cả trong tuổi già, Ngài sẽ ở gần chúng ta, đặc biệt vì trong Thánh Kinh, tuổi già là dấu hiệu của sự chúc lành.
Tuy nhiên, chúng ta cũng tìm thấy trong các Thánh vịnh lời cầu khẩn xin khẩn thiết này lên Chúa: “Xin đừng bỏ rơi con lúc tuổi đà xế bóng” (Tv 71, 9). Một diễn tả mạnh mẽ, rất mộc mạc. Nó khiến nghĩ đến nỗi đau khổ cùng cực của Chúa Giêsu, Đấng đã kêu lên trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? » (Mt 27, 46).
Do đó, chúng ta tìm thấy trong Thánh Kinh sự chắc chắn về sự gần gũi của Thiên Chúa trong mọi giai đoạn của cuộc sống và, đồng thời, nỗi sợ bị bỏ rơi, đặc biệt trong tuổi già và những lúc đau khổ. Điều này không mâu thuẫn. Nhìn xung quanh mình, chúng ta không gặp khó khăn gì khi thấy những diễn tả này phản ánh một thực tại rõ ràng hơn như thế nào. Rất thường, sự cô đơn là người bạn đồng hành cay đắng của cuộc đời chúng ta, là những người cao tuổi và ông bà. Với tư cách là Giám mục của Buenos Aires, tôi thường đến thăm các viện dưỡng lão và nhận ra rằng những người này hiếm khi nhận được các cuộc viếng thăm: một số đã không gặp người thân của họ trong nhiều tháng.
Nguyên nhân của sự cô đơn này có rất nhiều. Ở nhiều nước, đặc biệt là những nước nghèo nhất, người già bị bỏ lại một mình vì con cái buộc phải di cư. Hoặc tôi cũng nghĩ đến nhiều hoàn cảnh xung đột: biết bao người già cô đơn vì những người đàn ông – thanh niên và người lớn – bị kêu gọi đi chiến đấu và phụ nữ, đặc biệt là các bà mẹ có con nhỏ, phải rời quê hương để đưa con cái họ đến nơi an toàn. Tại các thành phố và làng mạc bị chiến tranh tàn phá, nhiều người già và cao tuổi vẫn cô đơn, dấu hiệu duy nhất của sự sống ở những nơi mà sự bỏ rơi và cái chết ngự trị. Ở những nơi khác trên thế giới, có một niềm tin sai lầm, bắt nguồn sâu xa từ một số nền văn hóa địa phương, tạo ra thái độ thù địch đối với những người già bị nghi ngờ dùng đến phép thuật phù thủy để lấy đi năng lượng sống của những người trẻ tuổi. Đây là lý do tại sao, trong trường hợp chết yểu, bệnh tật hoặc số phận không may xảy đến với một người trẻ, lỗi được đổ lên đầu người già. Não trạng này phải được chống lại và loại bỏ. Nó là một trong những thành kiến vô căn cứ mà đức tin Kitô giáo đã giải phóng chúng ta, nó gây ra xung đột thế hệ giữa người trẻ và người già.
Nếu chúng ta suy nghĩ kỹ, thì lời buộc tội người già “đánh cắp tương lai của giới trẻ” ngày nay đang rất hiện diện ở khắp mọi nơi. Nó cũng được tìm thấy, dưới các hình thức khác, trong các xã hội tiên tiến và hiện đại nhất. Chẳng hạn, niềm tin rằng người già tạo gánh nặng cho người trẻ với chi phí hỗ trợ mà họ cần hiện đã trở nên phổ biến, như thế lấy đi nguồn lực từ sự phát triển của đất nước và do đó rút từ giới trẻ. Đây là một nhận thức sai lệch về thực tế. Như thể sự sống còn của người già gây nguy hiểm cho sự sống còn của người trẻ; như thể muốn ưu ái người trẻ thì phải bỏ bê người già hoặc thậm chí loại bỏ họ. Việc đối lập giữa các thế hệ là sự lừa dối và là trái độc của nền văn hóa đối đầu. Đẩy người trẻ chống lại người già là một sự thao túng không thể chấp nhận được: “Điều quan hệ là sự thống nhất giữa các lứa tuổi của cuộc sống: nghĩa là điểm quy chiếu thực sự cho sự hiểu biết và đánh giá cao sự sống con người một cách toàn diện” (Bài Giáo lý, ngày 23 tháng 2 năm 2022).
Thánh vịnh được trích dẫn ở trên – trong đó chúng ta cầu xin đừng bị bỏ rơi khi về già – nói về một âm mưu đang siết chặt xung quanh cuộc sống của người già. Những lời này có vẻ quá đáng, nhưng chúng ta hiểu chúng nếu chúng ta coi rằng sự cô đơn và bị ruồng bỏ của người cao tuổi không phải là ngẫu nhiên hay không thể tránh khỏi, nhưng là kết quả của những lựa chọn – chính trị, kinh tế, xã hội và cá nhân – vốn không nhìn nhận phẩm giá vô hạn của mỗi người, “trong mọi hoàn cảnh và trong bất kỳ trạng thái hay tình huống nào của họ” (Tuyên ngôn Dignitas infinita, số 1). Điều này xảy ra khi chúng ta mất đi ý thức về giá trị của mỗi người và con người chỉ trở thành thứ chi phí, quá cao để trả trong một số trường hợp. Điều tồi tệ nhất là, thông thường chính những người lớn tuổi lại rơi vào ảnh hưởng của não trạng này và đi đến chỗ coi mình như một gánh nặng, muốn tự mình lụi tàn đi.
Mặt khác, ngày nay có rất nhiều người nữ và người nam tìm kiếm sự triển nở bản thân trong một cuộc sống tự trị và độc lập với người khác hết sức có thể. Các tư cách thành viên chung đang khủng hoảng và tính cá nhân đang được khẳng định; sự chuyển từ “chúng tôi” sang “tôi” dường như là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của thời đại chúng ta. Gia đình, vốn là thách thức đầu tiên và triệt để nhất đối với ý tưởng cho rằng người ta có thể tự cứu một mình, là một trong những nạn nhân của nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa này. Nhưng khi chúng ta già đi, khi sức lực của chúng ta ngày càng suy giảm, ảo ảnh về chủ nghĩa cá nhân, ảo tưởng về việc không cần ai và có thể sống mà không cần mối liên hệ nào lộ rõ bản chất của nó. Trái lại, chúng ta thấy mình cần mọi thứ, nhưng giờ đây lại cô đơn, không có sự giúp đỡ, không có ai để trông cậy. Đó là một khám phá đáng buồn mà nhiều người nhận ra khi đã quá muộn.
Sự cô đơn và bị gạt bỏ đã trở thành những yếu tố tái diễn trong bối cảnh mà chúng ta đang đắm chìm. Chúng có nhiều nguồn gốc: trong một số trường hợp, chúng là kết quả của sự loại trừ được lập trình, một loại “âm mưu xã hội” đáng buồn. Trong những trường hợp khác, thật không may đó là một quyết định cá nhân. Trong những trường hợp khác nữa, người ta chịu đựng chúng bằng cách cho rằng rằng đó là một lựa chọn tự trị. “Chúng ta đã mất đi sự yêu thích tình huynh đệ” (Thông điệp Fratelli tutti, số 33) và chúng ta càng ngày càng thấy khó hình dung ra một điều gì đó khác biệt.
Chúng ta có thể nhận thấy nơi nhiều người cao tuổi cảm giác cam chịu này mà sách Rút nói đến khi kể về việc bà Noémi, già đi, sau cái chết của chồng và các con, đã mời hai con dâu là Orpa và Rút, trở về quê hương (x. R 1, 8). Noémi – giống như rất nhiều người già ngày nay – sợ bị bỏ lại một mình, nhưng bà không thể hình dung được điều gì khác. Bà ý thức được rằng, là một góa phụ, bà không mấy quan trọng trong mắt xã hội và bà tin rằng mình sẽ trở thành gánh nặng cho hai người trẻ này, những người, trái với bà, còn cả cuộc đời phía trước. Đây là lý do tại sao bà nghĩ rằng tốt hơn nên rút lui và chính bà cũng mời gọi các cô con dâu trẻ rời bỏ bà để xây dựng tương lai của họ ở những nơi khác (x. R 1, 11-13). Lời nói của bà là sự cô đọng của các quy ước xã hội và tôn giáo dường như không thể thay đổi và đánh dấu số phận của bà.
Vào lúc này, câu chuyện Thánh Kinh trình bày cho chúng ta hai lựa chọn khác nhau trước lời mời gọi của sách Rút và do đó đối mặt với tuổi già. Một trong hai cô con dâu, Orpa, người cũng yêu mến Noémi, ôm hôn bà một cách trìu mến nhưng chấp nhận điều mà đối với cô dường như là giải pháp khả thi duy nhất, và cô rời đi. Trái lại, Rút không rời xa bà Noémi và nói với bà ấy bằng những lời đáng ngạc nhiên: “Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ” (R 1, 16). Cô không ngại thách thức những phong tục và tình cảm chung, cô cảm thấy rằng người phụ nữ lớn tuổi này cần cô và với lòng can đảm, cô đã ở bên cạnh bà trong chặng đường khởi đầu của một cuộc hành trình mới cho cả hai người. Rút dạy chúng ta, những người đã quen với ý tưởng rằng sự cô độc là một định mệnh không thể tránh khỏi, rằng trước lời cầu xin “đừng bỏ rơi tôi!” có thể đáp lại “tôi sẽ không bỏ rơi bạn!”. Cô không ngần ngại lật đổ một thực tế tưởng chừng như không thể thay đổi: sống một mình không thể là giải pháp duy nhất! Không phải ngẫu nhiên mà Rút – người vẫn gần gũi với bà Naomi – là tổ tiên của Đấng Mêsia (x. Mt 1, 5), của Chúa Giêsu, Đấng Emmanuel, Đấng là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, Đấng mang lại sự gần gũi của Thiên Chúa với mọi người, mọi hoàn cảnh, mọi lứa tuổi.
Sự tự do và lòng can đảm của Rút mời gọi chúng ta bước đi trên một con đường mới: chúng ta hãy theo bước chân cô, chúng ta hãy lên đường cùng với người phụ nữ trẻ ngoại quốc này và với cụ bà Noémi, chúng ta đừng ngại thay đổi thói quen và hình dung một tương lai khác cho người cao tuổi của chúng ta. Chúng ta biết ơn tất cả những người, bất chấp nhiều hy sinh, đã noi gương Rút và chăm sóc một người già hay đơn giản thể hiện sự gần gũi hằng ngày của họ với cha mẹ hoặc người quen thân không còn ai nữa. Rút chọn ở gần Noémi và đã được chúc lành: có hôn nhân hạnh phúc, có con cháu, có đất đai. Điều này luôn có giá trị cho tất cả mọi người: bằng cách gần gũi với người cao tuổi, bằng việc nhìn nhận vai trò không thể thay thế của họ trong gia đình, trong xã hội và trong Giáo hội, chúng ta cũng sẽ nhận được nhiều quà tặng, nhiều ân sủng, nhiều phúc lành!
Vào Ngày Thế giới lần thứ IV được dành riêng cho họ này, chúng ta đừng tước đi sự dịu dàng của mình đối với ông bà và người cao tuổi trong gia đình chúng ta, chúng ta hãy đến thăm những người đang chán nản và không còn hy vọng rằng một tương lai khác là khả thi. Trước thái độ ích kỷ dẫn đến sự gạt bỏ và cô đơn, chúng ta hãy đối lại bằng trái tim rộng mở và khuôn mặt vui tươi của người có can đảm nói rằng “tôi sẽ không bỏ rơi bạn!” và đi một con đường khác.
Quý ông bà và người cao tuổi rất thân mến, ước mong phép lành của tôi, kèm theo lời cầu nguyện, đến với tất cả mọi người, và với tất cả những người thân yêu với anh chị em. Và anh chị em cũng vậy, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.
Rôma, Đền thờ thánh Gioan Latêranô, ngày 25 tháng 4 năm 2024
PHANXICÔ
————————————
Tý Linh chuyển ngữ (nguồn: vatican.va)
Nguồn: https://xuanbichvietnam.net/