Nhân Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 32 diễn ra vào ngày 11 tháng 2 năm 2024, Đức Phanxicô nhắc lại tầm quan trọng của sự đồng hành và sự dịu dàng đối với người bệnh. Phê bình nền văn hóa chủ nghĩa cá nhân, thờ ơ và vứt bỏ những con người mong manh đang lan rộng trong xã hội chúng ta, sứ điệp của Đức Phanxicô dựa trên đoạn trích từ sách Sáng thế ký: “Con người ở một mình thì không tốt”
.
Dưới đây là sứ điệp của Đức Thánh Cha, được công bố ngày 13/1/2024 :
« Con người ở một mình thì không tốt ».
Chăm sóc bệnh nhân bằng cách chăm sóc các mối tương quan
“Con người ở một mình thì không tốt” (St 2,18). Ngay từ đầu, Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, đã tạo dựng con người để hiệp thông, bằng cách ghi khắc nơi hữu thể của nó chiều kích của các mối tương quan. Vì thế, cuộc sống của chúng ta, được khuôn đúc theo hình ảnh Ba Ngôi, được mời gọi thể hiện một cách trọn vẹn trong tính năng động của các mối tương quan, của tình bạn và tình yêu hỗ tương. Chúng ta được tạo dựng để ở cùng nhau chứ không phải đơn độc. Và chính vì kế hoạch hiệp thông này đã được khắc sâu vào tâm hồn con người đến nỗi kinh nghiệm về việc bị bỏ rơi và cô đơn làm chúng ta sợ hãi và là điều đau đớn, thậm chí vô nhân đạo. Kinh nghiệm này thậm chí còn hơn thế nữa trong những khoảnh khắc mong manh, bất ổn và bất an, thường do sự xuất hiện của một căn bệnh hiểm nghèo gây nên.
Chẳng hạn, tôi nghĩ đến những người thấy mình cô đơn khủng khiếp trong đại dịch Covid-19: những bệnh nhân không thể nhận được các cuộc thăm viếng, cũng như các y tá, bác sĩ và nhân viên hỗ trợ, tất cả đều làm bù đầu và bị nhốt trong phòng cách ly. Và tất nhiên, chúng ta không quên những người phải đối mặt với giờ chết một mình, được các nhân viên y tế chăm sóc nhưng phải xa gia đình.
Đồng thời, tôi đau đớn chia sẻ nỗi đau khổ và cô đơn của những người, vì chiến tranh và những hậu quả bi thảm của nó, thấy mình không có sự hỗ trợ hay giúp đỡ: chiến tranh là căn bệnh xã hội khủng khiếp nhất và những con người yếu đuối nhất phải trả giá cao nhất.
Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng ngay cả ở những đất nước được hưởng hòa bình và nguồn lực to lớn hơn, tuổi già và bệnh tật thường được sống trong sự cô đơn và đôi khi thậm chí bị bỏ rơi. Thực tế đáng buồn này trước hết là hậu quả của nền văn hóa chủ nghĩa cá nhân, vốn tán dương hiệu suất bằng mọi giá và nuôi dưỡng huyền thoại về tính hiệu quả, trở nên thờ ơ và thậm chí tàn nhẫn khi con người không còn đủ sức mạnh cần thiết để theo kịp nhịp độ. Lúc đó, nó trở thành một nền văn hóa chối bỏ, trong đó “con người không còn được coi là giá trị cơ bản cần được tôn trọng và bảo vệ, đặc biệt là những người nghèo hoặc khuyết tật, nếu họ “chưa phục vụ” – như những đứa trẻ sắp sinh ra. –, hay “không còn phục vụ nữa” – như người già” (Thông điệp Fratelli tutti, số 18). Thật không may, lôgic này cũng thấm vào một số lựa chọn chính trị, vốn không đặt phẩm giá con người và các nhu cầu của họ làm trung tâm, và không luôn ủng hộ các chiến lược và nguồn lực cần thiết để bảo đảm cho mỗi con người có quyền cơ bản về sức khỏe và tiếp cận chăm sóc. Đồng thời, việc bỏ rơi những người yếu đuối và sự cô đơn của họ cũng được tạo điều kiện thuận lợi bằng việc giảm thiểu dịch vụ chăm sóc thành các dịch vụ y tế, mà các dịch vụ y tế này không được đi kèm một cách đúng đắn một “liên minh trị liệu” giữa bác sĩ, bệnh nhân và thành viên của gia đình.
Thật tốt cho chúng ta khi được nghe lại lời Thánh Kinh này: con người ở một mình thì không tốt! Thiên Chúa tuyên bố điều đó ngay từ lúc bắt đầu công trình tạo dựng và do đó mạc khải cho chúng ta ý nghĩa sâu xa kế hoạch của Ngài dành cho nhân loại, nhưng đồng thời, vết thương chết chóc của tội lỗi, vốn len lỏi vào bằng cách tạo ra những nghi ngờ, rạn nứt, chia rẽ và do đó, cô lập. Nó ảnh hưởng đến con người trong mọi mối quan hệ của họ: với Thiên Chúa, với chính mình, với người khác, với công trình tạo dựng. Sự cô lập này khiến chúng ta mất đi ý nghĩa của cuộc sống, tước đi niềm vui của tình yêu và khiến chúng ta trải qua cảm giác cô đơn ngột ngạt trong mọi chặng đường quan trọng của cuộc đời.
Thưa anh chị em, sự chăm sóc đầu tiên chúng ta cần khi bệnh tật là sự gần gũi đầy trắc ẩn và dịu dàng. Do đó, chăm sóc người bệnh trước hết có nghĩa là chăm sóc các mối tương quan của họ, tất cả các mối tương quan của họ: với Thiên Chúa, với người khác – gia đình, bạn bè, những người chăm sóc –, với công trình tạo dựng, với chính mình. Có thể được không? Vâng, điều đó là có thể và tất cả chúng ta đều được kêu gọi dấn thân để điều đó thành hiện thực. Chúng ta hãy nhìn vào hình ảnh Người Samaritanô nhân hậu (x. Lc 10, 25-37), khả năng làm chậm lại nhịp sống của mình và trở nên gần gũi, sự dịu dàng khi Người xoa dịu vết thương cho người anh em đang đau khổ của mình.
Chúng ta hãy nhớ chân lý trung tâm này của cuộc đời chúng ta: chúng ta đến thế gian vì có ai đó đã chào đón chúng ta, chúng ta được tạo dựng cho tình yêu, chúng ta được mời gọi hiệp thông và huynh đệ. Chiều kích này của con người chúng ta đặc biệt hỗ trợ chúng ta trong những thời điểm bệnh tật và mong manh, và đó là liệu pháp đầu tiên mà tất cả chúng ta phải cùng nhau áp dụng để chữa lành những căn bệnh của xã hội nơi chúng ta đang sống.
Đối với anh chị em đang trải qua bệnh tật, dù tạm thời hay mãn tính, tôi muốn nói: đừng xấu hổ vì ước muốn gần gũi và dịu dàng của mình! Đừng che giấu điều đó và đừng bao giờ nghĩ rằng anh chị em là gánh nặng cho người khác. Tình trạng của người bệnh mời gọi tất cả chúng ta hãy làm chậm lại nhịp độ đang gia tăng mà chúng ta đang đắm chìm và khám phá lại chính mình.
Trong sự thay đổi thời đại mà chúng ta đang trải qua này, các Kitô hữu chúng ta được mời gọi đặc biệt đón nhận cái nhìn đầy trắc ẩn của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy quan tâm đến những người đau khổ và những người cô đơn, có lẽ bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị ruồng bỏ. Với tình yêu hỗ tương, mà Chúa Kitô ban cho chúng ta trong lời cầu nguyện, đặc biệt là trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta hãy chữa lành những vết thương của sự cô đơn và cô lập. Và như thế, chúng ta hãy hợp tác để chống lại nền văn hóa của chủ nghĩa cá nhân, của sự thờ ơ, vứt bỏ, và để phát triển nền văn hóa dịu dàng và trắc ẩn.
Người bệnh, người mong manh, người nghèo nằm ở trung tâm của Giáo hội và cũng phải là trung tâm của sự chú ý của con người và các mối quan tâm mục vụ của chúng ta. Chúng ta đừng quên điều đó! Và chúng ta hãy phó thác mình cho Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh, sức khỏe của các bệnh nhân, để Mẹ cầu bầu cho chúng ta và giúp chúng ta trở thành những người kiến tạo sự gần gũi và các mối tương quan huynh đệ.
Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 10 tháng 1 năm 2024
PHANXICÔ
———————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)