02/01/2021 -

Nền tảng và lược sử

1169
Bài chia sẻ của BTTQ ngày truyền thống của Dòng năm 2021
Tâm tình chia sẻ với chị em trong Hội dòng
Mừng ngày thành lập Dòng, 01 tháng 01 năm 2021

Kính thưa Ngoại, Quý Dì cao niên, quý Chị thành viên Hội đồng Hội dòng, Ban Tổng Cố vấn, Quý Bề trên, quý Chị Trưởng, Quý Chị Giáo và toàn thể chị em rất thương mến.

Hôm nay là ngày vui đối với Hội dòng chúng ta, vì cách đây 48 năm Hội dòng được sinh ra, được đặt tên, được viết tên trong trang sử của Mẹ Hội Thánh. Chính vì vậy chị em chúng ta vẫn dùng một từ thân quen đó là “mừng ngày truyền thống của Dòng”, ngày “họp mặt gia đình Dòng”, ngày chị em trở về từ khắp các cộng đoàn xa gần, quy tụ bên nhau với mọi thành phần, và hơn nữa, trở về bên Chúa để chung lời “Laudare, benedicere, praedicare - NGỢI CA, CHÚC TỤNG, và (Thuyết giảng) LOAN BÁO TIN MỪNG”.

Thật ý nghĩa khi ngày sinh của Hội dòng trùng với ngày Lễ kính Mẹ Thiên Chúa – Bổn mạng của TV Trung ương Dòng, ngày đầu năm mới Dương lịch, ngày cầu cho hòa bình thế giới, và năm nay cũng là năm đặc biệt Kính Thánh Giuse – Bổn mạng Giáo Hội. Cách riêng với gia đình Đa Minh thế giới, chúng ta hân hoan mừng năm Thánh 800 năm ngày sinh nhật trên trời của Cha Thánh Đa Minh với chủ đề “Đồng bàn với Cha Thánh Đa Minh”.

Quả thực đây là một sự trùng hợp giúp suy tư và tự vấn xem Chúa muốn nói với chúng ta điều gì trong năm mới này. Kính mời quý chị em cùng với em hành hương về ngôi nhà của Thánh Gia, thăm viếng gia đình Thánh Gia với hai từ “VỀ NHÀ”. Bước vào gia đình Thánh này, ta cùng chiêm ngắm:

Phần I: NGÔI NHÀ THÁNH GIA


1. Đức Maria – Người loan báo tin vui của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxico gọi Đức Maria là “Căn nguyên Niềm vui của chúng ta”. Không có Kitô hữu buồn, không có tu sĩ buồn. Bí quyết của niềm vui là “sự gần gũi thân mật với Đức Giêsu”.  Với hướng đi của Tổng Hội XI, chúng ta chọn lựa thái độ và tâm tình sống của toàn dòng: “ở với Chúa” để được canh tân bản thân, nghĩa là để cho Chúa biến đổi, cải hóa thành những người sống, gieo rắc và loan báo Tin Vui của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxico nhắc: “Chúa càng gần chúng ta, chúng ta càng cảm thấy vui mừng; càng xa Ngài, chúng ta càng thấy buồn. Đây là nguyên tắc cho các Kitô hữu. Ngài cảnh báo, không được phép lãng quên việc chuyển tải niềm vui này để rồi mang lấy một “bộ mặt đưa đám, bộ mặt u sầu”. Mà làm sao chúng ta lại có thể buồn bã? “Chúa Kitô đã sống lại! Chúa yêu bạn mà bạn lại không vui mừng sao? Chúng ta cùng suy nghĩ về điều này và tự hỏi: “Tôi có vui mừng vì Chúa ở gần bên tôi, vì Chúa yêu tôi, vì Chúa đã cứu chuộc tôi không?”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Niềm vui phải là đặc tính của đức tin chúng ta. Và trong lúc tăm tối, niềm vui ở sâu thẳm bên trong khi biết rằng Chúa ở cùng tôi, Chúa ở cùng chúng ta, Chúa đã Phục sinh. Chính Chúa! Đây là trung tâm cuộc sống và là trung tâm niềm vui của chúng ta". Hãy suy cho kỹ: Tôi phải cư xử thế nào? Tôi có phải là một người vui vẻ, biết cách lan truyền niềm vui được là Kitô hữu, hay tôi luôn giống những người buồn bã, như tôi đã nói ở trên, giống như người thức canh đám ma? Nếu tôi không có niềm vui của đức tin, tôi không thể là chứng nhân và những người khác sẽ nói: “Nếu đức tin mà buồn bã như thế thì tốt hơn là đừng có nó”. Và sau cùng ngài kết luận: “Chúng ta thấy tất cả những điều này được thực hiện trọn vẹn nơi Đức Trinh Nữ Maria: Mẹ âm thầm chờ đợi Lời cứu độ của Thiên Chúa; Mẹ chào đón, Mẹ lắng nghe, Mẹ cưu mang Lời. Trong Mẹ, Chúa trở nên gần gũi. Đây là lý do tại sao Giáo hội gọi Đức Maria là “Căn nguyên niềm vui của chúng ta”.

 
2. Thánh Giuse-gương mẫu mọi gia đình

Tông thư PATRIS CORDE của Đức Thánh Cha Phanxico, nhân kỷ niệm 150 năm tôn vinh Thánh Giuse là bổn mạng Hội Thánh, đã nêu nhiều phẩm chất và gương sáng: Thánh Giuse đã đặt mình “phục vụ toàn bộ kế hoạch cứu rỗi” và nói như Thánh Phaolo VI: “Thánh Giuse đã biến cuộc đời mình thành của lễ hy sinh phục vụ mầu nhiệm nhập thể cùng với sứ vụ cứu thế. Thánh Giuse dùng quyền hạn hợp pháp của mình đối với Thánh Gia để cống hiến hết mình cho gia đình Thánh trong cuộc sống và công việc của mình.”

Ngài còn được gọi là (1) Một người Cha yêu thương; (2) người Cha dịu dàng và yêu thương; (3) Một người Cha vâng phục; (4) Một người Cha chấp nhận; (5) Một người Cha có lòng can đảm đầy sáng tạo; (6) Một người Cha làm việc; (7) Một người Cha trong bóng tối hay trong âm thầm.

Thật vậy, trong tông thư Patris Corde, Đức Thánh Cha chia sẻ: “sự cao thượng của tâm hồn Thánh Giuse là ở chỗ những gì ngài học được từ lề luật thì ngài đã sống theo tình bác ái […] Mặc dù không hiểu rõ mọi chuyện, nhưng ngài vẫn quyết định bảo vệ danh thơm tiếng tốt, phẩm giá và cuộc sống của Mẹ Maria. Khi ngài còn do dự không biết nên làm gì, Thiên Chúa đã soi sáng để giúp Ngài quyết định”.

Trong cuộc sống, vẫn có những điều xảy ra mà chúng ta không hiểu được ý nghĩa. Phản ứng đầu tiên của chúng ta thường là thất vọng và nổi loạn. Thánh Giuse đã gạt bỏ ý riêng của mình để chấp nhận các sự kiện xảy đến và, dù các sự kiện ấy xem ra gây hoang mang, ngài vẫn đón nhận, nhận trách nhiệm và biến chúng thành một phần lịch sử của chính mình. Nếu chúng ta không hòa hợp với lịch sử của chính mình, chúng ta sẽ không thể đi tiếp, vì chúng ta sẽ luôn là con tin cho những kỳ vọng và những thất vọng theo sau.

Con đường thiêng liêng mà Thánh Giuse vạch ra cho chúng ta không phải là con đường giải thích, mà là con đường chấp nhận. Chỉ khi nào biết chấp nhận và giao hoà như thế, chúng ta mới có thể bắt đầu nhìn thấy một lịch sử bao quát hơn, một ý nghĩa sâu sắc hơn. Dường như chúng ta nghe vọng lại câu trả lời thật sâu sắc của ông Gióp với người vợ, bà đã xúi giục ông phản kháng vì những điều ác mà ông phải gánh chịu: “Chúng ta nhận được điều tốt từ tay Thiên Chúa, sao chúng ta lại không nhận điều bất hạnh?” (G 2,10). Chắc chắn Thánh Giuse không cam chịu một cách thụ động, nhưng chủ động một cách can đảm và vững vàng. Trong cuộc sống của chúng ta, việc chấp nhận và đón nhận có thể là một biểu hiện của ơn Sức Mạnh của Chúa Thánh Thần. Chỉ có Chúa mới có thể ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để chấp nhận cuộc sống như nó vốn thế, với tất cả những mâu thuẫn, nản lòng và thất vọng của nó.

Chúa Giêsu đến ở giữa chúng ta, đó là một ơn của Chúa Cha, giúp mỗi người chúng ta có thể hòa hợp với lịch sử cụ thể của đời mình, cả khi chúng ta không hiểu được hoàn toàn.

Chị em chúng ta cũng được mời gọi noi theo các phẩm tính của Thánh Giuse và xin Ngài trợ lực giúp ta trên hành trình theo Chúa mỗi ngày.

3.Thiên Chúa làm Người – Tình yêu nhiệm mầu

Tình yêu của Thiên Chúa làm người thật khó hiểu và hoàn toàn khác với suy nghĩ của con người: Làm sao Thiên Chúa lại trở nên nhỏ bé nghèo hèn sinh ra trong cảnh hang bò lừa giữa tiết lạnh trời đông? Làm sao Vị Cứu Tinh nhân loại lại làm con một người phụ nữ bình thường? Làm sao một Thiên Chúa thánh thiện tuyệt đối lại chọn làm bạn với người tội lỗi? Làm sao lại xin tha cho kẻ giết hại mình? Tất cả đều rất khó hiểu, và thậm chí là không thể với chúng ta, song lại là có thể và chỉ có thể nơi Con Một Thiên Chúa làm người.

Cuộc sống trần gian đầy những khúc mắc, những suy nghĩ, những toan tính và những lý giải mang tính con người. Điều này đã làm cho ta bị bế tắc và đóng kín cửa nhà, thậm chí xây nên những bức tường để có sự an toàn ảo. Tuy nhiên, Lời Chúa mời gọi chúng ta lên đường, ra đi và đụng chạm đến những thân phận khốn khổ nghèo hèn. Đức Thánh Cha Phanxico mời ta bước tới và dấn thân đến những “biên cương/vùng ngoại biên” mới. Vậy đâu là biên cương mới mà Chúa mời gọi trong thực trạng của mỗi người, của cộng đoàn, của Hội dòng hôm nay? Chúng ta được mời gọi trở nên những tu sĩ biết yêu thương và làm lan tỏa tình thương đó đến các vùng ngoại biên.

Phần II: NGÔI NHÀ CỦA HỘI DÒNG

1. Một ngôi nhà để về
Kính thưa quý chị em,

Bộ phim Việt Nam thu hút hàng triệu khán giả mang tựa đề “Về nhà đi con”. Câu chuyện xoay quanh 3 chị em gái Thu Huệ, Anh Thư, Ánh Dương, cả ba mồ côi mẹ từ nhỏ, mỗi người một tính cách, một lối sống: chị cả Thu Huệ dịu dàng, điềm đạm; cô hai Anh Thư xinh đẹp, sắc sảo, thực dụng; cô út Ánh Dương bộc trực, hoang dã, tính cách như một đứa con trai. Cả 3 chị em đều gặp phải những biến cố của riêng mình nhưng may mắn khi có chung một điểm tựa là ông Sơn - một người bố tận tuỵ, hết mực yêu thương các con. Sau nhiều biến cố, cuối cùng, cả 3 đều nhận ra hạnh phúc lớn nhất là có một người cha luôn sẵn sàng bao bọc và nói "Về nhà đi con" bất cứ khi nào họ cần một mái ấm...
           
Và hơn cả “Về nhà đi con”, em xin gửi đến quý chị em những lời tâm huyết của vị cha chung. Đức thánh Cha Phanxico khi nói chuyện với giới trẻ Việt nam, Ngài nhận định: “Trong văn hoá Việt Nam, cũng như trong những nền văn hoá Châu Á, có lẽ không có từ ngữ nào đẹp cho bằng chữ “nhà”. Chữ ấy gói ghém tất cả những gì là thân thương và quý giá nhất trong trái tim của một con người, bao gồm không chỉ gia đình, họ hàng thân thuộc, mà cả nơi chôn nhau cắt rốn, quê hương xứ sở. Dù đi bất cứ đâu, người ta cũng mang theo bên mình chữ “nhà”. Từ chữ “nhà” này đã sản sinh ra văn hoá của các con, vốn diễn tả truyền thống gia đình, cổ võ tình yêu thương dành cho những người thân cận, khuôn đúc nên nhân đức thảo kính cha mẹ, và nuôi dưỡng một sự kính trọng đặc biệt dành cho những bậc cao niên. Do vậy, “Hãy về nhà” nghĩa là một hành trình thúc đẩy các con trở về với cội nguồn của các con và đào sâu di sản văn hoá và truyền thống của các con. Những di sản ấy là những kho tàng quý giá của các con. Đừng bao giờ để mất kho tàng ấy.

Ngài mời gọi các bạn trẻ hãy về với ngôi nhà gia đình nơi mình sinh ra, với ngôi nhà tổ quốc, ngôi nhà Giáo hội. Chị em thân mến, chúng ta cũng được mời gọi để trở về nơi đây vào mỗi dịp đầu năm như hôm nay, lúc này, bây giờ; chị em còn được mời gọi để trở về với ngôi nhà, đó là nhà Dòng, nhà mẹ, nhà chung của hơn 300 chi em.

 
2. Một ngôi nhà để sống
Thưa quý chị em,
- Chúng ta cùng nhau trở về để chung lời tạ ơn, tạ ơn Thiên Chúa hằng yêu thương, hằng đợi chờ, mong ngóng, hằng ấp ủ và luôn mời gọi: “hỡi những ai đang vất cả mang gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. (Mt 11, 28).

Chúng ta cùng trở về để cảm ơn nhau, cảm ơn vì chúng ta có cơ hội xum họp, chia sẻ vui buồn, cảm thông thấu hiểu, và nhất là có cơ hội để quay về với chính ngôi nhà nội tâm của mình, để nhìn lại, để khiêm tốn, để xin ơn tha thứ, để được nạp lại những nguồn năng lương tích cực từ Thiên Chúa tình yêu ngang qua đặc sủng của Hội Dòng.

Chúng ta cùng nhau trở về để chung sống, để thuộc về nhau, về Hội dòng, và cùng nhau gìn giữ di sản mà Chúa đã trao phó cho từng người chúng ta.

Chúng ta cùng nhau trở về để mở lòng, để nới rộng con tim, để đón nhận những người chị em dù ở những độ tuổi khác nhau, nhưng có chung một khát vọng chung chia sứ mạng với chúng ta. Mở lòng không phải là lôi kéo, nhưng là nới rộng con tim bằng niềm tin sống động, bằng chứng tá tình yêu cụ thể nơi mỗi người mở lòng là nới rộng con tim vị tha, thành tín, trách nhiệm…hầu trổ sinh, làm nên sức sống và sự tươi mới của sứ mạng Loan báo Tin Mừng mà chúng ta được mời gọi mỗi ngày….
 
Một lần nữa, em xin gởi đến từng quý chị em, từng cộng đoàn một thao thức duy nhất của em, và em tin đó cũng là thao thức của mỗi người. Đó là Thông điệp mới nhất của đức Thánh Cha Phanxico: TẤT CẢ LÀ ANH CHỊ EM (FRATELLI TUTTI) khi nói về TÌNH MẾN ĐỆ HUYNH và TÌNH BẠN XÃ HỘI, ngài viết: “Trong thời đại chúng ta, tôi ước mong rằng chúng ta có thể đóng góp vào việc tái sinh lòng khát khao phổ quát về tình đệ huynh bằng cách thừa nhận phẩm giá của mỗi con người. Vì thế, chúng ta hãy cùng nhau mơ ước như một gia đình nhân loại đơn nhất, như những người bạn đồng hành cùng xác phàm, như những đứa con cùng chung địa cầu, là ngôi nhà chung của chúng ta, để mỗi chúng ta chia sẻ tính phong phú đa dạng của niềm tin cũng như tín ngưỡng riêng, với ngôn từ là giọng nói của mình, vì tất cả đều là anh chị em với nhau. Lòng yêu thương không quan tâm đến nơi xuất phát, nhưng ân cần chăm sóc anh chị em, nếu họ đang gặp khó khăn. Bởi lẽ “tình yêu phá tan xiềng xích mà nó vốn kiềm hãm chúng ta trong cô lập và cách biệt; ở nơi ấy, tình yêu xây nên chiếc cầu kết nối. Lòng bác ái giúp chúng ta kiến tạo một gia đình vĩ đại, mà trong đó, tất cả chúng ta cảm thấy thoải mái như ở nhà

 
3. Ngôi nhà: Một công trình
Ngôi nhà Hội dòng/ gia đình Dòng là công trình của Chúa Thánh Thần. Ngôi nhà được dựng xây bởi tình yêu thương quan phòng của Ba Ngôi Thiên Chúa qua sự chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa, của Thánh Nữ Rosa Lima – Bổn mạng Hội dòng và tất cả được Chúa thêu dệt nên ngang qua những hy sinh, công khó của các vị tiền nhiệm:  quý Bề trên, quý Dì cao niên, của biết bao bàn tay, khối óc, trái tim của chị em.

Ngôi nhà Hội dòng/ gia đình Dòng vẫn cần được chăm sóc mỗi ngày. Trong sứ điệp Ngày thế giới hòa bình năm 2021 được công bố ngày 17/12/2020, ĐTC Phanxico mời gọi chúng ta kiến tạo một nền “VĂN HÓA CHĂM SÓC” khi nói: “Nền Văn hóa Chăm Sóc mời gọi tất cả mọi người cùng hỗ trợ nhau dấn thân bảo vệ và nâng cao phẩm giá và công ích - sẵn sàng thể hiện sự quan tâm, lòng trắc ẩn, để hòa giải và hàn gắn, đồng thời nâng cao sự tôn trọng và chấp nhận nhau. Và như thế, nó biểu trưng cho một con đường đặc biệt dẫn đến hòa bình”. “Mong sao chúng ta không bao giờ khuất phục trước cám dỗ coi thường người khác, đặc biệt là những người túng thiếu nhất, rồi ngoảnh mặt làm ngơ. Thay vào đó, chúng ta có thể hằng ngày nỗ lực cách cụ thể và thiết thực, để hình thành một cộng đồng bao gồm các anh chị em biết đón nhận và chăm sóc lẫn nhau”.

Ngài nói thêm: “Các Kitô hữu tiên khởi đã chia sẻ những gì họ có, để không một ai trong số họ phải thiếu thốn. Họ cố gắng biến cộng đồng của họ trở thành một tổ ấm thân thiện, quan tâm đến mọi nhu cầu của con người và sẵn sàng chăm sóc những người túng thiếu nhất. Đã trở thành thông lệ, đó là việc tình nguyện dâng của lễ để nuôi người nghèo, chôn cất người chết, chăm sóc trẻ mồ côi, người già và nạn nhân của thảm họa như đắm tàu.”

Ngôi nhà Hội dòng/gia đình Dòng cần được duy trì và tạo điều kiện cho chị em được ngồi đồng bàn với nhau. Ngồi đồng bàn để chia sẻ, để cảm thông, để lắng nghe, để gặp gỡ, và để gần nhau hơn. Cha Bề trên cả Timoner III, OP., mời gọi chúng ta chiêm ngắm hình ảnh Cha Thánh Đa Minh và các anh em quây quần quanh chiếc bàn và ngài đã liên tưởng đến “chiếc bàn trong đời sống gia đình hôm nay và chúng ta hướng đến chiếc bàn lớn hơn đó chính là bàn Tiệc Cánh Chung sẽ dành cho chúng ta, nơi ấy những ai yêu mến cái đẹp, yêu quý chân lý, yêu mến sự tuyệt hảo … cũng sẽ được mời gọi tham dự bàn tiệc ấy.” 

Ước mong sao trong năm mới này, chị em chúng ta cùng hân hoan nắm tay nhau thật chặt, thật để cùng nhau bước đi trên con đường dâng hiến trong yêu thương, xây dựng, sẻ chia, từ đó xây đắp Hội Dòng ngày càng kiên vững bởi đó là con đường sẽ dẫn chúng ta đến vương quốc tình yêu là NƯỚC TRỜI MAI SAU.

Cầu chúc Chị em 

Nếm trải trọn vẹn diệu cảm Giêsu khi ở lại với Người.

Luôn dạt dào sự an yên khi tiếp xúc, tận hưởng nhiệm màu sự sống nơi con người, mỗi chúng ta khi chiêm ngắm HÀI NHI GIÊSU, MẸ MARIA và Thánh Giuse.

Luôn tràn trào sự an yên để cảm thấu nhiệm màu của sự sống qua từng nhịp thở của mỗi chúng ta khi chiêm ngắm HÀI NHI GIÊSU, MẸ MARIA và Thánh Giuse.

Luôn chan chứa sự an yên để tâm sáng suốt, trí rộng mở, và lòng ta vị tha, khi chiêm ngắm HÀI NHI GIÊSU, MẸ MARIA và Thánh Giuse thư thái, bình an giữa một thế giới mà từ lâu đã vắng bóng sự an yên.

 Để kết, em xin mượn lời của Graham Kings – Thần học gia người Anh như một lời nguyện cuối kết:

Lạy Chúa, khi đến với Chúa con tháo bỏ đôi giày : những tham vọng của con, con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con, con đóng lại bút viết : các quan điểm của con, con bỏ xuống chìa khóa : sự an toàn của con, để con được ở một mình với Ngài, lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.
Sau khi được ở với Ngài, con sẽ xỏ giày vào để đi theo đường của Chúa, con sẽ đeo đồng hồ để sống trong thời gian của Chúa, con sẽ đeo kính vào để nhìn thế giới của Chúa, con sẽ mở bút ra để viết những tư tưởng của Chúa, con sẽ cầm chìa khóa lên để mở những cánh cửa của Chúa.

Xin chân thành cám ơn quý chị em
Nữ tu Maria Phaolô Vũ Thị Ngọc Lan, OP


 
114.864864865135.135135135250