31/10/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1176
Ngày 01/11 Thánh Phê-rô An-ma-tô Bình

 Ngày 01/11

Thánh Phê-rô An-ma-tô Bình

              (PEDRO ALMATO  - BÌNH)
Linh mục dòng Đa Minh (1830 - 1861)
 
 I. Tiểu sử
 
Nếu cha mẹ có hay tin con bị bắt thì xin cha mẹ đừng khóc
 nhưng hãy vui mừng vì con được diễm phúc.
 
Thánh Almato - Bình sinh ngày 01-11-1830 tại Tây Ban Nha. Thời niên thiếu, Almato say mê đọc tạp chí “Kỷ Yếu Hội Truyền Bá Đức Tin” và học hỏi về đời sống chứng nhân của các vị thừa sai.

Cậu có vóc dáng mảnh khảnh, ốm yếu, nên thường bị đánh giá là không đủ điều kiện để thực thi các hoạt động truyền giáo tại các nước xa xôi. Nhưng rồi vào năm 1847, Almato cũng đã được nhận vào dòng Đa Minh, được khấn trọn ngày 26-9-1848 và chịu chức linh mục tại Philippines năm 1853.

Năm 1855 cha Almato đến truyền giáo tại Bùi Chu và phụ trách mục vụ hạt Thiết Nham. Cha học tiếng Việt và lấy tên Việt là Bình. Cha Bình rất hăng say hoạt động tông đồ. Tuy nhiên, khi thấy cha có sức khỏe yếu, lại phải sống trong hầm sâu, đất lạnh, Đức cha quyết định chuyển cha sang truyền giáo tại Trung Hoa. 

Cha rất đau lòng nhưng cũng cúi đầu vâng phục. Nhưng khi cha đến điểm hẹn để lên thuyền đi Trung Hoa thì thuyền đã nhổ neo trước đó vì sợ hành tung bị bại lộ. Lỡ chuyến tàu, cha ở lại phục vụ các giáo xứ vùng Hải Dương. Trong thư gửi về gia đình, cha kể mình đã ở trong hang dưới lòng đất bảy tám tháng liền để tránh quan quân tìm bắt. Cha viết: “Nếu cha mẹ có hay tin con bị bắt, thì xin cha mẹ đừng khóc, nhưng hãy vui mừng vì con được diễm phúc”.

Đầu tháng 8 năm 1861, khi đang lẩn trốn trong ruộng mía để chờ Đức cha Valentinô Ochoa - Vinh, cha đã bị một người từng niềm nở đón tiếp các vị thừa sai, mật báo với quan trên để lãnh tiền thưởng. Đức cha Vinh và cha Bình đã bị bắt và bị đóng gông giải về Hải Dương.

Khi không tra hỏi được gì, lại sợ ảnh hưởng của các nhà thừa sai trên lính gác và các tù nhân khác, các quan đồng lòng đệ án gửi về kinh đô Huế xin trảm quyết các nhà thừa sai. Cha Almato - Bình bị xử trảm ngày 01-11-1861 tại pháp trường Năm Mẫu, thời vua Tự Đức. Thi hài của cha được mai táng ngay tại pháp trường, sau được cải táng và rước về Thánh đường Đức Mẹ Truyền Tin, dòng nữ Đa Minh. 

Linh mục Pedro Almato - Bình được nâng lên hàng chân phước ngày 20-5-1906 và được tôn phong hiển thánh  ngày 19-6-1988.
  
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
 Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam

 
  II. Cầu nguyện

 

Cầu nguyện cho các linh mục

 

Bản tin sáng ngày 20/11/2015 của Thông tấn xã CNA cho biết: Cậu bé bốn tuổi Ra-pha-en Frei-tas (người Bra-zin) đã về với Chúa sau gần hai năm chống chọi căn bệnh ung thư. Mấy tháng trước đây, bố mẹ em cho biết, em đã bộc lộ lòng say mê Thánh Lễ từ rất sớm. Ông Ran-der-son cha của cậu bé thổ lộ: “Khi chập chững biết đi, lúc vừa lên một tuổi, Ra-pha-en đã bắt chước từng cử chỉ của linh mục mỗi lần được theo bố mẹ đi dự Thánh Lễ”… Thời gian gần đây em phải nhập viện, một hôm Ra-pha-en dự Thánh Lễ trong nhà nguyện của bệnh viện, bé đã mạnh dạn ngỏ lời với linh mục tuyên úy để xin một chiếc dĩa thánh nhỏ đựng Mình Thánh Chúa. Vị linh mục chẳng những đã tặng chú bé một dĩa thánh mà còn kèm thêm một áo an-ba và một dây các phép vừa vặn với thân hình của em. Cha của cậu bé kể: “Ngay trong ngày nhận được các món quà ấy, bé đã cử hành đến... ba trăm Thánh Lễ, suốt cho đến 11 giờ đêm”.

Bé Ra-pha-en đã ước mơ trở thành linh mục để dâng Thánh Lễ thật nhiều. Cũng vậy, tiếng gọi linh thiêng ấy đã được gieo vào trong ước mơ của bé Phê-rô An-ma-tô Bình, sinh tại Ca-ta-lo-nha, Tây Ban Nha, năm 1831. Ngay từ bé cậu An-ma-tô đã tỏ lòng đạo đức, thích những đồ chơi liên quan đến nhà thờ, và thường hay đóng kịch làm linh mục đứng giữa các bạn mà giảng đạo. Ước mơ ấy đã theo cậu suốt cả cuộc đời, để rồi tiếng gọi của Thiên Chúa mạnh hơn cả những cản ngăn của cha mẹ. Thiên Chúa đã gia tăng lửa yêu mến nhiệt thành nơi tâm hồn cậu An-ma-tô. Cậu không chỉ tự nguyện hiến dâng đời mình cho Chúa trong dòng Đa Minh, nhưng cậu còn trở thành linh mục truyền giáo, hy sinh cả mạng sống để làm chứng cho đức tin và tình yêu Thiên Chúa.

Cậu xin vào dòng Đa Minh và xin đi truyền giáo ở vùng Viễn Đông. Sau nhiều thử thách và gắng sức tu luyện, năm 18 tuổi thầy An-ma-tô được khấn trọng thể. Năm 22 tuổi, thầy An-ma-tô được chỉ định sang Ma-ni-la và lãnh chức linh mục tại đó. Từ nơi xa xôi, ngài đã viết cho người bạn rằng: "Đã từ lâu tôi ước ao được sang truyền giáo ở Bắc Việt. Tôi đã nhiều lần kêu xin với Chúa với Đức Mẹ và đã thưa với các Bề trên. Chúa đã nghe lời tôi. Tôi cảm tạ Chúa đã thương chọn tôi cùng với ba cha khác đi truyền bá Phúc Âm cho dân ngoại". Tới Bắc Việt cha An-ma-tô được đặt tên Việt là Bình, tên gọi này diễn tả tâm hồn bình an của cha.

Năm 1858 vua Tự Đức ra lệnh bắt đạo gắt gao. Ngày 25/10/1861 quan huyện Thanh Hà đến bắt đức cha Ô-choa và cha An-ma-tô giải về Hải Dương. Theo lời khai của cha, khi cha bị bắt cha đã đến Việt Nam được bảy năm, trong bảy năm ấy cha đã đi giảng đạo tại nhiều nơi.

Bạn thân mến! Ngày hôm nay, tiếng gọi của Chúa vẫn tiếp tục vang lên, nhưng ta nghẹn ngào tự hỏi có bao nhiêu tâm hồn nghe được và quảng đại đáp lại tiếng Chúa? Giáo Hội rất cần đến những người sống đời thánh hiến quảng đại dấn thân. Chúa vẫn đang gõ cửa và gọi, Ngài gọi các tâm hồn thơ ấu hãy dám ước mơ sống thánh thiện, Ngài gọi các bạn trẻ hãy dám chọn cách sống cho đi, khước từ vật chất, thú vui, và Ngài gọi các bậc làm cha mẹ hãy bắc thêm một nhịp cầu để con cái có thể đến và thưa tiếng “xin vâng” cùng Chúa.

Ôi lạy Chúa, bầu trời quá rộng lớn để cho những ước mơ của chúng con bay cao, cuộc đời vẫn bao la để muôn người thêu dệt hiện thực cho những ước mơ của mình; nhưng con lại thấy lòng của mỗi người chúng con quá hẹp, rất khó để cho lời mời gọi của Chúa được ở lại.

Giữa muôn tiếng ồn của cuộc sống hôm nay, xin cho những tâm hồn trẻ chúng con có được phút giây lắng đọng để nghe được tiếng Chúa.

Trong dòng đời bon chen - kiếm tìm, xin ban cho chúng con sức mạnh của tình yêu diệu huyền, để chúng con dám can đảm từ bỏ để hiến dâng, tự nguyện hy sinh phục vụ.

Xin phá tan những bức tường của trào lưu tục hóa đang vây phủ chúng con, và xin cho Lời Chúa mời gọi chúng con cũng là lời đánh thức tâm hồn quảng đại nơi cha mẹ chúng con, để nhờ sự động viên, của các ngài chúng con được mau chóng nhận ra và đáp lại lời mời gọi của Chúa hơn. Amen 

114.864864865135.135135135250