01/08/2024 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1327
Ngày 01/8 - Thánh Bênađô Vũ Văn Duệ
Ngày 01/8
Thánh Bênađô Vũ Văn Duệ
Linh mục (1755 – 1838)

I. Tiểu sử

 
Không bao giờ tôi bội phản Chúa tôi.
 
Thánh Bênađô Vũ Văn Duệ sinh năm 1755 tại Quần Anh, tỉnh Nam Định (nay thuộc giáo xứ Quần Phương, Giáo phận Bùi Chu). Năm 1795, thầy Duệ lãnh nhận thiên chức linh mục và nhiệt thành phục vụ tín hữu Giáo phận Đông Đàng Ngoài.

Sau 37 năm tận tụy chu toàn sứ vụ mục tử, vì tuổi già sức yếu ở tuổi 77, Đức cha Delgado - Y chấp nhận cho cha Duệ, về hưu dưỡng tại Trung Lễ, thuộc giáo xứ Liên Thủy.

Cha Duệ gia tăng các việc khổ chế như ngủ trên đất và không dùng mùng. Nhiều người ái ngại lo cho tuổi già sức yếu của cha, cha Duệ nói: “Bấy nhiêu hãm mình đã là gì ? Tôi không có cơ hội làm việc lớn, thì tôi chọn lựa một chút khó khăn hy sinh hãm mình vậy thôi”.

Ngày 04-7-1838, một toán lính lục soát căn lều tranh, một giọng nói trong sáng, từ tốn lên tiếng xác minh: “Hãy bắt lấy tôi, chính tôi là đạo trưởng”. Cha già Duệ bị bắt giải về Nam Định khi đã 83 tuổi.

Tại công đường, quan án nhìn lính dẫn đến một người già nua tuổi tác thì cười, rồi bảo cha bước qua thập giá để được tha về. Cha Duệ cương nghị trả lời : “Xin quan đừng bảo tôi làm thế, không bao giờ tôi bội phản Chúa tôi”. Quan truyền đóng gông cha và cho dẫn về trại giam.

Ngày 12-7-1838, khi hay tin Đức cha Delgado - Y đã lìa thế trong nhà tù nhưng vẫn bị mang ra pháp trường xử trảm, tâm hồn cha se thắt và thổn thức, thầm khấn xin anh linh vị chủ chăn phù hộ cho mình được vững bước hết con đường khổ nạn.

Ngày 01-8-1838, trên đường ra pháp trường Bảy Mẫu, binh lính phải cáng cha đến địa điểm chỉ định. Cha xin mấy phút thinh lặng cầu nguyện và bị xử trảm ngày sau đó. Thi hài của cha được chôn cất ngay tại pháp trường, sau đó, được các tín hữu cải táng đem về chôn trong thánh đường Lục Thủy.

Linh mục Bênađô Vũ Văn Duệ được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

Hy sinh từ bỏ


Thánh Benarđô Vũ Văn Duệ sinh ra và lớn lên trong giai đoạn bắt hại đạo gay gắt vào năm 1755, tại làng Quần Anh Hạ (Quần Phương), tỉnh Nam Định. Dù vậy, lời mời gọi dấn thân phụng sự Chúa và tha nhân vẫn âm vang mạnh mẽ, thôi thúc cậu Bênarđô Duệ dâng mình cho Chúa từ thuở thơ bé. Đường theo Chúa có chút gập ghềnh trắc trở bởi thời thế khó khăn nên mãi đến năm 40 tuổi, thầy Duệ mới được thụ phong linh mục. Ngọn lửa hăng say nhiệt thành vì nước Chúa có từ buổi ban đầu ấy vẫn hằng nung nấu trong tâm hồn, nay cháy bừng lên, khiến cha hết lòng lo cho phần rỗi các linh hồn, tận tình phục vụ Hội Thánh. Không những thế, cha Duệ còn tìm đến với “những con chiên khác không thuộc ràn, những con chiên ngoại giáo” để đưa về đàn chiên của vị Mục Tử Tối Cao. Sức hút nơi cha Duệ tỏa lan cho mọi người không hệ tại ở những lời giảng, lời giáo huấn nhưng bằng chính đời sống dạt dào hương thơm thánh đức, cùng sự hãm mình, hy sinh tự nguyện và sự khắc khổ, nhiệm nhặt. Khi đã ở độ tuổi 80, trong những tháng ngày hưu dưỡng, cha vẫn không quên dâng lên Chúa những hy sinh khác là sự đau yếu, bệnh tật và những lời khẩn nài để cầu nguyện cho việc mở mang Nước Chúa.

Con thuyền đời cha êm đềm lướt trôi giữa biển đời dậy sóng, nhưng tất cả lại đảo ngược vào năm cha 83 tuổi, khi cha Duệ biết Đức Cha Y bị bắt. Lúc đó, lời nói năm xưa của cha “xin được theo Đức Cha nếu ngài bị bắt” được thực hiện.

Ngày 04/7/1838, cha Duệ bị bắt và tống ngục. Vì tuổi cao sức yếu, cha không phải chịu roi đòn, nhục hình nhưng phải mang gông. Quan quân nói với cha, nếu cha bước qua Thánh Giá, cha sẽ được tha về. Để thêm hoàn trọn lễ tế hiến dâng, cha nhất quyết không làm theo lệnh quan, thêm vào đó, cha già càng gia tăng hy sinh hãm mình tự nguyện. Cha hy sinh chịu lạnh dưới trời mưa dột. Cha hy sinh không nằm chiếu nhưng nằm dưới đất và không nhận chăn mền. Hy sinh ấy cha gẫm suy Chúa nằm trên Thánh Giá và “chẳng chỗ tựa đầu.” Thế nên, chỉ gần một tháng sau ngày bị bắt (10/8/1838) cha đón nhận triều thiên tử đạo. Đức Lêo XIII đã tôn phong cha lên hàng chân phước vào ngày 27/5/1900 và Đức Gioan Phaolô II đã nâng cha lên bậc hiển thánh 19/6/1988.

Vâng, cuộc truy tìm chân lý và lẽ sống của chiến sĩ nước trời Bênarđô Vũ Văn Duệ đã hoàn tất với phần thưởng lớn lao là hạnh phúc vĩnh cửu. Tất cả là nhờ biết bao hy sinh âm thầm, sẵn sàng quên đi chính mình, cùng niềm tin kiên vững không gì lay chuyển của cha Bênarđô. Chiêm ngắm cuộc đời của thánh Bênarđô Vũ Văn Duệ, bạn và tôi, chúng ta sẽ dễ dàng hơn để chân nhận điều mà Lev Tolstoy đã nói: “Ta càng ít chú ý tới thân thể ta, thì ta sẽ càng thu được nhiều hơn trong cuộc sống tâm linh của mình. Ta phải chọn cái gì là quan trọng hơn đối với mình. Để có đức tin chân thực, ta phải quên đi chính mình. Để quên mình ta cần có đức tin…Mỗi người cần phải sẵn sàng hi sinh cuộc sống thể xác cho cuộc sống tâm linh.”
[1]

Ngày nay, dường như người ta ngại hy sinh nhiệm nhặt, ngại dấn thân phục vụ anh chị em mình trong những môi trường nghèo khổ và khó khăn. Vì thế, vinh phúc tử đạo mà cha Duệ nhận lãnh lại càng thêm rạng ngời, đáng cho hậu thế nghiệm suy. Giữa những tháng ngày mong chờ được chết vì Chúa, dù cha Duệ đã ở độ tuổi ngoài 80, vậy mà cha vẫn gia tăng khổ chế và rất nhiều những hi sinh tự nguyện vì yêu Chúa.

Ước mong sao cùng với thánh Bênarđô Duệ, những ngày sống của ta luôn là những chuỗi ngày nối dài trong cuộc chiến giữa ta với ta, không phải qua những phương thế mà năm xưa cha Duệ đã làm, nhưng đơn giản là thực thi những điều thiện hảo cho đời, cho người từ trong tư tưởng, lời nói đến hành động đầy tình bác ái yêu thương; là sự trân quý từng chén cơm, tấm áo… vốn là những thứ vật chất có vẻ như tầm thường, song rất nhiều người nghèo khổ lại không thể có được. Thiết nghĩ với những phút giây tử đạo liên lỉ mỗi ngày, ta mới có thể vui mừng lãnh lấy hào quang vinh phúc mai sau.

Lạy Chúa, xung quanh con còn có biết bao nhiêu anh chị em nghèo khổ thiếu miếng cơm, manh áo. Xin cho con biết hi sinh giảm bớt những của cải phung phí dư thừa; xin cho con biết chia sẻ ngay cả khi trên bàn ăn của gia đình chúng con cũng chỉ vừa đủ để hưởng dùng. Amen

[1] Lev Tolstoy, Suy niệm mỗi ngày, tr.78.
114.864864865135.135135135250