02/02/2024 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1660
Ngày 02/02 - Thánh Gioan Ven
Ngày 02/02
Thánh Gioan Ven

(JEAN THÉOPHANE VÉNARD - VEN)

Linh mục Hội Thừa Sai paris (1829-1861)

I. Tiểu sử
Bây giờ tôi còn sống, tôi phải cố làm việc,
đến khi tôi chết rồi thì tôi sẽ nghỉ ngơi trên thiên đàng.

 
Thánh Jean Théophane Vénard sinh ngày 21-11-1829 tại làng Saint-Loup-sur-Thouel, thuộc miền Tây Nam của nước Pháp. Ngày sinh của cậu bé Théophane trùng với ngày lễ kính Đức Mẹ dâng mình vào Đền Thánh, và về sau linh mục Jean Théophane Vénard có lòng tôn kính Đức Mẹ cách đặc biệt.

Từ bé, cậu Théophane ham mê đọc sách, nhất là truyện các thánh. Ngày nọ, cha xứ đưa cho cậu chép quyển truyện các thừa sai đi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, trong đó có Truyện Linh mục Thánh Jean Charles Cornay - Tân (tử đạo tại Sơn Tây ngày 20-9-1837), người cùng địa phận. Cậu bé Théophane không sợ hãi mà có lòng ao ước chịu chết vì đạo như cha Tân.

Cha mẹ của cậu thấy con muốn làm linh mục thì mừng lắm, liền thu xếp cho con học Latinh vỡ lòng với cha xứ, rồi cho vào học tiểu chủng viện, đại chủng viện và được chịu chức linh mục năm 1852.

Cha Théophane nhận bài sai qua Đại Nam phục vụ ở Địa phận Tây Đàng Ngoài. Linh mục Jean Théophane Vénard là người hiền lành thật thà, thương yêu kẻ nghèo khó, nhiệt thành trong việc rao giảng Tin Mừng.

Lúc ấy vào năm đầu vua Tự Đức, nhà vua ra chỉ dụ cấm đạo. Các quan đa phần không chủ ý bắt đạo mà chỉ lấy đó là cớ kiếm tiền, vì thế trong dân gian có câu ca: “Ông Tây không thấy, ông tiền phả đa
[1]”.

Ngày 13-7-1854, cha Théophane được cử đến Nhà chung Kẻ Vĩnh để giúp Đức cha Liêu, Đức cha phó Khiêm và học Tiếng Việt. Năm 1855-1856, cha Ven theo Đức cha Liêu đi kinh lý thì bị nhiễm bệnh lao.

Ngày 20-7-1857, quan quân vây Nhà chung Kẻ Vĩnh bắt cha Tịnh, thầy Lương và chánh phó lý trưởng, lúc ấy Đức cha Liêu, linh mục thừa sai Đoài và Ven cũng ở đấy nên phải đi ẩn tránh ở nhà giáo dân.

Đang lúc đạo bị cấm ngặt, cha Ven không ngừng đi ban bí tích cho các họ xa. Giáo dân thấy cha yếu vì bệnh nên xin người nghỉ ngơi, nhưng người lại nói: “Bây giờ tôi còn sống, tôi phải cố làm việc, đến khi tôi chết rồi thì tôi sẽ nghỉ ngơi trên thiên đàng”.

Đến năm 1858, nhà trường Hoàng Nguyên, Kẻ Non, Kẻ Vĩnh bị phá, cha Ven phải đi ẩn ở Nhà Mụ Bút Đông, rồi sang làng Phúc Châu một tháng, sau đó tới Kẻ Bèo mở tuần làm phúc khoảng một tháng rồi về làm phúc ở làng Bút Sơn. Khi cha Ven ban bí tích ở làng Kim Bảng, có người đưa cha và các thầy đến Kẻ Bèo thì bị bắt.

Cha Ven bị giải xuống Phủ Lý, rồi lại bị điệu lên Hà Nội. Khi gặp đô Tú chuyên làm nghề bắt đạo, cha Ven nói: “Anh làm nghề bắt đạo thì hèn lắm, vì sách có lời rằng: Tiền nghĩa nhi hậu lợi giả nhân, tiền lợi nhi hậu nghĩa nhục. Vậy anh phải biết chức cửu phẩm như hoa sớm nở tối tàn, chẳng được bao lâu đâu”.

Đức cha Chiêu viết thư cho cha Thịnh rằng: “Khi án cha Ven ra, nếu cha biết sớm thì phải đi ngay lên tỉnh. Khi cha Ven đi ra khỏi cửa thành ba trăm bước và để tay trên ngực thì cha hãy giải tội cho người”.

Thế nhưng vào ngày 02-02-1861, cha Ven bị điệu ra pháp trường nhưng cha Thịnh không kịp biết tin nên không đến như hẹn. Cha Ven bị chém và bêu đầu trong ba ngày, sau đó bị ném đầu xuống sông. Một nhóm thuyền chài tìm thấy và đưa về an táng. Về sau, hài cốt của cha được chuyển về tôn kính tại nhà nguyện Hội Thừa Sai Paris. 

Linh mục thừa sai Jean Théophane Vénard - Ven được nâng lên bậc chân phước ngày 02-5-1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988


[1]. Khi giáo hữu đưa nhiều tiền thì quan giả vờ không thấy thừa sai Tây Phương. Trong đó, phả đa: nhiều lắm.
 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện
 
Nét đẹp hiến dâng
 
Quả thật, tôi đã bị thu hút đến chìm ngập bởi những dòng văn óng mượt, sinh động và lộng lẫy mà tạp chí "Những người ra đi" (1) số dành riêng cho Hội thừa sai Paris phác họa chân dung vị thánh trẻ linh mục tử đạo Théophane Vénard Ven. Những áng văn đẹp ấy, đẹp như tâm hồn của người dâng hiến dành trọn vẹn cho Thiên Chúa. Tạp chí đã ghi lại như sau:

"Phải nói rằng, khi anh chào đời, một đóa hồng nở trên môi, một cánh chim cất tiếng líu lo bên tai. Bởi vì, khi anh diễn tả ý mình, lời anh tràn ngập những hình ảnh dễ thương dịu dàng duyên dáng.

"Đời anh là một bài ca trong lúc vui, lúc buồn. Từ những biến cố thời học sinh cho đến lúc sốt sắng khi gia nhập hàng tư tế. Anh hát lên khi rời đất Pháp, anh hát lên khi thấy đất Việt Nam…

"… Đối với anh đời tông đồ sao mà thoải mái, vui tươi dễ yêu đến thế ! Anh thi vị hóa tất cả: Với anh việc cực nhọc thành nhẹ nhàng, gánh nặng nên nhẹ nhõm. Bệnh tật không làm anh nản chí. Anh coi tất cả như cơ hội thưởng nếm những giây phút nghỉ ngơi. Các cuộc hành trình qua đồng lầy, núi cao hay trên đường sỏi đá, anh diễn tả dưới màu sắc tươi mát như đi dạo giữa mùa xuân. Anh quả là cây huệ có sức mạnh của cây sồi.
"Chúng ta chỉ có thể đoán ra những cực hình anh chịu, vì anh mô tả chúng đằng sau những cánh hoa kỳ diệu, mà anh không ngừng gieo trồng tung vãi mọi nơi, cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Những cánh hoa đó nở rộ trong công việc của anh, nở trong những cực hình, nở trong cũi gỗ, nở trên những dụng cụ tra tấn và nở ngay trên mảnh đất thấm máu đào của anh. Quan tòa cũng trở thành bạn hữu, lý hình cũng phải tỏ lòng ngưỡng mộ.Đối với anh, nhát gươm chém đầu định mệnh cũng chỉ là ‘ngắt nhẹ cánh hoa tuyển lựa, để trang hoàng trên bàn thờ."

Những lời đẹp của tạp chí diễn tả cuộc đời dâng hiến thật đẹp: Gioan Théophane Vénard sinh ngày 21/11/1829, tại Saint Loup sur Thouet, thuộc thị trấn Deux Sèvres nước Pháp. Năm 14 tuổi, thân mẫu cậu qua đời. Cậu xin nhập tu. Mãn khóa triết học, thầy Vénard được chuyển qua giáo phận Poitiers tiếp tục khóa thần học (1848). Năm 23 tuổi (1852), thầy được Đức cha Piô phong chức linh mục.

Lãnh chức linh mục, cha xuống tàu (ngày 23/9/1852) đến Việt Nam. Hai năm sau (ngày 13/7/1854) cha cập bến Cửa Cấm, và được tiếp đón cách long trọng tại tòa Giám Mục Vĩnh Trị. Cha hoạt động mục vụ được 6 năm. Lần kia nhân lúc cha đang ở Kẻ Bèo thì cha bị tố giác và bị bắt (ngày 30/11/1860) bị nhốt vào cũi rồi giải về Thăng Long (Hà Nội).

Trong tù, cha viết thư cho Đức Cha,những tâm tình của cha đẹp như ước nguyện hiến dâng của Cha: "Gươm đã ở kề sát bên cổ mà con chẳng rùng mình chút nào. Thiên Chúa nhân lành đã hỗ trợ sự yếu đuối của con, nên con thấy vui mừng. Thỉnh thoảng con lại cất cao tiếng hát trong cung điệu này: Lạy Mẹ dấu yêu, xin thương đặt con, trong Quê đời đời, bên thánh nhan Người. Lạy Mẹ Vô Nhiễm, khi đầu con rơi xuống dưới lưỡi gươm của lý hình, xin nhận lấy tôi tớ nhỏ bé như trái nho chín được hái, như bông hồng nở rộ, được ngắt về dâng kính Mẹ Ave Maria. "Ngày 02/02/1861 cha Vénard Ven được lãnh phúc tử đạo lúc 32 tuổi.

Chiêm ngưỡng nét đẹp hiến dâng của cuộc đời cha Vénard Ven, trong tâm tình ngày “quốc tế cầu cho những người thánh hiến,” chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:


[2]Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương con vô bờ, Chúa đã chọn gọi và thánh hiến con, con tạ ơn Chúa. Chúa đã mời gọi con nên môn đệ thiết thân của Chúa, xin cho con nên giống Chúa.

Lạy Chúa, con đặt trọn đời con trong tay Chúa, xin cai quản đời con theo cách của Chúa. Khi con lạc xa đường ngay nẻo chính, xin dắt con về chính lộ. Khi lời Chúa chất vấn hành động của con, xin cho con biết thay đổi đời sống. Khi giới răn Chúa làm con bối rối, xin dẫn lối để con quay về với Chúa.

Lạy Chúa, khi thời điểm khó khăn đến trong đời con, khi thập giá của con trở nên quá nặng nề, khi những gian nan bủa vây lấy con, xin cho con luôn nhớ đến Chúa, xin cho con biết nói về Chúa, xin cho con giữ chặt lấy Chúa, xin cho con biết dựa vào Chúa, xin cho con biết khẩn cầu Chúa…

Xin cho con cảm nghiệm được nét đẹp của đời hiến dâng, để con trung thành trọn vẹn cho đến hơi thở cuối cùng. Amen
 
[2]  Lược trích “40 lời kinh đổi mới cuộc đời, tập 1”, Nxb Tôn giáo, 2013, tr.118.
 
114.864864865135.135135135250