02/05/2022 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1327
Ngày 02/5 - Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu
Ngày 02/5
Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu
Trùm họ (1790 -1854) 

I. Tiểu sử

 
Xin cha cầu nguyện cho con, cho con được lòng mạnh mẽ vững vàng cho đến cùng.
Con gần đi đày, con phú dâng mọi sự trong tay Chúa.
Con trông cậy lòng nhân từ Chúa mà thôi.

 
Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu sinh năm 1790 tại họ Cái Nhum, huyện Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình đạo đức, sốt sắng thờ phượng Chúa. Vì cuộc sống cơ cực, năm lên mười tuổi, cậu Lựu và bốn em theo cha mẹ đến vùng đất mới, sau định cư tại Mặc Bắc.
Thuở thiếu thời, đôi khi cậu Lựu ham thích vui chơi, nhưng đến khi lớn tuổi thì biết sửa đổi tính nết. Cậu Lựu lập gia đình, sinh được bảy người con, chuyên cần giữ đạo Chúa.

Ông Lựu được tín nhiệm bầu làm trùm nhất họ Mặc Bắc. Với tính tình điềm đạm, từ tốn, khoan dung, ông có biệt tài hòa giải các cuộc cãi vã, tranh chấp trong làng hay họ đạo. Ngoài ra, ông trùm Lựu thường tiên liệu để các thừa sai và các linh mục có nơi trốn tránh, nương thân trong những cơn bắt đạo.

Tháng Ba năm 1851, vua Tự Đức ban hành một chiếu chỉ cấm đạo khắc nghiệt hơn. Lúc này, cha Philipphê Phan Văn Minh chuyển về thay thế cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu. Trong họ đạo có mấy tên rượu chè cờ bạc muốn được nhận tiền thưởng nên kéo lên quan tỉnh tố cáo xứ đạo họ Mặc Bắc chứa chấp đạo trưởng.

Vào đêm 26-02-1853, quan quân vây chặt nhà ông trùm Lựu, tung cửa tràn vào khám xét. Ông bà trùm Lựu bị tra tấn, đánh đập dồn dập nhưng vẫn can đảm không khai ra nơi các linh mục đang ẩn nấp. Cha Philipphê Minh ẩn mình trong cái rương xe, thấy con cái phải đau khổ, nên ra trình diện và tự nhận mình là đạo trưởng. Quan ra lệnh đóng gông, trói cha Philipphê Minh, ông bà trùm Lựu và mọi người trong nhà, giải về tỉnh Vĩnh Long.

Trong chốn lao tù, ngày qua ngày, bị tra tấn, dụ dỗ, dọa nạt, ông trùm Lựu vẫn vững vàng tuyên xưng đạo thánh. Vì tuổi già sức yếu, lại thêm bệnh hoạn, đeo gông mang xiềng, ông trùm nhất Nguyễn Văn Lựu trút hơi thở cuối cùng trong đêm 02-5-1854. Thi hài vị chứng nhân đức tin được đưa về an táng trong nền nhà thờ của họ Mặc Bắc vừa mới bị triệt hạ.

Ông Trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu được nâng lên hàng chân phước ngày 02-5-1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện
Dấn Thân vì sứ vụ cộng đoàn


Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân của Công đồng Vat II đã viết:  “Hoạt động của giáo dân cần thiết đến nỗi nếu không có hoạt động đó, chính hoạt động tông đồ của các vị chủ chăn cũng không thể đạt được đầy đủ kết quả. Cũng như giáo dân nam nữ đã giúp thánh Phaolô trong việc rao giảng Phúc Âm,[1] những người giáo dân có tinh thần tông đồ đích thực cũng đang trợ giúp những anh em thiếu thốn và nâng đỡ tinh thần các vị chủ chăn cũng như các tín hữu khác.[2]…Họ đem những người có lẽ đang xa lạc trở về với Giáo hội. Họ cộng tác đắc lực vào việc rao truyền lời Chúa nhất là bằng việc dạy giáo lý. Họ đem khả năng của mình làm cho việc coi sóc các linh hồn và cả việc quản trị tài sản của Giáo hội sinh hiệu quả hơn.”[3]

Trong phút cầu nguyện này chúng ta chiêm ngắm thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu, một tông đồ giáo dân nhiệt thành để cầu nguyện cho các giáo dân trong giáo xứ, xin cho họ ý thức sứ mạng cao cả của mình, quảng đại cộng tác xây dựng Giáo hội trong tình thần hiệp nhất yêu thương.

Ông Giuse Nguyễn Văn Lựu, sinh năm 1790 tại họ Cái Nhum, tỉnh Vĩnh Long. Sinh trưởng trong một gia đình thấm nhuần tinh thần đạo đức Kitô giáo, ông sống rất gương mẫu và nhiệt thành. Trong gia đình ông tạo bầu khí đạo đức, nề nếp, đầm ấm, yêu thương. Trong khu xóm, ông là người hiếu hòa có khả năng hòa giải những xích mích; ông lấy Lời Chúa để mời gọi mọi người tha thứ và làm hòa với nhau; ông dùng lời để hướng dẫn anh chị em sống tinh thần bác ái Kitô giáo. Trong giáo xứ ông cộng tác với linh mục quản xứ trong việc điều hành họ đạo, dạy giáo lý và coi sóc các em thiếu nhi. Với mọi người ông rộng tay chia sẻ của cải với những ai nghèo khó. Ông đã hiến tất cả vườn ruộng để xây dựng một nữ tu viện. Ông quả là một mẫu giáo dân làm tông đồ rất tích cực trong mọi góc độ của cuộc sống. Những nguy hiểm gây ra do sắc chỉ cấm đạo không làm cho ông sợ hãi. Trước biết bao hiểm nguy khó khăn, ông vẫn lo liệu để các linh mục có nơi ẩn náu, hầu có thể cử hành và trao ban các bí tích cho giáo dân.

Ngày 26/3/1853, quan quân vây làng để tìm bắt cha Lựu, nhưng ngay lúc đó ông trùm Lựu can đảm trả lời: "Thưa các quan, không có đạo trưởng Lựu ở đây. Lựu chính là tên tôi làm trùm họ này." Ông trùm Lựu đã bị bắt và bị tống giam. Những hình khổ trong tù chẳnglàm ông trùm Lựu tỏ ra nao núng. Trước sau ông vẫn một mực trung kiên với Thiên Chúa, ông đón nhận những lời sỉ nhục và mọi đau khổ một cách khiêm tốn để đền bù những tội lỗi mình. Ông sẵn sàng đón nhận tất cả vì ông tin tưởng vào Thiên Chúa. Tín thác hoàn toàn nơi Ngài.

Nhìn cuộc đời của ông Lựu ta nhận thật lời Công đồng đã dạy: “Đời sống đạo đức cá nhân của người giáo dân sẽ nhận được cảm hứng từ đời sống hoạt động của họ giữa người khác và giữa cuộc đời; như vậy, với những yếu tố của các hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống, của đời vợ chồng, gia đình, nghề nghiệp và xã hội, họ sẽ tạo cho mình khoa tu đức hữu hiệu cho bậc sống… Việc tông đồ của người giáo dân cũng có thể đem lại những thành quả phong phú. Nhờ hoạt động tông đồ, họ sẽ loan báo Phúc Âm cho người khác, hoặc thánh hóa họ. Họ cũng có thể nhờ hoạt động mà đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần lãnh vực trần thế…”

Vì tuổi già sức yếu phải mang gông cùm xiềng xích nặng nề, nên đêm mùng một rạng ngày mùng 02/5/1854, ông Trùm Giuse Lựu đã trút hơi thở cuối cùng. Vị chứng nhân trung thành đã xứng đánh lãnh nhận cành lá vạn tuế tử đạo, dù không bị trảm quyết.

 
[4]Lạy Chúa,
Xin giúp chúng con luôn biết phục vụ trong yêu thương:
Nơi cộng đoàn, chúng con biết tâm đầu ý hợp.
Trong gia đình, chúng con biết mặn mà dễ thương.
Ngoài xã hội, chúng con biết đối xử tốt và thương xót.
Với mọi người, chúng con biết nhường nhịn và tôn trọng.
Khi làm việc, chúng con biết siêng năng và tận tình.
Trong mọi sự, chúng con biết tha thứ, chịu đựng và tin tưởng.
Ở mọi nơi, chúng con luôn chiếu tỏa lòng Chúa hiền hậu và khiêm nhường.
Trước cám dỗ, chúng con luôn chiến thắng để bền đỗ trong ơn thánh.
Nhờ đó, chúng con được trở nên tông đồ được Chúa sai đi, để xây dựng hòa bình, và làm chứng về Chúa cho mọi người. Amen.
 
[1] x. Cv 18,18-26; Rm 16,3.
[2] x. 1Cor 16,17-18.
[3] Công Đồng Vat II- Sắc lệnh về hoạt động giáo dân- số 10.
[4] Trích “40 lời kinh đổi mới cuộc đời, tập 2”, Nxb Tôn giáo, 2013, tr.118.
114.864864865135.135135135250