05/04/2022 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

2923
Ngày 06/4
Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh

(1793-1857)


I. Tiểu sử
Thân xác tôi ở trong tay quan, quan muốn làm khổ thế nào tùy ý.
Nhưng linh hồn tôi là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được.

 
Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh sinh năm 1793 tại xã Trinh Hà, huyện Hoàng Hóa, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Lúc 12 tuổi, cậu vào ở với cha Duệ, xứ Bạch Phát. Sau 3 năm, cậu được gửi vào Chủng viện Vĩnh Trị. Khi mãn khóa Chủng viện Vĩnh Trị, bề trên cử thầy làm giám thị và giáo sư chủng viện.

Vì từ lâu, thầy Tịnh đã muốn sống đời ẩn dật giữa chốn rừng xanh, nên thầy quyết tâm theo đuổi lý tưởng. Tích trữ cơm khô, thầy trốn vào rừng để sống đời ẩn tu. Thầy tìm được một cái hang, đêm ngày cầu nguyện và ẩn tu trong hang đó được 1 năm.

Đến mùa Phục Sinh, đoán trước thầy Tịnh sẽ tìm đến linh mục để lãnh nhận Bí tích Giải tội, Đức cha Jacques Longer - Gia chỉ thị cho các cha không được giải tội cho thầy Tịnh và phải thuyết phục thầy trở về.

Thầy Tịnh cải trang, đứng xếp hàng xen lẫn với các tín hữu vào tòa cáo giải. Nghe cách thức xưng tội, cha Pierre Eyot - Tấn tiên đoán và tra hỏi nhưng thầy Tịnh chỉ trả lời quanh co bằng những lời thật khôn khéo. Sau cùng, thầy Tịnh thành thực thú nhận. Sau khi nghe lời khuyên nhủ của cha Tấn, thầy nhận ra ý muốn của bề trên là ý muốn của Thiên Chúa. Thầy can đảm trở lại Chủng viện Kẻ Vĩnh thú tội với cha Nhân, tiếp tục học thần học và dạy tiếng Latinh.

Năm 1837, thầy Tịnh lãnh sứ mạng sang truyền giáo tại Lào. Khi vua Minh Mạng gia tăng bách hại đạo, Chủng viện Vĩnh Trị phải giải tán và nhiều cha bị bắt, đoàn truyền giáo tại Lào trở về nước, chuẩn bị cho công tác mới.

Mùa Đông năm 1841, trong lúc giảng dạy giáo lý tân tòng tại họ đạo Thạch Tổ, xứ Kẻ Đầm, tỉnh Hà Nam, lý trưởng Thạch Tổ vây bắt thầy Tịnh nộp cho chánh tổng. Con đường thập giá của thầy Tịnh kéo dài hơn bảy năm trời (1841-1847) đằng đẵng trong lao tù tại Hà Nội. Bị giam cầm lâu ngày, thương nhớ Chủng viện Kẻ Vĩnh, ngày 24-4-1843, Thầy Lê Bảo Tịnh gửi thư cho các cha và chủng sinh:

Tôi, Phaolô, đang bị xiềng xích vì Chúa Kitô, từ chốn lao tù xin gửi lời kính thăm anh em. Nguyện xin Cha nhân ái và Chúa giàu lòng khích lệ đến an ủi anh em trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chớ gì phép lành của Chúa sẽ là sương sa thấm gội và vun trồng việc học hành, gia tăng mức tiến cả về tu đức, cả về kiến văn, để anh em mau đạt tới chỗ hoàn hảo, thành tài. Có như thế qua anh em, người bên lương sẽ được chúc phúc và họ sẽ được bảo toàn hương thơm tốt lành của anh em”.

Vua Thiệu Trị cải án xử trảm của thầy Tịnh sang án lưu đày chung thân, biệt xứ suốt đời ở Phú Yên, tỉnh Bình Định. Trong khi thầy bị giam tại lao Trấn Phủ (Huế) để chờ các tù nhân khác cùng đi lưu đày thì vua Thiệu Trị băng hà. Vua Tự Đức lên nối ngôi, ban lệnh ân xá. Thầy Tịnh được phóng thích, trở về Chủng viện Vĩnh Trị (đã được tái lập).

Trong tinh thần khiêm tốn, vâng phục thánh ý Chúa qua đấng bản quyền, thầy Tịnh tĩnh tâm, lãnh nhận chức Phó tế vào năm 1848, khi đã 56 tuổi. Năm sau, thầy được thụ phong linh mục và được bổ nhiệm làm Giám đốc Chủng viện Vĩnh Trị.

Cha Giám đốc Tịnh là người khôn ngoan, thông thạo chữ Nho nên đã mở trường dạy chữ Nho và bốc thuốc chữa bệnh. Tuy bề ngoài rất nghiêm khắc, nhưng các chủng sinh nhận thấy ngài sống nhân ái, dễ mến. Cha Tịnh chịu khó ngồi tòa giải tội. Lời giảng thuyết của cha có sức hấp dẫn, làm rung động và cảm hóa tâm hồn những người tín hữu.

Năm 1857, quan phủ Ninh Bình cấp báo với quan tổng đốc Nam Định, Nguyễn Đình Hưng, đề nghị mở cuộc lục soát đại quy mô để lùng bắt các đạo trưởng. Vì nhớ ơn cha đã chữa lành bệnh, quan tổng đốc Nguyễn Đình Hưng nhờ người báo tin cho cha Tịnh nhưng người báo tin lại bị bệnh dọc đường.

Ngày 27-02-1857, cha bình tĩnh mời quan vào phòng uống nước và trình giấy phép mở trường. Tuy nhiên, vì xét thấy trong trường học có đồ lễ, cha bị bắt ra tỉnh để điều tra. Trước khi theo họ, cha vào nhà thờ cầu nguyện, từ giã các chủng sinh, những người con yêu quý của ngài.

Quan tổng đốc Hưng đề nghị cha khai là tín hữu dạy chữ Nho và bốc thuốc nhưng cha vẫn can đảm xác nhận mình là linh mục. Cha dành 37 ngày trong tù để củng cố đức tin cho những anh em tín hữu yếu đuối. Không quên các chủng sinh thân yêu, 12 ngày trước khi bị xử, cha còn viết cho họ một thư dài bằng Latinh với những lời lẽ cảm động.

Khi bản án tử hình đến nơi, ngày 06-4-1857, lần cuối cùng tổng đốc Hưng khuyên cha bỏ đạo, nhưng cha nói: “Thân xác tôi ở trong tay quan, quan muốn làm khổ thế nào tùy ý, nhưng linh hồn tôi là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được”.

Cha Lê Bảo Tịnh bị xử trảm tại pháp trường Bảy Mẫu. Thi hài của cha được an táng dưới nền nhà thờ Vĩnh Trị. Đến năm 1880, phần mộ cha Phaolô Tịnh được cải táng về nhà thờ Chánh tòa Sở Kiện, tỉnh Hà Nam. Linh mục Phaolô Lê Bảo Tịnh được nâng lên bậc chân phước ngày 02-5-1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

 
 
 

“… Máu tử đạo, thật hiếm có. Thiên Chúa chỉ ban cho một số ít, mà ban hoàn toàn nhưng không chứ chẳng vì công lênh của họ. Nhưng mọi người đều có thể tử đạo trong tâm hồn. Đó là hồng ân dành cho những ai có tâm hồn bé mọn, thuận hòa và lòng trong sạch…”[1]

Bạn thân mến, đây là ý tưởng thật tuyệt vời của cha Phaolô Lê Bảo Tịnh trong một lá thư gửi cho các bạn và các học trò ở làng Vĩnh Trị. Câu nói mở ra cho chúng ta một lối suy tư, chiêm ngắm sâu lắng hơn về điều mà thánh nhân gọi là “tử đạo trong tâm hồn.” Điều ấy càng thêm lôi cuốn hơn khi được cha Phaolô Lê Bảo Tịnh - vị thánh đã minh chứng vinh phúc tử đạo bằng máu đức tin kiêu hùng chia sẻ, nhắn nhủ.

Cha Phaolô Lê Bảo Tịnh sinh năm 1793 tại Trịnh Hà, Thanh Hóa, là con thứ ba trong một gia đình Công giáo. Năm 12 tuổi, cậu Tịnh bắt đầu bước vào công việc phục vụ nhà Chúa nơi giáo xứ, sau ba năm thì được gửi đi học tại chủng viện Vĩnh Trị (Nam Định). Thầy chủng sinh Tịnh đã khởi đầu cuộc đời dâng hiến bằng cách sống gương mẫu, đạo đức, ăn chay hãm mình khổ hạnh. Đặc biệt, khuynh hướng và lối sống khổ hạnh đã dẫn thầy đi đến ý định sống ẩn dật tu hành. Thực vậy, lòng yêu mến Chúa nồng nàn đã thôi thúc thầy hiến dâng cuộc đời cách trọn vẹn qua việc âm thầm rời bỏ chủng viện, để vào sâu trong rừng vắng, hầu có dịp cầu nguyện và hết hợp mật thiết với Chúa.

Thiết tưởng, chúng ta đã có thể khép lại trang sử để kính nhớ ngài như một vị thánh ẩn tu. Nhưng không, thầy Tịnh đã bước sang một lối đường mới trong sự vâng phục theo thánh ý Chúa cách triệt để qua lời mời gọi của Đức Giám mục như một sự tử đạo trong tâm hồn. Lòng khát khao tận hiến cho Chúa trong cô tịch đã được cha Bảo Tịnh biến thành lửa nóng tin yêu của vị mục tử truyền giáo nhiệt thành, một giáo sư tận tụy. Trên tất cả, niềm tin và tình yêu của ngài đã bước đến đỉnh cao tuyệt đối, đó là giá máu là vinh phúc tử đạo vì Đức Kitô. Sau hai lần bị bắt giam và nhiều lần được quan Thượng Hưng tìm cách tha, cha Tịnh vẫn can trường tuyên xưng đức tin và sẵn sàng đón nhận bản án tử vì đạo. Cả một đời yêu mến và tận tụy với Thiên Chúa, cả một đời khao khát mong chờ diễm phúc lớn lao, ngày 6/4/1857 tại pháp trường Bảy Mẫu (Nam Định) cha Tịnh đã lãnh nhận vinh phúc tử đạo. Ngày 02/5/1909, Đức Piô X đã suy tôn cha Phaolô Lê Bảo Tịnh lên bậc chân phước và ngày 19/6/1988, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã suy tôn ngài lên bậc hiển thánh.

Ngày nay chúng ta mừng kính ngài với bài ca hào hùng để ca khen sự anh dũng làm chứng cho đức tin bằng dòng máu thắm tử đạo. Đó thực là điều “thật hiếm có” và là điều “Thiên Chúa chỉ ban cho một số ít, mà ban hoàn toàn nhưng không chứ chẳng vì công lênh của họ” như cha Phaolô Lê Bảo Tịnh đã từng khẳng định. Nhưng, chúng ta cũng không quên những lời nhắn nhủ đã được âm thầm minh chứng bằng cuộc đổi đời của ngài, rằng “mọi người đều có thể tử đạo trong tâm hồn.”
[2] Bởi nếu ân phúc tử đạo bằng máu là điều hiếm có và ơn riêng cho một số ít, thì ơn gọi nên thánh và sự tử đạo trong tâm hồn, trong đời sống Kitô hữu là ân ban chung mà mỗi người chúng ta đều được mời gọi lãnh nhận. Nếu như ơn can đảm và sức mạnh của Chúa Thánh Linh được ban cách riêng cho các thánh tử đạo trong thời kì bắt bớ, tử hình; thì mỗi chúng ta cũng đã được nhận lãnh cùng một ơn ấy trong ngày chịu phép Bí tính Rửa tội và Thêm Sức. Quả thực, trước khi chịu phúc tử đạo bằng máu, thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh như đã được ơn để lãnh nhận trước phúc tử đạo trong tâm hồn, ngài đã từng can đảm chết đi trong ý riêng, chết đi sự chọn lựa cá nhân để mặc lấy tâm hồn bé mọn, vâng theo ý Chúa qua ý của Đức Giám mục và nhu cầu của Giáo hội lúc bấy giờ.

Lạy Chúa, mỗi người chúng con đều được mời gọi nên thánh.
[3] Chúng con nhận ra, có lẽ chúng con không phải là một trong số ít được chọn để lãnh phúc tử đạo bằng máu thắm, nhưng mỗi người chúng con đều được mời gọi để nên thánh tử đạo trong chính đời sống và sứ mạng người Kitô hữu của mình. Chúa biết con đường nên thánh thật không dễ với mỗi người chúng con, nhưng ơn Chúa Thánh Linh luôn tuôn đổ trào tràn để có thể giúp chúng con đủ sức “tử đạo trong tâm hồ
 
[1] Trích lại: Thư cha Phaolo Lê Bảo Tịnh viết bằng tiếng Latinh, gửi về nhà tràng Vĩnh Trị cho các bạn và học trò, trong “Các thánh Tử đạo Việt Nam trong lịch sử Giáo hội Công giáo”, Lm Vinh Sơn Bùi Đức Sinh, O.P., Verias Edition San Jose CA. 2012, trang 238-239.
[2] Sđd.
[3] Đức Thánh Cha Phanxicô Tông huấn về Ơn gọi nên thánh (Gaudete et Exsultate), số 14.
114.864864865135.135135135250