01/11/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

3703
Ngày 07/11 Thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm

Ngày 07/11

Thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm

(HÒA BÌNH)
Linh mục (1732 – 1773)

I. Tiểu sử

 

Xin Đức cha và Cha bề trên cầu nguyện cùng Chúa cho con
để mỗi ngày con được hoàn thiện hơn
vui lòng đón nhận những khốn khó theo Thánh ý Chúa.

 

Thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm chào đời năm 1732 tại Thôn Đông, làng Trà Lũ, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam Hạ (nay thuộc giáo xứ Phú Nhai, Giáo phận Bùi Chu). Thân phụ của ngài, ông Antôn Doãn, là một thân hào danh giá trong thôn. Thân mẫu là người nhân đức, đảm đang, chuyên tâm giáo dục con cái.

Cậu Liêm đi tu từ lúc 12 tuổi. Là người nổi tiếng thông minh và đạo đức, cậu được chọn gửi đi du học tại trường Juan de Latran, thủ đô Manila. Năm 1754, thầy Liêm khấn trọng thể trong dòng Đa Minh và nhận mỹ danh là Vinh Sơn Hòa Bình. Sau khi được thụ phong linh mục năm 1758, cha Liêm trở về quê hương phục vụ và được bổ nhiệm giảng dạy tại Chủng viện Trung Linh.

Cha Liêm hoạt động hăng say trên cánh đồng truyền giáo và phụ trách các giáo xứ Quất Lâm, Lục Thủy, Trung Lễ, Trung Lao và toàn vùng Lai Ổn. Cha được các giáo hữu nhiệt tình yêu mến vì luôn quan tâm phục vụ đoàn chiên, bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm. Mặc dù thành công trong công tác tông đồ, nhưng cha không hề tự mãn với chính mình.

Năm 1767, đời vua Cảnh Hưng, chúa Trịnh Sâm ra lệnh xử tử một nhà sư có tội, và để tránh mang tiếng thiên vị tôn giáo, ông cũng ra lệnh bắt các đạo trưởng và giáo hữu theo đạo Giatô. Ngày 02-10-1773, đang khi ban bí tích tại xứ Lương Đống, cha Liêm bị bắt tại nhà ông Nhiêu Nhuệ với hai chú giúp lễ Vũ và Bích, rồi bị đem nộp cho chánh tổng. Chánh tổng giam giữ cha 12 ngày mà không thấy giáo hữu nào đưa tiền đến chuộc nên nộp cha cho quan trấn Hưng Yên.

Trong cảnh ngục tù, cha Liêm vui mừng được gặp lại cha Jacinto Castaneda - Gia đã bị bắt vài tháng trước. Quan trấn bắt hai cha mang chiếc gông có ghi “Hoa Lang Đạo Sư” rồi trao cho quan phủ Thần Khê, điệu về kinh đô Thăng Long để chúa Trịnh Sâm xét xử.

Tại Thăng Long, một vị quan lớn, chú của chúa Trịnh Sâm, có sáng kiến triệu tập đại diện bốn tôn giáo lớn: Khổng giáo, Phật giáo, Lão giáo và Thiên Chúa. Ông cho mời một nho sĩ, một nhà sư, một thầy pháp và hai đạo trưởng đang bị giam giữ. Cuộc tranh luận tại “Hội Đồng Tứ Giáo” kéo dài trong ba ngày để bàn về nguồn gốc con người, mục đích sống ở đời này để làm gì và chết rồi đi về đâu.

Sau đó, vì tò mò, mẹ chúa Trịnh Sâm cũng cho triệu hai cha đến để giới thiệu đạo cho bà. Khi bà hỏi những người không theo đạo chết rồi sẽ đi về đâu, cha Liêm đáp “bẩm bà, sa hỏa ngục”. Bà đùng đùng nổi giận và ép con là chúa Trịnh Sâm ra lệnh xử tử cả hai vị.

Vị chứng nhân đức tin chịu xử trảm ngày 07-11-1773 tại pháp trường Đồng Mơ, dưới thời chúa Trịnh Sâm, hưởng dương 41 tuổi. Thi hài của ngài được rước về an táng tại Trung Linh.

Linh mục Vinhsơn Phạm Hiếu Liêm được nâng lên hàng chân phước ngày 20-5-1906 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 

Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện
 

Cầu nguyện cho các sinh viên học sinh
và các công cuộc giáo dục

 

Xét theo lẽ thường, sau khi bỏ công sức học hành thành tài, người ta có điều kiện và có quyền được sống trong cảnh sung túc, đầy đủ, bình an. Tuy nhiên, thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm đã vượt lên trên lẽ thường tình ấy bởi lý tưởng sống phục vụ Chúa của ngài.

Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm chào đời năm 1732 tại Thôn Đông, làng Trà Lũ, Phú Nhai, nay thuộc giáo phận Bùi Chu. Cậu được nuôi dưỡng trong bầu khí thánh thiện của gia đình. Năm 12 tuổi, cậu Liêm vào tu trong nhà Đức Chúa Trời ở Lục Thủy. Qua sáu năm học tập, cậu đã tỏ ra là người thông minh đạo đức, nên được các cha Dòng Đa Minh thời đó đang phụ trách giáo phận Đông Đàng Ngoài để ý. Cha chính Ét-pi-nô-da Huy đã chọn cậu vào số các thanh niên hưởng học bổng của Tây Ban Nha, và gởi cậu đi du học tại Ma-ni-la, Phi-lip-pin. Sau ba năm học thành công xuất sắc, thầy Liêm xin gia nhập Dòng Đa Minh. Năm sau, thầy được lãnh tu phục (09/9/1753). Năm năm sau đó (1758) thầy được thụ phong linh mục.

Là linh mục Việt Nam đầu tiên đi du học, lại hoàn thành chương trình học với kết quả xuất sắc, cha Liêm như đang bắt đầu bước đi trên con đường mới, với lượng tri thức mà người người ngưỡng mộ. Nhưng, vâng lời bề trên, cha đã mau mắn trở về quê hương phục vụ.

Tưởng như cha Liêm sẽ yên vị trên chiếc ghế giáo sư tại Ma-ni-la hoặc tại các chủng viện Việt Nam lúc bấy giờ để “hưởng phước” do công sức học hành. Nhưng không, cha Liêm đã biến những tri thức kia thành khát vọng thực thi sứ vụ truyền giáo. Cuộc đời của ngài nổi bật hai điểm son, đáng cho người thời nay noi theo đó là: việc học và sự phục vụ.

Với việc học, ngài đã nỗ lực rất nhiều để có kết quả cuối cùng rất tốt đẹp. Điều này khiến bạn, tôi, chúng ta, cùng tất cả học sinh - sinh viên trong và ngoài nước thời nay không khỏi nhìn lại việc học của mình. Để được đi học, mỗi người chúng ta đều nhận được sự hỗ trợ và hy sinh về vật chất lẫn tinh thần từ rất nhiều người. Vì thế, học bằng nỗ lực và tinh thần trách nhiệm đó quả là một sự cần thiết.

Đứng trước nỗi lo về cuộc sống thực dụng, nhiều người ngại học nhưng lại thích sử dụng bằng cấp, có người lại dùng việc học để trốn tránh trách nhiệm cộng đồng. Ước gì ta biết học hỏi kiến thức để áp dụng, để phục vụ mọi người. Chớ gì việc học để đối phó, học để mua danh hám lợi, học để mưu cầu chức tước địa vị sẽ bị triệt tiêu.

Với việc phục vụ, thánh Vinh Sơn Liêm đã đánh đổi sứ mệnh của mình bằng cái giá rất đắt. Chu toàn việc học ở nước ngoài, cha trở về nước để cống hiến khả năng cho Giáo Hội. Phải chăng đó là nguyện ước cho các bạn du học sinh hiện nay, và đặc biệt hơn đó là nguyện ước cho các linh mục, tu sĩ trẻ. Sau bao năm học hành sẽ là gì nếu không phải là để phục vụ vô vị lợi.

Quả thật, giá trị của việc học là để phục vụ, không phải là phục vụ cho quyền hành - chức vị - hay cái ghế ổn định của mình, nhưng là phục vụ những người yếu kém. Cha Vinh Sơn Liêm đã chọn lựa để trở thành nhà truyền giáo, trở thành linh mục tử đạo Việt Nam đầu tiên. Thay vì những bài giảng hùng hồn tại giảng đường với chức giáo sư, cha đã hoá giải những bài toán khó trên giảng đường bằng đời sống cụ thể của cha. Vì thế, nhiều trường học đã nhận ngài làm bổn mạng. Thánh nhân quả là ánh vinh quang của dân tộc Việt Nam nơi hải ngoại.

Lạy Chúa Giê-su, nguồn mạch khôn ngoan và chân lý đích thực. Xin lắng nghe tiếng con cầu nguyện. Xin cho các học sinh - sinh viên, biết chăm chỉ học tập, biết ý thức việc học của mình để phục vụ, chứ không vì bằng cấp và địa vị.

Xin cho các học sinh – sinh viên, biết nhận ra giá trị của một nền giáo dục tốt, biết đem ra thực hành những gì các em đã được truyền đạt, biết sử dụng kiến thức cho những mục đích cao đẹp. Xin cho các sinh viên biết yêu mến tri thức sâu sắc, biết sử dụng tài năng và kỹ năng để phục vụ mọi người và để làm sáng danh Chúa. Amen

114.864864865135.135135135250