08/11/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1155
Ngày 08/11 - Thánh Giuse Nguyễn Đình Nghi
Ngày 08/11
Thánh Giuse Nguyễn Đình Nghi
Linh mục (1793-1840)

I. Tiểu sử

 
Bẩm ông lớn, chúng tôi xin ông lớn một lát gươm.
 
Thánh Giuse Nguyễn Đình Nghi, hay Giuse Kim, sinh năm 1793 làng Hà Hồi, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội. Sau khi người chịu chức linh mục thì đổi là Giuse Nghi.

Lúc còn bé, cậu Nghi vào nhà Đức Chúa Trời ở với cha Liêm chánh xứ Kẻ Vồi. Khi người đã học Latinh cùng làm thầy giảng rồi thì lại về giúp cha Liêm. Thầy chịu chức linh mục khi mới ba mươi tuổi.

Chịu chức xong, cha được cử đi giúp xứ Sơn Miêng được một năm, lên giúp cha Hạnh, xứ Kẻ Bạc được bốn năm, rồi xuống giúp cha Khoan, xứ Phúc Nhạc. Không bao lâu, bề trên sai cha làm chính xứ Đa Phạn. Cha Nghi coi sóc xứ ấy mười năm, rồi đổi đi làm chính xứ Kẻ Báng hai ba năm thì bị bắt.

Cha Nghi có tính nghiêm trang, đức hạnh. Cha khéo léo khuyên bảo những người khô khan, cứng lòng để giúp họ ăn năn trở lại.

Sáng ngày 29-4-1840, quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh và quan phủ Thiên Bổn đem khoảng một nghìn quân đến vây làng Kẻ Báng để tìm bắt cha Nghi, cha Ngân và cha Thịnh. Ngày 30-4-1840, quan bắt được cha Nghi và cha Ngân. Sáng ngày 01-5-1840, quan bắt được cha Thịnh.

Khi quan đòi ba cha bước qua thập giá, cha Nghi thưa vắn tắt rằng: “Bẩm ông lớn, chúng tôi xin ông lớn một lát gươm”. Quan giận lắm, truyền đánh cha Nghi và cha Ngân bốn, năm chục roi. Đến ngày 08-11-1840, án ở trong kinh thành đến nơi và ba cha phải bị xử trảm ngày hôm ấy. Cùng với cha Ngân, cha Nghi được táng ở tả hữu nhà thờ Kẻ Báng.

Linh mục Giuse Nguyễn Ðình Nghi được suy tôn lên bậc chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện


Cầu cho biết dùng lời nói để phục vụ Chúa
 

Đọc hạnh thánh linh mục tử đạo Giuse Nguyễn Đình Nghi, có lẽ mỗi người chúng ta như được cuốn hút bởi ơn riêng mà Chúa đã ban cho ngài đó là: Ngài biết dùng lời nói để phục vụ Chúa và để thể hiện tình yêu thương với anh chị em đồng loại. Ngài sinh năm 1793 tại làng Kẻ Vồi, huyện  Thượng Phúc nay thuộc Hà Nội. Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ sớm, cậu Nghi được một linh mục là người cha tinh  thần nuôi dưỡng, hướng dẫn và dạy dỗ. Với tố chất thông minh, nhanh nhẹn, hiền lành lại được sống trong bầu khí thánh thiện, cậu bé Nghi khôn lớn cùng với sự gia tăng lòng đạo đức.

Tâm hồn thanh cao ấy thật xứng đáng để Chúa ban thêm cho một “nén bạc” khác đó là khả năng thấu cảm, nhất là sự khéo léo trong giao tiếp nhờ tài ăn nói. Thầy Giuse Nguyễn Đình Nghi càng hăng say và nhiệt thành làm sinh lợi những nén bạc Chúa trao, khi trở thành mục tử. Quả thế, lời nói của cha Nghi đầy sức thuyết phục và lay động lòng người không chỉ qua những bài giảng trong các Thánh Lễ, mà còn qua những cuộc đối thoại rất ý nhị nhưng rất gần gũi thân thương trong đời sống thường nhật. Đã có rất nhiều người nhờ lắng nghe, đón nhận và tiếp xúc với cha Nghi mà được khơi dậy ước muốn gia tăng lòng khao khát tìm biết Chúa hoặc đổi thay đời sống và hoán cải trở về: như trường hợp ông Đoan 95 tuổi, ông rất khô khan nguội lạnh, khi được cha Nghi khuyên ông đã trở lại; rồi một người cho vay nặng lãi được cha Nghi dẫn dụ đã biến đổi làm lại cuộc đời; một người bỏ đạo lâu năm nay trở về cùng Chúa…

Cuộc đời cha Giuse Nguyễn Đình Nghi qua đi nhưng mẫu gương tuyệt vời trong cách thức sử dụng lời nói đầy khôn ngoan để làm sáng danh Chúa vẫn còn luôn mãi. Máu thắm trong ngày tử đạo (08/11/1840) như một kiểu “ngôn ngữ không lời” càng làm nổi bật lên vẻ đẹp của ngôn từ mà suốt cả cuộc đời cha Nghi đã dùng để tôn vinh Thiên Chúa.

Chiêm ngắm hình ảnh cha thánh tử đạo Giuse Nguyễn Đình Nghi trong phút giây này, ước mong sao mỗi người trong chúng ta cũng hãy tự nhắc nhở chính mình để biết nói với nhau những lời thật ý nghĩa, những lời góp phần trả lại hoặc đánh thức niềm hy vọng cho những ai thất vọng. Như đóng góp thêm cho đời và cho người một lời khuyên về cách dùng lời nói, Lev Tolstoy đã nhấn mạnh: “Bạn mang linh hồn của Thượng Đế. Với lời nói, bạn có thể diễn đạt một phần cái thiêng liêng. Do vậy hãy để cho lời nói của bạn tương ứng với cái mà bạn diễn đạt. Hãy cẩn thận với chúng, chúng không thể lạnh lùng, thiếu cảm xúc, chúng cũng không nên truyền đạt cái ác.”
[1]

Cùng đọc lại những trang sử cuộc đời của thánh tử đạo Giuse Nguyễn Đình Nghi, để khi trở về với cuộc sống thường hằng, chúng ta có thể nhận ra nơi tâm hồn mình vẫn còn đó những nỗi trăn trở, băn khoăn, bởi dường như chúng ta thường không nắm bắt cơ hội để nói về Chúa, để tôn vinh Chúa. Có lẽ đã không ít lần, chúng ta thường chỉ nói về chính mình và tôn vinh chính mình. Phải chăng chúng ta vẫn đang “nhẹ nhàng hóa” vai trò của lời nói vì lưu giữ tâm thức, vì cho rằng lời nói chỉ ở dạng “gió thoảng mây bay”? Thực tế cuộc sống đã đem đến cho mỗi người câu trả lời thỏa đáng. Thêm vào đó, chúng ta cũng ghi nhận cách chắc chắn những lời mà cha Nghi đã nói năm xưa thật chẳng như “gió thoảng mây bay”, những lời ấy đọng lại nơi tâm hồn của rất nhiều người biết bao điều diệu kỳ. Vì thế, ước gì mỗi lời mà bạn và tôi nói ra cũng được nói trong tinh thần ý thức để góp phần lưu lại dấu chỉ sự hiện diện của Chúa nơi những người chúng ta gặp gỡ.

Là những Kitô hữu, chớ gì chúng ta luôn biết cách sử dụng thật khôn khéo những lời nói của chính mình và “không bỏ mặc việc truyền bá đức tin cho các nhà chuyên môn (linh mục, các nhà truyền giáo). Ta là Kitô hữu để cho những người khác, nghĩa là mỗi Kitô hữu thực thụ đều muốn cho Thiên Chúa cũng đến với những người khác nữa. Ta tự nhủ rằng: Chúa cần đến tôi. Tôi được Rửa tội, Thêm sức và trở nên người có trách nhiệm để người xung quanh tôi hiểu biết Thiên Chúa và tiến tới nhận biết sự thật.”
[2]

Xin thánh Giuse Nguyễn Đình Nghi chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con biết dùng lời nói mà làm vinh danh Chúa và dệt thắm yêu thương với anh chị em chung quanh.

[1] Lev Tolstoy, Suy niệm mỗi ngày, Đỗ Tư Nghĩa dịch.
[2] Youcat Việt Nam, Số 11.
114.864864865135.135135135250