08/11/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

847
Ngày 08/11 - Thánh Martinô Tạ Đức Thịnh
Ngày 08/11
Thánh Martinô Tạ Đức Thịnh
Linh mục (1760 - 1840)

I. Tiểu sử

 
Ông có phải là đạo trưởng không ? Phải, tôi đây.
 
Thánh Martinô Tạ Đức Thịnh sinh năm 1760 tại làng Kẻ Sét, huyện Thanh Trì (Hà Nội), là con thứ tám trong gia đình chín anh chị em. Năm 18 tuổi, gia đình muốn anh kết duyên với một thiếu nữ thùy mị và đạo hạnh, nhưng anh xin hoãn lại. Sau đó, anh quyết định xin vào chủng viện và được thụ phong linh mục trong thời vua Cảnh Thịnh cấm đạo.

Cha Thịnh làm thư ký cho Đức cha Jacques Longer - Gia. Sau đó, cha làm mục vụ tại các xứ Ba Làng, Đồng Chuối và hai mươi năm phục vụ xứ Nam Sang. Cuối cùng, cha là chính xứ của xứ Kẻ Trình (Trình Xuyên). Cha già Thịnh sống thọ đến tuổi 80 và vẫn nghiêm túc giữ luật Hội thánh.

Một hôm, do bệnh tật, một người giáo dân tên Chiền rước cha già Thịnh về nhà chăm sóc. Khi nghe tin có ba linh mục trong làng, quan quân kéo đến vây bắt. Cha Thịnh giả điếc nằm trong nhà. Quân lính đi ngang qua thấy cụ già nhà quê bệnh tật nên cũng chẳng nghi ngờ. Thế nhưng khi hay tin cha Nguyễn Ngân và cha Nguyễn Đình Nghi bị bắt, cha Thịnh không muốn im lặng nữa.

Khi viên cai đội đi ngang qua và hỏi cụ: “Ông có phải là đạo trưởng không ?” Cha nghiêm nghị trả lời: “Phải, tôi đây”. Thế là cha bị bắt, bị dẫn ra đình làng Kẻ Báng ngày 30-5-1840. Tại đây cha gặp cha Ngân và Nghi, cùng với hai ông Trần Ngọc Cỏn, Trần Ngọc Thọ và hai mươi tín hữu khác. Tất cả bị đóng gông giải về Trại Lá hay Trại quan thượng Nam Định.

Suốt 6 tháng trong lao tù, ban ngày cha bị mang gông, xích xiềng, tối bị cùm chân. Nhiều lần bị điệu ra công đường, buộc bước qua thập giá, nhưng các anh hùng đức tin bền chí, tin tưởng và nhẫn nhục chịu roi đòn đau đớn vì danh Thầy Giêsu.

Trước ý chí can trường, sắt đá của ba cha, các quan khép án trảm quyết, gửi về kinh và được vua Minh Mạng phê chuẩn. Các chứng nhân đức tin: cha Tạ Đức Thịnh, cha Nguyễn Đình Nghi, cha Nguyễn Ngân, cùng hai ông Trần Ngọc Cỏn và Trần Ngọc Thọ cùng chịu xử trảm ngày 08-11-1840 tại pháp trường Bảy Mẫu. Thi hài cha già Martinô Tạ Đức Thịnh được các tín hữu mai táng tại nhà thờ họ Vũ Điện (Hà Nam).

Linh mục Martinô Tạ Ðức Thịnh được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh  ngày 19-6-1988.

Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

Sức mạnh của niềm tin cộng đồng
 
Có những lúc ta yếu đuối tưởng chừng như không đứng dậy nổi mặc dù trước đó ta đã có một hành trình dài lâu năm oanh liệt, vẻ vang, kiên vững. Những lúc ấy, nếu chẳng may ngã quỵ thì có khi nhân thế quên cả hành trình dài vĩ đại kia mà nguyền rủa những phút yếu lòng kiệt sức của ta. Cần lắm thay tình nghĩa anh em nâng đỡ chia sẻ để thêm sức cho ta chiến thắng đến phút cuối cùng trong ân sủng và bình an.

Hạnh thánh linh mục tử đạo Martinô Tạ Ðức Thịnh kể lại rằng: ngài sinh năm 1760 tại Kẻ Sặt, Hà Nội trong một gia đình đạo đức, nề nếp. Cậu Thịnh có ý hướng dâng mình phục vụ Chúa. Khi làm linh mục, cha được bổ nhiệm phục vụ tại nhiều nơi ở Hà Nội: Cửa Bạng, Đồng Chuối, Nam Sang, Kẻ Trình… Cả cuộc đời cha dấn thân phục vụ Chúa, không từ nan, không mệt mỏi. Tuy nhiên, khi đã vào tuổi 80, thì cũng chính là lúc vua Minh Mạng ra lệnh bắt giết các đạo trưởng thật gắt gao. Sức đã yếu lại bệnh tật, cha Thịnh đã được giáo dân bao che ẩn trốn, vì cha e sợ không đủ sức chống chọi với tra tấn đòn roi.

Chuyện gì đến cũng sẽ đến, cha Thịnh không thể trốn lánh mãi dưới sự lùng sục của quan quân khi có lệnh của nhà vua. Được tin cha Nghi và cha Ngân là hai linh mục trẻ đã bị bắt, cha Thịnh dường như được thêm sức mạnh. Cha không muốn im lặng ẩn trốn nữa. Nhân lúc một cai đội hỏi Cha: "Ông có phải là đạo trưởng không?" Cha liền đáp: "Phải, tôi đây!" Thế là cha Thịnh đồng số phận bị bắt với hai cha trẻ cùng chí hướng. Sau đó quan cho đóng gông và áp giải ba linh mục, ông Thọ, ông Cỏn và 20 tín hữu Kẻ Báng về nhà lao Nam Định.

Có hai người bạn tù là hai linh mục trẻ tuổi, cha Thịnh như được nâng đỡ bởi niềm tin chung. Suốt một tháng đầu, ba cha, ngày mang gông xiềng, tối bị cùm chân,… Lâu lâu các ngài bị đem ra tra hỏi, khi không trả lời vừa ý các quan, các ngài bị trói, bị bắt quỳ giang nắng suốt ngày không cho ăn uống, nhiều lần quan quân đánh đòn các ngài mỗi lần như thế 50 roi. Lần nọ, quan gọi các cha ra công đường, rồi bắt các cha bước qua Thánh Giá, các cha đều can đảm từ chối. Cha Thịnh lên tiếng: "Tôi đã bằng này tuổi đầu mà còn sợ chết nữa sao? Tôi không thể làm theo lời quan được.” Với sức mạnh và niềm tin được nâng đỡ bởi cộng đoàn, cha Thịnh mạnh mẽ can đảm chịu đòn một cách vui vẻ.

Tất cả cảnh huống này làm cho chúng ta nhớ đến lời của Đức thánh cha Phanxicô[1] về sức mạnh cộng đoàn rằng: “Thật khó mà chống lại được khuynh hướng thiên về sự dữ cũng như những cạm bẫy và cám dỗ của ma quỷ và tính ích kỷ của thế gian, nếu chúng ta sống cô lập một mình... Việc nên thánh là một hành trình được diễn ra trong cộng đoàn,... Một số cộng đoàn thánh đã phản ánh điều này. Trong vài trường hợp, Giáo hội đã phong thánh cho toàn thể cộng đoàn đã sống Tin Mừng một cách anh dũng hoặc dâng lên Thiên Chúa cuộc đời của tất cả các thành viên của họ. Ví dụ như: bảy vị thánh sáng lập Dòng các Tôi tớ Đức Mẹ, bảy chân phước nữ tu của Tu viện đầu tiên của dòng Thăm Viếng ở Madrid, thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo ở Nhật Bản…”

Hình ảnh cha Thịnh già 80 tuổi, cha Ngân, cha Nghi, ông Thọ, ông Cỏn và một số anh chị em giáo dân bị đoàn lính điệu ra pháp trường, đến nơi các ngài quỳ xuống cầu nguyện một lát trước khi bị hành quyết, trông họ như là một cộng đoàn nhân chứng đức tin mà Đức thánh cha Phanxicô đã nói ở trên. Linh mục giải tội cho nhau rồi giải tội cho giáo dân, mọi người lộ rõ nét vui tươi chờ đợi giây phút được làm chứng cho Chúa. Và rồi, lệnh quan được ban ra, lý hình chém rơi đầu các chiến sĩ đức tin, kết thúc cuộc đời dương thế và khai mở cuộc sống vĩnh hằng trên Thiên Quốc của các ngài ngày 08/11/1840.

Thi thể cha Thịnh được mai táng ở xứ Vũ Điện, sau đưa về quê hương ngài là Kẻ Sét, Hà Nội.

Lạy Chúa, chúng con cần biết bao niềm tin cộng đồng để chúng con được nâng đỡ trong những lúc gian truân. Xin Chúa ở giữa chúng con và liên kết chúng con bằng Mình Máu Thánh của Chúa cho đức tin của chúng con nên vững mạnh, hầu chúng con làm chứng cho Chúa trong môi trường mà chúng con đang sống. Xin thánh Martinô Tạ Ðức Thịnh phù hộ chúng con. Amen

[1] Tông huấn Gaudete Et Exultatecác số 140-144.
114.864864865135.135135135250