08/11/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1226
Ngày 08/11 - Thánh Martinô Thọ (Nho)
Ngày 08/11
Martinô TRẦN NGỌC THỌ  (QUANG hay NHO)
Nông dân (1787 - 1840)

I. Tiểu sử

 
Sống công bằng chưa đủ, phải có bác ái nữa.
 
Thánh Martinô Trần Ngọc Thọ sinh năm 1787 tại làng Kẻ Báng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông tên thật là Nho, tên Thọ là tên của người con thứ chín.

Trong chức vụ thu thuế, ông sống thanh liêm, không nhận hối lộ, cũng không quỵ lụy cấp trên. Ông còn làm ruộng, ươm tơ và nuôi tằm. Kiếm được thêm tiền, ông Thọ giúp đỡ người nghèo hoặc đóng góp cho việc chung trong làng và giáo xứ. Ông khuyên các con: “Sống công bằng chưa đủ, phải có bác ái nữa”.

Dưới triều vua Minh Mạng, khi lệnh cấm đạo được thi hành triệt để, gia đình ông Thọ vẫn kiên tâm sống đạo, vẫn đón linh mục, thầy giảng và giữ ảnh tượng thánh trong nhà. Khi quan quân thi hành lệnh triệt phá nhà thờ, nhà nguyện, nhà xứ và các cơ sở tôn giáo, ông Thọ đứng ra nhận nhà xứ Kẻ Báng, đưa vợ con và dụng cụ nông trang vào sống trong nhà xứ để bảo vệ nhà xứ khỏi bị tàn phá.

Sau khi đi viếng xác hai vị tử đạo là chánh trương Nguyễn Tiến Đích và lý trưởng Nguyễn Huy Mỹ, ông Thọ ân cần dặn dò các con: “Nếu Chúa cho Cha theo chân hai đấng ấy, các con hãy vui lòng. Phần các con, nếu bị bắt, các con hãy can đảm giữ vững đức tin”.

Tại đình làng Kẻ Báng, ngày 30-5-1840, ông Thọ bị bắt vì tội chứa chấp đạo trưởng. Dưới bóng cây đa ở sân đình, ông Trần Ngọc Thọ được an ủi khi gặp lại các cha Tạ Đức Thịnh, Nguyễn Ngân, Nguyễn Đình Nghi và ông Trần Ngọc Cỏn. Năm vị tù nhân đức tin cùng với hai mươi giáo hữu bị đóng gông, áp giải về trại giam Nam Định.

Ngày 08-11-1840, cùng với thánh Gioan Baotixita Trần Ngọc Cỏn, thánh Martinô Trần Ngọc Thọ chịu xử trảm tại pháp trường Bảy Mẫu, dưới triều vua Minh Mạng. Thi hài của hai vị được đưa về an táng tại giáo xứ Kẻ Báng.

Chứng nhân đức tin Martinô Trần Ngọc Thọ được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

Những lời dạy con
 

Tháng 9/2018 vừa qua, Hội đồng Giám mục Việt Nam họp Hội nghị thường niên kỳ II tại trung tâm hành hương các thánh tử đạo Ba Giồng – Mỹ Tho. Các Giám mục nhắc lại chủ đề định hướng mục vụ cho năm 2018-2019 đó là “đồng hành với các gia đình gặp khó khăn.” Bối cảnh này nhắc nhớ chúng ta về các mẫu gương của các thánh tử đạo cho các gia đình. Trong phút cầu nguyện hôm nay, chúng ta chiêm ngắm thánh tử đạo Martinô Thọ và những lời trăn trối của ngài dành cho các con, để cầu nguyện cho các gia đình và ước mong các gia đình học nơi ngài những điều cần thiết phải làm khi gia đình gặp phải những khó khăn.

Martinô Thọ sinh khoảng năm 1787 tại làng Kẻ Báng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông tên thật là Nho, còn tên Thọ là tên người con thứ chín mà người ta thường gọi ông (Văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ thường lấy tên con để gọi tên cha). Tuy gia đình đông con, nhưng ông đã khéo léo giáo dục chúng bằng đời sống gương mẫu của chính mình: siêng năng lao động, liêm chính, ngay thẳng, bác ái và yêu thương. Ông thường khuyên các con: "Sống công bằng thôi chưa đủ, phải có bác ái nữa”, phải luôn giúp đỡ người nghèo, phải có lòng chung, phải sẵn sàng tiếp đón các linh mục đến giáo xứ làm việc. Ông yêu mến Chúa nồng nàn, sẵn sàng chịu chết vì Chúa. Hơn nữa, ông Martinô Thọ còn là một người có trách nhiệm với gia đình, yêu thương lo lắng cho con cái. Lắng nghe những lời trăn trối của ông để lại cho các con ta mới thấy rõ trách nhiệm của ông: "Các con yêu dấu, cha không còn làm gì giúp các  con ở thế gian này được nữa, cha chỉ còn lo chuẩn bị tâm hồn đón nhận những thử thách cuối cùng. Ý Chúa đã muốn cha xa lìa các con mãi mãi, nhưng các con còn có mẹ, hãy cố vâng lời mẹ. Các con lớn hãy nhớ quan tâm em mình. Các con nhỏ phải biết kính trọng và vâng lời anh chị. Hãy yêu thương nhau, siêng năng làm việc đỡ đần mẹ. Nhớ đọc kinh tối sáng và lần chuỗi Mân Côi hàng ngày. Chúa trao cho mỗi người một Thánh Giá riêng, hãy vui vẻ vác theo chân Chúa và kiên trung giữ đạo."

Những lời ông Martinô Thọ nói với các con đưa dẫn chúng ta nhớ về lời Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong Tông huấn về những bổn phận của gia đình Kitô hữu rằng: “Tình yêu của cha mẹ vừa là nguồn mạch vừa là nguyên lý sống động truyền cảm hứng và cũng là chuẩn mực soi sáng – hướng dẫn tất cả các hoạt động giáo dục cụ thể, làm cho việc giáo huấn trở nên phong phú với những giá trị của lòng tốt, lòng chung thủy, sự phục vụ, tính vô vị lợi và đức hy sinh. Đó là hoa quả quý giá nhất của tình yêu.”
[1]

Quả đúng vậy, những lời của thánh Martino Thọ nói với các con sẽ mãi là những điều mà các con ông khắc cốt ghi tâm và sẽ mãi đem lại hoa trái tốt lành.

Hơn nữa, Tông huấn niềm vui sự sống cũng dạy: “…Nhờ việc giáo dục con cái mà gia đình làm tròn sứ mệnh loan báo Tin Mừng về sự sống. Bằng lời nói và bằng gương sáng, trong những tương quan và chọn lựa hằng ngày, qua những cử chỉ và dấu hiệu cụ thể,... Họ vun trồng nơi con cái lòng tôn trọng người khác, ý thức về sự công bình, sự đón tiếp nhân hậu, việc đối thoại, sự phục vụ cách quảng đại, tình liên đới và các giá trị khác giúp ta sống cuộc đời như một hồng ân… Hành động giáo dục của cha mẹ Kitô giáo phải phục vụ đức tin của con cái và giúp chúng đáp ứng ơn gọi mà chúng nhận từ Thiên Chúa. Cũng trong sứ mệnh ấy, việc giáo dục của bậc cha mẹ là phải dạy con cái biết ý nghĩa thực của đau khổ và sự chết, và làm chứng cho chúng biết về những ý nghĩa ấy.”
[2]

Những giáo huấn của Giáo hội về gia đình qua dòng thời gian đã được thánh Martinô Thọ thực hành trước đó. Những lời ông răn dạy các con như những lời kiểu mẫu mà các bậc cha mẹ cần học hỏi. Ông quả là một mẫu gương lành thánh cho các bậc làm cha mẹ trong các gia đình. Ông đã đẹp lòng Chúa và làm chứng cho Ngài. Ngày 08/11/1840 ông Martinô Thọ bị xử trảm, và kìa "gông cùm và roi vọt của quan lại là hai cánh đưa ông bay về thiên quốc" như ông đã từng nói khi sinh thời.

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng, xin chuyển cầu cho chúng con là con cháu được noi gương các ngài, biết đem lòng bác ái mà dấn thân phục vụ, để một ngày kia trên thiên quốc, chúng con được hợp tiếng với các Ngài, ca tụng tạ ơn Chúa muôn đời vinh hiển. Amen.

[1] Tông huấn Familiaris Consortio, số 36.
[2] Tông huấn Evangelium vitae, số 92.
114.864864865135.135135135250