08/11/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

844
Ngày 08/11 - Thánh Phao lô Nguyễn Ngân
Ngày 08/11
Thánh Phao lô Nguyễn Ngân
Linh mục (1790-1840)

I. Tiểu sử

 
Vua cấm đạo ngặt thế này, thì giáo hữu không đến với linh mục được,
mà linh mục cũng không đi giúp các nơi được.

 
Thánh Phaolô Nguyễn Ngân sinh năm 1790 tại họ Cự Khanh, tỉnh Thanh Hóa. Cha học cùng lớp ở tiểu chủng viện với cha Giuse Nguyễn Đình Nghi nên cũng trạc tuổi hoặc lớn hơn một chút.

Sau khi chịu chức linh mục, cha Ngân được sai đi giúp nhiều xứ. Trong lúc giúp xứ Phúc Nhạc và các họ xung quanh, cha bị bệnh phải về Nhà chung Kẻ Vĩnh tĩnh dưỡng trong bảy tám năm. Khi đã khỏi bệnh, cha Ngân giúp xứ Trình Xuyên ba năm, rồi xuống xứ Kẻ Báng giúp cha Nghi là bạn học với người độ một năm thì bị bắt.

Trong thời buổi cấm đạo gắt gao, cha Ngân không dám ở nhà xứ mà phải đi trú ẩn ở nhà giáo dân, nay nơi này, mai nơi khác. Cha lấy đó làm buồn lắm, thường than thở rằng: “Vua cấm đạo ngặt thế này, thì giáo hữu không đến với linh mục được, mà linh mục cũng không đi giúp các nơi được”. Đức cha Du khen cha Ngân là người tốt, chịu khó làm các phần việc của mình.

Sáng ngày 29-4-1840, quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh và quan phủ Thiên Bổn đem khoảng một nghìn quân đến vây làng Kẻ Báng để tìm bắt cha Nghi, cha Ngân và cha Thịnh. Ngày 30-4-1840, quan bắt được cha Nghi và cha Ngân. Ngày hôm sau, quan bắt được cha Thịnh.

Các cha bị dẫn ra tỉnh giam ở trại Lá, quen gọi là trại quan thượng. Từ ngày 01-6-1840 đến ngày 07-6-1840, quan liên tục tra tấn, bắt ba cha bước qua thập giá nhưng không được.

Ngày 08-6-1840, quan đòi ba cha ra cùng hỏi lại các điều như những lần trước. Cha Nghi thưa vắn tắt rằng: “Bẩm ông lớn, chúng tôi xin ông lớn một lát gươm”. Quan giận lắm thì truyền đánh cha Nghi và cha Ngân bốn, năm chục roi. Từ ngày hôm ấy, các quan chẳng còn đòi ba cha ra nữa. Các quan biết không thể nào bắt hay là dụ dỗ ba cha bước qua thập giá được nên làm án rồi giam ba cha vào ngục thất.

Ngày 14-10-1840, tổng đốc Trịnh Quang Khanh tuyên án tử hình và gửi xin vua Minh Mạng châu phê. Các cha nghe được tin đó thì không cho ai ra vào thăm mình nữa, cũng không còn nói chuyện với ai, chỉ đọc kinh cầu nguyện, xét mình xưng tội, cùng dọn mình chết.

Khi đến nơi xử, ngày 08-11-1840 ba cha cầu nguyện và lãnh nhận Bí tích Giải tội. Cả ba cùng chịu xử trảm. Thầy Sự lấy xác cha Ngân đưa xuống thuyền chở về làng Kẻ Báng. Cha Nghi được an táng ở bên hữu, cha Ngân ở bên tả bàn thờ.

Linh mục Phaolô Nguyễn Ngân được suy tôn lên bậc chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

Biết hài hước trong cuộc đời

Hạnh thánh linh mục tử đạo Phaolô Nguyễn Ngân kể lại rằng: khi cha Ngân bị bắt cầm tù, các giáo hữu vì thương mến vị mục tử hiền lành, đức độ đã tìm cách vào thăm viếng và ngỏ ý muốn cứu cha khỏi sự giam cầm. Bằng sự ân cần, nhẹ nhàng, cha từ chối và dùng kiểu nói rất thật nhưng cũng rất hài hước cha trả lời: “Bây giờ cha được quan nuôi rồi, anh chị em khỏi phải vất vả lo lắng nuôi cha nữa nhé.” Chốn ngục tù vốn tăm tối nay như được chiếu sáng nhờ ân sủng, niềm vui, sự thánh thiện và óc hài hước của cha Ngân.

Trong Tông huấn “Hãy vui mừng hân hoan – về ơn gọi nên thánh trong thế giới hôm nay”
[1], Đức thánh cha Phanxicô đã nói: “Niềm vui Kitô giáo thường đi kèm với tính khôi hài… Chúng ta nhận được quá nhiều ân huệ của Chúa ‘để vui hưởng’, vì thế buồn sầu là dấu hiệu của sự vô ơn.”

Chúng ta không thể phủ nhận được hiệu năng rất lớn của niềm vui và tiếng cười trong cuộc sống. Thế nhưng, có lẽ đã hơn một lần ta chối từ vị ngọt của cuộc sống mà chọn lấy sự đắng cay vì ngôn từ của ta chứa đựng sự nóng nảy, cáu gắt, xót xa hoặc u sầu buồn nản khi gặp phải những cảnh huống bất ngờ mà ta không mấy vừa ý, hoặc đơn giản chỉ là từng tình huống của đời thường, khiến cho cả ta và mọi người đều vụt mất niềm vui. Cùng gẫm suy, cùng chiêm ngắm cuộc đời của thánh linh mục tử đạo Phaolô Nguyễn Ngân và cùng lắng nghe lời nói đầy lạc quan lại rất hài hước của thánh nhân vào thời điểm ngài đang phải chịu muôn vàn hình khổ tra tấn ở giai đoạn cấm đạo. Chúng ta như được thôi thúc để rồi cũng chọn lấy cho chính mình một lối ứng xử đẹp qua các ngôn từ hài hước.

Thánh Phaolô Nguyễn Ngân sinh năm 1790 tại làng Cự Khanh, xứ Kẻ Bền, tỉnh Thanh Hóa; bị xử trảm ngày 08/11/1840 dưới đời vua Minh Mạng. Đức Lêô XIII suy tôn cha lên bậc chân phước ngày 27/5/1900. Ngày 19/6/1988, Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên hàng hiển thánh. 

Nhắc đến cha Phaolô Ngân, người ta vẫn thường không quên hình ảnh của vị mục tử đã theo sát Đức Kitô trên hành trình dương thế bằng tinh thần vui tươi và óc khôi hài. Với tâm hồn luôn dạt dào tình yêu thương, lòng cảm mến Thiên Chúa, cha Ngân hăng say nhiệt thành và không quản ngại gian khó mà dấn thân phục vụ đoàn chiên. Chính nét đẹp của tính tình hòa nhã vui tươi, lại rất khiêm nhường đạo đức trong lối sống, thánh thiện trong suy nghĩ và trong việc làm mà cha được mọi người kính yêu, cảm phục. Cánh cửa thiên quốc mở ra trước mắt, bởi quan quân truy lùng và bắt bớ những người phục vụ Chúa. Cha Ngân đã khai nhận mình là linh mục và nhất quyết không bước qua thánh giá để chối đạo hay bỏ Chúa. Vì vững tin vào Chúa, vì lòng trung tín mạnh mẽ và niềm tín thác sâu thẳm nên cha sống trong an vui ngập tràn, gắn kết với Chúa mọi lúc mọi nơi.

Đức thánh cha Phanxicô đã nhiều lần đề cao tính hài hước khi đề cập đến nét đặc trưng của sự thánh thiện. Ngài khẳng định: Sự thánh thiện không đồng nghĩa cũng không ám chỉ một tinh thần buồn sầu hay một bộ mặt ủ rũ... Người khó tính không phải là dấu hiệu của sự thánh thiện. Thánh nhân là người biết sống vui tươi và có tính khôi hài. Trong thực tế, các ngài hoàn toàn tỏa ra tinh thần tích cực, nhờ vậy mà các ngài khích lệ tha nhân với niềm hy vọng.
[2]

Nếu như cha Phaolô Nguyễn Ngân đã tạo ra niềm vui cho mình và cho người trong chính thời điểm xảy ra những khốn khó, nếu như ngài đã bộc lộ tính khôi hài cả khi đón nhận thập giá cuộc đời, thì ước mong sao mọi người “không đánh mất tinh thần vui tươi, óc hài hước, thậm chí tự cười mình… ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn. Một chút hài hước thật là tốt dường nào.”[3]

Lạy Chúa xin cho con không ở yên trong sự đợi chờ được tha nhân mang đến niềm vui nhưng xin giúp con biết mang niềm vui và sự bình an đến cho tha nhân. “Xin cho con một linh hồn không buồn chán, không càu nhàu, thở dài hay than van, cũng không căng thẳng quá độ, vì những điều này ngăn cản một chuyện: con chính là ‘con’. Lạy Chúa, xin cho con một trí hài hước tốt đẹp, xin cho con có thể nói một câu đùa để tìm được chút niềm vui trong đời và có thể chia sẻ niềm vui đó với người khác.”[4]Amen

[1] Tông huấn Gaudete Et Exultatecác số 122-128.
[2] Tông huấn Gaudete Et Exultate, số 122.
[3] ĐTC Phanxicô - Bài nói chuyện với giáo triều Roma ngày 22/12/2014.
[4] Lời kinh của thánh Thomas Moore. Phanxico.vn
114.864864865135.135135135250