09/05/2022 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1736
Ngày 09/5 Thánh Giuse Ngô Duy Hiển

Ngày 09/5

Thánh Giu-se Ngô Duy Hiển
 

Linh mục (1769 - 1840)

I. Tiểu sử       


Tôi thờ lạy Chúa, một Thiên Chúa,
có lẽ nào tôi bước qua ảnh Ngài.


Thánh Giuse Ngô Duy Hiển sinh năm 1769 tại làng Quần Phương Hạ, tỉnh Nam Định (nay thuộc giáo xứ Quần Phương, Giáo phận Bùi Chu).
Chú Hiển lớn lên trong bầu khí đạo đức, và đã dâng mình vào Nhà Đức Chúa Trời khá sớm. Chú thực hành đời sống thiêng liêng nhiệm nhặt, chuyên cần học tập và giúp việc cho Đức cha Delgado - Y rất nhiệt thành.

Mãn chương trình thần học, thầy Giuse Hiển được gọi tiến chức linh mục. Cha Hiển tuyên khấn trọng thể trong dòng Thánh Đa Minh ngày 12-10-1812 và được gửi đi du học nhiều năm tại thủ đô Manila.

Khi học xong chương trình, cha Hiển trở về Việt Nam, được trao bài sai coi sóc giáo dân Hưng Nghĩa, Trung Thành và xứ đạo Cao Mộc. Giáo dân nhận định vị mục tử của mình là người hết sức tận tâm, đức hạnh. Cha giữ nghiêm chỉnh các giờ kinh và nguyện ngắm, cùng khuyên các tín hữu siêng năng dọn mình đón nhận các bí tích.

Thời vua Minh Mạng ra sắc chỉ cấm đạo, cha Hiển được Bề trên gọi về giúp Đức cha Henares - Minh. Tuy bị lùng bắt, cha vẫn tìm cách đến thăm viếng từng nhà bổn đạo, an ủi khích lệ từng người và ban các bí tích cho họ.

Đêm 20-12-1839, tổng đốc Trịnh Quang Khanh cho quân vào bắt khi cha mới dâng lễ xong. Họ tịch thu đồ lễ và bắt luôn cả chủ nhà đến trình diện quan tổng đốc đang ở đình làng.

Quan truyền bước qua thập giá, cha Hiển thưa: “Tôi thờ lạy Chúa, một Thiên Chúa, có lẽ nào tôi bước qua ảnh Ngài”. Quan tức giận, truyền đánh bốn mươi roi, cha cũng bị đóng gông rất nặng. Người tôi tớ trung thành của Chúa không than thở mà chỉ kêu tên cực trọng Chúa Giêsu và suy niệm cuộc thương khó của Chúa Kitô xưa.        
       
Đầu tháng 5 năm 1840, triều đình châu phê bản án, truyền lệnh cho tổng đốc Trịnh Quang Khanh phải xử tử Đạo trưởng Ngô Duy Hiển. Cha Giuse Hiển chịu xử trảm ngày 09-5-1840 tại pháp trường Nam Định, dưới thời vua Minh Mạng.

Linh mục Giuse Ngô Duy Hiển được tuyên phong chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 

          Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện     
               

Yêu mến Thánh Giá Chúa Giê-su

 

Trong phút cầu nguyện này, xin mọi người nhớ đến một nhân chứng anh hùng tử đạo Việt Nam. Vị chứng nhân này là người hiến dâng mạng sống mình để nêu cao sức mạnh chiến thắng của Thánh Giá.

Thánh Giu-se Ngô Duy Hiển, Sinh năm 1769 tại Quần Anh, Nam Ðịnh. Từ thuở bé, gia đình đã gởi cậu đến sống với đức cha Đê-ga-đô Y Dòng Đa Minh. Sau khi học xong thần học, thầy Hiển được thụ phong linh mục và được gởi đi du học ở Ma-ni-la. Sau thời gian du học trở về, cha giúp nhiều Giáo xứ. Mọi người công nhận cha sống thánh thiện, miệt mài với kinh nguyện, cách sống của cha gây tác động hoán cải lòng người.

Dưới thời vua Minh Mạng, cha bị tố giác và bị bắt. Ở trong tù, cha vẫn tìm cách dạy đạo, cha đã khuyến khích các tín hữu kiên trung xưng đạo mặc dù phải chịu cực hình tra tấn. Đặc biệt, cha giúp thầy Tô-ma Toán đã một lần đạp lên Thánh Giá, tìm lại được can đảm tuyên xưng niềm tin cho đến ngày lãnh triều thiên tử đạo.

Cũng thời gian ở tù, sau bao cực hình tra tấn ban ngày, mỗi tối cha nằm dài trong nhà lao nắn nót vẽ trên vải từng mẫu ảnh Thánh Giá rất đẹp. Khi giáo dân đến thăm, cha phát cho mỗi người một mẫu, khuyên họ cung kính suy ngẫm và xin ơn bền đỗ. Thế là, mặc dù sống trong tù, cha vẫn phát động phong trào suy tôn Thánh Giá ở Nam Định. Về sau, vì số người đến xin ảnh quá nhiều, cha phải nhờ một anh bạn tù khắc mẫu Thánh Giá đó vào gỗ rồi dùng mực in ra nhiều bản mới phân phát đủ. Những mẫu ảnh Thánh Giá cha phổ biến, đã gây được một phong trào tôn sùng Thánh Giá, giúp người nhút nhát thêm nghị lực, giúp tội nhân hoán cải, và nhiều người sắp chết tìm lại được an bình.

Cảm nghiệm được sức mạnh của Thánh Giá Chúa, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói: “Không ai có thể tiếp cận và chạm vào Thánh Giá Chúa Giê-su mà không để lại một cái gì đó của chính họ dưới chân Thánh Giá, và không mang lấy một cái gì đó của Thánh Giá Chúa Giê-su vào cuộc sống riêng của mình...

 Thánh Giá cho chúng ta một kho tàng mà không có sự gì khác có thể mang lại: đó là sự chắc chắn về tình yêu không lay chuyển mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Một tình yêu cao vời đến nỗi Ngài đã bước xuống vũng lầy tội lỗi của chúng ta và tha thứ, đã đi vào đau khổ của chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng.

Chúng ta hãy đặt nơi Thánh Giá Chúa Ki-tô những niềm vui, những nỗi đau khổ và thất bại của chúng ta. Nơi đó, chúng ta sẽ tìm thấy một Trái Tim rộng mở, thông cảm, tha thứ cho chúng ta, yêu thương chúng ta và mời gọi chúng ta mang lấy tình yêu này trong cuộc sống...”[1]

Khi nhìn vào Chúa Giê-su bị treo trên Thánh Giá, chúng ta hãy nghĩ đến tình yêu, sự phục vụ trong cuộc đời của mình; hãy nghĩ về các Ki-tô hữu tử vì đạo. Khi nhìn các vị tử đạo, nhìn về cuộc sống của mình, chúng ta hãy ngước nhìn lên Thánh Giá để thấy ý nghĩa và cùng đích cuối cùng của đời sống chúng ta. Giờ đây xin hợp ý cùng với Cha Ka Ra-nơ dâng lên Chúa những tâm tình cầu nguyện:

Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả, đó là ơn nhận ra Thánh Giá của Chúa Giê-su trong mọi nỗi khổ đau của đời con, và cho con ơn bước theo Chúa Giê-su trên đường Thánh Giá, bao lâu tùy ý Cha định liệu.

Xin đừng để con trở nên chua chát nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ và lòng khát khao nóng bỏng có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau.

Ngày đó, Cha sẽ lau khô mọi giọt lệ của những người đã yêu mến Cha, đã tin vào tình yêu của Cha giữa nỗi thống khổ, tin vào ánh sáng của Cha giữa đêm đen...

 Ước gì Thánh Giá trở nên mẫu gương cho con, là ánh sáng cho đêm tăm tối, nhờ đó con không còn coi khổ đau như một tai họa hay một điều vô lý, nhưng như một dấu chỉ cho thấy con đang thuộc về Cha mãi mãi. Amen
 

[1]Cát Minh, “Những câu nói bất hủ của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô”,  http://www.thanhlinh.net/node/54486.

114.864864865135.135135135250