10/07/2022 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

959
Ngày 10/7 - Thánh An tôn Nguyễn Hữu Quỳnh (Năm)
Ngày 10/7
Thánh An tôn Nguyễn Hữu Quỳnh (Năm)
 Trùm họ (1768-1840)

I. Tiểu sử

 
Nếu bà và các con không đồng ý cho tôi lấy của nhà giúp người,
tôi sẽ đi vay mượn hoặc làm thuê, kiếm tiền giúp họ.

 
Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh sinh năm 1768 tại làng Mỹ Hương, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cậu Quỳnh là con ông Antôn Hiệp và bà Mađalêna Lộc. Theo gia phả, cậu là cháu 15 đời của đệ nhất công thần Nguyễn Trãi (1380-1442). Vì là con thứ năm, nên ngài được gọi là Năm Quỳnh.

Năm 1800, anh Quỳnh đi lính cho hoàng tôn Nguyễn Ánh và được thăng “chức Vệ Uý. Sau hai năm, anh giải ngũ về quê, học thêm nghề thuốc và trở thành một lang y nổi tiếng. Với người nghèo, ông chữa bệnh miễn phí và đôi khi còn cho tiền.

Ông nói: “Tôi chưa thấy những ai giúp đỡ người nghèo khó mà túng bấn bao giờ. Kinh Thánh chẳng dạy chúng ta phải coi họ như chi thể của Chúa đó sao ? Chúa đã cho chúng ta sống tất sẽ quan phòng cho ta đủ dùng”.  Khi con cái khôn lớn, ông nói: “Cha đã nuôi dưỡng các con từ nhỏ, nay đã lớn khôn, các con sẽ lo tất cả cho gia đình. Cha muốn để dành tiền bán thuốc để chia sẻ với bà con nghèo khổ

Dấn thân phục vụ Giáo hội, ông Quỳnh nhận lời làm trùm họ làng Mỹ Hương, và vâng lời Đức cha Labartette - Bình, phụ trách việc dạy giáo lý trong hạt. Nhà ông trở thành lớp giáo lý và chỗ trọ cho các thừa sai.

Ông dạy dỗ con cái yêu mến Giáo hội và trung kiên với niềm tin. Cô gái lớn của ông đi tu dòng Mến Thánh Giá. Có lần quân lính đến khám nhà, lôi bà Quỳnh và hai cô út bước qua thập giá. Ba mẹ con khẳng định mình bị ép buộc, chứ lòng luôn tôn kính Thánh Giá, quân lính nể phục nên tha cho cả ba. Quân lính bắt ông Quỳnh ở trại Kim Sen và áp giải về Đồng Hới. Phát hiện họ đang giữ sổ nhân danh tín hữu Mỹ Hương, ông nhắn con trai đem theo 50 quan tiền để chuộc lại.

Tại Đồng Hới, ông Quỳnh vui mừng vì được giam cùng với Đức cha Borie - Cao, cha Điểm, cha Khoa và thầy Tự. Có lần lính trói ông lôi qua Thánh Giá, ông liền phản kháng: “Việc này do quan lớn làm, nếu có tội là quan phạm tội, chứ không phải tôi”. Ông khẳng định: “Thà chết không thà chối Chúa, dù chỉ trong giây lát”.

Không thuyết phục được các chứng nhân, quan gởi án về kinh đô. Ba vị giáo sĩ bị án trảm quyết, còn ông Antôn và thầy Tự bị án xử giảo nhưng giam hậu, nghĩa là lệnh xử sẽ thi hành sau.

Thấm thoát ông Quỳnh và thầy Tự đã bị giam hai năm. Ông Quỳnh biểu lộ đức can đảm và nhẫn nại đáng khâm phục. Ngoài việc đọc kinh cầu nguyện, ông còn giữ các ngày chay và giúp đỡ mọi người. Là một lương y, ông chữa bệnh cho nhiều bạn tù, và chữa bệnh cho một viên quan ở Đồng Hới.

Ngày 10-7-1840, khoảng 100 binh lính dẫn hai chứng nhân ra pháp trường. Đến nơi, hai vị hỏi chỗ xử Đức cha Cao, cha Khoa và cha Điểm, để dừng đúng chỗ đó mà cầu nguyện: “Lạy Chúa xin tạ ơn Chúa cho con được ân phúc như các ngài”.

Cầu nguyện xong, ngồi xuống, ông Quỳnh bình tĩnh chậm rãi hút hết điếu thuốc được quan trao cho. Hai người con đến từ giã, ông Quỳnh nhắc họ qua giã biệt thầy Tự và nhắn nhủ những lời cuối cùng: “Cha gởi lời chào các chức sắc và anh em giáo hữu Mỹ Hương. Cầu chúc mọi người bình an, trung thành giữ đạo. Hãy yêu thương nhau và sống đạo đức, các con sẽ gặp lại cha trên Thiên Đường”.

Rồi nằm xuống trên chiếu trải sẵn, ông Quỳnh giang tay ra nói: “Xưa Chúa cũng giang tay như thế này để chịu đóng đinh”. Giữa tiếng thanh la vang rền, quân lính thi hành án lệnh xử giảo đưa người tôi trung của Đức Kitô về hưởng hạnh phúc trường sinh.

Trên bia mộ ông Quỳnh ở xứ Kim Sen, nơi ông được an táng với tổ tiên dòng họ, được khắc hai câu thơ sau:
Nghĩa khí nêu cao trên đất nước,
Oai linh phù hộ khắp non sông.

 
Ông trùm họ Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh được suy tôn lên bậc chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.
 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

Cầu nguyện cho Ban Hành giáo và những người phục vụ Giáo xứ

Trong số 11 của Tông huấn “Hãy vui mừng hân hoan, về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay”, ĐTC Phanxicô trích lại lời Công đồng Vaticanô II[1] rằng: “Được củng cố bởi rất nhiều phương tiện cứu rỗi lớn lao, tất cả mọi tín hữu, bất kể ở điều kiện hay bậc sống nào đều được Chúa mời gọi - mỗi người theo cách của riêng mình đạt đến sự thánh thiện trọn lành như chính Thiên Chúa Cha là Đấng trọn lành.”[2] ĐTC nhấn mạnh thêm: Điều quan trọng là mỗi tín hữu nhận ra con đường riêng của chính mình, là họ nói lên những điều tốt nhất của chính mình, những hồng ân cá nhân nhất mà Thiên Chúa đã đặt trong lòng họ (x.1Cr 12,7).[3] Với những phút giây lặng thầm bên Chúa, chúng ta cùng chiêm ngắm thánh tử đạo Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh, để thấy cách nên thánh của ngài, mộtngười phục vụ trong Ban Hành Giáo,một tông đồ giáo dân. Đồng thời, chúng ta cũng cầu nguyện cho các anh chị em đang là thành viên của Ban Hành Giáo, phục vụ trong các giáo xứ, xin cho họ sẵn lòng phục vụ trong tín thác yêu thương theo gương thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh.

Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh sinh 1768 tại Mỹ Hương, Lệ Thủy, Quảng Bình. Thuở thiếu thời, cậu Quỳnh ước muốn trở thành Linh mục, nhưng sau đó, cậu trở về gia đình vì hai người anh đã theo đuổi ơn gọi này. Dù vậy, chính nhờ nên tảng đạo đức gia đình vững chắc mà tòa nhà đức tin tuyệt đẹp nơi cậu Antôn được xây dựng.

Rời bỏ quân ngũ và sống những tháng ngày bình yên với ruộng vườn, với việc buôn bán và với việc tự học thêm nghề thuốc, ông Antôn Quỳnh giờ đây đã là một lương y nổi tiếng. Đắm chìm trong dòng suối bác ái yêu thương,thế nên ông sẵn sàng chia sẻ cho người nghèo không chỉ của cải vật chất cùng khả năng chữa bệnh mà còn những của cải thiêng liêng là những bài học giáo lý và lối sống thánh thiện, nhiệt thành.

Được mọi người yêu thương, kính trọng và tin tưởng, ông vui nhận chức trùm trưởng của làng. Ông cộng tác, chia sẻ với vị mục tử những công việc hành chính, mục vụ giáo xứ. Ông là người tông đồ giáo dân chỉ lo tìm kiếm lợi ích thiêng liêng và lo tích trữ kho tàng phúc lộc ở trên trời. Ông vẫn cứ âm thầm và dấn thân phục vụ, cho dẫu khó khăn, gian khổ bủa vây.Ngọn lửa nhiệt thành nơi ông trùm trưởng Antôn thật rực sáng đúng như lời Công đồng ca ngợi: Đây là “Những giáo dân có tinh thần tông đồ đích thực, đang tiếp trợ những gì anh chị em của mình thiếu, và nâng đỡ tinh thần của chủ chăn cũng như nhiều tín hữu khác… Họ dẫn đưa những người xa lạc trở về với Giáo Hội, cộng tác đắc lực vào việc loan truyền Lời Chúa, đặc biệt qua việc coi sóc các linh hồn và cả việc quản trị tài sản của Giáo Hội được hữu hiệu hơn.”
[4]

Tạo ra những nét đẹp hài hòa giữa việc đạo và việc đời,nêncho dù nhiệt thành, hăng say với sứ vụ tông đồ, Antôn Quỳnh cũng không quên chu toàn bổn phận của người làm chồng, làm cha và làm chủ gia đình. Giữa lúc quan quyền bách hại đạo gay gắt, ông Antôn Quỳnh bị bắt giam vì tội che giấu và tìm cách giúp đỡ một vị mục tử của Chúa. Ông Antôn phải chịu biết bao đòn roi, cực hình của chốn ngục tù cùng những lời dụ dỗ, nhưng nhờ ơn Chúa ông không lạc mất đức tin. Bực mình vì không thuyết phục được ông, quan cho lính lôi ông qua Thánh Giá, lúc ấy ông Antôn Quỳnh thét lớn: “Nếu bị tội là quan phạm tội, không phải tôi.” Lời nói của ông Quỳnh làm phật ý quan, sự kiên quyết theo Chúa càng làm quan khó chịu nên quan nhiều lần xin vua xử tội ông Quỳnh.

Hơn hai năm giam cầm, quan quân thấy không thể bào mòn được đức tin của người tông đồ trung tín, nên cuối cùng bản án xử giảo ông Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh được thi hành vào ngày 10/7/1848. 60 năm sau, ngày 27/5/1900, Đức Lêô XIII tôn phong ngài lên bậc chân phước. Và ngày 19/6/1988, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II tôn phong Hiển Thánh cho ngài.

Gẫm suy cuộc đời của thánh tử đạo Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh, chúng ta ước mong cho tất cả những ai đang dấn thân sứ vụ tông đồ nơi các xứ đạo nhận ra sự hiện diện của Chúa và nhất là gặp thấy Chúa qua các công việc phục vụ của mình. Nguyện xin Chúa chúc lành, đồng hành và nâng đỡ để Giáo Hội Chúa ngày càng có thêm nhiều tông đồ giáo dân phục vụ Chúa như thánh Antôn Quỳnh.

[1] Công đồng Vat II,Hiến chế Tín lý Hội Thánh (Lumen Gentium) số 11
[2] Tông huấn “Hãy vui mừng hân hoan, về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay”của ĐTC Phanxicô, số 10.
[3] Sđd, số 11.
[4] Công Đồng Vat II- Sắc lệnh về hoạt động giáo dân- số 10.
 
114.864864865135.135135135250