10/07/2022 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

2115
Ngày 10/7 - Thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự
Ngày 10/7
Thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự
Thầy giảng (1808 – 1840)

I. Tiểu sử
 
Chết vì danh Chúa Giêsu Kitô thật hãnh diện và tốt đẹp biết bao.
 
Thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự sinh năm 1808 tại tỉnh Ninh Bình[1]. Thầy dâng mình phục vụ theo bậc thầy giảng trong Giáo phận Tây Đàng Ngoài. Năm 20 tuổi, thầy Tự về giúp thừa sai Pierre Dumoulin Borie - Cao.

Khi đạo trưởng tây dương bị vây bắt, thầy cũng xin được đi theo. Đức cha Borie - Cao tỏ vẻ lo ngại vì thấy trước những khổ hình và roi đòn  thầy phải chịu. Hiểu ý Đức cha, thầy Tự trình bày nỗi lòng và hứa sẽ trung thành đến cùng nhờ lời cầu nguyện của Đức cha và nhất là với ơn Chúa trợ lực.

Thầy Tự cùng bị bắt với Đức cha Borie - Cao tại Bố Chính, bị đóng gông giải về Đồng Hới. Tại công đường, vì từ chối đạp lên Thánh Giá, thầy Tự bị đánh 20 roi. Quan hứa nếu thầy thật lòng khai báo các làng đạo đã đi qua, hoặc nếu chối đạo, thì quan sẽ tha ngay và cho tự do trở về nguyên quán. Không cần đắn đo suy nghĩ, thầy Tự trả lời: “Bẩm quan lớn, tôi thà chết còn hơn chối đạo”. Một trận đòn dữ dội đổ xuống, rồi binh lính kéo thầy ra phơi nắng trọn ngày.

Mười ngày sau, quan nhẹ giọng dụ thầy khai báo như những lần trước, nhưng thầy Tự vẫn cương quyết từ chối. Quan truyền đánh đòn thầy rồi nhốt thầy vào hầm rắn độc, nhưng thầy vẫn không hề hấn gì.
Sự bình an lớn nhất của thầy Tự trong cảnh ngục tù là được giam chung ngục với Đức cha Borie - Cao. Tấm gương sáng của Đức cha đã nâng đỡ thầy trong những giây phút thử thách ngặt nghèo của niềm tin. Hơn thế, thầy Tự còn được cha Ngân vào ban Bí tích Hòa giải và cho rước Mình Thánh.

Giờ hành quyết đã đến, thầy Tự nằm xuống để binh lính tròng dây qua cổ thi hành án lệnh ngày 10-7-1840 tại pháp trường Đồng Hới, dưới triều vua Minh Mạng.

Thầy giảng Phêrô Nguyễn Khắc Tự được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.
 

[1]. Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, Sách truyện các thánh tử đạo Việt Nam. Tập I. Hà Nội 1990, 271 ghi thầy sinh năm 1811.
 

Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

Cầu nguyện cho những học trò


Thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự sinh năm 1808 tại Ninh Bình. Ngay từ nhỏ, Phêrô Nguyễn Khắc Tự đã được vào nhà Đức Chúa Trời, rồi trở thành thầy giảng theo giúp cha già Quế. Khi cha già qua đời, thầy được cử đến giúp linh mục thừa sai Borié Cao. Trong bốn năm giúp cha Cao, thầy tỏ ra rất nhiệt tình, hiền từ và tận tuỵ. Thầy được cha và giáo dân quý mến. Bốn năm cùng làm việc tuy chẳng lâu, nhưng đã nảy sinh một mối tình thầy trò thân thiết đặc biệt giữa hai người. Chính sự gắn bó đó đã đưa thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự vào vòng lao lý khi muốn theo vị linh mục – thầy của mình đến cùng.

Đọc từng dòng hạnh các thánh Tử đạo Việt Nam, ta nhận thấy “tình thầy trò” giữa thầy giảng Phêrô Nguyễn Khắc Tự với linh mục thừa sai Borie Cao, và tình thầy trò của Chúa Giêsu với người môn đệ bội phản Giuđa có những nét tương đồng; nhưng những nét tương đồng ấy lại dẫn đến hai kết thúc trái ngược. Ba năm theo Thầy Giêsu, Giuđa có lẽ chưa cảm nghiệm được tình thương và gương sáng của Thầy, anh đã mất đức tin. Bốn năm cùng làm việc với cha Borie Cao, thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự đã học được gương sáng của thầy mình, trung thành theo Chúa và giữ vững đức tin. Trước khi chia tay các môn đệ thân tín trong bữa tiệc ly ân tình, Chúa Giêsu đã nói những lời tâm huyết. Ngài bẻ miếng bánh trao cho Giuđa… Anh đã ra đi lấy cái hôn làm dấu chứng phản lại Thầy mình. Những ngày giờ cuối trong cuộc tử đạo của Đức Cha Borie Cao, cũng ghi lại hình ảnh lưu luyến quyết theo thầy của Phêrô Nguyễn Khắc Tự; cha Borie Cao đã lấy tấm khăn quàng xé đôi, trao cho trò của mình ý muốn nhắc nhở anh về điều anh đã hứa “xin cha cho con theo cha đến cùng” thì anh hãy giữ cho chu toàn. Phêrô Nguyễn Khắc Tự đã giữ miếng vải và ghi khắc tâm tình ấy cho đến ngày tử đạo. Trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu, các môn đệ bỏ trốn vì sợ; trong hành trình lao lý của cha Borie Cao, Phêrô Nguyễn Khắc Tự chạy theo xưng mình là đệ tử của cha, xin cho được cùng sống chết với cha. Vì vậy mà thầy Tự đã bị bắt và cũng đã bị hành hình như sư phụ của mình.

Chắc hẳn bài học trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu đã ghi đậm trên cuộc đời thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự; chắc hẳn tiếng đời nhiếc móc về việc phản thầy của Giuđa Itcariốt đã làm thức tỉnh bao học trò thảo hiếu. Và chắc chắn một điều, tình yêu dành cho Chúa và lễ giáo dành cho bậc thầy khả kính đã hướng dẫn Phêrô Nguyễn Khắc Tự tỏ lòng hiếu trung.

Những cuộc tra khảo, đòn vọt tái diễn nhiều lần từ lúcPhêrô Nguyễn Khắc Tự bước theo chân người cha tinh thần và cũng là người thầy khả ái. Phêrô Nguyễn Khắc Tự xứng đáng là một học trò ngoan, hiểu, sống và gặt hái được ý nghĩa từ những điều mình đã học. Thầy luôn kiên vững với niềm tin. Thầy thường khuyên các giáo hữu đến thăm thầy như sau: "Hãy chấp nhận Thánh Ý Chúa, trung thành giữ đạo và cầu nguyện cho nhau đủ sức chịu đựng đến cùng."

Trọng thầy để lại làm thầy, những khi có thể thầy tận dụng hoàn cảnh để dạy giáo lý và cắt nghĩa về đạo cho những bạn tù và những lính canh ngoại giáo.

Tháng 7/1840, thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự bị áp giải ra pháp trường Đồng Hới. Đến nơi,thầy Tự hỏi cho biết chính xác chỗ trước đây đã xử Đức Cha Cao, rồi vui vẻ quỳ ngay xuống đó để cầu nguyện. Giờ hành quyết đã điểm. Thầy Tự được về hưởng phúc với Chúa Kitô, tại chính nơi đầu người cha tinh thần của thầy rơi xuống. Hôm ấy là ngày 10/7/1840.

Đức Lêo XIII đã suy tôn thầy giảng Phêrô Nguyễn Khắc Tự lên hàng chân phước ngày 27/5/1900. Ngày 19/6/1988, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển Thánh.

Ngày nay, người ta phàn nàn nhiều về lễ giáo đã xuống cấp, lễ nghĩa tôn sư trọng đạo đã bị bỏ quên. Ước chi gương sáng của thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự giúp cho các học trò ý thức hơn về việc tôn trọng các thầy cô giáo - những người đã hy sinh vất vả trong sự nghiệp trồng người.

Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã cho con những thầy cô giáo trong cuộc đời. Xin giúp con sống xứng đáng với những hy sinh lớn lao của các vị ấy. Xin cho con biết kính trọng, vâng lời và ghi nhớ công ơn của các bậc thầy đã đi ngang qua cuộc đời con. Ước gì công đức của các vị đổ ra sẽ không trở nên vô nghĩa trong cuộc đời và trên phận người. Amen
114.864864865135.135135135250