Ngày 11/03
Thánh Ða Minh Cẩm
(1810 - 1859)
I. Tiểu sử
Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình,
thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.
(Mt 7, 12)
Thánh Đaminh Nguyễn Văn Cẩm sinh năm 1810 tại làng Cẩm Giàng (hay Cẩm Chương), xứ Kẻ Roi, tỉnh Bắc Ninh. Về sau, cậu theo gia đình về quê mẹ ở xứ Lai Tê, Giáo phận Bắc Ninh.
Với trí thông minh sắc sảo, từ thuở nhỏ, ngài đã được nhận vào chủng viện và được thụ phong linh mục. Sau khi thụ phong linh mục, cha Cẩm chọn sống theo linh đạo dòng Ba Đa Minh. Cha rất nhiệt tâm hoạt động tông đồ, cổ vũ lòng sùng kính chuỗi Mân Côi, được bề trên cùng mọi người yêu mến.
Cha Cẩm sinh quán Bắc Ninh, thuộc Giáo phận Đông Đàng Ngoài, nhưng tình nguyện phục vụ trong Giáo phận Trung Đàng Ngoài vì số tín hữu Công giáo tại đây đông gấp ba lần.
Khi cuộc bách hại trở nên gay gắt, vì lợi ích giáo dân, cha phải di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Khi sứ vụ đòi hỏi, cha sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu dù cho có phải gặp nguy cơ bị bắt.
Đầu năm 1859, cơn bắt đạo trở nên gắt gao. Một hôm, khi đang thi hành mục vụ ở giáo họ Hà Lan, người ta phát hiện ra cha và tố cáo với quan. Họ tố cáo không phải vì ghét cha, nhưng là để được trọng thưởng. Ngày 21-01-1859 cha bị bắt giải về tỉnh Hưng Yên.
Trước tòa quan tổng đốc, cha Cẩm tự nhận là đạo trưởng và chấp nhận mọi hình khổ, roi đòn, chứ không chấp nhận việc chà đạp Thánh Giá. Thấy không thể làm lung lay đức tin của ngài, quan ra lệnh nhốt cha Cẩm vào trong một cái cũi chật hẹp và tù túng suốt nhiều tháng liền.
Trong tù, với trái tim nhân hậu, cha đã được sự cảm mến của cai tù và lính canh gác. Họ chấp nhận cho các tín hữu thường xuyên thăm viếng ngài. Nhờ đó, cha có thể liên lạc thư từ với Đức cha địa phận Valentinô - Vinh.
Cha giãi bày với Đức cha lòng trung kiên với Đức Kitô và ước nguyện được diễm phúc tử đạo. Đức cha Valentinô - Vinh đã gửi cha Hương vào thăm và ban các bí tích cho cha.
Ngày nhận được tin bị xử trảm, cha đã không che giấu được niềm hạnh phúc vì sắp được hiến dâng chính mạng sống mình. Án lệnh xử trảm được thi hành ngày 11-3-1859 tại pháp trường Ba Tòa, tỉnh Hưng Yên, dưới thời vua Tự Đức. Thi hài của cha được an táng tại giáo xứ Lai Tê, Giáo phận Bắc Ninh. Hiện tại, hài cốt của cha vẫn còn được lưu giữ tại nhà thờ này.
Linh mục Ðaminh Nguyễn Văn Cẩm được nâng lên hàng chân phước ngày 29-4-1951 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: Hội đồng Giám mục Việt Nam
II. Cầu nguyện
Niềm vui đời dâng hiến
Thánh Ða Minh Cẩm, là một linh mục Dòng Ba Ða Minh, sinh tại Cẩm Chương, thuộc xứ Kẻ Roi, Bắc Ninh. Hiện nay chưa tìm được sử liệu ghi chép Ngài sinh ngày tháng năm nào. Ngay từ nhỏ ngài đã tỏ ra lanh lẹ, hoạt bát, học hành xuất sắc, tuy thế nhưng lúc nào ngài cũng khiêm tốn, thân thiện và hòa nhã với mọi người.
Năm 1848, tòa thánh chia Giáo phận Đông Đàng Ngoài thành hai: Giáo phận Đông (Hải Phòng) và Giáo phận Trung (Bùi Chu). Cha Đa Minh Cẩm tuy sinh quán thuộc Giáo phận Đông, nhưng lại được sai đi phục vụ ở Giáo phận Trung vì ở đó có số tín hữu đông gấp ba lần. Tại đây khi cuộc bách hại trở nên gay gắt, mỗi khi trách nhiệm mục vụ đòi hỏi, cha Cẩm luôn sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu, dù hiểm nguy bắt bớ.
Đầu năm 1859, khi cha về Hà Lang, một người tố cáo với quan về cha. Do đó quan quân đến vây bắt cha tại Hà Lang ngày 21-01-1859 và giải cha về Hưng Yên.
Trước mặt quan tổng đốc, cha Đa Minh Cẩm vui vẻ nhận mình là linh mục Công Giáo, cha sẵn sàng chấp nhận mọi hình khổ, chứ không bao giờ chối đạo. Sau nhiều lần khuyến dụ và đe dọa không kết quả, quan Tổng Đốc ra lệnh nhốt cha vào cũi chật hẹp ròng rã mấy tháng trời. Tuy bị nhốt trong cũi nhưng cha Đa Minh Cẩm rất can đảm, bình tĩnh, vui vẻ, tỏ lòng kính trọng và quý mến mọi người. Quân lính cảm kích đưc độ của cha, nên họ cho phép nhiều giáo hữu lui tới thăm viếng. Nhân cơ hội này cha tiếp tục giảng Tin Mừng và khuyên mọi người trung thành giữ vững đức tin. Nhờ các giáo hữu liên lạc, nhiều lần cha đã viết thư cho Đức Giám mục giáo phận, bày tỏ lòng trung kiên với Chúa và khao khát được phúc tử đạo.
Khi biết mình sẽ bị trảm quyết, cha Đa Minh Cẩm tỏ vẻ hân hoan vui mừng, cha hiên ngang như một chiến sĩ chiến thắng. Bà Maria Huệ, một giáo dân hiện diện trong giờ hành quyết đã làm chứng: "Khi tới nơi xử án, cha cầu nguyện một lát, rồi vui vẻ làm hiệu cho lý hình thi hành phận sự. Lý hình hỏi cha có muốn điều gì không. Cha hài hước đáp: - Này các anh, các anh chém cho ngon nhé. Chỉ một nhát thôi để đầu tôi rơi xuống đất nhé". Nói xong ngài đưa đầu cho lý hình chém. Tên lý hình thấy cha can đảm, tay anh run rẩy vung gươm, anh chém ba nhát mới đứt cổ cha Đa Minh Cẩm. Hôm đó là ngày 11/03/1859.
Bạn thân mến,
Trong tông thư gởi những người sống đời thánh hiến, Đức Thánh Cha Phanxico nói về mong đợi đầu tiên của ngài nơi các tu sĩ đó là: Ở đâu có các tu sĩ thì ở đó có niềm vui,... niềm vui ấy chứng tỏ rằng sự tận hiến của người thánh hiến là để phục vụ Giáo Hội, phục vụ mọi người... Niềm vui của họ là niềm vui cảm nghiệm sự vui mừng vì biết rằng mình được nên giống Đấng đã vì yêu thương đã không khước từ thập giá.
Trong cuộc đời làm chứng cho Chúa, người ta không thấy cha Đa Minh Cẩm đánh mất niềm vui, ngay cả trước cái chết cha cũng đón nhận với niềm vui dí dỏm. Đây là một trong những yếu tố tinh thần của Dòng Đa Minh. Người theo thánh Đa Minh là người luôn thể hiện cuộc đời vui, cuộc đời tìm được những nét “hài”. Nếu dùng ngôn từ cửa Đức Thánh Cha Phanxicô, thì người đó là người “có niềm vui Tin Mừng”. “Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu. Những người để cho mình được Người cứu độ, được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn rầu, trống rỗng nội tâm và cô lập. Với Chúa Giêsu Kitô niềm vui được sinh ra và luôn luôn tái sinh”[1]. Cha Đa Minh Cẩm đã thể hiện rõ nét tinh thần ấy trong trọn vẹn cuộc sống của mình. Ước gì khi chiêm ngắm gương thánh Đa Minh Cẩm, chúng ta cũng sẽ là người đem niềm vui của Chúa đến cho những người chúng ta gặp gỡ.
Lạy Chúa, Chúa là niềm vui vĩnh cửu, niềm vui duy nhất của lòng trí con, xin cho con vui niềm vui được thuộc trọn về Chúa, cho con vui niềm vui được phục vụ Chúa, niềm vui được sống cho Chúa, và sau hết xin cho con vui vì được chết cho Chúa trong từng phút giây của cuộc đời con. Amen
[1] Trích lời mở đầu Tông Huấn Niềm vui Tin Mừng của Đức Thánh Cha Phanxico.