12/06/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

2131
Ngày 12/6 Thánh Ða Minh Ðinh Ðạt - Augustinô Phan Viết Huy - Nicôla Bùi Ðức Thể
Ngày 12/6
Thánh Ða Minh Ðinh Ðạt
Binh lính (1803 - 1839)

I. Tiểu sử

 
Tôi phó dâng bà và các con cho Chúa.
Chúa sẽ lo liệu cho bà và các con.

 
Thánh Đaminh Đinh Văn Đạt sinh năm 1803 tại làng Phú Nhai, tỉnh Nam Định (nay thuộc giáo xứ Phú Nhai, Giáo phận Bùi Chu). Ông Đạt là một người lính có đời sống gia đình êm ấm.

Năm 1838, quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh bị vua Minh Mạng triệu về kinh đô Huế và nặng lời khiển trách vì không tích cực thi hành lệnh cấm đạo.

Quan tổng đốc triệu tập binh lính dưới quyền tham dự một bữa tiệc khao quân. Khi tiệc tàn, quan tổng đốc long trọng nhắc lại lệnh cấm đạo của nhà vua và chỉ thị mở hai cánh cửa. Cánh cửa bên phải có đặt Thánh Giá trên mặt đất. Người lính nào chấp nhận đạp lên ảnh tượng thì được về với vợ con. Cánh cửa bên trái cho bày dụng cụ gia hình, gông cùm, xích xiềng dành cho những binh lính không chịu đạp lên ảnh tượng.

Một số lớn binh lính Công giáo đã nhắm mắt đạp lên ảnh Chúa. Chỉ có 15 quân nhân Công giáo can đảm giữ vững đức tin, tiến ra cánh cửa có sẵn xích xiềng và bị tống giam vào ngục tối.

Trong cảnh tù tội, vì bị roi đòn tra tấn, con số 15 binh lính Công giáo từ từ giảm sút. Họ chấp nhận đạp ảnh thánh, công khai bỏ đạo để trở về đoàn tụ với gia đình và lãnh thưởng.

Trong số này có ba khuôn mặt nổi bật là Đinh Văn Đạt, Phan Viết Huy và Bùi Đức Thể. Quan tổng đốc cười thoả mãn, trình tấu với triều đình về kết quả chối đạo của tất cả binh lính Công giáo dưới quyền ông. Dù có những giây phút lầm lỡ, nhẹ dạ chối đạo để được về với gia đình, nhưng lương tâm người lính Đinh Văn Đạt bị cắn rứt không nguôi, tâm hồn bất an vì đã nhát đảm chối Chúa.

Đối diện với những ánh mắt nghi kỵ và tránh né của các tín hữu trong giáo xứ, ba người lính Đinh Văn Đạt, Phan Viết Huy và Bùi Đức Thể muốn thể hiện sự thống hối. Các ông đã ăn chay, đền tội và can đảm đến quan tổng đốc xin trả lại những đồng tiền thưởng, cùng tái tuyên xưng niềm tin. Quan không nhận tiền, cũng không chấp nhận việc tuyên xưng đức tin vì đã trình tấu về triều đình. Quan bảo nếu muốn tái tuyên xưng đức tin thì phải về kinh đô Huế trình đơn.

Hai người lính Phan Viết Huy và Bùi Đức Thể lên đường về kinh trình đơn tuyên xưng đức tin cho chính mình, và đại diện cho cả Đinh Văn Đạt vì phải theo đội binh không thể đồng hành.

Sau gần ba tuần lễ đi bộ, hai ông vào đến kinh thành. Nhân ngày tốt, vua Minh Mạng xuất hành, hai người lính can đảm đón đường, quỳ lạy và dâng sớ xin được tái tuyên xưng đức tin. Khi nhận đơn, vua bừng bừng nổi giận, hạ lệnh tống giam cả hai vào ngục.

Thừa lệnh vua, quan thượng thư bộ hình khuyến dụ, hứa hẹn cho họ chức tước, bạc tiền nhưng không thể làm biến đổi niềm tin sắt son. Hai vị chứng nhân đức tin, Phan Viết Huy và Bùi Đức Thể, đã lãnh án tử ngày 12-6-1839 tại cửa biển Thuận An.

Anh lính Đinh Văn Đạt, người cùng đơn xin tái tuyên xưng đức tin, cũng lãnh chung bản án tử hình. Anh hùng đức tin Đinh Văn Đạt bị kết án xử giảo ngày 18-7-1839. Trên đường ra pháp trường Nam Định, khi gặp lại mặt vợ và con thân yêu, ngài nói: “Tôi không thể yêu quý bà và các con hơn Chúa được. Làm thế là không xứng đáng làm môn đệ Chúa Kitô. Tôi phó dâng bà và các con cho Chúa. Chúa sẽ lo liệu cho bà và các con chúng ta”.

Thi hài của ngài được an táng trong vườn nhà người anh cả. Đến khi hết lệnh cấm đạo, các tín hữu cải táng ngài về Đền thánh Phú Nhai.
Người lính Ðinh Văn Ðạt được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.


Thánh Augustinô Phan Viết Huy
Binh lính(1795-1839)


Tiểu sử

 
Ơn của Thầy đã đủ cho con,
vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của con.

(2Cor 12, 9)

 
Thánh Augustinô Phan Viết Huy sinh năm 1795, người làng Hạ Linh (nay thuộc giáo xứ Liên Thủy, Giáo phận Bùi Chu). Cậu sinh ra trong lúc Đạo Kitô được rao giảng mạnh mẽ tại Việt Nam nhờ bao gương chứng nhân của các mục tử tài đức và giáo hữu trung kiên. Cậu bé Huy có ước mơ làm thầy giảng nhưng ước mơ không thành, cậu chấp nhận sống đời giáo dân và lập gia đình.

Dù sống đời binh nghiệp, Augustinô Huy vẫn lo chu toàn bổn phận người chồng, người cha gương mẫu nuôi dưỡng giáo dục con cái trong đức tin và lòng kính sợ Chúa. Gia đình người lính Huy là một gia đình tín hữu đạo hạnh, tham gia tích cực các sinh hoạt của giáo xứ.

Mùa xuân 1839, giáo hữu cả vùng Lục Thủy, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định bị truy bắt gắt gao. Tổng đốc Nam Định là Trịnh Quang Khanh truyền cho binh lính đạp lên Thánh Giá. Nhiều người lính Công giáo có cả Phan Viết Huy, Bùi Đức Thể và Đinh Văn Đạt đã nhắm mắt chấp nhận đạp lên ảnh Chúa.

Nhưng lòng người lính cảm thấy áy náy, lương tâm cắn rứt vì tội bỏ đạo. Cả ba người lính nhất tâm thống hối, và cả ba (ông Huy, ông Thể và ông Đạt) cùng trở lại công đường Nam Định để xin tuyên xưng đức tin Công giáo: “Bẩm quan lớn, mấy ngày trước, chúng tôi đã trót dại chối bỏ đạo Chúa. Nay chúng tôi hồi tâm, xin trả tiền lại cho quan, để tôn thờ Chúa thật lòng”.

Mùa hè năm 1839, vua Minh Mạng ngự giá tới thành phố, hai ông Huy và Thể mặc đồ lính, bạo gan quỳ giữa đường dâng sớ. Các đại quan trình bày sự việc lên vua để lãnh ý. Nhà vua phẫn nộ ra lệnh tống giam hai ông Phan Viết Huy và Bùi Đức Thể vào ngục.

Hai chiến sĩ đức tin đã anh dũng đón nhận bản án lăng trì vào ngày 13-6-1839 và bị vứt xác xuống biển tại cửa biển Thuận An, Huế.
Người lính Augustinô Phan Viết Huy được tuyên phong chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.


Thánh Nicôla Bùi Ðức Thể
Binh lính (1792-1839)


Tiểu sử

 
Nay chúng thần xin tiếp tục giữ đạo để tròn đạo hiếu với cha ông chúng thần.
 
Thánh Nicôla Bùi Đức Thể sinh năm 1792 tại làng Kiên Trung, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định (nay thuộc giáo xứ Trung Thành, Giáo phận Bùi Chu). Năm 47 tuổi, ông Nicôla Thể gia nhập binh đội, nhưng chỉ được một tháng thì ông bị bắt vì xưng mình là người Công giáo.

Mùa thu năm 1837, thừa lệnh vua Minh Mạng, quan tổng đốc đã truyền lệnh triệu tập binh lính và nhắc lại lệnh cấm đạo. Ông chỉ thị mở hai cánh cửa: Cánh cửa bên phải có đặt Thánh Giá trên mặt đất, binh lính nào chấp nhận đạp ảnh tượng thì được ra về với gia đình vợ con; Cánh cửa bên trái thì đặt gông cùm, xích xiềng dành cho những binh lính không đạp ảnh tượng. Hầu hết các binh lính đều chối đạo. Chỉ có 15 người bước vào cửa bên trái, trong số này có anh lính Nicôla Bùi Đức Thể, người can đảm giữ vững đức tin. Anh tiến ra cánh cửa có sẵn xích xiềng và bị tống giam vào ngục tối.

Sau tám tháng tù tội, dù bị roi đòn và tra tấn, nhưng ông vẫn không chối đạo. Tuy nhiên, chỉ trong một phút yếu lòng trước lời dụ ngọt của quan tổng đốc, ông Bùi Đức Thể cùng với hai ông Đinh Văn Đạt và Phan Viết Huy đã nhận 10 quan tiền thưởng để bỏ đạo.

Thế nhưng, sau đó các ông cảm thấy lương tâm cắn rứt và nhờ cầu nguyện liên lỉ, các ông thành tâm thống hối. Nhờ bàn hỏi với cha Tuyên và cha Năng, hai người lính Bùi Đức Thể và Phan Viết Huy đã lên đường về kinh đệ đơn tái tuyên xưng đức tin. Sau hai mươi ngày đi bộ, hai người lính can đảm đón đường vua Minh Mạng đang du hành để dâng sớ. Sau khi nhận sớ, vua nổi giận và hạ lệnh tống giam hai ông vào ngục.

Hai chiến sĩ đức tin đã anh dũng đón nhận bản án lăng trì vào ngày 13-6-1839 và bị vứt xác xuống biển tại cửa biển Thuận An, Huế.

Chứng nhân đức tin Nicôla Bùi Ðức Thể được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tuyên phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam

II. Cầu nguyện

Cuộc trả giá của ba quân nhân

 

 

Câu chuyện đầy thi vị trong Kinh Thánh, kể về cuộc trả giá của ông Apraham với Chúa về thành Sôđôma,[1]… gợi nhớ về câu chuyện thời bách hại đạo Công giáo ở Việt Nam giữa thế kỷ XIX. Ngày ấy, có lẽ Giáo hội cũng thưa với Chúa: Nếu còn lại ba người lính tuyên xưng danh Chúa thì sao? Chúa có gìn giữ Giáo hội của Chúa đứng vững không?

Chuyện kể vào năm thứ 19 triều vua Minh Mạng, nhà vua truyền cho các quan phải bắt các lính theo đạo Công giáo trong quân ngũ phải chối đạo. Thừa lệnh của vua, quan Trịnh Quang Khanh đã thề tiêu diệt đạo Công giáo đến nỗi không có một quan nào trong lịch sử bách đạo tại Việt Nam dữ tợn hơn ông. Năm 1838, thành Nam Ðịnh có chừng 500 lính Công giáo bị điệu ra trước tòa để xét xử. Quan không đòi hỏi gì khác, chỉ cần những người ấy chối đạo bước qua thập giá thì sẽ được nhiều lợi lộc vua ban và sẽ được phục chức trong quân đội. Quan cũng không quên đưa ra các cực hình để đe dọa những phần tử bất tuân lệnh. Một số rất lớn các quân binh đã vâng lời quan bước qua thập giá, một số khác thì từ chối và họ bị quân lính dùng sức lôi họ qua thập giá rồi kể như họ đã chối đạo. Các quan vô cùng hoan hỉ vì 500 lính Công giáo phần lớn đã chối bỏ đức tin, chỉ còn 15 người nhất định không để cho lính kéo qua thập giá. Họ nhất quyết xưng mình là Kitô hữu.

Quan cho đánh đập tra tấn họ và tìm cách bắt bạn bè, vợ con của 15 ông này phải khuyên nhủ các ông chối đạo. Nhưng các ông vẫn trung thành. Quan lại truyền cho quân lính đánh đập các ông dã man hơn. Rồi cho quân lính lôi các ông qua thập giá, nếu ông nào nhấc chân lên không chịu đạp lên thánh giá thì bị quân lính dùng roi đánh vào chân. Vừa bị đòn đánh, vừa bị thân nhân và bạn bè dùng đủ mọi lý do để khuyên nhủ các ông bỏ đạo, không chịu nổi nữa, thêm 06 ông đã xin bỏ đạo. Con số còn lại chỉ còn có 09 ông.

Chín ông bị điệu về ngục thất. Rồi lại bị điệu ra trước tòa. Trong phiên tòa, quan Trịnh Quang Khanh lại hứa hẹn ban nhiều bổng lộc của nhà vua cho ai chối đạo, và dùng nhiều hình phạt nặng nề cho những ai bất tuân. Trong số 09 ông, 04 ông lại xin bỏ đạo. Chỉ còn 05 ông nhất định không chịu chối đạo. Quan rất tức giận, truyền cho quân lính hành hình dã man hơn, vì ông không muốn giết các tín hữu mà chỉ mong muốn họ bỏ đạo.

Ngày 26/6/1838, quan tổng trấn lại truyền 05 ông phải hầu tòa, quan cố gắng hết sức áp dụng các hình cụ mà ông mới sáng chế ra để đe dọa, rồi khuyên nhủ và hứa hẹn. Các ông vẫn không chịu bỏ đạo… Ngày kia quan truyền cho lý hình, buộc gông rất nặng vào cổ các ông rồi cho lính kéo các ông qua thập giá. Khi kéo các ông qua thập giá quân lính hô thật to coi như các ông đã chối đạo. Vừa bị đánh đập đau đớn, vừa sợ hãi, 02 trong số 05 ông đã chối đạo.

500 binh lính Công giáo bị đưa ra xét xử giờ đây chỉ con 03 vị trung thành với Chúa là: Augustinô Phan Viết Huy, sinh 1795 tại Hạ Linh, Bùi Chu, Nam Ðịnh; Nicôla Bùi Ðức Thể, sinh năm 1792 tại Kiên Trung, Bùi Chu; và Ða Minh Ðinh Ðạt, sinh năm 1803 tại Phú Nhai, Nam Ðịnh. Các ông ăn chay đánh tội nhiều hơn nữa để xin ơn bền vững.

Tháng 10/1838 quan thấy 03 ông vẫn cứ vững lòng trung kiên thì đệ án xin nhà vua xử tử các ông. Vua Minh Mạng không cho giết, trái lại còn truyền cho quan phải tìm đủ mọi cách khuyên dụ. Quan tìm cách biệt giam 03 ông để làm lung lay đức tin. Cuối cùng các ông cũng vì yếu đuối mà chối Chúa. Ròng rã tám thánh trời chịu nhiều cực hình mà các ông vẫn trung kiên, giờ đây nghe tin các ông chối đạo, rất nhiều người không tin. Riêng các ông, từ khi chối đạo, thì lương tâm các ông cắn rứt. Các ông đã cùng nhau lên tỉnh để xin chết vì đạo. Quan không dám xử, các ông lại vào triều yết vua để xin tử đạo. Vua khuyên dụ không được bèn quyết án xử.

Ngày 12/6/1839, ông Huy và ông Thể bị điệu ra cửa bể là cửa Thuận để chịu chết. Lý hình giơ gươm lên, chặt ngang lưng hai ông như đã ghi trong án. Sau đó chúng chặt đầu rồi bổ làm tư và liệng xác hai ông xuống biển. Ngày 18/7/1839, vua truyền xử giảo ông Ðạt.

Lạy Chúa, tin theo Chúa là chúng con phải làm cuộc trả giá có khi bằng chính sinh mạng của mình như các thánh Tử đạo Việt Nam khi xưa. Xin cho chúng con ơn đức tin vững mạnh cùng với sự kiên cường, để chúng con dám tuyên xưng Chúa giữa cuộc sống đầy những thách đố hôm nay. Amen

 
 
[1] St 18,20-32.
114.864864865135.135135135250