12/07/2022 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1602
Ngày 12/7 - Thánh Phêrô Hoàng Khanh
Ngày 12/7
Thánh Phêrô Hoàng Khanh

Linh mục (1780-1842)

I. Tiểu sử

 
Bảo tôi khai xưng tôi là thầy thuốc,
đến sau có ai cho lên làm đạo trưởng thì còn ai nghe nữa?

 
Thánh Phêrô Hoàng Khanh sinh năm 1780 tại Hoa Duệ, tỉnh Nghệ An. Song thân sống nhân đức, chuyên nghề buôn bán nên dời gia đình về sống ở làng Lương Khế, phủ Anh Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Năm 22 tuổi, chú Khanh ao uớc dâng mình cho Chúa để làm thầy giảng, vào phụ giúp cha già Đạc trong nhà xứ. Sau này, thầy Khanh xin vào chủng viện để chuẩn bị làm linh mục. Thầy thụ phong linh mục khoảng năm 1820.

Cha Khanh là linh mục sốt sắng, thương yêu giáo dân, hay giúp đỡ người nghèo khó túng cực trong các xứ đạo Trại Lê, Thuận Nghĩa, Thọ Kỳ, Làng Truông, Ngàn Sâu. Ngài đặc biệt quan tâm đến việc vun trồng ơn gọi tu trì, tìm thầy dạy chữ Nho và tiếng Latinh cho các chú. Ngài có tám người con linh tông được làm linh mục phục vụ Giáo hội.

Ngày 29-01-1842, cha già Khanh đang ở Ngàn Sâu, nhận được thư của cha Chính Masson - Nghiêm, xuống thuyền ra Nhà Chung Xã Đoài. Khi trở về, thuyền của cha bị chặn lại khám xét. Thấy ngài phương phi, đẹp lão, có sách kinh, dầu thánh, dây các phép..., cai đội hỏi ngài là thầy thuốc hay làm nghề gì, cha Khanh nói ngài là đạo trưởng. Thế là họ đóng gông và giam ngài.

Khi bị nhốt, cha được các quan thương mến muốn tìm cách tha cho cha, nên khuyên cha khai mình là thầy lang, nhưng cha đáp: “Biểu tôi khai xưng tôi là thầy thuốc, đến sau có ai cho lên làm đạo trưởng, thì còn ai nghe nữa ?”.

Bị giam trong ngục, cha vẫn còn phải mang gông và bị xiềng, ban đêm còn bị cùm. Nhưng cha vẫn sốt sắng đọc kinh cầu nguyện và nhân từ giúp đỡ các bạn tù. Cha bốc thuốc, điều trị được các bệnh tình nguy kịch trầm trọng, nên các quan, nha lại, cai đội, lính tráng tin tưởng loan truyền rằng thang thuốc cụ đạo thì hiệu nghiệm lắm.

Án lệnh xử trảm được thi hành ngày 12-7-1842 tại pháp trường Cồn Cỏ, Hà Tĩnh, dưới triều vua Thiệu Trị. Thi hài vị chứng nhân đức tin linh mục Hoàng Khanh được đưa về họ đạo Kẻ Gốm và được an táng nơi nền nhà thờ cũ.

Linh mục Phêrô Hoàng Khanh được tôn lên bậc chân phước ngày 02-5-1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

Cầu cho các nhà giáo và công cuộc giáo dục


Xuôi mình theo dòng chảy của lịch sử Giáo Hội, chúng ta sẽ gặp thấy cuộc vượt qua điển hình của thánh tử đạo Phêrô Hoàng Khanh trong vai trò một nhà giáo dục đã theo sát Thầy Chí Thánh Giêsu. Giờ đây, mỗi người chúng ta, nhất là các nhà giáo và tất cả những ai đang hoạt động trong môi trường giáo dục đào tạo được mời gọi thức tỉnh chính mình, để luôn giữ nhiệt tâm, để thao thức trăn trở với sự nghiệp trồng người, để cũng biết “tha thiết khuyên nhủ những người trẻ hãy ý thức giá trị cao quý của phận vụ giáo dục, sẵn sàng quảng đại nhận lãnh trách nhiệm này,nhất là tại những nơi vì thiếu giáo viên nên công tác giáo dục thanh thiếu niên vướng phải nhiều khó khăn.”[1]

Phêrô Hoàng khanh sinh vào năm 1780 tại làng Nguyên Kiệt, xã Hòa Duệ, Nghệ An. Lớn lên trong giai đoạn có nhiều cuộc bách hại đạo gay gắt, nhưng cậu Khanh lại sớm hấp thụ bầu khí lành thánh đạo đức khi sống trong nhà xứ. Được ươm gieo hạt giống đức tin từ thuở thơ bé, lại đầy tràn hăng say nhiệt thành với “công việc nhà Chúa” thầy Khanh đã kiên trì nỗ lực suốt 14 năm dài để làm quen với những mẫu tự Latinh, để cố gắng tự học, rèn luyện chính mình và để trở thành vị Mục Tử của Chúa vào năm 39 tuổi (1819).

Nếu cha Khanh đã vượt qua một chặng đường đầy những khó khăn, ngăn trở chỉ vì niềm khát mong được phục vụ Chúa và Giáo Hội trong tư cách là nhà giáo gương mẫu; thì ước mong sao cho các nhà giáo, đồng thời cũng là Kitô hữu luôn “quảng đại kiên trì trong phận vụ đã lãnh nhận và nỗ lực nâng cao trình độ trong việc giúp cho học sinh thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô, trong khoa sư phạm và trong việc trau dồi kiến thức, để không những giúp tăng cường cuộc canh tân bên trong Giáo Hội, mà còn duy trì và phát huy thêm sự hiện diện đầy phúc lộc của Giáo Hội trong thế giới ngày nay, đặc biệt trong lãnh vực tri thức.”
[2]

Nhận lãnh sứ vụ dẫn dắt đoàn chiên Chúa, cha Phêrô Hoàng Khanh chú tâm chăm lo cho phần rỗi linh hồn của các tín hữu. Giữa thời kỳ cấm đạo, cho dù ở bất cứ nơi nào, hay đi đến bất cứ nơi đâu hoặc bận rộn với các hoạt động mục vụ, cha Khanh cũng luôn khơi dậy nhiệt tâm tông đồ, mở các lớp học giáo lý và lập nên các tiểu chủng viện để đào tạo các linh mục tương lai. Sau những năm tháng âm thầm dấn thân phục vụ và ươm gieo hạt giống, cha đã thu về cho Giáo hội những thợ gặt mới: 8 linh mục và 40 chủng sinh.

Truyền giảng những bài học hay và ý nghiã không chỉ bằng ngôn ngữ của lý thuyết, nhưng còn bằng ngôn ngữ của đời sống thánh thiện, cha Khanh vừa tạo nên nguồn sức hút cho người khác, vừa tỏ lộ sự hiện diện của Thầy Chí Thánh giữa đời.

Những tưởng rằng triều đại vua mới sẽ mang đến làn gió mới, vậy mà đang hăng say dấn thân trong sứ vụ thì cha Khanh bị bắt giam. Vốn tính vui vẻ hòa nhã, lại thêm có tài về nghề thuốc, cha được yêu quý và kính trọng ngay cả khi ở tù. Biết được hậu kết mà cha phải chịu, quan quân khơi gợi cho cha một lối đi giúp cha thoát khỏi cửa tử thần. Họ nói: nếu cha chỉ khai cha làm nghề thầy lang mà không đề cập đến thiên chức linh mục cha sẽ được cứu. Một lòng bước theo Đấng là sự thật đích thực khiến cha không thể chỉ nói ra “một nửa của sự thật” để giữ lấy mạng sống. Không chấp nhận dối trá thì phải chết và bản án xử trảm ngày 12/7/1842 đã đưa người tôi trung của Đức Kitô về Thiên Quốc.

Trước cám dỗ của “sự thật nửa vời” vẫn ngày ngày xuất hiện, ước mong trước hết cho môi trường giáo dục sẽ không có bất kỳ một lỗ hổng hoặc một cơ hội nào mở đường cho những kiểu “sự thật nửa vời” như thế len lỏi và chen ngang, để việc giáo dục tôn trọng sự thật luôn mãi được đề cao.

Nhờ lời chuyển cầu của thánh Phêrô Hoàng Khanh chúng ta cùng dâng lên Chúa tất cả những ai đang làm công tác giáo dục. Nguyện xin Chúa thương nâng đỡ và đồng hành để nhờ những đôi chân không mệt mỏi mà bóng dáng của người thầy sẽ xuất hiện ở cả những vùng quê nghèo khó, để nhờ những đôi tay miệt mài mà bao bài học ý nghĩa vẫn tiếp tục được viết lên, để nhờ những trái tim biết yêu thương mà cả những chữ “tài” lẫn chữ “tâm” được coi trọng trong việc giáo dục đào tạo.

[1] Công Đồng Vat II, Kết luận tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, tr 737.
[2] Công Đồng Vat II, Kết luận tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, tr 737.
114.864864865135.135135135250