13/02/2024 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1383
Ngày 13/02 - Thánh Phao lô Lê Văn Lộc
Ngày 13/02
Thánh Phao lô Lê Văn Lộc
  
Linh mục (1830-1859)


I. Tiểu sử
 
Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện,
họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người. 
(Gc 1, 12)

 
Thánh Phaolô Lê Văn Lộc sinh năm 1830 tại xã An Nhơn, phủ Tân Bình (sau này là Sài Gòn) trong một gia đình đạo đức, được cha sở họ đạo Chợ Quán nhận nuôi dưỡng và gửi theo học Chủng viện Cái Nhum.

Năm 1843, Đức cha Dominique Lefèbvre - Ngãi gửi thầy Lộc sang học tại Chủng viện Penang. Trở về năm 1850, thầy dạy giáo lý cho người dự tòng và phụ trách phụng vụ tại họ Chợ Quán. Thầy được thụ phong linh mục ngày 07-02-1857 ở Lái Thiêu, do Đức cha Lefèvbre - Ngãi truyền chức. Sau đó cha được bổ nhiệm làm giám đốc coi sóc Tiểu chủng viện tại Thủ Đức. Vì tình hình bất an, chủng viện phải dời về Thị Nghè.

Hai năm sau, Chủng viện Thị Nghè phải tạm thời giải tán. Cha Lộc trốn tránh quanh vùng Sài Gòn và Gia Định, tiếp tục công việc huấn luyện các mầm non ơn gọi cho Giáo hội.

Mùa hè năm 1858, tàu chiến của Pháp đến Đà Nẵng. Quan quân tức giận càng thi hành lệnh bắt đạo gắt gao hơn. Lúc đó cha Lộc đang ẩn trú trong nhà một cựu chủng sinh. Một phụ nữ ngoại giáo bắt gặp và đi trình báo. Quan quân bao vây làng, lùng xét và bắt được cha Lộc vào ngày 13-12-1857.

Họ ngạc nhiên vì thấy đạo trưởng quá trẻ. Nhưng cha Lộc tự xác nhận ngài là linh mục, xin tha cho các đồng đạo, một mình ngài nhận hết trách nhiệm. Quan tỉnh độ lượng, không tra khảo, chỉ bắt đóng gông nhẹ và giam giữ chờ lệnh.

Mùa xuân năm 1859, các tướng lãnh người Pháp quyết định chuyển hướng, đưa tàu chiến và quân lính vào chiếm tỉnh Gia Định theo Cửa Cần Giờ. Các quan liền cấp tốc tấu trình về triều đình xin vua ban hành lệnh trảm quyết tử tội Lê Văn Lộc.

Vị anh hùng tử đạo bị hành quyết ngày 13-02-1859 tại pháp trường Trường Thi, khi vừa mới 29 tuổi và hai năm thụ phong linh mục. Cuộc đời vị chứng nhân đức tin tuy ngắn ngủi, nhưng đậm đà tình yêu dâng hiến, phục vụ Giáo hội và tha nhân.

Chờ khi đêm xuống, giáo dân rước thi hài ngài về mai táng tại họ đạo Chợ Quán. Ngày nay, xương thánh nhân được tôn kính tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn. 

Linh mục Phaolô Lê Văn Lộc được nâng lên hàng chân phước ngày 02-5-1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

Cầu cho những trẻ mồ côi được đón nhận
 
Chiều ngày 16/01 vừa qua, chuyến xe của một gia đình hạnh phúc đã trở thành chuyến xe “định mệnh.”[2] Chuyến xe ấy đã gặp phải một vụ tai nạn thảm khốc, xe container đã cán chết anh Minh – chị Lạnh, làm cho anh chị chia cách với các con mãi mãi. Cha mẹ đã ra đi để lại ba đứa con nhỏ, một bé 2 tuổi, 1 bé 4 tuổi và 1 bé 6 tuổi. Bỗng dưng ba đứa trẻ trở thành ba trẻ mồ côi. Xót xa, thương cảm đã phủ lấp bầu không khí ngày Tết trên quê hương chúng ta. Chẳng biết rồi sẽ có bao nhiêu trẻ mồ côi nữa trong những hoàn cảnh tương tự, hoặc những hoàn cảnh bất ngờ khác.

Nhưng, dường như mọi người lại cảm thấy ấm lòng hơn khi biết bao nhiêu tấm lòng rộng mở đã chia sẻ nỗi đau với bà nội các cháu, một “chút lộc tình thân” người ít kẻ nhiều... Tôi cũng thầm ước mong các cháu được yêu thương thật nhiều để được lớn lên hạnh phúc, trưởng thành và trở thành người hữu ích.

Những giọt nước mắt cảm thương lăn dài đã khiến tôi nhớ về một vị thánh Tử đạo Việt Nam, cũng mồ côi cha mẹ lúc 10 tuổi, thánh linh mục Phaolô Lê Văn Lộc. Ngài sinh năm 1830 tại làng An Nhơn, tỉnh Gia Định, trong một gia đình đạo đức. Khi cậu mồ côi, cậu được cha sở nhận nuôi và chăm sóc, cậu đã trở thành niềm hy vọng cho những cuộc đời đầy thất vọng.

Cha sở đã gởi cậu vào chủng viện Cái Nhum. Đức Cha Lefèbvre Nghĩa đã gởi cậu đi học thần học tại Mã Lai. Trở về nước, thầy Phaolô Lộc tận tâm giảng dạy giáo lý và phụ trách việc huấn luyện cho các chủng sinh. Năm 27 tuổi (07/02/1857), thầy được truyền chức linh mục và được bổ nhiệm làm giám đốc tiểu chủng viện Thị Nghè.

Một trẻ mồ côi được yêu thương, giờ đây đã trở thành một người cha yêu thương thắm thiết các chủng sinh trong việc huấn luyện và dạy dỗ. Một trẻ mồ côi được yêu thương, giờ đây đã trở thành một linh mục đầy tình yêu thương quan tâm đến những con chiên xa đàn chưa nhận biết Chúa. Lịch sử ghi lại, cha đưa về cho Chúa hơn 200 tân tòng.Một trẻ mồ côi được yêu thương, đã đáp lại tình yêu thương mà mình đã lãnh nhận từ Giáo hội bằng việc dấn thân hết lòng phục vụ Giáo hội. Chúng ta có quyền hy vọng những em nhỏ mồ côi trong vụ tai nạn kinh hoàng ngày 16/01/2019 vừa qua cũng trở thành người tốt vì các em đã được yêu thương thật nhiều.

Năm 1857 tình thế rất khó khăn đối với đạo Công giáo trên đất nước Việt Nam, để cứu lấy mạng sống của mình chủng viện phải giải tán.Nhưng,vị linh mục trẻ tuổi vẫn tha thiết với sứ vụ, cha không để cho việc huấn luyện phải ngừng. Cha Lộc vẫn cố nán lại Sài Gòn nay đây mai đó để gần gũi, nâng đỡ, hướng dẫn các chủng sinh của mình.Cuối năm 1858, cha Lộc đến tạm trú ở nhà một cựu chủng sinh (thầy giáo Ngôn). Dầu khó khăn nguy hiểm cha tìm cách tiếp tế cho các chủng sinh bị lưu lạc.

Khi triều đình ra chỉ thị bắt các linh mục, một người phụ nữ ngoại đạo biết cha Lộc là linh mục nên tố cáo với các quan để được tiền thưởng. Cha bị bắt giam khi tướng Pháp quyết định đưa quân vào chiếm tỉnh Gia Định theo lối cửa Cần Giờ và bắn phá Sài Gòn. Bởi vì các quan nghi ngờ các linh mục tiếp tay cho giặc, nên các quan cấp tốc tâu vua cho trảm quyết cha Phaolô Lê Văn Lộc.Ngày 13/02/1859, cha Lộc bị điệu ra pháp trường. Ngày 13/02/2019 kỷ niệm 160 năm ngày cha lãnh phúc tử đạo.

Cuộc sống thật ngắn ngủi, 29 tuổi đời, hai năm linh mục. Là một trẻ mồ côi, nhìn vào em ta tưởng chừng như cuộc sống của em đầy tràn bất hạnh. Nhưng không, cậu Phaolô Lê Văn Lộc đã được cha sở nhận nuôi… và cuộc đời cậu Lộc đã trở nên một mối phúc lành. Đức Piô X suy tôn chân phước cho cha Phaolô  Lê Văn Lộc ngày 02/5/1909. Ngày 19/6/1988, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc hiển thánh.

Xin mượn lời của Đức Giám mục Ruperto
[3] để dâng lên Chúa ý cầu nguyện cho các trẻ mồ côi:

Lạy Chúa, các trẻ em mồ côi có những nụ cười thật dễ thương, có gương mặt ánh lên vẻ hồn nhiên, có lời nói thắm đượm sự chân thành. Nhưng, các em không có nơi nương tựa, dễ bị tổn thương và rất cần giúp đỡ…

Xin xoa dịu nỗi buồn và lau khô nước mắt các em. Xin thắp lên niềm hy vọng cho các em được lớn lên trong sự dễ thương, hồn nhiên và chân thành, để các em nhìn lên Chúa như người Cha đáng yêu. Chúng con nguyện xin cho chính mình, biết mở rộng cửa nhà để đón nhận các em, biết mở rộng trái tim để yêu thương và sưởi ấm các em.

Lạy Chúa, xin nâng đỡ chúng con, để chúng con có thể giúp các em có một cuộc sống an bình, một tương lai hy vọng, một ngày mai tươi sáng. Amen

 
[1] https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/vo-chong-chet-duoi-banh-container-3-tre-choi-voi-trong-dem-dau-thieu-hoi-cha-me-c46a1022142.html
[2] Lược trích “40 lời kinh đổi mới cuộc đời, tập 3”, Nxb Tôn giáo, 2013, tr.15.
114.864864865135.135135135250