Ngày 19/12
Thánh Ða Minh Bùi Văn Úy
Thầy giảng (1812-1839)
I. Tiểu sử
Cha tôi không trốn, xin các quan đừng đánh người. Hãy đánh tôi.
Thánh Đaminh Bùi Văn Úy sinh năm 1812 tại họ Tiền Môn, làng Kẻ Rèm, tỉnh Thái Bình. Chú Úy vào Nhà Đức Chúa Trời từ nhỏ, giúp việc cha Nguyễn Văn Tự và học làm thầy giảng. Đến lúc cha Tự thuyên chuyển về xứ Kẻ Mốt, tỉnh Bắc Ninh, thầy Úy cũng theo cha cho đến ngày cả hai cùng bị bắt.
Ngày 29-6-1838, khi quân lính bao vây làng Kẻ Mốt và bắt cha Tự, họ buộc toàn dân phải ra đình làng điểm danh, rồi bước qua Thánh Giá. Vì thầy Úy cương quyết không chịu đạp lên Thánh Giá, nên bị bắt và áp giải chung với cha Tự, ông trùm Cảnh và thầy Mậu lên trại giam Bắc Ninh. Sợ cha Tự bị đánh, thầy Úy nói với quân lính: “Cha tôi không trốn, xin các quan đừng đánh người, hãy đánh tôi”.
Cha Tự sợ thầy bị âm mưu của các quan mà bỏ đạo, nên nhiều lần bảo thầy: “Con có muốn sống, cha sẽ nói cho con nhẹ tội? ”. Cha muốn nói với các quan rằng thầy Úy chỉ là người nấu ăn cho cha thôi. Thầy Úy nghiêm nghị bày tỏ ý muốn của mình: “Thưa cha, con muốn được chết với cha. Xin cha nói cách nào cho tội con ra thật nặng”. Cha Tự an tâm, vui mừng bảo với thầy: “Cha sẽ nói con là thầy giảng, như thế, con sẽ được phúc chết vì đạo”. Thầy hân hoan và xin xưng tội dọn mình ngay.
Tại công đường, hơn một lần, khi các quan bắt bước qua thập tự, thầy không chịu, còn can đảm đặt câu hỏi: “Các quan có dám bước qua mặt vua không mà lại bắt tôi bước qua ảnh Chúa tôi? Cho dù các quan có bước qua mặt của vua; phần tôi, tôi cũng không bước qua mặt Chúa tôi!” Các quan tức giận đòi mang thầy ra tử hình.
Trong một phiên tòa khác, quan án bảo: “Sao mày cứng đầu thế, thầy mày (Cha Tự) đã xuất giáo[1] rồi! ”. Thầy Úy minh định: “Dù thầy (Cha Tự) tôi có xuất giáo, tôi cũng không theo, nhưng không lẽ thầy tôi làm như vậy?”.
Thầy Úy chịu xử giảo ngày 19-12-1839 tại pháp trường Cổ Mễ, tỉnh Nam Định. Thi hài thầy được mai táng trong nhà thờ họ Đông Tiến, Giáo phận Bắc Ninh. hiện nay, một phần hài cốt vẫn còn được lưu giữ tại Tòa giám mục giáo phận.
Thầy giảng Bùi Văn Úy được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.
Cầu nguyện cho con cái biết vâng lời cha mẹ
Chỉ còn ít ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh, khung cảnh về “một gia đình” cứ chập chờn trong tâm trí và tình cảm của chúng ta. Hình ảnh của một gia đình chuẩn bị cho một hài nhi chào đời, hình ảnh của một phụ nữ có thai trong ý định ngàn đời của Thiên Chúa, hình ảnh của người chồng với những khó khăn nan giải từ mọi phía… Nhưng, nền tảng để giải quyết những vấn nạn của gia đình ấy là ở đâu, làm sao giữa những khó khăn họ vẫn bình an. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói: Sứ điệp đến từ Thánh Gia trước hết là một sứ điệp của đức tin. Trong cuộc sống gia đình của Mẹ Maria và thánh Giuse, Thiên Chúa thực sự ở trung tâm, và Ngài ở đó trong Con Người của Đức Giê-su. Vì thế gia đình Na-gia-rét thánh thiện. Tại sao vậy ? Bởi vì nó tập trung vào Chúa Giê-su… Khi cha mẹ và con cái cùng hít thở bầu khí đức tin, họ có một năng lực cho phép đương đầu với cả các thử thách khó khăn, như kinh nghiệm của Thánh Gia trong biến cố thê thảm của cuộc trốn chạy sang Ai Cập...[1]
Hình ảnh đẹp của Thánh Gia gợi cho chúng ta về nền tảng của một gia đình đạo đức. Phút cầu nguyện này, trong bầu khí yêu thương của Thánh Gia chúng ta chiêm ngắm một góc của gia đình Thánh Ða Minh Bùi Văn Úy và cầu nguyện cho các gia đình ngang qua cuộc đời và cái chết tử đạo của ngài.
Cậu Đa Minh Bùi Văn Úy sinh năm 1812 tại họ Tiền Môn thuộc làng Kẻ Rem, Thái Bình. Được sống trong không khí đạo đức của gia đình, cậu Úy trở thành người có tính tình hiền lành, ngoan ngoãn, nhiệt thành. Cha mẹ gửi cậu đi làm giúp lễ cho cha Phê-rô Tự rất sớm. Cậu Úy học hành chăm chỉ và khi đã là một thầy giảng, thầy dấn thân đi giúp nhiều nơi.
Ở thời buổi cấm đạo gay gắt, Thầy Úy bị bắt cùng với cha Tự, sau đó, quan quân dùng lời lẽ ngon ngọt lẫn các loại hình khổ tra tấn để bắt thầy chối đạo. Thầy Úy mạnh mẽ trả lời: “Từ khi còn trong lòng mẹ, tôi đã được Thiên Chúa yêu thương phù hộ nhiều bề. Bây giờ tôi khôn lớn, tôi không dám bỏ Chúa. Nếu tôi bước qua thập giá tôi phạm tội với Chúa, với cha mẹ đã sinh ra tôi - đã dạy bảo tôi biết Thiên Chúa và khuyên răn tôi phải thờ kính Thiên Chúa… Tôi không thể phản bội Chúa, phản bội công lao dạy dỗ của cha mẹ tôi…”[2]
Lời khẳng định của Thầy Đa Minh Bùi Văn Úy cho thấy hình ảnh đẹp về sự giáo dục trong gia đình. Thánh Phaolô tông đồ minh họa thêm cho hình ảnh ấy qua lời dạy: “Con cái hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều rất đẹp lòng Chúa… Các người cha đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng mất can đảm.”[3] Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói: Đây là một quy tắc khôn ngoan mà Thánh Phao-lô đã hướng dẫn. Con cái cần được giáo dục lắng nghe và vâng phục cha mẹ, còn các bậc làm cha mẹ không cần phải ra lệnh một cách khó chịu, để khỏi làm cho con cái nản lòng.
Gương sáng của Thánh Đa Minh Úy luôn lấy lời cha mẹ để nhắc nhở mình, luôn lấy ánh sáng của Chúa để giữ vững đức tin đã trở nên mẫu mực cho những người con để họ không bước đi trong sự lầm lạc, không bị hư hỏng. Gương sáng ấy cũng nên như lời nhắc nhở cách gián tiếp cho các bậc làm cha mẹ về trách nhiệm giáo dục con cái, làm sao cho chúng in sâu những điều đã được dạy bảo để chúng trưởng thành hơn về nhiều phương diện.
Nền tảng giáo dục vững chắc của gia đình đã hướng dẫn Thầy Úy nhất định không làm theo lời quan, khiến quan nổi giận. Vì thế, không lâu sau, Thầy Úy nhận được bản án xử giảo. Cái chết vào ngày 19/12/1839 vì giữ vững niền tin đã được vun trồng từ nhỏ, là một minh chứng rõ ràng cho “người con thảo” Đa Minh Bùi Văn Úy.
Lạy Chúa, hai tiếng “gia đình” thân thương biết bao. Nơi đây, chúng con được Chúa ban cho có cha có mẹ. Cha mẹ chúng con có thể là nông dân với cách giáo dục chất phác, giản đơn… Cha mẹ chúng con có thể là giáo sư, tiến sĩ với sự sâu sắc, kiến thức uyên thâm. Và dù cho cha mẹ chúng con có là gì đi nữa, chúng con tin chắc các vị cũng luôn muốn cho chúng con những điều tốt đẹp.
Chúng con xin dâng lên Chúa lời cảm tạ, tri ân. Xin chúa thương gìn giữ, ban sự khôn ngoan để các ngài hướng dẫn chúng con bước theo ánh sáng của Chúa. Phần chúng con, ước gì chúng con luôn tôn kính và vâng lời cha mẹ, để cuộc sống đời thường và đời sống đức tin của chúng con ngày càng thêm lớn mạnh. Amen
[1] Lược trích Bài giảng Lễ Thánh Gia (2014) của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô.
[2] “Hạnh tích các Thánh Tử Đạo Việt Nam” của Lm. Gioakim Nguyễn Đức Việt Châu.
[3] Cl 3,20-21.