22/05/2022 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

2160
Ngày 22/5 Thánh Laurensô Ngôn
Ngày 22/5
Thánh Laurensô Phạm Viết Ngôn
Giáo dân (1840-1862)


I. Tiểu sử

Tôi giữ đạo tôn thờ Chúa Tể trời đất.
Thập giá là phương thế Thiên Chúa dùng để cứu độ nhân loại,
 tôi chỉ có thể tôn kính chứ không bao giờ chà đạp.

 
Thánh Laurensô Phạm Viết Ngôn sinh năm 1840, trong một gia đình đạo đức tại giáo xứ Lục Thủy, Giáo phận Trung.

Lập gia đình, anh Ngôn sống gương mẫu đạo hạnh, yêu thương vợ con hết lòng. Vì nặng tình với vợ con, nên trong lần bị bắt và bị buộc chối đạo lần đầu tiên, anh Ngôn đã hối lộ tiền bạc cho quan quân để đổi lấy sự tự do.

Trong hoàn cảnh bắt đạo khốc liệt này, anh Ngôn bị bắt lần thứ hai vào ngày 08-9-1861, bị giải về trại An Xá, huyện Đông Quan. Bị giam cầm trong ngục, anh rất lo lắng cho vợ và con thơ. Anh tìm cách trốn về thăm gia đình và hết lời khuyến khích thân mẫu, vợ con hãy trung thành với đức tin, phó thác cho sự quan phòng của Chúa.

Tại công đường, quan án dụ dỗ: “Anh còn trai trẻ, sao dại dột muốn chết? Hãy bước qua Thánh Giá, anh sẽ được tha, cho về với vợ con”. Anh Ngôn kiên cường tuyên tín: “Tôi giữ đạo tôn thờ Chúa Tể trời đất. Thánh Giá là phương thế Thiên Chúa dùng để cứu độ nhân loại, tôi chỉ có thể tôn kính chứ không bao giờ chà đạp”.

Thái độ trung tín, hiên ngang bảo vệ đức tin, càng làm cho các quan tức giận, đồng lòng lên án trảm quyết. Vị chứng nhân đức tin Laurensô Phạm Viết Ngôn chịu xử trảm ngày 23-5-1862 tại pháp trường An Triêm, huyện Đông Quan, trước sự chứng kiến của thân mẫu và người vợ hiền thục thân thương.

Chứng nhân đức tin Laurensô Phạm Viết Ngôn được nâng lên hàng chân phước ngày 29-4-1951 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.
 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện
 



Tông huấn Niềm vui yêu thương số 276 đã viết: “Gia đình là khung cảnh hàng đầu để xã hội hóa, vì nó là nơi đầu tiên ta học cách liên hệ với người khác, lắng nghe và chia sẻ, nhẫn nại và tỏ lòng tôn trọng, giúp đỡ nhau và sống như một… Trong gia đình, ta học tập sự gần gũi, chăm sóc và tôn trọng người khác. Ta phá vỡ tình trạng có tính định mệnh chỉ biết có mình và tiến tới chỗ hiểu ra rằng ta đang sống với và bên cạnh nhiều người khác đáng được ta quan tâm, tử tế và âu yếm. Sẽ không có bất cứ mối dây liên kết xã hội nào nếu không có việc sống cạnh nhau đầu tiên, hàng ngày và hầu như cực nhỏ này...” Theo như lời của Tông huấn, mẫu gắn kết tuyệt hảo của mọi thành viên trong gia đình nhỏ sẽ dẫn mỗi người đến gia đình xã hội và Giáo hội.

 Giây phút này chúng ta chiêm ngắm mẫu gắn kết của gia đình thánh tử đạo Laurensô Ngôn, một gia đình được xây dựng khởi đi từ người gia trưởng tâm huyết lo cho gia đình, để cầu nguyện cho các thành viên trong các gia đình biết xây dựng và gìn giữ các mối tương quan hầu nền tảng gia đình được bền vững đem lại lợi ích cho Giáo hội và xã hội.

Laurensô Ngôn, sinh năm 1840 trong một gia đình đạo dức thuộc xứ Lục Thủy (huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định), bị xử trảm ngày 22/5/1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, lúc 22 tuổi.

Cũng như bao chàng trai trẻ tuổi khác, đến tuổi trưởng thành, Laurensô Ngôn lập gia đình. Anh sống đời sống đức tin đạo hạnh, và là một gia trưởng gương mẫu yêu thương vợ con. Không thoát khỏi cuộc bách hại đạo khốc liệt dưới triều vua Tự Đức qua chiếu chỉ cấm đạo cuối cùng vua ban hành ngày 05/8/1861, anh bị bắt và bị buộc phải chối đạo. Nặng lòng với gia đình, mẹ hiền và vợ trẻ còn đó; tuy vậy, chàng trai trẻ vẫn kiên quyết trung tín với Chúa và kiên cường giữ vững đức tin.

Trong tù, vì lo lắng cho gia đình, anh tìm cách trốn về để trấn an, đồng thời khuyến khích cha mẹ và vợ bền chí trung thành với đức tin, rồi anh trở lại trại giam. Gia đình anh Laurensô Ngôn đồng ý cho anh trở lại nhà giam trình diện để anh trọn phúc với Chúa. Chính thân mẫu và người vợ hiền mà anh thương mến nhất đã khích lệ anh.

Quả vậy, mối dây liên kết của gia đình đã nâng đỡ anh can đảm chịu nhiều khổ nhục vì danh Chúa. Đàng khác, anh lại cũng thêm sức mạnh cho gia đình nhờ lòng đạo đức của anh. Mặc dù bị giam trong tù, nhưng anh ăn chay hãm mình đền tội. Anh khuyên các bạn tù chịu mọi cực hình và đừng bao giờ xúc phạm đến Thiên Chúa.

Trong các cuộc hành hình, quan án thường lấy tình thương cảm dành cho mẹ già và vợ hiền để dụ anh bước qua Thánh giá, rằng anh sẽ được trả về với gia đình nếu anh nghe theo. Anh Laurensô Ngôn trả lời quan: “Tôi giữ đạo tôn thờ Chúa tể trời đất. Thánh Giá là phương thế Thiên Chúa đã dùng để cứu độ nhân loại, tôi chỉ có thể tôn kính chứ không bao giờ chà đạp. Nếu quan cho tôi sống tôi cám ơn quan, còn không, tôi sẵn sàng vui lòng chịu chết vì đức tin vào Chúa tôi.” Trước mặt quan, anh Laurensô Ngôn không chỉ đối đáp cương quyết mà còn thể hiện các hành động hiên ngang khiến các quan hết lòng tức giận. Trong một lần tra tấn, quân lính tìm cách bắt anh chà đạp lên Thánh Giá, lúc đó anh qùy phục xuống và kính cẩn cúi lạy Thánh Giá.

Không chịu chối đạo, không làm theo lệnh vua quan, tất nhiên anh sẽ phải lãnh án trảm quyết. Anh Laurensô Ngôn đã được diễm phúc đổ máu ra vì danh Chúa trước sự chứng kiến của hai người thân thương nhất đời anh đó là mẹ và người vợ hiền của anh ngày 22/5/1862.

Trên đường khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta gặp được bóng dáng người mẹ hiền đầy can đảm nhưng cũng đầy thương tâm. Dưới chân Thánh Giá người Mẹ lặng thầm vẫn không rời con. Chúa Giêsu can đảm trối Mẹ cho thánh Gioan. Người Con chu toàn Thánh Ý và người Mẹ dõi theo hiệp thông cùng Con. Sức mạnh của Mẹ truyền cho Con, nhiệt huyết của Con truyền cho Mẹ… Thế giới được hưởng nhờ nơi tình mẹ con ấy: “Này là con bà” “Đây là mẹ của con.”

Lạy Chúa, ước chi xã hội sẽ tươi đẹp hơn nhờ những con người biết xây dựng những mối tương quan trong các gia đình đẹp hơn. Ước chi Giáo hội lớn mạnh hơn, nhờ niềm tin trong các gia đình được giáo dục và nuôi dưỡng nền tảng hơn. Amen
114.864864865135.135135135250