Thầy giảng (1780-1857)
I. Tiểu sử
Bẩm quan lớn, tôi giữ đạo đã bấy nhiêu tuổi đời, lẽ nào còn bỏ đạo?
Thánh Phêrô Đoàn Văn Vân sinh năm 1780 tại làng Kẻ Bói, xứ đạo Kẻ Sông, tỉnh Hà Nam. Chú Vân theo giúp cha Thi trong Nhà Đức Chúa Trời và về sau được gửi vào chủng viện.
Năm 25 tuổi, thầy Vân nhận bằng làm thầy giảng, được sai về giúp hai xứ Bầu Nọ và Nỗ Lực. Thầy sống hiền lành, hòa nhã, giàu lòng thương người nghèo khổ, được đề cử việc quản lý nhà xứ Bầu Nọ.
Ông Tương và ông Huống, hai chức sắc có tiếng trong làng đem hết tiền bạc nướng vào sòng bài, tiêu tan hết tiền đóng thuế của dân. Họ kéo nhau vào nhà xứ gặp thầy Vân xin vay thóc nhà chung để đền trả. Nghĩ rằng hai tên này quá mê say cờ bạc, nên thầy cai Vân từ chối. Thế là họ manh tâm thù oán và đi tố cáo quan lớn: “Làng Bầu Nọ chứa chấp đạo trưởng, có cả đạo đường và đạo quán nữa”.
Quan tỉnh dẫn đạo quân đến vây làng lục soát nhưng không tìm gặp đạo trưởng nào. Những ngày sau, Tương và Huống chặn đường bắt được thầy cai Vân đem nộp quan và cáo gian thầy là đạo trưởng.
Nơi công đường, quan phủ nhìn thấy một ông cụ đã gần 80 tuổi, nên chỉ tra hỏi tìm xem có phải là đạo trưởng không. Thầy Vân khiêm tốn thanh minh: “Bẩm quan lớn, tôi nói thật không dám khai man.Tôi chỉ là thầy giảng. Quan lớn cho tôi là đạo trưởng thì đó là do ý quan lớn chứ tôi không dám nhận”.
Bị bắt giam tại Lâm Thao bốn tháng, thầy Vân được an ủi khi các tín hữu đến thăm viếng, tiếp tế, được cha Nguyên vào giải tội, được ông Giáp đưa Mình Thánh Chúa cho thầy.
Vua Minh Mạng châu phê vào bản án thầy Vân là “Giatô đạo trưởng”. Thầy giảng Đoàn Văn Vân dành những giây phút thinh lặng cầu nguyện, rồi bị xử trảm ngày 25-5-1857 tại pháp trường Sơn Tây. Thi hài của ngài được đưa về mai táng ở nhà thờ họ đạo Bách Lộc.
Thầy giảng Phêrô Ðoàn Văn Vân được nâng lên hàng chân phước ngày 02-5-1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.
Năm 1615, cha Đắc Lộ thành lập Hội Thầy giảng tại Việt Nam. Lý do thành lập Hội Thầy giảng là bởi vì các linh mục không thể làm hết các việc, nên cần có các thầy giảng giúp đỡ, để việc của Giáo phận được phát triển. Các thầy giảng giúp các linh mục trong các việc mà những người không có chức thánh làm được, hầu đưa người ngoại trở lại với Chúa. Các thầy còn dạy dỗ bổn đạo biết giữ đạo cho chín chắn. Bổn phận thầy giảng bao gồm việc chính là việc giảng đạo, đồng thời giúp các việc khác trong giáo phận hay giáo xứ như coi việc nhà chung, nhà mồ côi,... Các thầy đã cộng tác đắc lực với các linh mục trong việc truyền giáo. Hội thầy giảng là nơi xuất thân các linh mục tiên khởi, và cũng là nguồn gốc “Nhà Đức Chúa Trời” ở Miền Bắc sau này. Chính các thầy ấy, nhờ ơn Chúa giúp, đã tạo nên những tiến triển cho Giáo hội Việt Nam tại Giáo phận Đàng Ngoài. Các thầy này khấn vâng lời, khiết tịnh và khó nghèo.[1]
Danh sách các thánh tử đạo Việt Nam có rất nhiều thầy giảng. Hình ảnh các thầy giảng trong thời bị bách hại thật đẹp và ý nghĩa trong lòng người giáo dân Công giáo Việt Nam. Hôm nay, chúng ta cùng chiêm ngắm thánh Phêrô Ðoàn Văn Vân – thầy giảng tử đạo, để cầu nguyện cho Giáo hội Việt Nam có thêm nhiều những cộng tác viên nhiệt thành trong sứ vụ “làm vinh danh Chúa và mưu ích phần rỗi các linh hồn.”
“Phêrô Đoàn Văn Vân sinh năm 1781 tại làng Kẻ Bói, xứ Kẻ Sông, tỉnh Hà Nam, khi còn nhỏ cậu ở với cha Thi và được gởi đi học trường Latinh. Năm 25 tuổi, cậu trở thành thầy giảng và đi giúp các xứ đạo. Sau thầy được cử về làng Bầu Nọ, tức là làng Nỗ Lực sau này, để lo việc quản lý nhà xứ.”[2]
Nói về thầy giảng Phêrô Ðoàn Văn Vân, mọi người quen biết đều cảm phục nhân đức của thầy. Thầy chu toàn trách vụ quản lý giáo xứ một cách cần mẫn và nhiệt huyết; thầy phục vụ hiền lành và hòa nhã; thầy sống thanh đạm khó nghèo, quảng đại và đầy bác ái, yêu thương những người bất hạnh, chăm lo đời sống đạo và phần rỗi đời sau cho tín hữu…
Vào thời bách hại, bản án của vị tử đạo thường kèm theo gương mặt xấu của những kẻ tố giác. Hai tên chức sắc trong làng thua bạc, chúng vào nhà xứ xin vay thóc để đền trả. Thầy quản xứ Phêrô Vân từ chối, thế là họ đi tố cáo thầy là đạo trưởng. Thầy giảng Phêrô Ðoàn Văn Vân bị bắt. Thầy bị giam ở Lâm Thao khoảng bốn tháng. Sau bị chuyển về giam ở tỉnh Sơn Tây hơn hai tháng. Dù thầy Vân cải chính nhiều lần rằng thầy chỉ là thầy giảng, các quan vẫn khép án thầy là đạo trưởng. Vì thế, bản án được vua châu phê: thầy Cai Vân là “Gia-tô đạo trưởng.”
Chiêm ngắm cuộc đời thầy có lẽ mỗi chúng ta nghiệm ra được nhiều điều. Vâng phục và chu toàn thánh ý Chúa trong bậc sống của mình với tất cả tâm tình yêu mến đó chính là lời giảng tuyệt vời và thu hút nhất. Thầy giảng Phêrô Vân đã giảng bằng đời sống cho đến tuổi đã cao, sức đã kiệt,… Đỉnh điểm và đoạn kết đẹp của lời giảng đó chính là cuộc tử đạo. Lý hình đưa thầy Phêrô Vân đến pháp trường, thầy xin lý hình cho thầy ít phút để cầu nguyện. Thầy đã lãnh phúc tử đạo dưới lưỡi gươm đao phủ ngày 25/5/1857 ở thời vua Tự Đức, sau khi đã giảng về Chúa cho mọi người trong suốt cả 77 năm cuộc đời.
Chọn một cuộc sống thành đạt và nổi nang trên thương trường đó là chọn lựa và ước mong của nhiều người. Nhưng, chọn một cuộc sống hy sinh gương mẫu, lành thánh, dấn thân, quảng đại và yêu mến là “con đường chẳng mấy ai đi.” Cuộc đời thánh tử đạo Phêrô Đoàn Văn Vân là một dấu ấn lịch sử, là nét son tươi đẹp về hình ảnh thầy giảng, là ánh nến lung linh trong đêm trường bách hại, là khởi đầu cho niềm tin vào Thiên Chúa được rao truyền cho muôn dân bằng chính cuộc đời của mình.
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì chúng con đã được lãnh nhận hồng ân đức tin qua các vị tiền bối là chính các thánh tử đạo Việt Nam. Nơi chính cuộc đời mình, các ngài chấp nhận khổ đau thiếu thốn bách hại, nhưng nơi chính cuộc đời các tín hữu mà các ngài phục vụ, các ngài đã xây dựng bình an, chữa trị vết thương, hàn gắn đổ vỡ… Xin cho chúng con noi gương các ngài, biết làm chứng tá bằng chính cuộc sống hằng ngày của mình. Amen
[1] https://dongten.net/2013/04/28/bon-luat-thay-giang-dia-phan-dong-dang-trong/
[2] http://tinmung.net/CACTHANH/CACTHANHindex.htm - Thánh Phêrô Đoàn Văn Vân