Thánh Tô-ma Ðinh Viết Dụ
Linh mục (1783 - 1839)
I. Tiểu sử
Chính tôi là đạo trưởng
Tôi có nghĩa vụ chăm sóc các tín hữu tại đây.
Thánh Tôma Đinh Viết Dụ sinh năm 1783 tại làng Phú Nhai, tỉnh Nam Định (nay thuộc giáo xứ Phú Nhai, Giáo phận Bùi Chu). Ngài rất chuyên cần học tập và trau dồi đức hạnh. Sau khi thụ phong linh mục, cha Dụ xin gia nhập dòng Đa Minh và tuyên khấn ngày 21-12-1814. Về sau, cha được thuyên chuyển về phục vụ giáo xứ Liễu Đề, thuộc Giáo phận Bùi Chu ngày nay.
Cha Dụ gương mẫu trong đời sống cầu nguyện, hăng say hoạt động tông đồ, phục vụ các tín hữu Giáo phận Đông Đàng Ngoài.
Ngày 20-5-1839, được tin mật báo có sự hiện diện của đạo trưởng, tổng đốc Trịnh Quang Khanh đích thân bao vây lục soát làng Liễu Đề. Khi vừa hoàn tất việc dâng Thánh lễ tại nhà bà Thu, nghe tiếng la hét ồn ào, biết rằng làng đã bị binh lính bao vây và không thể thoát thân, cha Dụ cải trang thành người làm thuê, ngồi nhổ cỏ sau vườn.
Tên chỉ điểm nhận biết ngài và hô to: “Đây, tên đạo trưởng”. Với nét mặt bình tĩnh, cha ôn tồn nói: “Chính tôi là đạo trưởng. Tôi có nghĩa vụ chăm sóc các tín hữu tại đây”.
Trải qua 6 tháng bị giam cầm và tra tấn trong ngục tù, kèm theo những lời dụ dỗ bước qua Thánh Giá, nhưng tất cả đều không làm ngài lung lay ý chí. Quan trên buộc lòng phải lập án chuyển vào kinh đô Thuận Hóa: “Đạo trưởng Đinh Viết Dụ bị kết án trảm quyết vì tội truyền bá Giatô tả đạo. Y đã trở nên chai đá không gột rửa được vì những điều dị đoan đã quá ăn sâu. Vậy phải nghiêm trị”.
Trong chốn lao tù, cha Dụ được giam chung với cha Nguyễn Văn Xuyên. Nhị vị tôi tớ Chúa chung tiếng nguyện lời kinh, khuyến khích và ban Bí tích Hòa giải cho nhau, cùng chuẩn bị tâm hồn xứng hợp để tuyên xưng đức tin trước mặt vua quan và quần chúng.
Cha Dụ chịu xử trảm ngày 26-11-1839 tại pháp trường Bảy Mẫu, dưới thời vua Minh Mạng. Thi hài vị chứng nhân đức tin được tôn kính tại Đền Thánh Phú Nhai.
Linh mục Tôma Ðinh Viết Dụ được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: Hội đồng Giám mục Việt Nam
II. Cầu nguyện
Dưới thời vua Minh Mạng, đạo Công Giáo bị cấm rất gắt gao. Một hình ảnh thật đẹp mà thánh Tô-ma Đinh Viết Dụ đã để lại rất đáng cho chúng ta chiêm ngắm khi tháng mân côi vừa khép đó là: Khi cha Dụ bị bắt, quan quân đã lục xoát khắp người cha để xem ngài có giấy tờ tiền bạc gì không. Nhưng quan quân đã thất vọng, vì sau khi lục soát, chúng chỉ tìm thấy được một tràng hạt. Quả là lạ lùng, vì tài sản mà cha Dụ đem theo để vào ở trong tù lâu ngày không phải là tiền bạc hay những đồ dùng cần thiết thường ngày, mà là chuỗi hạt mân côi.
Yêu mến Mẹ Mân Côi đó là tâm tình của mọi tín hữu Ki-tô và đó cũng là tâm tình đặc biệt của những người bước theo linh đạo của thánh Đa Minh. Cậu Tô-ma Ðinh Viết Dụ sinh khoảng năm 1783, tại làng Phú Nhai, tỉnh Nam Ðịnh. Được Chúa kêu gọi từ tấm bé, cậu Dụ đã dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì. Sau khi thụ phong linh mục, cha Tôma Dụ xin nhập dòng Ða Minh và được khấn. Cha là một linh mục gương mẫu đạo đức, lại có lòng yêu mến Đức Mẹ Mân Côi cách đặc biệt.
Vì yêu mến Mẹ Mân Côi, nên cha Dụ cũng mang tâm tình như Đức Mẹ. Qua những biến cố xảy ra trong đời như những lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn Mẹ, Mẹ vẫn một lòng xin vâng theo Thánh Ý Chúa. Cha Dụ cũng thế, bị bắt giam trong tù sáu tháng, cha tiều tụy và yếu sức vì những cuộc tra tấn, nhưng tâm hồn cha vẫn ý thức và xác tín rằng: "Sức lực tôi tuy giảm, nhưng tôi còn có thể chịu đựng được nữa. Chúa chúng ta đã chịu bao cực khổ để cứu độ nhân loại, tôi cũng sẵn lòng chịu những sự khổ này để nên giống Chúa Ki-tô phần nào".
Con đường cha Dụ chọn đi là con đường Mẹ Ma-ri-a đã đi, đau khổ của cuộc đời Mẹ ví như những đau khổ của cha Dụ trong giai đoạn bách hại đạo, và đích cuối cùng Mẹ đến đó cũng chính là khát vọng mà cha Dụ luôn ý thức - “danh Chúa được cả sáng”.
Yêu mến Mẹ Mân Côi theo mẫu gương của cha Dụ, chúng ta xác quyết rằng: “Trong khi lần chuỗi, không phải chúng ta lặp lại lời kinh chỉ vì lợi ích của chính lời kinh, mà vì lời kinh như là phương thế để đạt tới tình trạng suy gẫm về một Thiên Chúa sống động, hay một vài khía cạnh nào đó về Thiên Chúa… hoặc điều gì đó liên quan đến Thiên Chúa.”[1] Vì vậy, khi lần hạt mân côi, chúng ta được mời gọi làm sống lại bốn giai đoạn trong cuộc đời của Chúa Giê-su với sự hiện diện hiệp thông của Mẹ Ma-ri-a. Trong mỗi giai đoạn ấy, chuỗi mân côi giúp chúng ta lưu tâm đến một số biến cố quan trọng, và rồi khi làm sống lại các biến cố ấy, chúng ta được soi sáng cho các biến cố trong cuộc đời của chúng ta. Quả vậy: “Thường người ta tự nhiên cảm thấy thích thú khi suy niệm các mầu nhiệm mùa Vui, và cảm thấy hạnh phúc khi suy niệm các mầu nhiệm mùa Mừng. Một số người thì khóc khi suy gẫm các mầu nhiệm mùa Thương, họ khóc vì muốn tỏ bày sự hối hận, cho rằng mình đã góp phần gây nên tội ác…”; và nếu suy niệm đầy đủ thêm như Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II gợi ý, thì người ta sẽ cảm nhận được Chúa đang hiện diện cùng với họ trong mọi biến cố đời thường khi suy niệm các mầu nhiệm mùa Sáng[2].
Tương tự như vậy, một cảm xúc chân thật sẽ giúp chúng ta hiểu được rằng, nếu rung động và mong muốn của chúng ta phù hợp với mầu nhiệm nào đó, khi chúng ta vừa lẩm nhẩm đọc kinh vừa làm sống lại bối cảnh của cuộc đời Chúa, lồng vào trong khung cảnh của cuộc đời chúng ta; thì sau khi đọc các lời kinh và suy niệm các biến cố, chính Chúa sẽ giúp chúng ta khám phá ra cách thức điều chỉnh con người mình nên tốt hơn; chính Chúa sẽ giúp chúng ta can đảm đi vào con đường Chúa đã đi; chính Chúa sẽ giúp chúng ta có cách ứng xử như Chúa đã ứng xử.