24/05/2022 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1450
Ngày 26/5 - Thánh Gioan Ðoạn Trinh Hoan
Ngày 26/5
Thánh Gioan Ðoạn Trinh Hoan

Linh mục (1789-1861)


I. Tiểu sử
 
Con Anh chị em hãy theo gương tôi, như chính tôi đã theo Đức Kitô,
hãy sống trong bình an của Ngài và cầu nguyện cho tôi.

 
Thánh Gioan Đoạn[1] Trinh Hoan chào đời năm 1798 tại ngôi làng thuộc họ Kim Long, Phú Xuân, Giáo phận Huế. Hai vị song thân là những giáo dân đạo hạnh, sống bằng nghề canh tơ dệt lụa.

Chú Hoan tư chất thông minh, hiếu học, được người cậu là cha Kiệt nhận làm học trò, nuôi nấng, dạy dỗ, truyền thụ tiếng Latinh rồi được gởi theo học Chủng viện Penang. Sau khi mãn khóa, thầy Gioan trở về nước giúp việc Đức cha Taberd - Từ trong việc phiên dịch sách báo đạo. Thầy được Đức cha Etienne Cuenot - Thể truyền chức linh mục năm 1836 tại Sài Gòn.

Trong hai mươi sáu năm làm linh mục, cha Gioan Hoan đã lãnh nhận nhiều nhiệm sở theo ý Bề trên. Cha nhiệt tình hoạt động nhưng lại điềm tĩnh thận trọng và yêu thương mọi người.

Tối ngày 03-01-1861, quan quân phục kích bắt cha Hoan. Khi đó, cha đang nấp trong một ổ rơm. Quan ra lệnh bắt và đánh đập một người giáo dân và tra tấn để hỏi về chỗ ấn náu của đạo trưởng. Trước cảnh hành hạ dã man, không đành tâm, cha Hoan đã từ ổ rơm bước ra nộp mình. Binh lính reo hò đắc thắng, bắt trói hai cha và một vài chức việc, giải về công đường Đồng Hới và nhốt vào ngục tối. Lúc này cha đã 63 tuổi.

Trong chốn lao tù, cha Hoan nhiều lần bị tra tấn, bị ép bước qua thập giá, tiết lộ nơi ẩn trốn của Đức cha và các thừa sai, nhưng cha vẫn luôn khoan dung trong ngôn từ. Chính cử chỉ từ tâm theo gương Chúa Kitô đã khơi dậy lòng trắc ẩn của quân canh. Vì thế, họ không nỡ cấm cản sự thăm viếng, mang Mình Thánh Chúa, tiếp tế nhu yếu phẩm của các nữ tu và giáo dân.

Cha Hoan đã dùng lời Thánh Phaolô, vị tông đồ dân ngoại, để nhắn nhủ khi các tín hữu đến chào từ biệt: “Anh chị em hãy theo gương tôi, như chính tôi đã theo Đức Kitô, hãy sống trong bình an của Ngài và cầu nguyện cho tôi”.

Rạng sáng ngày 26-5-1861, dưới thời vua Tự Đức, cha bị áp giải ra pháp trường với án lệnh: “Tội phạm tên Hoan, nghề nghiệp đạo trưởng, truyền bá tà đạo trong dân, bị xử chém đầu”.

Linh mục Gioan Ðoạn Trinh Hoan được tuyên phong chân phước ngày 02-5-1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988
 

[1]. Theo kết quả nghiên cứu của Tổng giáo phận Huế, trên bia mộ của cha Thánh Hoan ghi cha họ Đoạn, chứ không phải họ Đoàn.
 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

Cầu cho những nhà đào tạo linh mục tu sĩ.




Việc đào tạo linh mục là một nhiệm vụ quan trọng và khó khăn, vì thế Công đồng Vaticanô II đã dành một Sắc lệnh để hướng dẫn cho việc này. Trong lời mở đầu Sắc lệnh, Công đồng nói: Linh mục là người “kết hiệp với Thầy Chí Thánh, khao khát một đời sống Phúc Âm thực sự, đi theo đường Chúa Giêsu đã đi, và đồng thời là người lo lắng đem thân mình phục vụ anh em và mọi người trong một cuộc gặp gỡ cởi mở, chân thành và thích nghi. Nhờ đó linh mục có thể đem đến cho mọi người sứ điệp của Chúa Kitô trong một ngôn ngữ dễ hiểu và linh động, cống hiến cho họ ơn cứu rỗi của Chúa.”[1] Đào tạo được đội ngũ các linh mục đạt theo như yêu cầu này quả là phải cần sự trợ giúp của ơn thánh, bởi vì: “Con người thời nay thích lắng nghe các chứng nhân hơn là nghe những thầy dạy, và nếu họ lắng nghe những thầy dạy thì bởi vì những thầy dạy ấy lại là các chứng nhân.”[2]

 Giây phút này đây, chúng ta cùng chiêm ngắm thánh linh mục tử đạo Gioan Ðoàn Trinh Hoan, một mẫu linh mục theo như lời Công đồng miêu tả, ngài là một nhà đào tạo linh mục, là một nhà giáo dục sống đời sống đức tin sống động, ngài dạy bằng chính con người mình nhiều hơn là bằng những gì mình nói,[3] quả đúng như Ca dao Việt Nam đã dạy: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo.”

Hạnh thánh tử đạo ghi lại rằng: cha Gioan Đoàn Trinh Hoan sinh năm 1798 tại họ Kim Long, Phú Xuân - Huế,  trong một gia đình nề nếp, đạo hạnh. Nhờ sự hỗ trợ của gia đình, cậu đã dâng mình cho Chúa, và theo học tại chủng viện Pénang (Mã Lai) của hội Thừa sai Paris. Học song thần học, thầy Gioan về nước thụ phong linh mục tại Sài Gòn, phục vụ đắc lực cho Giáo hội Việt Nam.

Cha Gioan Hoan đã hăng say chu toàn sứ vụ linh mục suốt 26 năm lúc thời buổi khó khăn bắt bớ. Cha không quản ngại thăm viếng, khích lệ, giảng dạy và giải tội cho các giáo hữu. Cha yêu mến và kiêm tâm đầu tư cho việc đào tạo các thầy giảng và cổ động hỗ trợ ơn gọi linh mục nơi các thanh thiếu niên. Cha hướng dẫn và giới thiệu nhiều bạn trẻ vào chủng viện của giáo phận. Cha đào tạo linh mục tương lai cho Giáo hội bằng chính đời sống của cha hơn là những lời giảng dạy. Năm cha 63 tuổi, cha bị bắt trong khi làm sứ vụ mục tử ngày 03/01/1861 tại giáo xứ Sáo Bùn, Quảng Bình.

Còn lời dạy và phương cách đào tạo linh mục tu sĩ nào đẹp hơn hình ảnh “trong năm tháng tù giam, cha Hoan dành rất nhiều thời giờ để giải tội, chúc lành và khích lệ các tín hữu. Nhận được Mình Thánh Chúa ở ngoài gởi vào, cha rước lễ và chia sẻ cho anh em. Thật cảm động biết bao hình ảnh người cha già, tay chân cũng mang xiềng, cổ cũng đeo gông và nắm chắc bản án vì đức tin, đến gặp từng người bạn sắp ra pháp trường để nói đôi lời và ban cho họ “của ăn đàng.” Chính Bánh Trường Sinh, lương thực thiêng liêng đó đã củng cố sức mạnh cho họ trên hành trình cuối cùng về nhà Cha.
[4] Cha chẳng ngại nói với anh em tù nhân điều mà tôi thiết nghĩ đó là lời cho các ứng sinh linh mục tu sĩ đang trong thời gian đào tạo: “Thưa anh em, tôi dám xin mượn lời thánh Phaolô để nói với anh em rằng: Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Đức Kitô.” Giây phút cuối đời tại pháp trường, cha Gioan Hoan ngước mắt lên trời tạ ơn Chúa, giơ tay giải tội cho ông Phượng... và còn xin ít phút để cầu nguyện.

Chúa đã đưa người linh mục phục vụ Chúa về hưởng nhan thánh Ngài bằng phúc tử đạo ngày 25/6/1861.

Quả vậy, Công đồng chỉ nhắc các linh mục tinh thần phục vụ khiêm tốn và toàn vẹn theo gương mẫu - Ðấng Chăn Chiên Lành đã hiến mạng sống mình vì đoàn chiên rằng: Giáo Hội chờ mong nơi các Linh Mục tinh thần phục vụ khiêm tốn và vô vị lợi. Và như vậy các thế hệ linh mục đi trước sẽ lãnh trách nhiệm đào tạo các linh mục bằng chính đời sống của mình.
[5]

Lạy Chúa, công cuộc đào tạo các linh mục tu sĩ nằm trong kế hoạch của Chúa. Xin cho những nhà đào tạo lấy gương Chúa Giêsu để soi mình, biết làm trung gian để đưa các thụ huấn sinh đến với Thiên Chúa. Và lạy Chúa, lãnh nhận vai trò làm nhà đạo tạo thật khó, xin cho các nhà đào tạo biết luôn dấn thân, hy sinh, bằng chính đời sống chứng tá của họ. Amen
 

[1] Trích Lời giới thiệu “Sắc lệnh về đào tạo linh mục - Optatam Totius”
[2] Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, ban hành ngày 8/12/1995, số 41.
[3] Bộ Giáo dục Công giáo.
[4] http://tinmung.net/CACTHANH/CACTHANHindex.htm, thánh Gioan Đoàn Trinh Hoan.
[5] Trích Lời kết “Sắc lệnh về đào tạo linh mục - Optatam Totius.”
114.864864865135.135135135250