25/07/2022 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

4070
Ngày 26/7 - Thánh An rê Phú Yên
Ngày 26/7
Thánh An rê Phú Yên
Thầy giảng (1625 - 1644)

I. Tiểu sử


Chúng ta hãy lấy tình yêu để đáp lại tình yêu của Chúa chúng ta,
 hãy lấy mạng sống đáp lại mạng sống.
 
Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm thấy bút tích nào cho biết tên gọi dân sự của thầy. Căn cứ vào năm thầy tử đạo (1644), cha Đắc Lộ xác nhận lúc ấy thầy 19 tuổi, chúng ta biết được thầy đã chào đời năm 1625. Trong bức thư viết năm 1641, cha Đắc Lộ xác nhận: “Đúng 3 năm trước khi chết, mẹ thầy dẫn thầy đến cho tôi, và tôi được hạnh phúc rửa tội cho thầy”.[1]   Như vậy, thầy được rửa tội năm 1641. Tên gọi Anrê Phú Yên là tên chính thức được Tòa Thánh công nhận, gồm tên thánh rửa tội và tên quê quán Phú Yên của thầy.

Chân phước Anrê Phú Yên là con út trong một gia đình nghèo tại xóm nhỏ ven biển, nay là giáo xứ Mằng Lăng, tỉnh Phú Yên, Giáo phận Qui Nhơn.  

Tuy góa bụa nhưng bà Gioanna, mẹ thầy, đã giáo dục con cách tận tụy và khôn ngoan. Theo lời bà xin, cha Đắc Lộ nhận Anrê vào hội thầy giảng khi mới 17 tuổi. Sau thời gian được huấn luyện về giáo lý và văn hóa, thầy Anrê tuyên hứa tại Hội An năm 1643. Thầy có vinh dự đồng hành với cha Đắc Lộ cùng 9 người anh ưu tú trong cộng đoàn thầy giảng trên bước đường truyền giáo, từ Phú Yên đến Quy Nhơn, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Quảng Bình. Thầy Anrê nhỏ tuổi nhất.

Tháng 7 năm 1644, ông Nghè Bộ ra lệnh bắt giam một thầy giảng lớn tuổi cũng tên là Anrê và lùng bắt thầy giảng Ignatio, người anh cả trong nhóm
[2].

Khi quân lính tới nhà cha Đắc Lộ để bắt thầy Ignatio thì chỉ có mình thầy Anrê trẻ ở nhà. Thầy Anrê nghĩ rằng mình là người em út trong nhóm thầy giảng, thầy có mất đi cũng không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt và sự sống còn của nhóm. Nhưng nếu thầy Inhaxiô, người anh cả khôn ngoan, bản lĩnh, mất đi thì sẽ ảnh hưởng lớn đến cả nhóm. Do đó, thầy đứng ra nhận hết trách nhiệm. Quân lính bắt trói thầy và thu gom các ảnh thánh đồ thờ. Thầy Anrê vui vẻ đi theo họ, và trên suốt hành trình không ngừng giảng cho những kẻ dẫn mình vào ngục biết đường tránh hỏa ngục và được lên trời.

Đến quan phủ, hai thầy Anrê được nhốt chung một chỗ. Cả hai thức đêm tâm sự, khích lệ nhau vững tin tiến về thiên quốc. Theo cha Đắc Lộ: “Trong cuộc nói chuyện đầy thương mến, họ khích lệ và nhắn nhủ nhau sẵn sàng cho trận chiến tương lai”.

Hôm sau, quan truyền đưa hai thầy Anrê ra tòa để kết án. Cha Đắc Lộ lại tìm cách can thiệp. Nhưng quan chỉ tha cho thầy già Anrê và nhất quyết phải xử tử chàng thanh niên 19 tuổi đã dám dõng dạc tuyên bố : “Ước chi tôi có được ngàn mạng sống để hiến dâng tất cả cho Thiên Chúa hầu đền đáp ơn Người”.
Nghe bản án tử hình, thầy Anrê tỏ vẻ thanh thản và vui mừng. Thầy khích lệ những người đến thăm, xin họ cầu nguyện cho mình được ơn trung thành. Thầy lặp lại nhiều lần: “Chúng ta hãy lấy tình yêu để đáp lại tình yêu của Chúa chúng ta, hãy lấy mạng sống đáp lại mạng sống”.

Khoảng 5 giờ chiều ngày 26-7-1644, một toán lính 30 người áp giải thầy Anrê đi hành quyết. Thầy chào các bạn và nhanh nhẹn bước đi. Cha Đắc Lộ, nhiều tín hữu và dân chúng trong vùng cũng đi theo.

Thầy theo toán lính ra Gò Xử, một gò đất hoang để xử tội phạm (nay chỉ còn là một gò đất nhỏ trong địa bàn giáo họ Phước Kiều,  giáo xứ Hội An, Giáo phận Đà Nẵng). Đến nơi hành hình, quân lính đẩy thầy Anrê quỳ xuống, tháo gông và trói hai tay. Thầy nhắn nhủ các tín hữu đang hiện diện: “Hãy luôn kiên vững trong đức tin, đừng buồn phiền vì cái chết của thầy, và hiệp lời cầu cho thầy được trung kiên tới cùng”. Sau đó thầy bị hành hình đang khi thầy vẫn không ngừng kêu lên danh thánh “Giêsu”.

Ít ngày sau cha Đắc Lộ đưa thi thể thầy Anrê xuống tàu về Macao. Linh cữu thầy an táng tại đây, còn thủ cấp được cha Đắc Lộ đưa về đặt tại nhà Bề trên Tổng quyền Dòng Tên tại Rôma cho đến ngày nay. Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chính thức chấp thuận chọn ngày 26 tháng 07 làm Ngày Giảng viên Giáo lý Việt Nam.

Ngày 05-3-2000, Ðức Gioan Phaolô II đã suy tôn thầy Anrê Phú Yên lên bậc chân phước.

 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện
 
Vị Tử đạo đầu tiên

Anrê Phú Yên - Sinh tại tỉnh Phú Yên năm 1625. Rửa tội năm 15 tuổi, cùng lúc với bà mẹ góa và các anh chị, do chính cha Ðắc Lộ (Alexandre de Rhodes). Tử đạo ngày 26 tháng 7 năm 1644. Ngày 5 tháng 3 năm thánh 2000, Ðức Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc chân phước một thanh niên Việt Nam, tử đạo ngày 26 tháng 7 năm 1644, và được biết dưới tên thánh Anrê, và đồng thời cũng là thầy giảng.

Ba thế kỷ rưỡi đã trôi qua kể từ ngày Thầy anh dũng dâng hiến mạng sống vì trung thành với đức tin Kitô và những lời Thầy cam kết với Chúa Kitô trong tư cách là người truyền bá Tin Mừng và giáo lý Kitô, nhưng ký ức về Thầy vẫn không suy giảm; trái lại, tấm gương của Thầy Anrê vẫn là một nguồn mạch nâng đỡ và khích lệ đích thực cho các tín hữu Công Giáo tại Việt Nam, giúp đỡ họ sống phù hợp và trung thành với đức tin, mặc dù đất nước phải trải qua nhiều thăng trầm phức tạp và khó khăn.

Thầy Giảng Anrê, gốc tỉnh Phú Yên (giáo xứ Mằng lăng, Giáo phận Quy Nhơn), là con út của một phụ nữ tên thánh là Gioanna. Tuy góa bụa nhưng bà đã giáo dục con cái với tất cả lòng tận tụy và khôn ngoan. Anrê là một cậu bé mảnh khảnh, nhưng tư chất rất thông minh, có óc phán đoán tốt và tâm hồn hướng chiều về sự thiện. Do lời năn nỉ của bà mẹ, cha Ðắc Lộ, vị Linh Mục thừa sai dòng Tên nổi tiếng, đã nhận cậu Anrê vào số các môn sinh của ngài. Anrê chăm chỉ học chữ Nho và chẳng bao lâu trổi vượt các bạn đồng môn.

Anrê được lãnh nhận bí tích Rửa Tội cùng với mẹ ba năm trước khi bà qua đời, tức là năm 1641, khi Anrê được 15 tuổi. Anrê sinh năm 1625 hay 1626, không rõ ngày tháng, và lúc chịu chết năm 1644, Thầy trạc độ 19 hay 20 tuổi.

Một năm sau khi chịu phép Rửa Tội, tức là năm 1642, Anrê được cha Ðắc Lộ nhận vào nhóm cộng sự viên thân tín của ngài, và sau một năm huấn luyện thêm về tôn giáo và văn hóa, Anrê được gia nhập Hội Thầy Giảng gọi là "Nhà Ðức Chúa Trời" mà cha Ðắc Lộ đã khôn ngoan thành lập: các thành viên Nhà Ðức Chúa Trời cam kết, bằng lời hứa chính thức và công khai, suốt đời phụng sự Giáo Hội trong việc giúp các linh mục và truyền bá Tin Mừng.

Lòng hăng say của Thầy Anrê sống trọn điều quyết tâm khi chịu phép Rửa đã chuẩn bị cho Thầy can đảm đương đầu với cuộc tử đạo và ngoan ngoãn đón nhận ơn tử đạo Thiên Chúa rộng ban cho Thầy.

Trước cuối tháng 7 năm 1644, quan Nghè Bộ trở lại tỉnh nơi Thầy Giảng Anrê sinh sống. Quan mang theo sắc lệnh của chúa Nguyễn cấm truyền bá đạo Kitô trong nước: vì thế quan quyết định hành động trước tiên chống lại các thầy giảng.

Cha Ðắc Lộ không hề hay biết ý định này của quan, nên tới thăm quan vì xã giao, nhưng ngay sau đó cha được biết chúa Nguyễn rất giận dữ khi thấy vì cha mà có đông người dân bản xứ theo đạo Kitô. Vì thế cha phải bỏ xứ Ðàng Trong để trở về Macao và không được phép dậy giáo lý cho dân nữa. Còn các tín hữu theo đạo thì bị trừng phạt rất nặng nề.

Rời dinh quan Nghè Bộ, cha Ðắc Lộ đi thẳng xuống nhà tù nơi giam giữ một thầy giảng già 63 tuổi tên là Anrê, mới bị bắt hai ngày trước đó. Trong khi ấy, quan ra lệnh cho lính tới nhà cha lùng bắt một thầy giảng khác tên là Ignatio. Nhưng thầy Ignatio đã đi làm việc tông đồ. Lính chỉ tìm thấy Thầy Anrê trẻ: để khỏi trở về dinh quan Bộ tay không, lính đánh đập Thầy Anrê, trói Thầy lại, rồi giải xuống thuyền đem về dinh quan trấn thủ. Chiều ngày 25 tháng 7 năm 1644, Thầy đựơc dẫn tới trước mặt quan. Lính thưa với quan rằng họ không tìm thấy thầy Ignatio, nhưng đã bắt được một "thầy giảng khác giống như vậy, vì suốt cuộc hành trình, anh ta luôn nói về đạo Kitô và khuyến khích họ theo đạo".

Nghe vậy quan tìm mọi cách làm cho Thầy Anrê "từ bỏ cái đạo điên rồ đó và bỏ lòng tin".

"Nhưng thanh niên can trường ấy trả lời quan rằng mình là Kitô hữu, và rất sẵn sàng chịu mọi khổ hình chứ không từ bỏ đạo mình tuyên xưng: nên xin quan cứ tùy ý chuẩn bị các hình cụ, chàng vui lòng đón nhận, với xác tín rằng, vì đức tin, càng chịu khổ đau chừng nào thì càng chết vinh quang chừng ấy".

Tức giận vì sự bất khuất của Thầy Anrê không hề sợ hãi trước những lời đe dọa, quan truyền đóng gông và giải Thầy vào ngục, cùng nơi giam giữ thầy Anrê già.

Cha Ðắc Lộ và một vài thương gia Bồ Ðào Nha tới thăm hai thầy: Thầy Anrê trẻ thanh thản và vui mừng vì được chịu khổ đau vì Chúa Kitô đến độ những người đến thăm Thầy bịn rịn không rời Thầy được, và nước mắt tràn bờ mi, họ xin Thầy nhớ đến họ trong lời cầu nguyện. Thấy vậy, Thầy tự nhạo cười mình và xin họ cầu nguyện cho Thầy, để Chúa ban cho Thầy ơn trung thành với Chúa cho đến chết, "dâng hiến mạng sống trong tình yêu trọn vẹn, hầu đáp trả tình yêu thương vô biên của Chúa, Ðấng đã hiến mạng sống vì loài người... những lời Thầy luôn lập lại cho đến khi trút hơi thở cuối cùng là: Chúng ta hãy lấy tình yêu để đáp trả tình yêu của Chúa chúng ta, hãy lấy mạng sống đáp trả mạng sống".

Sáng hôm sau, 26 tháng 7 năm 1644, hai tín hữu Kitô cùng tên Anrê, Anrê già 63 tuổi và Anrê trẻ, cổ mang gông, bị dẫn qua các đường phố đông người qua lại nhất trong thành, băng qua chợ Kẻ Chàm, đến dinh quan trấn thủ để bị tra hỏi công khai. Quan trấn triệu tập một vài quan khác, lôi kéo họ về phía mình và tuyên án tử cho Thầy Giảng Anrê trẻ, rồi ra lệnh dẫn Thầy trở về ngục thất.

Còn thầy Anrê già thì được tha vì lý do tuổi tác nhờ lời xin của cha Ðắc Lộ và các thương gia Bồ Ðào Nha.

Vào khoảng 5 giờ chiều, một viên chỉ huy cùng với 30 người lính vào nhà tù, nơi vị Tôi Tớ Chúa bị giam giữ, và ra lệnh cho Thầy phải đi theo tới nơi hành quyết. Thầy Anrê cảm tạ Chúa vì giờ hiến tế đã tới, và sau khi chào mọi người hiện diện trong tù, Thầy nhanh nhẹn bước đi. Quân lính vây chặt chung quanh và dẫn Thầy Anrê đi qua các đường phố ở Kẻ Chàm, tới một cánh đồng ngoài thành. Cha Ðắc Lộ, nhiều Kitô hữu Bồ Ðào Nha và Việt Nam cũng như nhiều người lương đã đi theo và chứng kiến cuộc xử tử vị Tôi Tớ Chúa.

Theo thói quen tại đây, cha Ðắc Lộ xin và được phép trải một tấm chiếu dưới người Thầy Anrê để hứng lấy máu Thầy, nhưng Thầy Anrê không muốn nhận điều ấy, Thầy muốn máu mình thấm xuống đất, để được giống như máu cực trọng Chúa Kitô đã đổ ra. Trong khi đó, Thầy Anrê nhắn nhủ các Kitô hữu hiện diện hãy luôn kiên vững trong đức tin, đừng buồn phiền vì cái chết của Thầy, và hãy giúp lời cầu cho Thầy được trung thành tới cùng.

Cuộc hành quyết Thầy Anrê được thi hành bằng mấy nhát lao đâm thấu cạnh sườn bên trái, và sau cùng khi một người lính sắp dùng đao chém đầu, Thầy lớn tiếng kêu lên "Giêsu".

Cho tới hơi thở cuối cùng, Thầy Anrê đã chứng tỏ lòng kiên trung trong việc chấp nhận dâng hiến tế cuộc sống vì lòng tin yêu Chúa Kitô.
*****

Lạy Chúa, xin cho các giáo lý viên và các bạn trẻ, ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù nơi bị cấm cách, hay trong xã hội tân tiến với nhiều quyến rũ, biết noi gương Chân Phước Thầy Giảng Anrê Phú Yên, hăng say loan truyền Tin Mừng Tình Yêu và Hòa Giải và trung kiên theo Chúa Giêsu, hiến mạng sống đáp trả lại tình yêu của Ngài. (Lời Nguyện Giáo Dân Thánh Lễ Tôn Phong Chân Phước Anrê Phú Yên tại Công Trường Thánh Phêrô, Vatican 5.3.2000)

Lời bất hủ: Khi bắt được thầy Anrê Phú Yên, ngày hôm sau quan trấn tuyên bố ngay án tử hình: "Thanh niên này cứng đầu cứng cổ đã dám thưa với quan rằng: dù có chết cũng nhất định không bỏ tên người có đạo, vì thế phải y án, để cho dân chúng biết phép chúa mà tôn trọng". Khi ra pháp trường chịu xử: khi quân lính đâm phát thứ nhất thì thầy nhìn như chào biệt cha Ðắc Lộ, lính đâm phát thứ hai, mắt thầy Anrê ngước lên trời miệng kêu tên Cực Trọng Giêsu, lính vung gươm chém đầu, thầy còn kịp kêu tên Cực Trọng Giêsu lần sau cùng, rồi ngã gục xuống đất.

Hôm ấy là ngày 26-07-1644. xác thầy được đưa đến Faifo (Hội An) nơi cha Ðắc Lộ cư trú, Ngài ướp muối trong quan tài rồi đưa về Macao, cuối năm 1645 cha Ðắc Lộ đưa thủ cấp của thầy Anrê về Roma, còn thân giữ lại ở Macao.

Chân Phước Anrê Phú Yên được phong Chân Phước Tử đạo ngày 05-03-2000 tại Rôma do Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

 
[1]. Theo tài liệu “Các vị Tử Đạo của Giáo phận Qui Nhơn”, do Giáo phận Qui Nhơn cung cấp.
[2]. Ibid.
114.864864865135.135135135250