28/10/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1310
Ngày 28/10 - Thánh Gioan Đoàn Viết Đạt
Ngày 28/10
 Gioan  ĐOÀN VIẾT ĐẠT
Linh mục (1765-1798)

 
I. Tiểu sử
 
Cha có lánh được thì cũng hại cho cả làng.
 
Thánh Gioan Đoàn Viết Đạt sinh năm 1765 tại xứ Đồng Chuối, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Mặc dù mồ côi cha từ bé, cậu Đạt đã muốn dâng mình cho Chúa. Cuối cùng, năm 18 tuổi, mẹ cũng bằng lòng đưa cậu vào nhà xứ Đồng Chuối để xin cha Loan cho vào ở trong nhà xứ. Khi người lên mười tám tuổi, cha Loan cho vào chủng viện (đi học tiếng Latinh). Học xong chủng viện, người lên bậc phó tế và đi giúp xứ. Đến khoảng tháng 2 năm 1798, thầy được chịu chức linh mục lúc ba mươi ba tuổi. Đức cha sai cha Đạt đi giúp xứ Hảo Nho.

Khi đi giúp xứ Hảo Nho, người hết lòng thương và coi sóc con chiên, cho nên giáo dân xứ ấy mến người lắm.

Cha Chính, linh mục thừa sai lúc ấy, làm chứng: “Linh mục Đạt có đức nghèo khó, vâng lời và chăm xem sách, siêng năng làm việc mục vụ. Dù người năng ốm đau cũng chẳng kêu ca hay chẳng phàn nàn cái gì bao giờ, cho nên Đức cha và các linh mục khác quý mến người lắm. Khi giảng, cha có lòng sốt sắng và làm cho kẻ có tội động lòng muốn ăn năn trở lại”.

Tháng 7 năm 1798, vua Tây Sơn ra sắc chỉ cấm đạo nghiêm hơn các lần trước. Các quan sai quân lính đi tầm nã các linh mục, giáo dân và cho phá hết các nhà thờ.

Giáo dân Hảo Nho đưa cha Đạt lên núi để ẩn ít lâu. Khi trong làng được yên, ban đêm người xuống nhà ông trùm làng Mai Lễ để làm lễ mồ ở đấy. Đến canh năm, lễ vừa xong, có mấy tên lính xông vào nhà, thấy đồ lễ còn cả đấy chưa kịp dọn giấu đi, cho nên ông trùm Mới phải thú thật có linh mục ở đây. Lúc ấy, cha Gioan Đạt đang ẩn ở nhà trong, giáo dân giục cha chạy thoát, nhưng cha không chịu. Ngài nói: “Cha có lánh được thì cũng hại cho cả làng”. Vậy, cha tự nộp mình cho lính bắt.

Lính giải cha đi làm một với thầy phó tế Tâm và ba người trong ban mục vụ là trùm Mãi, nhiêu Danh và ông Việt. Hôm ấy là ngày 14 tháng 7, kẻ đi bắt người tên là Nam Cưỡng.

Có Dì Phong ở Dòng Mến Thánh Giá (cô Phong, người nhà Mụ
[1]) và mấy người khác xin tìm cách giải thoát, nhưng cha Gioan Đạt không cho. Quân lính đánh đập và điệu cha vào trong Thanh (Thanh Hóa). Từ khi bị bắt cho đến ngày xét xử, hơn ba tháng, cha Gioan Đạt dù phải chịu bao sự khốn khó trong tù nhưng vẫn vui vẻ và hiền lành với mọi người.

Giáo dân đến thăm người rất đông, vì chẳng có ai trông thấy người một lần mà không mến ngay. Khi đến thăm, ai tươi tỉnh vui vẻ thì cha Gioan Đạt cũng vui vẻ tiếp chuyện, còn ai thương khóc thì người an ủi cho người ta khỏi buồn.

Sợ giáo dân ngã lòng, cha Gioan Đạt hay khuyên bảo: “Chịu nạn và chịu chết vì đạo là phúc trọng hơn cả, khắp cả và thế gian những kẻ chịu tử vì đạo từ xưa đến nay thì nhiều lắm. Nước An Nam ta chưa được mấy người”.

Khi điệu người ra công đường, các quan giục người bước qua thập giá với lý lẽ rằng: “Con chiên bổn đạo mến Cụ lắm, cùng tiếc hết lòng hết sức, có bước qua thập giá thì sẽ cho về với bổn đạo”. Cha thưa rằng: “Nếu tôi có bước qua thập giá thì gớm lắm, bổn đạo không nhận tôi là Cụ, cùng chẳng tiếc nữa”.

Quan thấy cha cứng cỏi, chối không chịu bước qua thập giá, thì truyền cầm gông và kéo lôi người bước qua ảnh thánh. Nhưng người sấp mình xuống cùng lạy ảnh thánh, lính không thể kéo người đi được.

Khi biết án tử sắp được thi hành, các thầy đã liệu trước cho cha Huấn ở xứ Bạch Bát giả làm thầy đồ bạn học với cha Gioan Đạt khi trước, vào trong Thanh thăm cha cùng ban Bí tích Giải tội cho cha đang ngồi tù.

Đến chiều ngày 19 tháng 9, cha Gioan Đạt đi xin quan đề đốc Điều thương những người giáo hữu và liệu cách nào cho bạn tù khỏi phải đòn roi. Cha nói với quân lính rằng: “Vậy các anh đã có công đưa tôi đi, đưa tôi về, và coi tôi đêm ngày khó nhọc. Tôi có lòng thành nhờ người nhà mời các anh ăn một bữa cơm. Xin các anh thương và cư xử nhẹ nhàng với giáo hữu bị giam cầm”. Quan lại nói: “Chẳng phải là ta muốn làm việc này, bởi lệnh vua truyền thì phải làm”.

Ngày 28-10-1798, dưới thời vua Cảnh Thịnh, sau khi cha ngồi chắp tay đọc kinh, mặt hướng về nhà thờ làng Trinh Hà, lý hình thi hành án tử đối với người môn đệ trung tín tại pháp trường Chợ Rạ. Cha Đạt hưởng dương 33 tuổi khi chưa tròn một năm linh mục. Giáo hữu đem xác thánh xuống thuyền chở về bến Phúc Nhạc, cùng an táng trong nhà thờ làng ấy. Về sau, giáo hữu bốc mộ để trong nhà tư kẻo bị người xấu lấy mất xác.

Cha là linh mục triều thứ hai tử vì đạo, trước đó là linh mục Thánh Emmanuel Nguyễn Văn Triệu, tử đạo ngày 17-9-1798.

Linh mục Gioan Ðoàn Viết Ðạt được nâng lên bậc chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh  ngày 19-6-1988.
 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam

 

II. Cầu nguyện
 
Luật trợ tử và an tử
 

Hạnh thánh tử đạo Gioan Ðạt - linh mục ghi lại rằng, những ngày cha Đạt ở tù, người dân sống gần trại giam rất mến thương cha. Một thiếu phụ lòng ngay đưa cha một chai độc dược với ý ngay lành, để cha uống và kết liễu cuộc đời sớm cho cha bớt khổ đau trong chốn tù ngục. Cha từ chối và giải thích cho bà biết: "Người Công giáo chân chính, dù trong hoàn cảnh nào cũng không chấp nhận việc tự tử."

Quả thật, Giáo huấn xã hội của Hội thánh Công giáo đã đặt vấn đề và trả lời cho câu hỏi: “Tại sao quá nhiều người muốn chọn hình thức trợ tử?” Thưa, vì người ta sợ những cơn đau đớn nặng nề. Hơn nữa, người ta sợ trở thành người mất năng lực kiểm soát hành vi. Hội thánh xác quyết, chúng ta chỉ có nhiệm vụ “giúp đỡ người sắp chết,” chứ không được “giúp cho người ta mau chết.” Đức thánh cha Bênêdictô XVI trong Thông điệp Ngày thế giới hòa bình năm 2007 đã nói: “Tôn trọng quyền sống trong mọi giai đoạn của đời người, xác định cách mạnh mẽ một nguyên tắc có tầm quan trọng rõ rệt: sự sống là một quà tặng mà không chủ thể nào có toàn quyền sử dụng theo ý của mình.” Vâng người Kitô hữu luôn xem cuộc sống là một quà tặng. Tư tưởng này giúp chúng ta tín thác ngay cả trong những giờ hấp hối đầy nhọc nhằn. Chúng ta biết mình luôn ở trong bàn tay của Thiên Chúa yêu thương, và hy vọng rằng cái chết không đặt dấu chấm hết mà chỉ là giai đoạn chuyển tiếp để bước vào đời sống vĩnh cửu. Điều này mang lại cho kinh nghiệm đau khổ một giá trị hoàn toàn khác.

Giờ đây, chúng ta chiếm ngắm và cầu nguyện với thánh linh mục Gioan Ðạt, để xin Chúa cho chúng ta đón nhận đau khổ với một giá trị siêu việt trong tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa.

Ngay từ tấm bé, cậu đã đau khổ đón nhận cái chết của cha. Chẳng bao lâu cậu lại xin phép để hoàn toàn hiến thân cho Chúa làm linh mục, để lại cái chết xa vắng con trong lòng người mẹ đầy tin tưởng và phó thác.

Trong suốt cuộc đời linh mục, cha Gioan Đạt quyết chết cho bản thân để bảo vệ tính mạng của tín hữu. Cha quyết chết cho bản thân để trở thành một linh mục xứng đáng. Cha chính giáo phận Tây Đàng Ngoài nhận xét : "Cha Đạt có nhiều nhân đức, nhất là đức tuân phục và khó nghèo. Cha luôn chu toàn mọi bổn phận, nên Đức cha và các vị thừa sai đều qúy mến. Lời cha giảng có sức mạnh đặc biệt, có sức thuyết phục lòng người."

Một hôm cha vừa hoàn tất thánh lễ an táng tại tư gia thì quân lính ập đến. Cha tự nguyện ra trình diện. Ngài nói: "Vẫn biết tôi có thể trốn thoát, nhưng như thế anh chị em sẽ khổ nhiều."Quân lính trói cha lại, rồi đánh đập tàn nhẫn, cha nói: "Cứ để tôi vâng theo thánh ý Chúa, anh chị em ở lại bình yên, kiên trung giữ đạo, nhớ cầu nguyện cho tôi được vững vàng đến cùng." Trong tù, cha Đạt làm mọi người bỡ ngỡ, vì thấy cha bình tĩnh vui vẻ. Cha nói : "Tử đạo là phúc cao trọng An Nam ta chưa được mấy người. Nếu được tử đạo, tôi vui mừng lắm."

Trung tuần tháng 10, ông Hoàng Đệ gọi cha ra công đường tuyên án xử tử. Ông tưởng rằng khi nghe bản án, cha sẽ kinh sợ và đổi ý, không ngờ cha lại tỏ ra hân hoan khác thường. Đúng vào ngày hành xử, trời bỗng đổ cơn mưa như trút. Cha bình tĩnh quỳ xuống cầu nguyện. Cha khuyên các giáo dân: "Là Kitô hữu, chúng ta phải vâng lệnh vua quan trong những điều hợp lý, nhưng trước hết, phải tôn trọng lề luật Chúa."

Một hồi chiêng nồi lên, mọi người phải lui ra xa. Lý hình vung gươm kết liễu cuộc đời vị linh mục trẻ đầy nhiệt huyết và can đảm. Giáo hữu và lương dân đều xúm lại thấm máu vị chứng nhân đức tin. Đó là ngày 28/10/1798, khi ấy cha Đạt mới 33 tuổi, với chưa đầy một năm phục vụ trong chức linh mục.

Có những cái chết bình an không phải do một liều độc dược, mà là do xác tín rằng sau cái chết người ta về với Chúa là nguồn sống trong bình an và hy vọng.

Lạy Chúa, xin cho con được hưởng giây phút yêu thương ấy trong cuộc đời của con. Amen


[1]. Nhà Mụ: nhà Mẹ, nhà Phước, Dòng Mến Thánh Giá.
114.864864865135.135135135250