30/11/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1383
Ngày 30/11 - Thánh Giuse Du
Ngày 30/11
Thánh Giuse Du

(JOSEPH MARCHAND - DU)
Linh mục Hội Thừa Sai Paris (1803 - 1835)


I. Tiểu sử
 
Tôi chỉ lo giảng đạo, cầu nguyện cùng Chúa và làm lễ thôi.
 
Thánh Joseph Marchand - Du sinh ngày 17-8-1803[1] trong một gia đình nghèo tại Giáo phận Besançon, nước Pháp.

Marchand gia nhập Đại chủng viện Besançon năm 1826. Hai năm sau, thầy Marchand xin chuyển sang Hội Thừa Sai Paris và được thụ phong linh mục ngày 04-4-1829. Trong ngày lãnh nhận thánh chức, tân linh mục Joseph Marchand viết thư về gia đình: “Kính thưa cha mẹ, con không còn hy vọng gặp lại gia đình ở trần gian, vì con đã bước chân lên đường truyền giáo. Xin Chúa cho con được ơn không bao giờ trông lại đàng sau”.

Đến Nam Kỳ năm 1830, cha Marchand được học tiếng Việt, lấy tên Việt là Du và chăm sóc mục vụ cho các tín hữu Việt Nam tại Phnom-Pênh. Sau một thời gian, cha Marchand - Du chuyển về phụ trách nhóm chủng sinh tại Lái Thiêu và 25 giáo họ, với khoảng 7000 tín hữu.

Sau chiếu chỉ cấm đạo của vua Minh Mạng ngày 06-01-1833, Đức cha Tabert - Từ, cha Cuenot - Thể và các thừa sai dẫn theo chủng sinh trốn qua Thái Lan. Chỉ mình cha Du nhất quyết ở lại, ẩn tránh ở miền Lục tỉnh, giúp các họ Cái Nhum, Cái Mơn, Bãi Xan, Giồng Rùm và trú ngụ tại Mặc Bắc, Vĩnh Long.

Ngày 06-7-1833, tức giận việc vua Minh Mạng ra lệnh đánh 100 roi lên mộ Tả quân Lê Văn Duyệt, Lê Văn Khôi, con nuôi tướng Lê Văn Duyệt, lấy cớ phò cháu đích tôn của vua Gia Long, tức con hoàng tử Cảnh, đã nổi loạn chống lại triều đình. Sự việc bại lộ, Khôi bị bắt nhưng vượt ngục được, rồi chiêu binh mãi mã chiếm thành Gia Định và miền Lục Tỉnh vào tháng 7 năm 1833.

Nhờ khôn khéo hứa hẹn bãi bỏ lệnh cấm đạo từ triều đình, Khôi được một số tín hữu đi theo. Để có thể quy tụ nhiều người Công giáo hơn nữa, Khôi cho mời cha Du về thành nhưng Cha kiên quyết từ chối. Về sau, sợ rằng nếu không về, Lê Văn Khôi sẽ làm hại đến các giáo hữu nên cha đành lòng về giáo xứ Chợ Quán, ngoại ô thành Gia Định.

Khi quân triều đình bao vây thành Gia Định, Lê Văn Khôi cho binh lính bắt ép cha Marchand - Du vào trong thành. Nhưng trước sau cha vẫn nói: “Tôi chỉ biết việc đạo, còn nghề đánh trận, tôi không rành”. Ông ép cha ký thư kêu gọi dân chúng và các tín hữu nổi dậy chống nhà vua nhưng cha đã ném tất cả vào lửa. Sau hai năm, thành Gia Định thất thủ, cha Marchand - Du bị bắt, bị đánh, bị nhốt trong một chiếc cũi nhỏ khiến ngài phải ngồi khom lưng suốt ngày đêm.

Ngày 15-10-1835, cùng với bốn tử tù, cha Marchand - Du bị áp giải về kinh đô Huế. Dù bị tra tấn nhiều lần bằng kìm sắt nung đỏ, cha Du vẫn cương quyết không nhận tội trợ giúp Lê Văn Khôi nổi loạn, cha khẳng định: “Tôi chỉ lo giảng đạo, cầu nguyện cùng Chúa và làm lễ thôi.

Vua Minh Mạng phán cho cha 2 tội: Tây dương đạo trưởng và phò tá Lê Văn Khôi làm phản. Hình phạt bá đao được thi hành ngày 30-11-1835.  Sau đó thi hài của cha bị ném xuống biển, không ai giữ được một di tích nào của vị thánh này.

Linh mục Joseph Marchand - Du được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

[1]. Một số tài liệu ghi thánh nhân sinh ngày 28-02-1803, nhưng theo nghiên cứu của Tổng giáo phận Huế, cha Marchand Du sinh ngày 17-8-1803.

Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam

 
II. Cầu nguyện

Các hình khổ ghê rợn các thánh Tử đạo phải chịu
 
[1]Hôm mùng 03/8/2018 Đài Vatican đưa tin: Trong buổi tiếp kiến ngày 11/5/2018 dành cho Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, ĐTC đã phê chuẩn văn bản mới của số 2267 trong sách Giáo lý Công giáo. Theo ý muốn của ĐTC Phanxicô, từ nay Giáo lý Công giáo hoàn toàn loại bỏ án tử hình. Ngài nói: “Cần phải mạnh mẽ khẳng định rằng án tử hình là một biện pháp vô nhân đạo hạ nhục phẩm giá con người, bất kỳ án này được thi hành thế nào. Tự nó, án tử hình là điều trái ngược với Tin Mừng vì người ta chủ ý loại bỏ một mạng sống con người vốn là điều luôn luôn thánh thiêng trước mắt Đấng Tạo Hóa, và xét cho cùng, chỉ một mình Thiên Chúa là thẩm phán đích thực và là vị bảo đảm sự sống. Không bao giờ một người, dù là kẻ sát nhân, bị mất phẩm giá của họ.”[2]

 ĐTC nhìn nhận rằng trong những thế kỷ trước đây, khi người ta còn nghèo các phương thế bảo vệ và sự trưởng thành xã hội chưa tiến triển tích cực, việc sử dụng án tử hình được coi như hậu quả hữu lý của việc áp dụng công lý. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, theo một cách nhìn khác, vào thời cấm đạo ở Việt Nam, án tử được dành cho những người chống lại lệnh vua.

“Án tử đã được xóa bỏ” đem lại niềm vui lớn lao, nhưng nó cũng gợi nhớ về một quá khứ đau thương. Trong 117 thánh tử đạo Việt Nam, cuộc tử đạo của thánh Giuse Marchand Dulà ghê rợn nhất. Gần ba tháng ngài bị nhốt trong chiếc cũi chật hẹp chỉ có thể ngồi khom lưng. Trong những lần tra tấn, ngài bị lý hình lấy kìm nung đỏ kẹp vào da thịt cho đến khi thịt cháy khét. Trong ngày xử án, cứ sau một hồi trống, lý hình lại cắt một miếng thịt trên thân thể ngài, và cứ như thế họ đếm sao cho đủ 100 nhát. Đầu tiên họ cắt lớp da trên trán thánh nhân cho nó lật xuống che mặt, rồi cắt từng mảnh hai bên ngực, rồi đến sau lưng và tay chân. Quá đau đớn, vị chứng nhân giẫy giụa, quằn quại, ngước mắt lên trời cao rồi gục đầu xuống nhắm mắt lìa đời. Tiếp theo quân lính cắt đầu của ngài, cởi dây, bổ thân mình làm bốn, và ném xuống biển chung với các tử tội khác. Còn đầu của ngài lính đem đi bêu ở nhiều nơi, rồi được trả về kinh đô, bị bỏ vào cối giã nát và rắc xuống biển.
[3]

Đọc lại từng dòng cuộc tử đạo của cha Giuse Marchand Du, ta cảm thấy ghê sợ - đau nhức và như được đi lại con đường thương khó của Chúa Giêsu; đồng thờita cảm phục lòng yêu Chúa, sự kiên cường, anh dũng của các thánh Tử đạo.

Ta tự hỏi, làm sao các ngài có được sự kiên cường ấy, ắt hẳn là khởi đi từ cuộc đời của các ngài. Giuse Marchandchào đời ngày 17/8/1803tại làng Passavant, tỉnh Doubs, nước Pháp. Ngay từ niên thiếu, cậu xin cha mẹ đi tu làm linh mục. Nhưng vì gia đình làm nghề nông túng nghèo, thiếu người lao động, nên cha mẹ cậu tìm cách trì hoãn cho cậu đổi ý. Marchand đã không thay đổi ý định. Năm 18 tuổi, Marchand gia nhập chủng viện giáo phận Besacon. Năm 1828, sau khi lãnh chức phó tế, thầy Marchand xin chuyển sang Hội Thừa Sai Paris. Khoảng nửa năm sau, thầy được thụ phong linh mục (04/4/1829) vàlên tàu đi Macao đến Việt Nam giảng đạo.

Cha Marchand tới Việt Nam lấy tên mới là Du. Sau một thời gian học tiếng và phong tục Việt Nam,ngài dấn thân nhiệt tình đi giảng đạo. Trong thư gởi về quê nhà cha viết: "…25 giáo họ cách nhau rất xa. Muốn chu toàn bổn phận, con không thể bỏ phí một giây nào… từ năm giờ sáng đến chín giờ đêm, nhiều ngày chẳng có lúc nào rảnh rỗi cả. Con chỉ có thể dành chút thời giờ chu toàn việc đạo đức riêng lo cho phần rỗi của mình, còn thì luôn luôn phải làm việc để thánh hóa kẻ khác… Con chỉ tiếc một điều là không thể tận tụy hơn được nữa, để vừa giúp giáo dân, vừa giúp lương dân…"
[4]

Cha Du mới đi hết 25 giáo họ này được hai lần thì vua Minh Mạng ra chiếu chỉ lùng bắt các giáo sĩ châu Âu. Tình hình đất nước nhiễu nhương, quan tướng muốn mua chuộc cha để thực hiện mưu đồ của chúng. Cha không thông đồng để họ làm sự xấu, nhưng một mực trung thành với lý tưởng. Đó là lý do khiến cha bị án tử ghê rợn nhất.

Xin Chúa nhờ lời chuyển cầu của thánh Giuse Marchand Du, ban cho chúng con được ơn kiên vững. Cho dù nguy khó chúng con vẫn một lòng trung thành đi theo Chúa và làm chứng cho Chúa đến hơi thở cuối cùng. Amen

[1] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2018-08/dtc-phe-chuan-sua-lai-sach-giao-ly-loai-bo-an-tu-hinh.html
[2] Thư gửi Chủ tịch Ủy ban quốc tế chống án tử hình, 20/3/015.
http://vi.radiovaticana.va/news/2017/10/12/%C4%91%E1%BB%A9c_th%C3%A1nh_cha_m%E1%BA%A1nh_m%E1%BA%BD_ch%E1%BB%91ng_%C3%A1n_t%E1%BB%AD_h%C3%ACnh/1342474
[3] http://tinmung.net/CACTHANH/CACTHANHindex.htm.
Nguồn từ tu viện Đa Minh
[4] Thư đề ngày 13/6/1832.
114.864864865135.135135135250