26/04/2022 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

2097
Ngày 29/4  Thánh Giuse Tuân

Ngày 29/4

Thánh NGUYỄN DUY  TUÂN

Linh mục (1811-1861)

I. Tiểu sử
 

Đây không phải là một thứ tà đạo như quan nói.
Đạo dạy chúng tôi thờ kính Thiên Chúa,
là Đấng tạo dựng trời đất cùng muôn vật trong vũ trụ.

 

Thánh Tôma Nguyễn Duy Tuân sinh  năm 1811 tại họ Trần Xá, xứ Cao Xá, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình nông dân nghèo nhưng đạo đức. Chính trong bầu khí đạo đức ấy, sau khi xưng tội rước lễ lần đầu, cậu Tuân từ giã gia đình bắt đầu sống đời dâng hiến.

Cậu được vào chủng viện tu học và dọn mình thụ phong linh mục năm 1857. Chịu ảnh hưởng sâu đậm linh đạo dòng Đa Minh, cha Tuân xin gia nhập và khấn dòng năm 1858 với tên gọi mới là Hoan.

Trong hoàn cảnh bách hại tàn khốc dưới triều vua Tự Đức, cha Tuân được chỉ định làm mục vụ tại xứ đạo Ngọc Đồng. Cha lẩn trốn, âm thầm phục vụ, khi ẩn khi hiện, nhằm chăm sóc phần hồn cho đoàn chiên đang bị đe dọa, phân tán.

Mùa xuân năm 1861, có bà cụ già yếu liệt giường nhờ người con trai đi rước cha Tuân đến xức dầu để bà dọn mình chết lành. Ngờ đâu, tên con trai ngỗ nghịch này tham lam món tiền trọng thưởng. Thay vì mời cha, hắn lên thẳng quan huyện tố giác nơi ẩn trốn của cha Tuân. Quan lớn điều động binh lính vây làng và bắt được cha, đóng gông giải về ngục thất Hưng Yên.

Tại công đường, quan thượng khi thì khoan nhượng dụ dỗ cha chối đạo; lúc thì đay nghiến, đánh đập ác nghiệt buộc cha Tuân bước qua Thập giá. Trong ngục tù, dù bị hành hạ đau đớn, cha Tuân vẫn trung kiên, không hoang mang, tiếp tục rao giảng đạo lành, an ủi và ban bí tích cho giáo hữu âm thầm đến thăm viếng. Cha Tuân hân hoan đón chờ hồng phúc tử đạo.

Ngày 29-4-1861, bản án trảm quyết được vua Tự Đức châu phê. và Cha Tuân đã được đem đi xử chém tại pháp trường Hưng Yên.

Linh mục Tôma Nguyễn Duy Tuân được tôn phong chân phước ngày 29-4-1951 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 

Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện
 

Triệt tiêu căn bệnh giả hình – phản bội

 

Hạnh tích các thánh tử đạo thường miêu tả các cuộc bắt bớ và hành quyết của các ngài. Trong các cuộc hành quyết ấy, chúng ta thấy có một đôi nét nào đó giống với cuộc thương khó của Chúa Giê-su. Chẳng hạn như: trước khi bị bắt, Chúa Giê-su bị Giu-đa - một trong số các môn đệ phản bội, bán cho cho các thượng tế lấy ba mươi đồng bạc; còn thánh tử đạo Giu-se Tuân, đã bị một con chiên phản bội, đi tố giác với quan quyền để được hưởng lợi, khi cha đang thi hành sứ vụ linh mục.

Thánh Giu-se Tuân chào đời vào khoảng năm 1811 tại họ Trần Xá, xứ Cao Xá, tỉnh Hưng Yên, nay là Hải Hưng. Gia đình cậu Tuân là gia đình nông dân nghèo, nhưng cha mẹ cậu lại là người đạo đức, tận tâm giáo dục con cái. Từ thời niên thiếu, cậu Tuân đã được nhận vào Nhà Đức Chúa Trời để học tập và sống tinh thần Phúc Âm. Sau đó cậu được chọn vào chủng viện, rồi thụ phong linh mục.

Để có cơ hội công tác chặt chẽ hơn với các thừa sai Đa Minh trong công cuộc truyền giáo, năm 1857, cha Giu-se Tuân đã xin vào Dòng Anh Em Thuyết Giáo (trong Dòng gọi cha là Hoan). Năm 1858, cha được tuyên khấn và trở thành một tu sĩ gương mẫu đạo đức. Cha vào Dòng được ba năm, thì bị bắt đang khi thi hành sứ vụ linh mục, và được phúc tử đạo vài tháng sau đó.

Chuyện kể lại rằng, đầu năm 1861 (lúc ấy Cha Giu-se Tuân 50 tuổi), khi Cha Giu-se Tuân đang giúp ở xứ Ngọc Đồng, một bà già bị bệnh nặng sai con trai đi mời cha về ban các bí tích sau cùng cho bà. Không ngờ người con ngỗ nghịch này của bà, vì ham lợi lộc đã trở thành kẻ phản bội. Hắn đi tố giác với quan huyện để lãnh thưởng. Quan liền đến bắt Cha Tuân, giải lên tỉnh Hưng Yên nộp cho quan tổng đốc.

Hình ảnh kẻ tố giác Cha Giu-se Tuân gợi nhớ cho chúng ta về thái độ Chúa Giê-su mạnh mẽ lên án những người giả hình, phản bội. Chúa không lên án những người có tội, Chúa yêu thương người có tội và tha thứ cho họ; nhưng những người giả hình thì Chúa phản đối thẳng thừng. Với người phản bội như Giu-đa Chúa Giê-su nói: “Khốn cho kẻ nộp con người thà nó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26,24). Cũng vậy, với thái độ giả hình của Biệt Phái – Pha-ri-siêu, Chúa Giê-su dùng những lời lẽ trách mắng rất nặng: “Khốn cho các ngươi, những Pha-ri-siêu và Biệt Phái giả hình...

Theo tinh thần của Chúa Giê-su, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cũng mạnh mẽ phê bình những tín hữu có lối sống giả hình... Ngài áp dụng vào trường hợp những tín hữu “có bộ mặt Công Giáo, có vẻ gần gũi Giáo Hội, nhưng lối sống của họ thì như dân ngoại [1]. Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta không thể đánh lừa Chúa Giê-su, Chúa biết những gì ở trong tâm hồn chúng ta... Trước mặt Chúa, chúng ta không thể giả bộ như người thánh thiện. Tất cả chúng ta đều biết tên mà Chúa Giê-su gọi những người hai mặt như thế: đó là những kẻ giả hình”. Và ít nhất qua cuộc tử đạo của thánh Giu-se Tuân, chúng ta rút ra được rằng, nấp sau bộ mặt của những người giả hình đó là tư lợi, là sự quyến rũ của vật chất.

Lược qua tiểu sử của thánh Giu-se Tuân, chúng ta xin ngài cầu cùng Chúa ban thêm sức mạnh cho chúng ta để chúng ta sống thật trước tôn nhan Chúa, không bao giờ trở nên người giả hình phản bội tình yêu của Chúa.

Lạy Chúa Giê-su, cách nào đó chúng con cũng mang căn bệnh giả hình. Khi đến với nhau, chúng con thường mang những mặt nạ giả dối, muốn tạo một hình ảnh khác không phải là mình.

Khi đến với Chúa, chúng con cũng thường mang mặt nạ, chúng con thể hiện những hành vi đạo đức bên ngoài để che giấu cái trống rỗng bên trong.

Chúng con cũng thường tự ru ngủ và đánh lừa mình, mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn do mình tạo ra.  Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ, đã ăn sâu vào da thịt chúng con, để chúng con thôi đánh lừa nhau, không đánh lừa Chúa và sống thật với chính mình. Amen.


 [1]Trích bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ chiều Chúa Nhật 8/3/2015, trong cuộc viếng thăm Giáo xứ Mẹ Chúa Cứu Thế ở khu vực Tor Bella Monaca, ngoại ô Rô-ma.


114.864864865135.135135135250