Chúa Nhật 3 MC
Anh Chiếm Chỗ Của Tôi
Văn Hóa Tẩy Chay
(Mời bấm vào đây để nghe)
Anh Chiếm Chỗ Của Tôi
Văn Hóa Tẩy Chay
(Mời bấm vào đây để nghe)
Những năm tháng gần đây chúng ta thấy ở Mỹ có những phong trào biểu tình chống đối rất mạnh đối với một số chính sách của chính quyền. Một phong trào mới có tên là phong trào “văn hóa tẩy chay.” Người ta không thích cách hành xử của cảnh sát thì họ ra đường biểu tình đòi loại bỏ cơ quan cảnh sát. Một số người gốc Phi châu cảm thấy người của họ bị đối xử bất công, và nhóm Black Life Matters biểu tình đòi công lý và cổ động tẩy chay cảnh sát. Người ta không thấy những tượng đài lịch sử có giá trị liên quan đến họ nên họ tẩy chay phá bỏ các tượng đài đó. Hễ có điều gì đó người ta không thích là họ hò hét kêu gọi nhau tham gia “tẩy chay.” Các cơ quan truyền thông khi không thích quan điểm của ai đó thì họ tìm cách ngăn chặn, và tẩy chay. Sách giáo khoa hay tiểu thuyết không hợp với suy nghĩ của họ thì họ tẩy chay không cho xuất bản. Tuần vừa qua báo chí truyền thông tranh luận sôi nổi về quyết định ngưng xuất bản và ngưng bán bộ sách 6 cuốn của tiến sĩ Seuss. Các sách của Tiến Sĩ Seuss rất được mến chuộng nhiều năm trong chương trình giáo dục, nhưng bộ sách 6 cuốn khá nổi tiếng này, dù được nhiều người yêu thích, đã bị ngưng xuất bản và không bán ra thị trường nữa chỉ vì vài chỗ có những cách diễn tả trình bày có thể gây phiền lòng và không hợp với cách suy nghĩ của một số người ngày nay. Chính trị xã hội thay đổi theo đảng phái cầm quyền và theo đường lối của kẻ mạnh. Văn hóa thay đổi theo cảm khí từng thời của con người trong xã hội. Thích thì người ta ủng hộ; không thích thì họ chống đối tẩy chay. Trước đây mọi người mọi xã hội đồng ý là con người có hai phái. Một phái là nam và một phái là nữ, chúng ta gọi là nam giới và nữ giới. Ngày nay lại có thêm người sinh ra thuộc giới nam, nhưng lại cảm thấy muốn là nữ giới; và người sinh ra thuộc nữ giới, mà lại cảm thấy muốn là nam giới. Ai không ủng hộ những giới tính mới này thì bị cho là thuộc loại “cuồng tín mù tối.” Tổ chức hay hiệp hội nào không ủng hộ thì sẽ bị “tẩy chay” hay trừng phạt.
Là Kito hữu, chúng ta ủng hộ hay tẩy chay những chủ trương và những lối sống nào ở đời và dựa trên những nguyên tắc nào?
Khi Chúa Giê-su đi vào đền thờ, Ngài đã thấy đức tin của những người ở đó từ các giáo sĩ đến người giáo hữu đã khô cứng không còn sinh lực thiêng liêng mà trái lại rất dơ bẩn. Giáo sĩ lợi dụng con buôn; con buôn lời dụng các tín hữu. Người ta lợi dụng nhau và hình thức bề ngoài trở nên quan trọng hơn sự tinh tuyền của tấm lòng. Chúa Giê-su đã không bằng lòng với cái hệ thống tôn giáo giả dối đang rất cần phải thay đổi đó. Một cuộc tẩy chay dẹp phá cần phải làm. Cộng đoàn tín hữu lúc đó đã quá quan tâm đến chi tiết đòi hỏi phải tỉ mỉ chu toàn lề luật và hình thức lễ nghi bề ngoài làm mất đi ý nghĩa mạc khải chính của Thiên Chúa trong việc thờ phượng. Quá quan tâm đến những hình thức đòi buộc và quên mất cốt lõi trong tình liên hệ với Thiên Chúa. Họ cần một cuộc dọn dẹp cải cách toàn vẹn đền thờ. Và Chúa Giê-su đã khởi sự việc dọn dẹp cải cách đó. Ngài đã tẩy chay cách thi hành tôn giáo của họ.
Chúa Giê-su thấy gì trong các thánh đường và giáo xứ ngày nay? Có lẽ Ngài không nhìn thấy những con bò, con chiên, cho dê, con gà xếp đặt ngổn ngang, nhưng có thể Ngài nhìn thấy những tâm tình và thái độ không khác lắm, những nghi lễ, những cuộc diễn nguyện, những buổi hát thánh ca nặng phần trình diễn hơn là ca khen tôn vinh Thiên Chúa. Nhà thờ không còn là nơi ưu tiên để thờ phượng Thiên Chúa! Nhiều người và nhiều cái, nhiều sinh hoạt đã “chiếm mất chỗ” của Thiên Chúa nơi nhà thờ. Người ta ganh đua, so sánh, phen bì. Nhiều tổ chức như hội chợ, bán hàng, gói bánh, gây quĩ lại là mối bận tâm cho nhiều người hơn là tĩnh tâm và học hỏi lời Chúa.
Chúa Tẩy Chay
Ba Tin Mừng Nhất Lãm, Matheu, Maco và Luca để câu truyện Chúa thanh tẩy đền thờ ở cuối sách. Thánh Gioan để câu truyện thanh tẩy đền thờ ở ngay khởi đầu Tin mừng sau phép lạ làm cho nước thành rượu ở tiệc cưới Cana. Làm như thế, thánh Gioan muốn nói với chúng ta rằng việc thanh tầy đền thờ phải là một trong những việc làm trước hết mà các môn đệ của Chúa cần cảm nhận. Đây là thông điệp quan trọng cho chúng ta trong mùa Chay.
Chúa Giê-su dùng ba từ ngữ để chỉ về thành thánh Giê-ru-sa-lem. Thứ nhất là tòa nhà và kiến trúc của “đền thờ.” Rồi Chúa chỉ dạy cho dân chúng biết mục đích của tòa nhà đền thờ chính là Nhà của Cha Ngài. Thứ hai, Đền thờ là nơi thờ phượng bởi vì đó là nơi Chúa ngự, và nơi Chúa ngự phải là tâm hồn của mọi tín hữu. Mỗi người là đền thờ làm nhà cho Chúa ở. Đền thờ do đó cũng là nơi dân Chúa đến để bước vào sự hiệp thông với Thiên Chúa. Thứ ba, Chúa Giê-su nói “Hãy phá đền thờ này đi và trong ba ngày ta sẽ dựng lại.” Từ ngữ mà Chúa Giê-su dùng ở đây có nhiều ý nghĩa hơn là ngôi đền thờ bằng gạch bằng đá. Khi nói về Đền thờ, Ngài muốn nói đến “cung thánh” là vị trí cực thánh trong đền thờ. Cung thánh là nơi tôn nghiêm nhất của đền thờ. Đó là chỗ Thiên Chúa ngự trị. Sau này chúng ta cũng hiểu là Chúa nói về Thân Thể của Ngài. Đền thờ là nơi Thiên Chúa ẩn ngự, và đền thờ đó sẽ trở nên trọn hảo khi Chúa Giê-su sống lại. Trong Thân Xác Phục Sinh của Ngài, Chúa sẽ ban Thánh Thần đến với các môn đệ và ủy thác cho họ tiếp tục sứ vụ của Ngài. (Ga 20:22).
Khi đó, Giáo Hội trở nên cung thánh sống động như Thân Thể của Chúa Ki-tô làm chứng cho tình thương của Thiên Chúa nơi trần gian. Việc ban Thánh Thần chỉ có thể xẩy ra qua sự khải hoàn vinh quang của Chúa Giê-su sau thời điểm ở trên núi Can-ve-rio . Trong thư thánh Phao-lô, tiến trình cho thần học về Giáo Hội như Thân Thể của Chúa Kito được trải rộng (1Cor 12:12-31, Col 1:18-20, Eph 1:22-23, 4:13). Thánh Gioan cũng chủ tâm dùng từ ngữ “đền thờ”, “nhà” và ‘cung thánh” để khích chúng ta tiến sâu hơn trong tinh thần môn đệ đối với Chúa. Đôi khi các môn đệ có thể chỉ gặp gỡ với Chúa ở bề ngoài nơi thánh đường mà thôi. Trong khi thánh đường là nơi dành riêng để gặp gỡ Thiên Chúa, Chúa muốn sự gặp gỡ đó có ảnh hưởng lâu dài đến đời sống, để Chúa có thể ở lại trong chúng ta, sau khi chúng ta đã rời khỏi thánh đường. Thêm nữa, việc Chúa hiện diện ở lại trong chúng ta, là để chúng ta trở nên Thân Thể của Chúa Kito, nghĩa là biệt thự thiêng liêng, nơi mà tình yêu của Thiên Chúa và sự hiện diện sống động của Chúa Giê-su được tỏ hiện cho thế giới. Các môn đệ của Chúa ngày nay phải có thể nói như thánh Phaolo, “Tôi không còn sống cho mình nhưng là Đức Kito sống trong tôi.” (Gal 2:20). Vì thế, các môn đệ được khích không những phải có phòng cho Chúa ngự trong đời sống của họ, mà còn phải thực sự trở nên cung thánh sống động để Chúa hiện diện. Điều này có nghĩa là người môn đệ hàng phục tất cả để cho Chúa làm chủ và có chủ quyền trong đời sống. Việc Chúa Giê-su thanh tẩy đền thờ cho chúng ta thấy ý muốn của Chúa cho lối sống của người môn đệ.
Kiểm Điểm Đức Tin
Thông điệp kết thúc với lời tuyên bố nhiều người tin vào Chúa Giê-su vì họ thấy những việc Ngài làm; nhưng Chúa thì ngược lại, Ngài không tin vào thái độ và lòng tin của họ bởi vì Chúa biết rõ lòng con người là thế nào. Đây là thông điệp thật thú vị nói lên tính sai lầm của đức tin dựa vào những dấu chỉ bề ngoài. Đức tin dựa vào những dấu chỉ bề ngoài, nghĩa là có trông thấy và hiểu được về Thiên Chúa thì mới thuyết phục được chúng ta về sự hiện diện và ý muốn của Chúa. Nếu không thấy và không hiểu thì không tin. Đây là loại đức tin đòi Thiên Chúa phải chứng minh cho chúng ta về Ngài. Chúa Giê-su biết môn đệ nào đi theo Ngài với đức tin dựa theo dấu chỉ bề ngoài sẽ là những môn đệ hời hợt nông cạn và sẽ bị thất vọng hay chán nản khi Chúa không chiều theo những mong đợi của họ. Chúa Giê-su muốn chúng ta là những môn đệ có thể tin nhận mạc khải của Thiên Chúa cả những khi vượt tầm hiểu biết của chúng ta. Vì là con người, khả năng hiểu biết các mầu nhiệm về Thiên Chúa của chúng ta luôn có giới hạn. Thách đố cho đức tin không những chỉ là tin nhận điều chúng ta không hiểu nhưng cũng tin nhận tất cả những gì Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta. Những người chống đối Chúa tỏ ra sự hiểu lầm của họ khi họ hạ thấp đức tin xuống chỉ ở cấp độ hiểu được. Họ nghĩ là Chúa Giê-su chỉ nói đến việc phá hủy Đền Thờ trong khi Chúa Giê-su lại có ý nói đến đền thờ Thân Thể của Ngài.
Canh Tân Đức Tin
Giáo Hội có lý do để chọn đọc bài Tin mừng về việc Thanh Tẩy Đền Thờ trong mùa Chay. Thông điệp này chắc chắn là một thách đố để chúng ta dấn thân sâu xa hơn trong tinh thần môn đệ và có thể phấn khích chúng ta tin nhận những mầu nhiệm đức tin. Thông điệp này cũng quan trọng trong mùa Chay vì nó giúp khuyến khích chúng ta chuẩn bị cho cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su gồm cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Sống lại của Chúa. Không phải tình cờ mà câu mở đầu của thông điệp nói rằng Chúa Giê-su thanh tẩy Đền thờ trong ngày chuẩn bị Lễ Vượt Qua, đó cũng là thời gian mùa Chay của chúng ta. Chính việc thanh tẩy đền thờ mở màn cho tiến trình dẫn đến cuộc Thương Khó của Chúa, “Nhiệt thành nhà Chúa làm hao tổn thân tôi”, khi từ ngữ “hao tổn” có ý nói đến sự tiêu hao của Chúa Giê-su trên Thánh giá được đề cập trong Ga 19:30), và đoạn Tin mừng này giúp mùa Chay chuẩn bị cho Tuần Thánh.
Đoạn Tin mừng này cũng là một thách đố để các môn đệ hy sinh và dấn thân cho sáng danh Chúa. Nó cũng mời gọi chúng ta, các môn đệ của Chúa, thanh tẩy đền thờ cuộc sống của chính mình trong mùa Chay. Trong bí tích Rửa tội chúng ta trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần, nhưng qua giòng thời gian, đời sống của chúng ta có thể đã trở nên tắc nghẽn bởi những việc làm không thánh thiện, để cho những ồn ào và các ngẫu tượng chiếm ngự. Mùa Chay là dịp tốt để duyệt xét những cách mà chúng ta đã để cho tội lỗi và những chia lòng chia trí làm suy giảm tinh thần môn đệ và tẩy trừ loại bỏ đi.
Mười giới răn được giới thiệu với chúng ta trong bài đọc thứ nhất. Chúng ta được mời gọi thanh tẩy đền thờ của đời sống qua cách chúng ta kiểm xét các tư tưởng và hành động trong ánh sáng của các giới răn theo ý của Thiên Chúa. Ngoài mười giới răn, còn có những việc xét mình quen gọi là “kiểm điểm lương tâm” giúp người môn đệ nhận ra những hoàn cảnh hay hình thức của dịp tội và tính yếu đuối đã ẩn nấp không nhận ra. Nhận ra và xử lý những cản trở này để thăng tiến trong tinh thần môn đệ, chúng ta có thể trở nên con cái của Thiên Chúa cách trọn vẹn hơn, để trở nên những cung thánh cho sự Hiện Diện của Thiên Chúa trong thế giới này.
Có câu truyện kể về một người khách đến viếng nhà thờ. Anh đậu xe và tiến về phía cửa nhà thờ. Một người đàn ông khác dừng xe đậu ngay sát bên xe của người khách và tỏ ra khó chịu nói to tiếng, “Tôi luôn đậu xe ở chỗ đó. Anh đã chiếm đậu vào chỗ của tôi.”
- Người khách im lặng đi vào trong nhà thờ đang lúc mọi người nghe giảng tĩnh tâm. Anh ngồi vào một chiếc ghế còn trống chỗ. Một người khác bước tới và nói, “Đó là chỗ của tôi. Anh đã ngồi chiếm chỗ của tôi.”
- Người khách cảm thấy buồn và thất vọng vì cách những người của nhà thờ tỏ ra thật không có lòng hiếu khách.
Sau khi nghe giảng tĩnh tâm xong. Người khách đi lên gian cung thánh và ngồi vào chiếc ghế đẹp gần bàn thờ. Vừa ngồi vào ghế thì một người đàn ông khác đến chỉ vào chiếc ghế nói: “Đó là chỗ tôi luôn luôn ngồi mỗi ngày. Anh đã ngồi vào chỗ của tôi.”
- Người khách cảm thấy không vui và rất bối rối, nhưng không nói gì hết. Sau khi mọi người giải lao vài phút, tất cả bắt đầu giờ cầu nguyện xin Chúa đến hiện diện giữa họ và hướng dẫn họ. Người khách đứng dạy và diện mạo của ông từ từ biến đổi. Các vết thẹo trên bàn tay và bàn chân của anh từ từ nổi lên. Vài người trong nhà thờ nhìn thấy và la lên, “Anh có sao không? Tại sao bàn chân và bàn tay của anh nổi sưng lên và rỉ máu ra như thế? Anh có đau không?”
- Người khách trả lời, “Đau lắm! Tôi đã lấy chỗ của các ông các bà.”
L.M. Trần Đình Khả
Houston, TX