Chúa Nhật Phục Sinh
Chọn sống sáng
Chọn sống sáng
Văn chương Việt Nam có câu truyện thằng Bờm.
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi đôi chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi Bởm cười.
Tâm lý của cậu Bờm này thực tế, không biết lo xa trông rộng, không biết tính toán để có được thêm của cải giầu sang. Bờm chỉ nhìn thấy nắm xôi nóng, ngon miệng ăn được ngay, và đồng ý tráo đổi. Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Ki-tô Phục Sinh. Thiên Chúa, qua Giáo Hội Công Giáo, muốn chúng ta hướng về một thực tế cao trọng quí giá hơn nắm xôi, hơn chim đồi mồi, hơn bè gỗ lim, hơn ao sâu cá mè và hơn cả ba bò chín trâu.Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi đôi chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi Bởm cười.
Phụng vụ trong Lễ Phục Sinh bắt đầu từ tối thứ Bảy trình bày cho ta sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng. Mở đầu phần nghi thức, nhà thờ chìm vào bóng tối. Bóng tối tượng trưng cho thế lực sự dữ, sự ác. Con người sống trong bóng tối không biết cái sai cái tốt, cái sáng cái tối. Thiên Chúa soi sáng cho nhân loại qua những bài Cựu ước để chúng ta nhận ra uy quyền của Ngài bằng lời tuyên bố, “Từ nguyên thủy Thiên Chúa đã tạo thành trời đất. Đất còn hoang vu và tối tăm. Thiên Chúa làm nên ánh sáng! Ánh sáng tốt đẹp và Ngài phân rẽ ánh sáng khỏi tối tăm.” Thiên Chúa tạo dựng nên con người có quyền chọn lựa theo Ánh Sáng hay ở lại trong tối tăm. Adong – Eva chọn không làm theo Ý muốn của Thiên Chúa nên phải chết. Abraham đã chọn theo ánh sáng để làm theo ý muốn của Thiên Chúa nên được chúc phúc. Pharaon và quân lính của ông đã chọn chống lại ý muốn của Thiên Chúa nên phải chết. Dân Do thái phản Chúa đúc tượng bò bằng vàng để thờ nên bị Rắn lửa cắn chết. Những người biết thống hối ăn năn nhìn lên con Rắn Đồng mà Thiên Chúa truyền cho Mai-sen treo lên thì được cứu sống. Ngày nay những ai phạm tội nghe theo ma quỉ, hoàng tử của bóng tối, thì sẽ phải chết. Ain tin nhìn lên Chúa Giê-su Ki-tô trên Thánh giá thì được cứu sống.
Đức Giêsu đến chỉ dạy cho chúng ta con đường sự sáng, đường dẫn về nhà Cha trên trời. Ngài muốn chúng ta chọn sống sáng. Cây nến Phục Sinh tượng trưng cho Đức Kitô Phục Sinh. Đức Kitô Phục Sinh chiếu lên nguồn sáng mới, xua tan đi bóng đêm. Đức Kitô Phục Sinh là sự sáng cho đời sống mới chiến thắng sự chết.
Tảng Đá
Những người giết Chúa đã dùng Tảng đá to để đóng chắn cửa mồ chôn cất xác Chúa Giê-su và cho lính canh gác. Tảng đá đó được nhắc đến bốn lần trong bài Tin mừng ngắn gọn này như một nhấn mạnh muốn chúng ta để ý đến. Tảng đá to và nặng được dùng để niêm ấn cửa mồ khiến những người phụ nữ quan tâm lo lắng làm sao họ có thể mở cửa mộ để vào xức dầu cho xác của Chúa. Ai sẽ giúp họ lăn tảng đá to và nặng đó ra. Thánh Maco nhấn mạnh đến tảng đá vì nó mang ý nghĩa đặc biệt: Tảng đá là cản trở chia cách giữa những người phụ nữ này và người bạn thân thiết và là Chúa của họ. Tảng đá cản lối không cho họ bước vào bên Chúa. Nếu chúng ta được nói cho biết là tảng đá đã chắn “lối ra” thì nó có nghĩa là “tảng đá” ngăn cản không cho Chúa bước ra khỏi mồ. Nhưng không phải vậy. Tảng đá không phải là cản trở ngăn lối của Chúa Giê-su. Tảng đá chỉ là ngãng trở cho các môn đệ không cho họ bước vào trong mộ (chết với Chúa) để được sống lại với Ngài.
Để bước vào bên trong mộ và được biến đổi là hình ảnh của Bí Tích Thanh Tẩy của Giáo Hội thuở ban đầu. Tảng đá trở nên như dấu chỉ cho tất cả những cản trở đối với đức tin mà chúng ta phải vượt qua trong cuộc hành trình để ôm ấp và sống ơn của Bí Tích Thanh Tẩy như các môn đệ của Chúa Giê-su. Các Kito hữu thuở ban đầu, trong thời bị bắt bớ, quyết định đi theo làm môn đệ của Chúa Giê-su là điều rất khó khăn, bởi vì làm như thế có thể bị mất mạng, mất bạn, và mất tài sản, của cải. Tuy vậy, vẫn có nhiều người đã vượt cản trở ấy để tin theo Chúa. Đối với những người Do thái, trở nên Kito hữu có thể sẽ bị cắt đứt liên hệ với gia đình và người thân, hoặc bị coi là đã chết không còn được liên lạc nữa và họ cũng không được hưởng bất cứ của thừa tự gì. Bị chối bỏ như thế quả là một cản trở lớn. Đó là một tảng đá đè nặng cản lối khiến nhiều người không dám tin theo Chúa. Làm môn đệ của Chúa trong thế giới của chúng ta khác với thế giới của các Kito hữu ban đầu. Một số cản trở của chúng ta có vẻ như mang hình thức chủ nghĩa hơn là thực tế. Một số người quan niệm cho là Đạo Công Giáo quá khắt khe, lạc hậu, không hợp thời.
Những tảng đá ngăn chặn chúng ta ngày nay:
- Không được phạm tội
- Không được thù oán giận hờn
- Không được ngừa thai
- Không được phá thai
- Không được sống chung trước khi cưới
- Không được hôn nhân đồng phái tính
- Không được ly dị
- Ly dị rồi không được cưới người khác
Những Người Phụ Nữ
Điểm thứ hai mà thánh Maco đề cập đến là lý lịch của các phụ nữ đã giúp Chúa. Maria Ma-đa-lê-na, Maria mẹ của Giacobe nhỏ, và Salome không phải là những người xa lạ đối với Chúa Giê-su. Họ là những nhân vật của Tin mừng. Có thể họ là những người đã có lý lich khá sóng gió. Salome là bà mẹ của các con ông Zebede, người đã đến xin Chúa cho hai người con của bà được ngồi bên tả bên hữu Chúa Giê-su trong nước của Ngài. Maria Ma-đa-lê-na được nhận diện như là người được Chúa Giê-su xua đuổi bẩy quỷ ra khỏi bà. Những chi tiết này cho chúng ta biết ít nhất hai người trong số những người này có lý lịch không thánh thiện hay không mấy lành mạnh. Thánh Luca cũng ghi nhận những bà này đã cộng tác giúp đỡ Chúa Giê-su ở Galilea. Thánh Maco thì ghi nhận là các bà đã chứng kiến cái chết của Chúa. Hai bà Maria này cũng chứng kiến việc chôn cất Chúa Giê-su. Thánh Maco có lý do của ngài khi kể rõ tên của họ trong Tin mừng; Maco muốn chúng ta nhìn nhận họ là những mẫu gương của những người chăm sóc cho Chúa Giê-su cho tới lúc cuối đời.
Liên kết với Chú Giê-su không chỉ có nghĩa là giúp đỡ Ngài một lúc nào đó rồi thôi không giúp nữa. Trái lại, liên kết với Chúa nghĩa là luôn hiện diện để phục vụ Ngài và phúc đáp các nhu cầu của Ngài trong mọi lúc và ở mọi giai đoạn của cuộc đời Ngài và cuộc đời chúng ta. Liên kết với Chúa Giê-su có nghĩa là chúng ta không bao giờ tự miễn trừ trách nhiệm của người môn đệ, bao lâu Chúa Giê-su cần đến chúng ta. Những người phụ nữ phục vụ Chúa bằng sự hỗ trợ Ngài trong công tác mục vụ, ở bên Ngài khi Ngài đau đớn khổ sầu, lau và băng bó các vết thương khi Ngài bị đóng đinh. Họ đã ở gần bên Ngài khi Ngài được đám đông tung hô chào đón vẻ vang như khi ở Galilea; họ cũng gần bên Ngài khi người ta khinh dể nhạo cười Ngài trên đồi Canverio. Họ là những mẫu gương kiên trung và vẹn toàn để phấn khích chúng ta. Xức dầu cho xác của Chúa không phải là một việc vinh dự lúc đó, nhưng là công việc họ nghĩ là cần phải làm và họ sẵn sàng làm công việc không ai muốn làm đó. Tình yêu của họ dành cho Chúa Giê-su đã xui khiến họ thức dạy sớm với tấm lòng khiêm tốn và thực tâm tận tình tìm Ngài. Kết quả một điều bất ngờ đến với họ. Không những họ trở thành những môn đệ được nhận tin vui Chúa Phục Sinh mà họ còn được sai đi mang tin vui cho những người khác. Những người đã từng lo cho Chúa Giê-su khi trước trong khi Chúa làm mục vụ ở trần gian thì bây giờ được truyền đưa những người khác đến với Chúa qua chứng đức tin của họ. Gương của những người phụ nữ này cho chúng ta vài chỉ dẫn trong đời sống làm môn đệ.
Trước hết chúng ta cần nhìn đến việc phục vụ của chúng ta đối với Chúa và định giá cách chúng ta sống trung tín và toàn vẹn thế nào đối với Chúa. Đôi khi chúng ta có thể giới hạn sứ vụ tông đồ để làm những việc dễ dàng hoặc làm những cái chúng ta thích hơn là làm những gì Thiên Chúa cần đến chúng ta trong bất cứ lúc nào. Nhu cầu của Chúa Giê-su được gởi đến cho chúng ta nơi đời sống của tha nhân, hay việc làm của những Ki-tô hữu khác. Cũng thế, đôi khi chúng ta có thể thấy dễ dàng để theo Chúa khi được danh tiếng hay không bị đe dọa thử thách, nhưng khó theo hơn khi phải đơn độc một mình đứng với Đấng bị đóng đinh và bị bỏ mặc trên đồi Can-vê. Chúng ta cũng có thể cảm thấy khó khăn để sống tinh thần môn đệ trong những việc làm âm thầm kín đáo như để ý đến những chi tiết nho nhỏ trong việc xức xác, chôn cất chu đáo chẳng ai để ý đến. Khi các môn đệ dấn thân theo Chúa Giê-su, không gì khác quan trọng hơn là ở gần Chúa trong mọi lúc bất kể cái giá lợi hại phải trả là bao nhiêu.
Thứ hai, giống như những người phụ nữ, chúng ta cần được nhớ rằng, trong đời sống của người môn đệ, sẽ có lúc chúng ta được mời gọi để làm chứng, hay để mời người khác đến với Chúa Giê-su thay vì chỉ giữ mối liên hệ với Chúa cho riêng mình. Tinh thần môn đệ có thể là một cảm nghiệm riêng tư sâu thẳm trong trí lòng, nhưng nó không phải là một cảm nghiệm riêng để ở trí lòng. Giống như những người phụ nữ đã được sai đi để chia sẻ thông điệp làm đã thay đổi nỗi sầu muộn của họ thành niềm vui, chúng ta cũng được sai đi như thế.
Câu trả lời của bạn là gì khi có ai đó hỏi, “Bạn có phải là người Công Giáo dấn thân chưa? Bạn dấn thân như thế nào?”
Những người phụ nữ này đã theo giúp đỡ Chúa Giê-su trong nhiều phương diện, vật chất, thời gian, sức lực, tình nghĩa, nâng đỡ, ủi an, đồng hành và đứng bên Ngài trên đồi Can-vê, âm thầm lau vết thương, xức dầu và chôn cất Ngài . . . Ngay cả những người có lý lịch không tốt ở quá khứ cũng có thể trở nên những môn đệ đầy hiệu quả tín trung.
Ngày Thứ Nhất
Điểm thứ ba thánh Maco ghi lại cho chúng ta là khi ngài nói về thời điểm mà những người phụ nữ này ra thăm mộ là vào Ngày Thứ Nhất. Có bản dịch nói là ngày thứ nhất trong tuần. Nhưng dịch như thế không chính xác. Lý do thánh Maco nói “Ngày Thứ Nhất” là muốn liên hệ ngược về với chương 1 câu 5 trong Sách Sáng Thế Ký để diễn tả bối cảnh Phục Sinh, một sáng tạo mới xẩy ra và các môn đệ đang trở nên một thực thể mới. Đúng như thế, qua bí tích Thanh Tẩy, chúng ta cùng chết với Chúa và được sống lại với Ngài. Chúng ta được biến đổi từ bản tính con tự nhiên để trở nên con cái của Thiên Chúa, và trở nên những tạo vật mới. Ngày Thứ Nhất đó là ngày đầy sức mạnh cho các Kito hữu. Tin mừng kể lại có rất nhiều điều đã xảy ra Ngày Thứ Nhất đó. Đây là ngày mà lần đầu tiên các môn đệ thực sự hiểu đầy đủ ý nghĩa của Tin mừng. Nó cũng là ngày mà những người phụ nữ trở thành các nhân chứng của Chúa Phục Sinh. Họ là những môn đệ truyền giáo tiên khởi mang Tin mừng đến cho người khác. Theo Tin mừng Luca, Ngày Thứ Nhất là ngày các môn đệ nhận ra, mừng rỡ hân hoan, và đón tiếp Chúa Giê-su lúc Ngài bẻ bánh. Theo thánh Gioan thì Ngày Thứ Nhất là ngày các môn đệ nhận lãnh Chúa Thánh Thần và được sai đi tiếp tục sứ vụ của Chúa Giê-su ở thế gian.
Đối với các Ki-tô hữu chúng ta, Ngày Thứ Nhất là Ngày Chúa Nhật. Chúa Nhật là ngày của Chúa. Hay còn gọi là ngày Chủ Nhật. Chủ nhật cũng là ngày của ông chủ, hay là ngày chính. Chúa là chủ của muôn loài. Ngày Chúa Nhật hay Chủ Nhật đều có cùng một ý nghĩa. Hàng tuần trong ngày Chúa Nhật chúng ta tụ họp lại, để cử hành, để cảm nghiệm, và lãnh nhận các ơn thánh cần thiết cho đời sống. Chúng ta nghe Tin mừng và đón nhận Chúa Giê-su ẩn mình trong Thánh Thể. Chúng ta cũng được sai đi để chia sẻ điều chúng ta mới lãnh nhận với những người khác. Phụng vụ là nơi chúng ta tiếp tục sống và đổi mới căn diện tính mới của Bí Tích Thanh Tẩy như Thân Thể của Chúa Ki-to trong Giáo Hội. Được chia sẻ cảm nghiệm Ngày Thứ Nhất mỗi tuần thật là một hồng ân quá đặc biệt. Điều đáng buồn là khi hiểu sai hay không hiểu đủ, hoặc không coi trọng ý nghĩa và giá trị của Ngày Thứ Nhất, chúng ta không cảm nghiệm và lãnh hội được đầy đủ ơn ích bổ dưỡng của Ngày Thứ Nhất khi tụ họp lại với nhau mỗi tuần. Tin mừng là Lời Chúa. Lời Chúa là ánh sáng khai lòng mở trí. Nếu chúng ta không lắng nghe Tin mừng về việc làm của Thiên Chúa qua Chúa Giê-su, chúng ta sẽ không nghe được Thánh kinh và bài giảng cách hiệu quả. Nếu chúng ta không nỗ lực sống trong Chúa Ki-tô, chúng ta sẽ không biết đón nhận các ơn thánh để trở nên Thân Thể của Chúa Ki-tô. Nếu chúng ta không nỗ lực sống quảng đại đóng góp thời giờ, tài năng và công sức, chúng ta sẽ không hiểu ý nghĩa cách mà chúng ta được sai đi để đem Chúa Ki-tô đến với những người khác. Nếu chúng ta không tin là Chúa Giê-su đã trao hiến chính Ngài cho chúng ta trong Thánh Thể, chúng ta sẽ hững hờ trước cơ hội được biến đổi mỗi lần Rước Lễ trong Ngày Thứ Nhất. Mỗi lần chúng ta Rước lễ là mỗi lần chúng ta có cơ hội giống như những người phụ nữ đã cảm nghiệm Chúa Sống Lại trong Ngày Thứ Nhất.
Sau cùng, thánh Maco tuyên bố rằng khi những người phụ nữ đến mộ Chúa, họ đã thấy một thanh niên mặc áo trắng. Đây là chi tiết được thuật lại có chủ ý. Thánh Maco muốn nói với chúng ta điều gì đó. Để hiểu thông điệp này, chúng ta cần nhớ lại ngài viết trong chương 14 câu 51 về một người thanh niên bỏ áo choàng tháo chạy xa Chúa Giê-su, khi Ngài bị bắt ở vường Gethsemane. Khi người thanh niên tháo chạy anh đã bỏ lại áo choàng và chạy đi mình trần. Thời xưa và theo dấu chỉ trong Ki-tô giáo, quần áo nói lên diện tính của một người. Người thanh niên bỏ Chúa để tháo chạy là anh bỏ diện tính của anh lại để chạy thoát thân trong lúc sợ hãi. Bây giờ lại thấy một thanh niên mặc áo trắng ngồi trong mồ, một diện tính mới trong Đức Ki-tô. Người thanh niên ngồi trong mộ là đại diện cho người môn đệ nhận phép Thanh Tẩy và bằng lòng chết với Chúa Ki-tô và được mai táng với Ngài (Rm 6:3-5) và Col 2:12). Mầu trắng là mầu của sự Sống Lại, và áo choàng của người thanh niên là dấu chỉ anh cũng được chia sẻ sự sống lại với Chúa. Chính người thanh niên này bây giờ loan báo thông điệp Tin mừng cho những người khác. Anh đã trải qua cuộc hành trình dài! Hành trình làm người môn đệ của người thanh niên đã dẫn đưa anh từ một người đã bỏ chạy xa Đức Ki-tô khi phải hy sinh rồi sau lại trở nên người không những chỉ chết và được mai táng với Chúa, nhưng còn được chia sẻ sự sống lại đời đời với Ngài. Anh không còn sợ bị bỏ, bị bắt, bị liên lụy, hay bất cứ hình thức hy sinh nào. Bây giờ anh là nhân chứng can đảm về cách ơn Chúa có thể biến đổi anh và mọi người thành tạo vật mới khi ý thức và chủ tâm “mặc” lấy Chúa Ki-tô trong bí tích Thanh Tẩy. Tùy thuộc vào lựa chọn cách sống với ơn Chúa, chúng ta có thể nhận diện mình với người thanh niên này, tiếp tục chạy xa Chúa hay mặc áo trắng sống lại và tham gia vào việc truyền rao Tin Mừng.
L.M. Trần Đình Khả
Houston, TX