14/09/2021 -

Cầu nguyện

348
Thập giá biểu tượng Tình yêu

Đế quốc La mã cổ đại dùng thập giá làm cực hình ghê rợn nhất dành cho những kẻ trọng tội. Người Do thái xem thập giá là điều sỉ nhục và thất bại. Người Hy Lạp lại coi thập giá như là sự phi lý, điên rồ. Còn Đức Giêsu đã chọn Thập để cứu độ nhân loại, như lời thánh Augustinô miêu tả: “Đấng Cao Cả đã bị lăng nhục để loài người được tôn vinh, và Đấng Toàn Năng đã bị đóng đinh để con người được giải thoát”.

Quả thực, Thập giá là một nghịch lý đối với tư tưởng con người, nhưng chính là biểu tượng tình yêu của Thiên Chúa cho con người, là nguồn mạch nuôi dưỡng đức tin cho các tín hữu và là ơn cứu độ cho mỗi chúng ta.

Trở về Kinh thánh, xưa kia Nguyên tổ ăn trái của cây cấm trong vườn địa đàng nên đã gây nên cái chết cho mình và nhân loại, thì nay cây Thập giá mang lại sự sống cho nhân loại. Lời Tiền tụng lễ Suy tôn Thánh giá viết: “Chúa đã dùng cây thập giá để ban ơn cứu độ cho loài người. Thật vậy, xưa vì cây trái cấm loài người phải tử vong, nay nhờ cây thập giá lại được sống muôn đời; ma quỷ xưa chiến thắng nhờ cây trái cấm, nay thảm bại vì cây thập giá của Đức Kitô”.

Trong chiều hướng đó, hình ảnh ông Môsê giương cao con rắn đồng trong sa mạc tiên báo về Đức Giêsu chịu treo trên Thập giá. Xưa kia, điều kiện để dân Do thái được cứu chữa khỏi nọc độc của rắn nhìn lên con rắn đồng, thì nay, điều kiện để con người được giải cứu thoát khỏi tội là nhìn lên Cây Thập giá và phải tin vào Đức Kitô.

Quả thế, chính Đức Giêsu Kitô đã hiến tế chính mình trên Thập giá hầu “chuộc tội, giải cứu” nhân loại khỏi chết và bồi hoàn lại sự công chính thánh thiện cho muôn người. Như thế, trong kế hoạch của Thiên Chúa, Thập giá bao gồm cả cái chết của Đấng Cứu thế và cuộc siêu tôn của Người bên hữu Chúa Cha; là phương thế giải thoát mang lại sự sống vĩnh cửu cho con người.

Thánh Gioan Kim Khẩu ca ngợi Thập giá như sau: “Thập giá là đài chiến thắng được dựng lên để chống lại ma quỷ, là thanh gươm để chúng ta đương đầu với sa tan và tội lỗi. Thập giá là thánh ý của Chúa Cha, là vinh quang của Con Một, là niềm hân hoan của Thánh Linh, là vẻ đẹp của các thiên thần, là sự an toàn cho Hội thánh, là tường lũy chở che các thánh, là ánh sáng cho toàn cõi địa cầu”.

Thập giá gắn liền với việc tử đạo và hy sinh của chúng ta. Đức Giêsu nói: “Ai muốn đi theo tôi, thì hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà đi theo tôi” (Mc 8,34). Nghĩa rằng, người môn đệ của Đức Kitô phải sẵn sàng chịu đựng mọi nghịch cảnh, sự đau đớn kể cả cái chết vì đức tin, vì Tin mừng để thuộc trọn về Đức Kitô.

Thánh Cyrillô Giêrusalem dạy rằng: “Chúng ta đừng hổ thẹn tuyên xưng Đức Kitô chịu đóng đinh vào Thập giá. Chúng ta yêu mến Thập giá Chúa Kitô, hãy dùng ngón tay làm dấu thánh giá trên trán trong mọi việc… Đừng ai khinh rẻ dấu hiệu này, nhưng hãy tôn kính Đấng đã cứu bạn qua dấu chỉ ấy”.

Tóm lại, Thập giá là biểu tượng niềm tin Kitô giáo. Chúng ta suy tôn Thập giá vì Đức Giêsu Kitô đã dùng Thập giá mà cứu chuộc thế gian. Chúng ta hãnh diện về Thập giá vì tình yêu Thiên Chúa dành cho mình. Chúng ta học từ Thập giá bài học tình yêu dâng hiến, về sự hy sinh và khiêm tốn, về ý nghĩa của đau khổ và cái chết. Qua đó, chúng ta tháp nhập những nghịch cảnh, những thử thách cuộc đời vào Thập giá để luôn được bao bọc trong ân nghĩa và hồng ân cứu độ của Thiên Chúa.
Jos Sỹ Thảo,OP
114.864864865135.135135135250