04/10/2020 -

Cđ. Xuân Nhạn

768
Net

Khởi đi từ lệnh truyền của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ...” (Mt 28,19a). Trải qua dòng lịch sử, Gíao hội vẫn thi hành lệnh truyền ấy, có lúc hăng say nhiệt thành, có lúc mệt mỏi rã rời, có lúc thành công rực rỡ, cũng có lúc thất vọng ê chề...Tuy thế, vẫn còn đó những tâm hồn thao thức cho công việc mở mang Nước Chúa. Dẫu chỉ là sự cộng tác của các Hội dòng, trong đó có Hội dòng Nữ Đaminh Rosa Lima. Mỗi dòng một phương thức, một linh đạo và đối tượng truyền giáo khác nhau nhưng tất cả vẫn là ước mong cho nhiều tâm hồn được biết Chúa.

Nếu ngày xưa phương tiện để mục vụ tông đồ ít ỏi, kém chất thì nay điều đó được cải thiện rất nhiều. Vượt trội nhất là sự phát triển hệ thống thông tin trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, năm nay, năm cuối của nhiệm khóa 2016-2020, là cơ hội thuận tiện để mỗi thành viên trong Dòng nhìn lại những gì mình đã làm được và chưa thể hoàn thành trong hành trình sứ vụ Tông đồ. Từ đó có hướng cải thiện và canh tân để sứ mạng truyền giáo hiệu quả hơn. Với lý do đó, bài viết xin đi sâu vào: Canh tân đời sống sứ vụ tông đồ bằng phương tiện truyền thông với các ý chính sau:

 
- Nguyên nhân nên canh tân
- Mục đích của việc canh tân
- Hiệu quả có thể đạt được.
 
1. Nguyên nhân nên canh tân đời sống sứ vụ Tông đồ

Lẽ thường, chúng ta sẽ không bao giờ nghĩ đến việc canh tân nếu mọi việc đem lại kết quả như mong đợi. Chúng ta chỉ đặt vấn đề sửa đổi, thích nghi, canh tân khi cảm và thấy đường hướng cần cải tiến để có hiệu quả hơn. Những trăn trở tìm ra phương thức phù hợp với thời đại là điều đáng trân trọng. Đó cũng là thao thức của mỗi người con của Hội dòng, mong muốn có được sự hướng dẫn cụ thể, thiết thực và hiệu quả trong sứ mạng truyền giáo và mục vụ Tông đồ.

Trước hết, Sắc lệnh thành lập dòng khẳng định: “Mục đích riêng của Dòng trước là giảng đạo cho lương dân và giáo dục thanh thiếu niên Việt Nam trong giáo xứ hoặc các trường dành cho thiếu nữ, sau là thi hành bác ái bằng các việc từ thiện.”[1] Hội dòng trải qua bao biến cố lịch sử, lúc thăng lúc trầm của thời thế, của lòng người thì mục đích ấy đến nay vẫn là đường hướng soi dẫn các hoạt động mục vụ của Dòng. Tổng hội X một lần nữa nhắc lại mục đích của Dòng: Truyền giáo cho lương dân, giáo dục thanh thiếu niên và từ thiện[2]. Cũng trong thời gian này, việc nhấn mạnh đến phương thức thực hiện mục đích ấy mở rộng và chi tiết hơn, thích nghi với thời cuộc hơn. Một trong các hình thức được đề cập là sử dụng truyền thông cho việc thực hiện sứ mạng tông đồ.[3]

Với sự phát triển không ngừng của xã hội hiện đại, hầu hết các lãnh vực đều nhắm đến số lượng và chất lượng. Một trong số đó là thông tin đại chúng. Nếu ngày xưa chúng ta tiếp nhận thông tin nhờ chiếc Tivi cọc cạch, chiếc Radio lúc rõ lúc rè, ai có điều kiện hơn chút thì có tờ báo quốc gia, các thông tin đã được kiểm duyệt sát sao. Còn ngày nay, thời đại của khai thông tin tức. Nhà nhà, người người đều không lấy làm lạ khi mỗi phòng một chiếc Tivi trực tuyến hạng sang, kèm thêm chiếc điện thoại theo thời, thông tin do người tiêu dùng chọn lựa phù hợp với sở thích và sự quan tâm. Chưa kể khối lượng thông tin cũng phong phú, đa dạng, sinh động và thu hút.

Giáo hội cũng không ngừng cải tiến hình thức để tiếp cận cộng đoàn dân Chúa. Đã có những cuộc họp nghiêm túc, nghiên cứu hàn lâm cho vấn đề áp dụng truyền thông vào việc giảng truyền Lời Chúa. Phải kể đến văn kiện Caritas in Veritate, Ý nghĩa mới của phương tiện truyền thông, văn kiện này khẳng định: “Dù tốt hay xấu, phương tiện truyền thông đã trở thành một phần nội tại gắn chặt với đời sống...Điều này có nghĩa là phương tiện truyền thông có thể có ảnh hưởng văn minh hóa không những chỉ khi chúng ta tăng khả năng truyền đạt thông tin nhờ vào sự phát triển công nghệ, mà trên hết chúng được định hướng tới mục tiêu phục vụ một tầm nhìn thật sự phản ánh các giá trị chung về con người và công ích.”[4] Qua đó, ta có thể nhận ra việc đi cùng với sự phát triển xã hội có ý nghĩa lớn lao. Đó là cách người môn đệ không đi “sau lưng” hoặc “thụt lùi” so với nhân loại.

Thứ đến, chúng ta cần canh tân hầu thích nghi với thời cuộc. Nhìn lại phương thức truyền thống chúng ta vẫn sử dụng cho công tác mục vụ Tông đồ dường như an toàn nhưng đã giảm hiệu năng. Việc hỗ trợ nhau thông qua các ứng dụng công nghệ là việc làm thiết thực và cần kíp.

Bên cạnh đó, việc qui tụ một nhóm người dám bỏ thời gian, bỏ công việc để đến nhà thờ tham dự các bí tích đã là khó. Việc chấp nhận quy tụ nhau để lắng nghe Lời Chúa hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa mang tính tâm linh và phát triển nhân văn xem chừng ít khả quan. Đa số, nhất là giời trẻ thích liên kết thành từng group trên mạng xã hội, chia sẻ thông tin và cả cảm xúc cách công khai...Mọi vấn đề được loan đi không phụ thuộc vào giới hạn không gian hay thời gian.

Đến đây, chúng ta có thể nhìn nhận việc áp dụng truyền thông vào đời sống sứ vụ Tông đồ là điều nên nghiên cứu và áp dụng. Với việc phát huy tốt đa năng lực của mỗi chị em, sự sáng tạo và đam mê, sự nhiệt thành và dấn thân chắc chắn hiệu quả công việc có nhiều chuyển hướng tích cực.


 
2. Mục đích của việc canh tân

Trong tông huấn Christus Vivit, Đức Gíao hoàng Phanxicô trích dẫn: “Môi trường kỹ thuật số là đặc trưng của thế giới hiện đại, những lãnh vực rộng lớn của con người được đưa vào đó, một cách thông thường và liên tục...Internet và các mạng xã hội đã tạo ra một cách thức mới để truyền thông và thiết lập tương quan. Chúng là quảng trường công cộng, nơi mà người trẻ tiêu tốn phần lớn thời gian của mình và gặp gỡ người khác.”[5] Đức Giáo Hoàng khẳng định: “Tại nhiều quốc gia, Internet và các mạng xã hội đã làm nên một diễn đàn vững chắc để tiếp cận với người trẻ, cách riêng trong các sáng kiến và hoạt động mục vụ.”[6]

Như đã nói ở trên, chúng ta canh tân vì nhận ra những hạn chế và bất cập với phương thức cũ. Ở đây, một lần nữa chúng ta ghi nhận những thành quả đã đạt được trong thời gian qua.

Về hình thức và cơ cấu quản lý: Hội dòng có Ban truyền thông. Đây là cơ sở pháp lý cho sự đầu tư và vận hành công việc hiệu quả. Thêm nữa, chúng ta không quên cảm giác nức lòng, nhất là với các chị em trẻ khi Hội dòng có trang Web riêng. Có thể nói, đây là bước đánh dấu thời kỳ thông tin qua Internet của Dòng. Kết quả có được từ trang Web này rất đáng để ta thêm hy vọng: chị em trong toàn dòng có thể truy cập lấy thông tin, cập nhật tình hình của dòng và các vấn đề liên quan, nhiều bạn trẻ tìm hiểu Dòng thông qua địa chỉ này...

Sự kiện mới nhất, năm 2019 lần đầu tiên Hội dòng có được khóa học về Truyền thông. Nơi đây quy tụ các chị em đang làm việc có liên quan cùng một số chị em quan tâm đến lãnh vực này. Tâm sự của một người chị em: Hội dòng chưa thể tổ chức các khóa học cho tất cả các chị em, nhưng hy vọng đây là bước khởi đầu, ước mong có thể đáp ứng nhu cầu thiết thực này trong những dịp điều kiện cho phép. Chúng ta ghi nhận và chung chia tâm tình của người chị em và đó cũng là hy vọng của mỗi thành viên trong việc thúc đẩy sự vươn mạnh của dòng bằng truyền thông đại chúng.

Qủa thật, việc thích nghi với hoàn cảnh xã hội là điều cần được quan tâm. Chúng ta đề cao tất cả các cách thức giúp người tu sĩ thực hiện sứ mạng của Hội dòng. Sứ mạng của chúng ta là giáo dục và truyền giáo, chắc hẳn một khi đón nhận những hình thức mới, chúng ta sẽ đạt nhiều kết quả như lòng mong ước.  


 
3. Hiệu quả có thể đạt được
 
Nội quy Công Vụ Tổng hội X tái khẳng định và khuyên nhủ chị em: “Sử dụng phương tiện truyền thông cách hữu ích.”[7] Với tinh thần trên, sử dụng phương tiện truyền thông cách khôn ngoan không chỉ giúp người tu sĩ giữ được lời khấn mà còn hiệu quả trong công tác mục vụ tông đồ.[8]

Chắc chắn, dấu chỉ đời sống cá nhân và tập thể vẫn là cách thuyết phục nhất trong bất cứ thời đại nào. Việc huấn luyện sự trưởng thành tâm linh và nhân bản là điều phải được thực hiện trước khi tham gia phương thức mới này. Chúng ta không nên đánh đồng truyền thông liên lạc với sự tiếp xúc hoàn toàn ảo. Nếu làm được những điều trên, thiết nghĩ sử dụng môi trường kỹ thuật số có nhiều thuận lợi cho công tác của chúng ta: “Nhờ vào Internet, sứ điệp Kitô giáo có thể đến “tận cùng trái đất”...để người ta dù ở tình trạng nào cũng có thể bước vào, và để Tin mừng chạm đến mọi người...”[9]

Tóm lại,  phương tiện truyền thông là cách thức mới cho thời đại mới. Việc mục vụ tông đồ rất cần tận dụng phương thức mới. Để có được điều đó, chúng ta cần một đội ngũ chuyện nghiệp và sáng tạo, có tinh thần cống hiến và trao ban. Ước mong sao mỗi thành viên của Hội dòng là một chuyên viên ấy hầu vẻ đẹp đức tin được loan giảng mãi. Xin mượn lời của Đức Gíao hoàng Phanxicô để tạm kết cho những thao thức trên: “Truyền thông là công cụ diễn tả ơn gọi truyền giáo...Trong lãnh vực truyền thông, chúng ta cần một Gíao hội có khả năng mang lại hơi ấm và khuấy động tâm hồn.”[10]

 
Giang Thy
 
 
[1] Sắc lệnh thành lập Dòng, 1/1/1973
[2] NQCVTH- Trích sắc lệnh thành lập dòng
[3] NQ số 65/2: chứng tá đời sống thánh hiến, giảng thuyết, giáo dục,mục vụ giáo xứ, bác ái xã hội và truyền thông.
[4] Gíao hoàng Benedicto XVI, thông điệp Caritas in Veritate (2009) số 73
[5] Đức Gíao hoàng Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 86-87
[6] Nt, số 87
[7] NQCVTH  X, CV 6/3
[8] Hiến Pháp Chị em Đaminh Việt Nam, HP 12/5,7
[9] Gíao hoàng Phanxicô, Thông điệp cho Ngày truyền thông thế giời lần thứ 48 (24/4/2014)
[10] Nt
 
114.864864865135.135135135250