16/06/2024 -

Đa Minh thế giới

166
Làm cho tiếng nói của Giáo hội được lắng nghe, để khôi phục phẩm giá con người

Cha Manuel Ángel Martínez Juan, O. P. nhận danh hiệu Tôn sư Thần học năm 2023. Trả lời trong cuộc phỏng vấn do Truyền thông của Dòng thực hiện, Cha Manuel nhận định rằng: Quyền sống, tôn trọng phẩm giá con người, bảo vệ gia đình trước sự tấn công của ý thức hệ vốn diễn ra từ nhiều thập kỷ, thúc đẩy hòa bình và bảo vệ tự do tôn giáo là một trong số những vấn đề cấp bách mà ngày nay Giáo hội và Dòng phải đối diện. Giáo hội phải làm sao cho tiếng nói của mình được mọi người lắng nghe, để khôi phục phẩm giá của gia đình nhân loại. Sau đây là toàn văn cuộc phỏng vấn.

Tôn sư Thần học - Magister in Sacra Theologia [1]

1. Việc cha được trao tặng danh hiệu Tôn sư Thần học từ Tổng quyền Dòng có ý nghĩa gì đối với cha?

Trước tiên, tôi muốn bày tỏ lời cảm ơn chân thành khi được công nhận, dù tôi bất xứng. Điều này cho thấy tôi phải có trách nhiệm dấn thân vào sứ vụ tri thức của tỉnh dòng nơi tôi được bổ nhiệm nói riêng và của Dòng nói chung.

2. Theo cha, Dòng đóng góp gì cho Giáo hội và thế giới trong lĩnh vực thần học hiện nay?

Giáo hội và Dòng phải tiếp tục đào sâu hiểu biết về toàn bộ sứ điệp Kitô giáo để làm sao con người ngày nay, cả những người tin và không tin, có thể chấp nhận. Cá nhân tôi đã dành thời gian nghiên cứu Kitô học của thánh Tôma Aquinô, một số chủ đề về Thánh Mẫu học và Thần học Tâm linh, nhưng tôi biết rằng ngày nay cần phải nghiên cứu một số chủ đề đặc biệt quan trọng. Có rất nhiều chủ đề đến nỗi tôi khó có thể sắp xếp thứ tự ưu tiên.

Chúng ta hãy bắt đầu với quyền sống, vốn bị coi thường rất nhiều, nhất là trong xã hội phương Tây. Điều này rất khẩn thiết, bởi vì quyền sống là gốc rễ của nhiều vấn đề khác. Chúng ta phải nỗ lực hết sức trong những suy tư thần học, cổ vũ cho một nền văn hóa sự sống đích thực.

Bên cạnh đó, chúng ta phải quan tâm đặc biệt đến việc tôn trọng phẩm giá con người, vốn bị thao túng ở mức độ chưa từng có trong lịch sử. Việc tôn trọng này phải dựa trên sự hiểu biết tốt hơn về khoa tâm lý. Trên phương diện thần học, chúng ta cần suy tư lại về phẩm giá của mình, dựa trên sự soi sáng của Mặc khải qua những con đường khác nhau, sự khôn ngoan thần học và kinh nghiệm Kitô giáo gần hai nghìn năm, cũng như những phát hiện của các ngành khoa học khác liên quan hoặc có khả năng làm sáng tỏ chủ đề này. Trong khi các nguyên tắc thần học rất rõ ràng, thì trong xã hội chúng ta, phẩm giá của nhiều người đã bị một số ý thức hệ xâm phạm.

Chúng ta phải làm sao cho tiếng nói của Giáo hội được lắng nghe, để khôi phục phẩm giá đã mất? Vấn đề nhập cư là một lĩnh vực khác cần quan tâm liên quan đến phẩm giá con người. Nó đòi hỏi một câu trả lời thần học có tính đến mọi khía cạnh, cả ở quốc gia xuất xứ cũng như ở nước sở tại, nhằm giải quyết trực diện vấn đề mafia đang đùa giỡn với mạng sống của nhiều người cách vô đạo đức.

Vấn đề gia đình cũng không kém phần cấp bách. Sự tấn công của ý thức hệ vào gia đình đã rất mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ, nhất là là qua ngành công nghiệp điện ảnh và văn hóa phương Tây. Tuy nhiên, gia đình vẫn là một trong những trụ cột của xã hội và là bối cảnh lý tưởng để trẻ em hình thành và phát triển nhân cách lành mạnh, cân bằng. Ngày nay, các vấn đề lien quan đến việc mất cân bằng tinh thần và cảm xúc đang ở mức đáng báo động.

Một vấn đề quan trọng khác khiến chúng ta phải luôn suy ngẫm là vấn đề hòa bình. Các cuộc chiến tranh ở nhiều nơi trên thế giới và mối đe dọa xung đột quốc tế thường xuyên khiến vấn đề này trở thành ưu tiên hàng đầu. Công việc đáng khen ngợi của cha Pire, O.P[2] ủng hộ hòa bình sau Thế chiến thứ hai thật thích hợp để nhắc lại ở đây. Một số sáng kiến ​​do ngài đề ra vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Ngài thật khôn ngoan để tạo ra những công trình bền vững theo thời gian, bởi vì công việc vì hòa bình đòi hỏi điều đó.

Ngày nay, tự do tôn giáo cũng bị đe dọa, mặc dù sự vi phạm quyền cơ bản này hiếm khi được báo cáo trên các phương tiện truyền thông. Nhiều Kitô hữu sống đức tin dưới mối đe dọa không ngừng, thậm chí bằng cái chết. Nhiều người khác phải chết như nạn nhân của hận thù. Kitô giáo là tôn giáo bị đe dọa nhất trên thế giới hiện nay. Chúng ta nên nhìn nhận thực tế này như thế nào khi mạng sống của rất nhiều người đang bị đe dọa? Trong thế giới phương Tây, các mối đe dọa đối với tự do tôn giáo chủ yếu mang tính ý thức hệ, nhưng ở đây việc tuyên xưng đức tin cách công khai và cởi mở vẫn là điều khó khăn.

Nhu cầu hòa bình giữa các tôn giáo cũng phải được thần học giải quyết. Hòa bình có thể dựa trên sự đối thoại giữa các tôn giáo khác nhau. Hầu hết những vấn đề này đều thuộc lĩnh vực đạo đức. Chúng khiến tôi nhớ tới Trường phái Salamanca là nơi các có thành viên chú ý đến những vấn đề đạo đức nghiêm trọng đương thời. Họ đưa ra câu trả lời đầy trí tuệ và thuyết phục, có khả năng khiến người ta suy ngẫm, phân định và đi đến quyết định. Ngày nay, công việc của họ tiếp tục là nguồn cảm hứng trong việc giải quyết những thách thức mới.

3. Làm thế nào để cuộc hành trình đồng nghị hiện đang diễn ra có thể làm phong phú Dòng và Giáo hội?

Về mặt cá nhân, tôi chưa tham gia vào các nhóm đồng nghị của giáo phận nơi tôi sinh sống. Tuy nhiên, tôi đã theo dõi công việc của các giai đoạn khác nhau thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và lời chứng của những người liên quan trực tiếp. Theo tôi, đây là một sáng kiến ​​độc đáo nhằm hỗ trợ một chiều kích cụ thể đối với Giáo hội, đặt chiều kích này vào thực hành và đưa ra những quyết định thích hợp cho một đời sống Giáo hội ngày càng trọn vẹn hơn. Tính đồng nghị chắc chắn luôn hiện diện trong đời sống Giáo hội, nhưng mỗi thời đại phải cảm nghiệm theo cách riêng. Một trong những nét phong phú mà hành trình đồng nghị có thể đem đến là giúp chúng ta đào sâu hiểu biết về mầu nhiệm hiệp thông là chính Giáo hội, và tìm ra những phương thế để sống mầu nhiệm ấy tốt hơn. Dòng chúng ta có một truyền thống phong phú trong lĩnh vực này, được thể hiện qua việc cử hành các tu viện hội, tỉnh hội và tổng hội.

Trong nội bộ Dòng, hành trình đồng nghị có thể là một cơ hội để xem xét lại hoạt động của hệ thống quản trị của chúng ta và chỉ ra những lĩnh vực nào có thể được cải thiện, trong khi luôn tôn trọng nguồn đặc sủng được thánh Đa Minh gợi hứng. Hành trình đồng nghị cũng là một cơ hội xem xét những gì cần thiết để cùng nhau sống và chia sẻ đời sống chung của chúng ta: những yếu tố như lắng nghe chăm chú và chân thành, cam kết có trách nhiệm với tổ chức nơi mình trực thuộc, cải thiện đời sống huynh đệ, tính cách chứng tá của mỗi cộng đoàn, v.v. Ngược lại, ngày nay, ở một số nơi, chúng ta đang trải nghiệm một khuynh hướng mạnh mẽ hướng tới chủ nghĩa cá nhân và sự cô lập.

4. Cha có suy tư gì về Năm Thánh Đời Sống Thánh Hiến không?

Thành thật mà nói, cho đến bây giờ, tôi chưa suy nghĩ về điều này. Năm Thánh luôn là thời gian ân sủng, hoán cải và đổi mới cho toàn thể Giáo hội. Lý do khiến người ta gọi là “Năm Thánh” vì Năm Thánh có mục đích cổ võ sự thánh thiện trong đời sống toàn thể Giáo hội. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong Tông thư Novo Millennio Ineunte (ngày 6 tháng 1 năm 2001), đã nói về sự cần thiết của đời sống thánh thiện, vì đây là chiều kích diễn tả rõ nhất mầu nhiệm Giáo hội. Không cần lên tiếng, sự thánh thiện là cách diễn đạt hùng hồn sứ điệp Kitô giáo, là sự thể hiện sống động khuôn mặt Chúa Kitô. Sự thánh thiện thấp thoáng nơi những người xung quanh là những dấu chỉ gợi lên cho chúng ta niềm hy vọng.

Chủ đề Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn cho Năm Thánh 2025, “Những người hành hương của niềm hy vọng”, một mặt nhắc nhở chúng ta về đặc tính lữ hành của mình, khiến chúng ta sẵn sàng từ bỏ bản thân, mặt khác, diễn tả niềm hy vọng của chúng ta, là nhân đức rất cần thiết trong mọi thời đại, nhất là thời đại hôm nay. Bức thư Đức Hồng Y João Braz de Aviz gửi những người nam nữ sống đời thánh hiến đề xuất một khẩu hiệu cho Năm Thánh Đời sống Thánh hiến “Những người hành hương của niềm hy vọng, trên con đường dẫn tới hòa bình”, khẳng định rằng nhu cầu quan trọng nhất của thời đại chúng ta là hòa bình. Bức thư nêu lên ba chủ đề:

 
1) dấn thân cho những người nhỏ bé nhất (lắng nghe tiếng kêu của người nghèo);
2) chăm sóc và bảo vệ công trình tạo dựng (bảo vệ môi trường);
3) tình huynh đệ phổ quát (liên đới).
 
Đặc sủng của chúng ta trong Dòng buộc chúng ta phải dấn thân, ít nhất dẫn đến việc phân tích lối sống của chính mình. Những lời của thánh Phaolô tiếp tục hướng dẫn chúng ta: “Đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn” (Rm 12,16). Chúng ta biết lòng nhiệt thành của thánh Đa Minh đối với sự nghèo khó. Sứ điệp chỉ đáng tin cậy nếu đời sống của người loan tin phù hợp với sứ điệp. Sống khó nghèo cách chân thành là cánh cửa mở ra cho chúng ta đến với thế giới những người bé mọn. Thêm vào đó, cần phải có những hành động tích cực khác giúp ích cho những người bé mọn, nhưng nếu không sống thái độ khó nghèo thì mọi công việc khác đều mất đi sức mạnh. Việc chăm sóc và bảo vệ công trình sáng tạo cũng là thách thức của đời sống thánh hiến chúng ta. Việc xây dựng tình huynh đệ phổ quát phải bắt đầu ngay trong tu viện, với những người cùng chúng ta chung sống. Đây là một trong những thách thức quan trọng nhất ở cấp độ cộng đoàn và ảnh hưởng đến ơn gọi trong tương lai. Những người trẻ sẽ quan tâm đến đời sống chúng ta nếu họ thấy trong cộng đoàn nơi chúng ta sống có những nỗ lực duy trì tinh thần huynh đệ. Nhưng tất cả những điều này không thể kéo dài nếu chúng ta không dấn thân theo Chúa Kitô và Tin Mừng của Người, với tất cả những gì bao hàm trong đó.


Cha Manuel Ángel Martínez Juan, O.P, sinh tại Acebes del Páramo (León), Tây Ban Nha, ngày 4 tháng 11 năm 1964. Cha nhập Trường Tông đồ La Virgen del Camino de León tháng 9 năm 1978, ở tuổi 14, và đã hoàn thành việc học sơ cấp. Ngài nhận áo dòng Đa Minh ngày 11 tháng 9 năm 1982, tại tu viện Santo Domingo de Caleruega, và khấn lần đầu ngày 11 tháng 9 năm 1983. Ngài có bằng Tiến sĩ Thần học tại Phân khoa Thần học Giáo hoàng San Esteban (Salamanca), bảo vệ luận án tháng 7 năm 1999, với tựa đề: La mediación de la humanidad de Cristo: Clave de lectura de la soteriología de santo Tomás de Aquino (Sự trung gian của nhân tính Chúa Kitô: Chìa khóa để đọc thần học thánh Tô-ma A-qui-nô). Năm 1991, ngài tốt nghiệp cao học Thần học tại Đại học Fribourg (Thụy Sĩ) với luận văn Nền tảng Kitô học trong công trình của Christian Duquoc. Trước đó, ngài học thần học tại Viện Thần học San Esteban ở Salamanca, và Triết học tại Viện Triết học Cao cấp ở Valladolid. Từ năm 2001, ngài là giám đốc tạp chí thần học thần bí Vida Sobrenatural. Ngày 19 tháng 12 năm 2008, ngài được bổ nhiệm làm Chủ tịch Khoa Thần học “San Esteban”. Ngài đã giảng dạy các môn về Thần học Tâm linh và Giáo hội học tại Học viện Thần học thánh Tê-pha-nô, và các môn về Giáo hội học tại Phân khoa Thần học Giáo hoàng San Esteban ở Salamanca. Ngài cũng giảng dạy các môn thần học (Nhân học Kitô giáo, Kitô học và Thánh Mẫu học) tại Trung tâm Học vấn Hiến định tại Santo Domingo, Cộng hòa Dominica và Đại học Iberoamericana UNIBE cũng tại quốc gia này. Từ năm 2013, ngài giảng dạy các môn về Giáo hội học, thần học Bí tích tại DOMUNI.

[1] Tôn sư thần học là một bằng danh dự do Tổng quyền Dòng cấp, theo đề nghị của Tổng hội, phù hợp với những đòi hỏi nhất định đối với việc cấp bằng này. Tước hiệu này có từ năm 1303, khi Đức Giáo hoàng thời đó là Biển Đức XI, vốn là một tu sĩ Đa Minh, đã thiết định văn bằng này để Dòng Giảng thuyết có thể ban cấp khả năng giảng dạy thần học. Ngày nay, dù văn bằng này chỉ còn là một danh hiệu danh dự và mang tính học thuật, nhưng lại là sự công nhận cao nhất sự xuất sắc về các ngành khoa học thánh trong nội bộ Dòng Giảng Thuyết.

[2] Cha Henri Dominique Pire, O.P, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1958.

Giuse Trần Công Thượng, O.P. chuyển ngữ từ bản tiếng Anh: Making the voice of the Church heard to restore human dignity. Hiệu đính tham khảo bản tiếng Pháp: Faire entendre la voix de l’Église pour restaurer la dignité humaine. 

114.864864865135.135135135250