25/01/2016 -

Đa Minh Việt Nam

1315
800 năm được sai đi rao giảng Tin Mừng

800 năm

được sai đi rao giảng Tin Mừng

Ngày 07/11/2015, toàn thể Gia đình Đa Minh trên thế giới chính thức khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 800 năm thành lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết (Ordo Praedicatorum), quen gọi là Dòng Đa Minh. Năm Thánh sẽ kéo dài đến ngày 21/01/2017.

Dòng Anh Em Giảng Thuyết do thánh Đa Minh (1170-1221) sáng lập, được Giáo Hội chuẩn nhận ngày 22/12/1216 và được chính thức mang danh hiệu Anh Em Giảng Thuyết (Praedicatores) ngày 21/01/1217.

Từ năm 1206, cha Đa Minh đã có ý tưởng thành lập một đoàn người giảng thuyết khi cha nhận thấy ảnh hưởng của lạc giáo Albigeois tại miền Nam nước Pháp và khi cha chinh phục được người chủ quán trọ theo lạc giáo này sau một cuộc đối thoại thâu đêm. Để có thể đương đầu với lạc giáo, cha thấy cần phải đào luyện những người thành thạo đạo lý cùng với nếp sống khó nghèo và khiêm tốn. Giấc mơ ấy được nuôi dưỡng và thành hình dần dần: từ năm 1206, cha bắt đầu đi giảng ở Prouilhe, Fanjeaux, Carcassone (miền Nam nước Pháp), và từ năm 1215 tại Toulouse, rồi đến Rôma.

Linh đạo của Dòng Đa Minh là phục vụ Lời Chúa qua đời sống cầu nguyện, học hành, kỷ luật tu trì với châm ngôn là Contemplari contemplata aliis tradere (chiêm niệm rồi chuyển trao điều đã chiêm niệm cho tha nhân) hay Cum Deo vel de Deo (Nói với Chúa hay nói về Chúa).

Cho đến nay, Giáo Hội đã tôn phong 76 hiển thánh và 283 chân phước là các tu sĩ nam nữ, giáo sĩ và giáo dân Đa Minh với những gương mặt tiêu biểu như Albertô Cả, Tôma Aquinô, Vinh Sơn Phêriô, Fra Angelico, Catarina Siena, Rosa Lima, Martinô Porres, Louis de Montfort, Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm, Giuse Nguyễn Duy Khang…; Dòng cũng đóng góp cho Giáo Hội 4 vị giáo hoàng là các chân phước Innôcentê V (1276), Bênêđictô XI (1303-1304), thánh Piô V (1566-1572) và Đức Bênêđictô XIII (1724-1730), cùng với nhiều hồng y và giám mục, trong đó mới nhất là cha Lorenzo Piretto, được bổ nhiệm tổng giám mục Izmir (Smyrna) vào đúng ngày khai mạc Năm Thánh của Dòng, 07/11/2015.

Hiện nay Dòng Đa Minh có 40 tỉnh dòng, 4 dự tỉnh, nhiều miền đại diện và phụ tỉnh, hiện diện ở khắp các châu lục với 6.135 tu sĩ trong đó 4.433 linh mục, 345 tu huynh và 208 tập sinh. Các thành phần khác của Gia đình Đa Minh gồm có 2.773 nữ đan sĩ thuộc 219 đan viện, 24.296 nữ tu hoạt động thuộc 156 hội dòng; khoảng 150.000 thành viên Huynh đoàn Giáo dân, 16.000 giáo dân thuộc các hội liên kết với Dòng, 265 thành viên Huynh đoàn Giáo sĩ và 250 thành viên tu hội đời Đa Minh.

Riêng Gia đình Đa Minh Việt Nam hiện nay gồm: Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam với 388 tu sĩ và 18 tập sinh, Nữ đan viện Đa Minh với 9 nữ đan sĩ và 4 tập sinh, Liên hiệp Dòng nữ Đa Minh Việt Nam với sự góp mặt của 12 Hội dòng gồm 2.231 nữ tu, 189 tập sinh, và Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh với 113.297 đoàn viên.

Những con số thống kê trên đây không nhằm biểu dương thành tích của Dòng trong quá khứ cũng như hiện tại, nhưng phần nào cho thấy sự hiện diện và sứ vụ của con cái thánh Đa Minh giữa lòng Giáo Hội xưa và nay.

Kỷ niệm 800 hiện diện, Dòng Đa Minh cử hành Năm Thánh với chủ đề “Được sai đi rao giảng Tin Mừng” nhằm hoán cải và canh tân chính mình, đồng thời bắt đầu một tiến trình năng động cho sứ vụ Tân Phúc Âm hóa. Năm Thánh mời gọi các anh chị em Đa Minh trở về với nguồn cội của mình, nhớ lại thánh Đa Minh và các tu sĩ đầu tiên đã rời bỏ nhà cửa, gia đình và quê hương để ra đi rao giảng Tin Mừng với niềm vui và sự tự do của người giảng thuyết lữ hành. Rồi những thế hệ tiếp theo đã ra đi truyền giáo khắp nơi, đến tận Tân Thế Giới cũng như miền Viễn Đông xa xôi, trong đó nhiều vị đã đổ máu đào trên quê hương Việt Nam chúng ta.

Năm Thánh là dịp cho Dòng hướng tới tương lai bằng cách quay về với lịch sử để học hỏi nhiều điều từ cả bóng tối lẫn ánh sáng, chẳng hạn như vai trò còn nhiều tranh cãi của các tu sĩ Đa Minh trong vấn đề Tòa Tra (Inquisitio) thời Trung Cổ, hay những tranh đấu bảo vệ quyền của thổ dân châu Mỹ, tiêu biểu là giám mục Bartôlômêô de las Casas (1484-1566) được mệnh danh là Protectoria de indios (Sự chở che của thổ dân châu Mỹ) và linh mục Francisco de Vitoria (1483-1546) được xem là cha đẻ của Công pháp quốc tế và là người khai sinh ý tưởng về Tự do thương mại và tự do hàng hải quốc tế.

Lịch sử luôn là trường dạy chân lý và sự khiêm nhường, là nguồn mạch canh tân và hy vọng.

“Được sai đi rao giảng Tin Mừng”, Năm Thánh mời gọi con cái thánh Đa Minh canh tân sứ vụ giảng thuyết của mình. Lời giảng phải trở thành cơ may để đối thoại, tạo nên việc lắng nghe người khác với lòng kính trọng và đem đến những lời không gây hấn, những lời kiến tạo hy vọng, tình bằng hữu và cùng nhau tìm kiếm chân lý. Tác vụ rao giảng Tin Mừng vẫn luôn sống động và khẩn thiết để Giáo Hội có thể phục vụ thế giới, và các anh chị em Đa Minh xác tín rằng mình được mời gọi tham dự vào tác vụ ấy như những chứng nhân đầy vui tươi của Tin Mừng và của Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Tổng hội gần đây nhất của Dòng tại Trogir (Croatia) năm 2013 nhắn nhủ rằng: Việc cử hành Năm Thánh không được tổ chức theo hình thức quy hướng về chính mình, nhưng phải hướng đến Thiên Chúa và hướng đến các anh chị em mà người tu sĩ Đa Minh được sai đến với họ. Ôn lại lịch sử không phải là dịp để tôn vinh chính mình, nhưng là cơ hội nhắc nhở về nguồn cội trong tâm tình tri ân và phản tỉnh, hoán cải và canh tân, hợp như lời nhắn nhủ của Đức thánh cha Phanxicô trong Tông thư về Năm đời sống thánh hiến: “Nhìn lại quá khứ với lòng biết ơn, sống hiện tại với lòng say mê, nhắm đến tương lai với niềm hy vọng”.

Vinh Hưng tổng hợp

114.864864865135.135135135250