25/01/2016 -

Đa Minh Việt Nam

2951
Tinh thần Dòng ĐA MINH - hai chữ O.P.

 Tinh thần dòng Đa Minh

Ordo Praedicatorum

 


Các Tổng hội của dòng Đa Minh gần đây đều mời gọi các thành phần trong gia đình Đa Minh hãy có những hình thức chuẩn bị dịp kỷ niệm 800 năm Dòng được Giáo quyền chính thức châu phê (1216-2016). Một trong các sinh hoạt thiết thực trong dịp này là ôn lại linh đạo của Dòng. Dĩ nhiên việc học hỏi tinh thần đó cũng đồng nghĩa với việc cùng nhau tìm cách áp dụng vào trong môi trường cộng đoàn và sứ vụ của chúng ta hôm nay.

 

Trong khuôn khổ bài chia sẻ này, trong tư cách là một thành viên gia đình Đa Minh, tôi xin trình bày vài ý tưởng dựa trên linh đạo nền tảng của Dòng, đó là “giảng thuyết vì ơn cứu độ của tha nhân” (Hiến Pháp Nền Tảng, II). Đây là “tuyên ngôn” về sứ vụ, được ghi trong Tự ngôn của Hiến Pháp Tiên Khởi, và hiện nay vẫn được coi như linh đạo nền tảng nhất, để rồi mọi thể chế, sinh hoạt, phải được qui hướng về đó. Trong tuyên ngôn đó, mục đích chính của Dòng là nhằm đến cứu độ con người, và cách thức đạt được mục đích đó, là giảng thuyết. Nói khác đi giảng thuyết là cách thức dòng áp dụng để đưa con người đến ơn cứu độ. Cũng vì thế, mà Dòng nhận tên chính thức là dòng Giảng thuyết. Dòng chúng ta có tên là dòng Đa Minh, theo tên gọi của Đấng sáng lập, nhưng danh xưng chính thức là dòng Giảng Thuyết. Chúng ta sử dụng cả hai danh xưng này, để vừa nói lên lòng quí mến đối với vị Sáng lập, và cũng vừa nói lên linh đạo đặc thù mà chính Cha Thánh đã gợi ý cho Dòng. Thiết tưởng không phải Dòng nào cũng có cả hai danh xưng như thế.

 

Danh xưng dòng Giảng thuyết, tiếng Latinh là Ordo Praedicatorum, viết tắt O.P. Trước đây, ký hiệu này chỉ dành cho các anh em nam tu sĩ Đa Minh, nhưng từ năm 2007, Dòng xác nhận tất cả các thành viên trong Gia đình Đa Minh có thể ghi ký hiệu đó sau tên của mình, vì tất cả đều liên đới với nhau trong cùng một linh đạo giảng thuyết. Nhưng để tránh hiểu lầm, cần ghi thêm thông tin trước tên riêng, chẳng hạn, linh mục, tu sĩ, đan sĩ, nữ tu, ông bà… để xác định mình thuộc ngành nào. Chúng ta trân trọng ghi O.P. bên cạnh tên riêng của chúng ta, điều đó cho biết chúng ta thuộc đại gia đình Đa Minh, nhưng cũng nhắc nhở chúng ta về sứ vụ giảng thuyết của Dòng. Ordo có nghĩa là Dòng, Praedicatorum nghĩa là “của những người giảng thuyết”. Trong từ Praedicatorum chúng ta thấy có động từ Dicere có nghĩa là nói.

 

Từ giảng thuyết trong tiếng Việt có vẻ dành riêng cho những dịp giảng tĩnh tâm hay giảng trong các nghi thức phụng vụ, nhất là thánh lễ, vì thế nhiều người tưởng rằng chỉ có các linh mục mới thực hiện linh đạo này một cách đúng nghĩa và trọn vẹn ! Dịp tháng 02/2012, khi Gia đình Đa Minh Việt Nam tổ chức tuần lễ gặp gỡ giữa các lãnh đạo Đa Minh vùng Châu Á-Thái Bình Dương, một chị nữ tu đã gởi kiến nghị cho ban tổ chức. Theo chị, năm nay 2012, Dòng lấy chủ để là “người nữ Đa Minh với việc giảng thuyết”, mà sao trong bản phân công giảng lễ trong suốt tuần chỉ thấy tên các cha mà không thấy một sơ nào cả. Chị còn đề nghị, trong suốt tuần lễ đó, việc dâng lễ dành cho các cha, còn việc giảng lễ phải dành cho các sơ. Cha Quirico, Giám tỉnh Tỉnh dòng Philippines, trả lời rằng bối cảnh ở Việt Nam vẫn còn nề nếp trong việc cử hành phụng vụ, do đó, không nên áp dụng những hình thức mới lạ. Hơn nữa, việc giảng trong thánh lễ cũng chỉ là một trong hàng trăm hình thức giảng thuyết. Câu trả lời đã làm maxơ kia có vẻ hài lòng, và maxơ cho biết sẽ cố gắng hết sức để thực hiện 99 cách thức giảng thuyết còn lại.

 

Linh đạo giảng thuyết cũng được nhắc đến trong các công thức khác, chẳng hạn thánh Đa Minh “chỉ nói với Chúa, và nói về Chúa”; hoặc châm ngôn của Dòng: “Contemplare et contemplata aliis tradere”, truyền lại cho người khác điều mình đã chiêm niệm. Có nhiều cách thức để nói hoặc truyền đạt cho người khác. Nói bằng ngôn ngữ có âm thanh là một trong nhiều cách nói, nói bằng cử điệu, bằng hình ảnh, bằng âm nhạc, nghệ thuật… nhưng rút cùng thì kiểu “nói” nào cũng nhằm trình bày một ý tưởng nào đó. Tâm lý học gọi ý tưởng đó là “lời”, lời ở đây là ý tưởng trong tâm trí người trình bày. Để nói cần phải có ý tưởng hay lời. Trình bày ý tưởng đó ra cho người khác, một cách nào đó, là giảng thuyết. Nhưng việc giảng của Dòng Đa Minh là “giảng thuyết thánh”, sacra praedicatio, nghĩa là người giảng thuyêt không nói ý tưởng riêng của mình, mà là nói về thánh ý của Thiên Chúa. Giảng trong Dòng chúng ta là trình bày Lời của Chúa, được nhập thể vào con người. Do đó, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu người Đa Minh bằng cách nào để có được Lời nhập thể, và sau đó truyền đạt Lời Nhập thể như thế nào.

 

  1. Học hỏi Lời

 

Trước khi chúng ta nói bằng âm thanh ngôn ngữ hay bằng các loại biểu tượng khác… thì chúng ta phải có một ý tưởng trong lý trí. Ý tưởng đó chính là Lời (verbum, logos). Do đó, để ý tưởng đó là “Lời” của Chúa chứ không phải lời của chúng ta, việc tiên quyết là phải học hỏi Lời Chúa. Điều này được diễn tả rất rõ qua công thức Contemplare et contemplata aliis tradere. Trước khi truyền lại cho người khác (aliis tradere), phải có học hỏi. Học hỏi trong Dòng là học cho biết sự tốt lành của Thiên Chúa đến độ tâm trí chúng ta dường như “chiêm ngắm” (contemplare) vẻ đẹp sự tốt lành của Ngài. Như thế học Lời Chúa là để cho tâm trí chúng ta được thấm nhuần ý định của Thiên Chúa, thấm nhuần Logos, Lời của Ngài. Chúng ta học cho biết Thiên Chúa đang muốn nói gì cho con người qua Lời của Ngài.

 

Vì thế, mà dòng Đa Minh luôn đề cao việc học hành nghiên cứu, nhất là học các môn thánh khoa. Có người nghĩ rằng Dòng Đa Minh là dòng trí thức, nhưng thực ra chưa bao giờ Dòng nhận mình là “trí thức”. Đúng ra Dòng ý thức tầm quan trong của việc học hành, và coi đó như một trong những yếu tố nền tảng của Dòng. Chính vì thế mà trong sách Hiến Pháp của Anh em, ngay sau phần bàn về đời sống tu trì và cầu nguyện, là đến phần bàn về việc học hành, trước cả phần Tác vụ Lời. Cách xếp đặt như thế cho thấy Dòng đề cao việc học và coi việc học là phần chuẩn bị cho sứ vụ giảng Lời. Chính Cha thánh đã gởi các anh em đầu tiên đến các trường đại học để tâm trí anh em lãnh hội được các kiến thức thánh khoa, hầu có thể nói lại với anh chị em đồng loại về ý định của Thiên Chúa. Vì thế mà cha thánh Đa Minh đã “gắn chặt việc học nhằm tác vụ cứu độ với chủ đích của Dòng mình” (Hiến Pháp Tiên khởi, tự ngôn), và “việc học hành của chúng ta phải nhằm hết sức chính yếu và mạnh mẽ vào điểm này là để chúng ta trở nên hữu ích cho linh hồn tha nhân” (Hiến pháp Anh em dòng Giảng thuyết, s.77)

 

  1. Lời hoán cải

 

Dòng Đa Minh đề cao việc học, nhưng không phải để cho đầu óc mình đầy những kiến thức, sự khôn ngoan, hay đủ thứ thông tin. Việc học của Đa Minh là nhằm tìm kiếm Lời Chúa, cho dù học ngành khoa học nào thì cũng chỉ có một mục đích như thế. Vì chỉ có Lời Chúa mới đem lại ơn cứu độ cho con người, giảng thuyết là vì ơn cứu độ mà. Chính Lời Chúa mới thực sự làm tâm trí chúng ta đổi mới, được hoán cải, sự hoán cải mà Tổng hội Dòng năm 2007 gọi là “tri thức mới”. Tổng hội đã nhận định về việc học như sau: “Việc học là một phần toàn vẹn của mỗi con người Đa Minh. Chúng ta không học để chỉ tìm kiếm được một điều gì để nói lại cho người khác, nhưng vì Lời Chúa làm biến đổi sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa, về thế giới và con người. Metanoia là một tri thức mới.” Người tiến sĩ luật trong Tin Mừng là một người mong muốn tìm kiếm tri thức, và khi anh đặt câu hỏi: “Ai là người thân cận của tôi ?” Đức Giêsu đã mời gọi anh phải thay đổi hẳn lối suy nghĩ (metanoia): “Ai là người thân cận của người bị sa vào tay kẻ cướp đang cần sự giúp đỡ”, nói khác đi cái suy nghĩ của anh đã được metanoia: tôi phải làm gì để trở thành người thân cận của người khác.

 

Việc học hành nghiên cứu các ngành khoa học đều nhằm đưa chúng ta đến việc hoán cải. Cũng vậy, lời giảng của chúng ta không phải chỉ làm thoả mãn những khát vọng tri thức tự nhiên của con người, càng không phải khoe khoang tri thức hay tài hùng biện của người giảng, nhưng là nhằm dẫn đưa thính giả tới sự hoán cải và mời gọi họ kết hợp với Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể. Có thể diễn giải tiến trình đó như sau. Học hành giúp hoán cải, từ kinh nghiệm đó, tiếp tục nói cho người khác biết để họ cũng được hoán cải, và tất cả đều tiến đến sự kết hiệp với bí tích Thánh Thể. Cũng vì thế mà ngay từ đầu Dòng đã chọn thể chế là dòng tư giáo, tức là liên đới việc giảng thuyết với bí tích hoà giải và bí tích thánh thể. Các thành viên trong Dòng, dù là tư giáo hay không, cũng đều hướng đến sứ vụ đó.

 

Việc học của chúng ta sẽ trở thành một gánh nặng cồng kềnh vô bổ, nếu chỉ thu tích cho thật nhiều những kiến thức nhân loại, mà không nhắm tới tính “hướng thần” trong việc học. Một vị bề trên đã hoang mang khi có hai ý kiến trái ngược nhau từ hai vị giáo sư khả kính. Một vị khuyên rằng người nữ tu ngày nay phải có kiến thức về mọi ngành nghề. Chẳng hạn ngoài việc học giáo lý, chị còn phải biết về âm nhạc, vi tính, kinh tế, quản trị… tất tần tật. Vị khác lại “giảng” rằng người nữ tu phải tập trung vào việc học giáo lý mà thôi, nếu không sẽ chạy theo “thế gian” chẳng còn gì là nhà tu nữa cả. Không dám khẳng định ai trong hai vị đó là đúng, nhưng thiết tưởng cho dù học ngành gì, thì rốt cục cũng phải liên đới việc học đó với ơn cứu độ. Tức là học cho biết Thiên Chúa yêu thương con người như thế nào, và con người phải sống thế nào đáp lại tình yêu đó, vì đó chính là con đường đưa con người tới ơn cứu độ, tới nguồn hạnh phúc.

 

  1. Lời nhập thể

 

Học hành là để biết Chúa và biết mình, tức là để Lời Chúa nhập thể vào con người, và hoán cải con người, đem lại ơn cứu độ cho con người. Để Lời có sức mạnh đem lại ơn cứu độ, thì Lời đó thực sự phải là Lời đã hoán cải người nói trước đã. Lời chưa hoán cải người nói thì cũng không thể là Lời có sức hoán cải người nghe. Vì lúc đó, chưa phải là Lời nhập thể đích thực. Lời nhập thể là nhập thể vào một con người, và phải trổ sinh hoa trái cho mảnh đất đó, trước khi tiếp tục thành lời cứu độ cho mảnh đất khác. Các Tổng hội của Dòng gọi lời đó là lời “khả tín”. Cha thánh gởi anh em đến các trường đại học để học hỏi lời Chúa, nhưng cũng không phải là để lời cứu độ anh em mà thôi, nhưng trong ý định của ngài, là sau khi được lời Chúa biến đổi con người, chính anh em lại phải rời ghế nhà trường để đem lời Chúa đến cho nhiều người khác nữa.

 

Mặt khác, chúng ta không tìm kiếm kiến thức như trường hợp các nhà khoa học tìm kiếm những định luật trong thiên nhiên. Họ tìm kiếm và tôn thờ các định luật đó như một năng lực vô ngã. Thực vậy, các nhà khoa học thuộc mọi ngành, đều đi tìm kiếm những định luật trong vũ trụ, nhằm cải thiện cuộc sống con người. Đức Bênêdictô thứ 16, khi còn là Hồng y Tổng trưởng thánh bộ giáo lý đức tin, trong một bài thuyết trình nổi tiếng vào năm 1999 tại đại học Sorbonne, Paris đã so sánh rằng Kitô giáo cũng đi tìm kiếm các định luật điều khiển vũ trụ thế giới này giống như các ngành khoa học. Nhưng điểm khác biệt giữa người Kitô hữu và các nhà khoa học, là người kitô hữu tin rằng định luật điều hành vũ trụ đó, chính là Logos, là Lời Thiên Chúa đã nhập thể trong một ngôi vị, có hiểu biết và yêu thương. Những định luật năng lực trong vũ trụ không còn làm con người phải sợ hãi nữa, bởi vì Đấng là sức mạnh quyền năng đó, đã nhập thể làm người, đồng hành và chia sớt những nỗi khổ đau của con người, và đã chết cho hạnh phúc của con người.

 

Lời nhập thể đó mời gọi chúng ta sống niềm cậy trông. Chúng ta không thất vọng trước những giới hạn của thân phận con người, vì Lời đã chấp nhận những giới hạn đó. Chúng ta không thất vọng trước những cái sai trái của người khác, hay những yếu đuối của chính mình vì chính nơi thân phận đó, Ngôi Lời đang nhập thể và tỏ bày quyền năng Phục Sinh. Mầu nhiệm Lời nhập thể hướng chúng ta tới thời cánh chung, khi mọi sự sẽ tỏ lộ trong vinh quang của Đấng phục sinh. Ánh sáng đó phải được phản chiếu nơi lời giảng của chúng ta. Cha Carlos, nguyên Bề trên Tổng quyền, đã khai triển ý tưởng đó khi nói rằng lời giảng của Đa Minh vừa mang tính ngôn sứ, nghĩa là phải tố cáo những sai lầm nơi con người, nhưng cũng mang tính cánh chung, nghĩa là mời gọi con người tin tưởng vào sức mạnh của Đấng đã nhập thể, đã chết và sống lại. Đấng sẽ đổi mới mọi sự trong ngày cánh chung.

 

  1. Đối thoại bằng lời

 

Việc giảng thuyết đòi hỏi chúng ta chiêm niệm Lời, nhưng cũng phải ý thức trong việc sử dụng ngôn từ trình bày Lời. Nếu Thiên Chúa đã đối thoại với con người qua Ngôi Lời, thì mối tương quan giữa con người với nhau cũng phải được thực hiện qua cuộc đối thoại bằng Lời của Ngài. Việc đối thoại này đòi hỏi chúng ta tôn trọng ngôn từ, vì đó là cách thức phát biểu ý tưởng của chúng ta. Người môn đệ thánh Đa Minh cẩn trọng trong ngôn ngữ, và nhất là bảo vệ tính khả tín của ngôn ngữ. Trước tiên là tôn trọng sự thật trong lời nói, vì chính khi lời diễn tả đúng sự thật thì mới có sự đối thoại đích thực.

 

Nếu giảng thuyết thường được hiểu như bài diễn giảng, một người trình bày cho cử toạ, thì việc giảng thuyết trong Dòng chúng ta phải mở rộng ra trong các cuộc đối thoại khác. Câu chuyện thánh Đa Minh với người chủ quán trọ cho thấy hình thức giảng thuyết bằng đối thoại. Tinh thần Đa Minh đề cao việc đối thoại. Chẳng hạn các quyết định quan trọng phải thông qua cộng đoàn, các bề trên đối thoại với anh em trong những vấn đề liên hệ đến đương sự. Từ việc các chức vụ bề trên đều do anh em bầu cử, và được cấp trên phê chuẩn, đến việc “anh em được kể như người trưởng thành, vì sẽ hướng dẫn những người khác và đảm đương những phận vụ khác trong Dòng.” (Hiến Pháp Nền Tảng VI)

 

Tóm lại linh đạo Giảng thuyết đòi hỏi các con cái cha Thánh Đa Minh phải để cho Lời Chúa uốn nắn tâm trí mình, nhờ đó họ được hoán cải. Tiếp đến, trong niềm tin tưởng vào quyền năng của Lời Nhập Thể, họ được mời gọi lên đường gặp gỡ các anh chị em mình, và qua các hình thức đối thoại, họ để cho Lời Chúa tiếp tục nhập thể và cứu độ anh chị em đồng loại.


114.864864865135.135135135250