TÔN VINH ĐỨC MARIA
Kỷ niệm 100 năm
Mẹ hiện ra tại Fatima
Lời dẫn mở đầu:
Kính thưa cộng đoàn!
Vào năm 1917, Đức Mẹ đã hiện ra tại ngôi làng nhỏ Fatima, thuộc nước Bồ Đào Nha với ba trẻ Luxia, Phanxicô và Giaxinta. Qua các em, Mẹ mời gọi nhân loại hãy ăn năn thống hối trở về với Thiên Chúa. Mẹ đã căn dặn các em phải sống thánh thiện để cầu nguyện cho những kẻ có tội và cứu vãn thế giới.
Ngày 13/05/2017, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ hiện diện tại linh địa Fatima để chủ sự nghi lễ phong hiển thánh cho hai chân phước thiếu nhi Phanxicô và Giaxinta, và cử hành Thánh Lễ trọng thể mừng kỷ niệm 100 năm sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại đây.
Hiệp thông với Đức Giáo Hoàng cùng toàn thể con cái Mẹ trên khắp thế giới, cộng đoàn chúng ta cùng hướng lòng về Fatima để tôn vinh Mẹ, và nói lên quyết tâm thi hành sứ điệp mà Mẹ đã nhắn nhủ với loài người.
Ø KHAI MẠC:
Hát: Lời Mẹ Nhắn Nhủ (Lê Huy)
Chủ sự làm dấu Thánh giá và chào chúc cộng đoàn như thường lệ.
Anh chị em thân mến, cộng đoàn chúng ta họp nhau đây để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria nhân kỷ niệm 100 năm ngày Mẹ hiện ra tại Fatima. Chúng ta hãy cùng với Đức Mẹ dâng lời ca ngợi tạ ơn Thiên Chúa, và nhờ Mẹ chuyển cầu để mỗi người chúng ta luôn kiên trung vững bước trên con đường theo Chúa.
Thinh lặng một chút rồi chủ sự dang tay đọc lời nguyện:
Lạy Chúa là nguồn mạch mọi sự thánh thiện, xin nhìn đến chúng con đang thi hành việc đạo đức nhằm tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria. Xin khơi lên nơi chúng con ngọn lửa yêu mến để tham dự cử hành này cách sốt sắng, và xin giúp chúng con luôn kiên trì thực thi những điều mẹ nhắn nhủ tại Fatima, hầu thế giới được hòa bình và người tội lỗi biết quay về cùng Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô…
Mọi người có thể cầm nến sáng trên tay khi đi kiệu. Khi mọi sự đã sẵn sàng, chủ sự mời gọi:
Chúng ta hãy hân hoan lên đường cùng Mẹ Maria (dõi theo ánh sáng Đức Kitô) và hướng về vinh quang Thiên Quốc.
Một hồi trống hiệu…
Khi đi kiệu, tùy nghi đọc các lời dẫn và hát thánh ca kèm theo.
1. Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Giáo Hội
Mỗi người khi sinh ra trên đời đều có cha có mẹ. Đó là nguồn cội của con người. Khi tới trần gian này, Chúa Giêsu cũng không muốn sống ngoài định luật của con người. Ngài cũng có mẹ, có cha. Thiên Chúa đã chọn Đức Maria làm Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể, để nhờ Mẹ, Con Thiên Chúa trở nên một người giữa loài người chúng ta. Mẹ Maria đã là Mẹ thật của Chúa Giêsu nên mẹ cũng thật là Mẹ Thiên Chúa.
Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa gắn liền với ơn gọi của Đức Maria đã được xác nhận trong Tin Mừng qua lời bà Êlisabeth: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa viếng thăm tôi.” Ngay từ những thế kỷ đầu tiên, các kitô hữu đã có lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Vào năm 431, công đồng Êphêsô đã long trọng tuyên xưng: “Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa, bởi vì Người cũng đã thực sự sinh ra Đấng-Thiên-Chúa-làm người.” Maria được Thiên Chúa tuyển chọn cách hết sức đặc biệt, nên Mẹ được những ơn cao quí nhất mà nhân loại không ai có được. Mẹ xứng đáng mang tước hiệu Mẹ Thiên Chúa.
Công đồng Vatican II đã dành chương cuối cùng (Chương 8) trong Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium để nói về Ðức Maria. Công đồng nhắn nhủ: “Phần các tín hữu, hãy nhớ rằng lòng tôn sùng chân chính không thể đặt trên những tình cảm chóng qua, cũng không dựa vào sự dễ tin nhẹ dạ, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật, đức tin đưa chúng ta đến thái độ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của ngài” (Giáo Hội, số 67). Trong ngày công bố Hiến chế về Giáo Hội nhân dịp kết thúc kỳ họp thứ ba của công đồng chung Vaticanô II, tức ngày 21 tháng 11 năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã chính thức và minh nhiên công bố tước hiệu Mẹ Giáo Hội của Ðức Maria như sau: “Ðức Maria là Mẹ Giáo Hội, nghĩa là của toàn thể Dân Chúa, tín hữu cũng như mục tử”. Và ngài thêm rằng: “Ta mong muốn từ nay Mẹ Thiên Chúa phải được tôn kính và khẩn cầu hơn nữa với tước hiệu Mẹ Giáo Hội bởi toàn thể dân Kitô giáo” (AAS, 1964, 37).
Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ Giáo Hội, xin cho nhân loại và mỗi người chúng con biết chạy đến với Mẹ, và xin Mẹ giúp hết thảy mọi người chuẩn bị tâm hồn quay về với Thiên Chúa, Đấng là nguồn Tình yêu, là nguồn Ân Sủng, để được sống trong bình an và hạnh phúc tràn đầy.
Hát: Dâng Mẹ (Hoài Đức)
2. Đức Maria, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội
Thiên Chúa đã tuyển chọn Đức Maria trong vai trò làm Mẹ Đấng Cứu Thế nên Người cũng ban cho Mẹ đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội hệ tại chính việc không mắc tội Nguyên Tổ và được tràn đầy ơn sủng Thiên Chúa ngay từ lúc bắt đầu cuộc hiện hữu của Mẹ.
Thật vậy, trong lời chào của thiên thần vào ngày truyền tin, Đức Mẹ đã được xưng nhận là Đấng đầy ơn phúc (x. Lc 1,28), Đấng được chính Thiên Chúa kén chọn để giao cho sứ mệnh làm mẹ Con Một của Người. Danh xưng “Đấng đầy ơn phúc” xác nhận lòng Đức Mẹ không có chỗ dành cho tội lỗi vì luôn được đầy tràn ơn phúc của Thiên Chúa. Quyền năng và tình yêu Chúa bao phủ suốt cả đời Mẹ trên từng ý nghĩ, từng cảm xúc, từng hành động... khiến cho tâm hồn Mẹ luôn hướng về Chúa mà tạ ơn và ngợi khen liên lỉ qua lời kinh Magnificat.
Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria đã được Đức Giáo Hoàng Piô IX tuyên bố thành Tín điều vào ngày mùng 8 tháng 12 năm 1854 như sau: “Ngay từ phút đầu tiên được cưu mang, nhờ ơn thánh cùng lòng ưu ái đặc biệt của Thiên Chúa Toàn Năng và dựa vào công nghiệp Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc nhân loại, Đức Trinh Nữ Maria đã được giữ gìn không hề vướng mắc bất cứ tì ố nào của tội Nguyên Tổ. Đó là điều Thiên Chúa đã mạc khải và vì thế hết mọi tín hữu phải tin cách chắc chắn và vững vàng.”
Qua tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Giáo Hội muốn hiệp ý chung lời với Mẹ để ngợi khen tạ ơn Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.” Những lời ngợi ca đó tóm lược cả cuộc đời Mẹ, cả chương trình sống của Mẹ, là con đường tu đức của Mẹ: mãi là người nữ tỳ khiêm tốn, luôn phó thác hoàn toàn trong tay Chúa toàn năng và nhân hậu, hằng dâng lời ngợi khen tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Đó cũng là con đường mà Giáo Hội mong muốn tất cả chúng ta cùng dõi bước theo Mẹ để đến với Chúa.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cho chúng con hiểu được rằng Thiên Chúa đã yêu thương Mẹ, yêu thương mọi người chúng con và không có việc gì mà Chúa không làm được. Xin Mẹ giúp chúng con và nhân loại biết bước đi trong vâng phục, tin tưởng và cậy trông, như Mẹ đã luôn lắng nghe Lời Chúa và thực thi ý Người.
Hát: Cung Chúc Trinh Vương (Hoài Đức)
3. Đức Maria, Nữ Vương Thiên Đàng
Trong Mùa Phục Sinh, Đức Maria còn được Giáo Hội xưng tụng bằng một danh hiệu vừa đặc biệt vừa trang trọng: “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, hãy vui mừng, Alleluia!” Danh xưng “Nữ Vương Thiên Đàng” không chỉ nói lên quyền uy của Đức Maria trên cả chín tầng trời, mà còn cho thấy bao quát ơn gọi và sứ vụ của Mẹ trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Trong ngày Truyền Tin, trước lời đề nghị của sứ thần Gabriel, Đức Maria đã thưa lời “xin vâng” với cả tự do và trách nhiệm đời mình, để từ đó Ngôi Lời có thể làm người và ở cùng chúng ta; đồng thời cũng từ đó, cuộc đời Mẹ luôn gắn bó trọn vẹn với cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu, con Mẹ. Trong bước hành trình dương thế của Chúa Giêsu, Mẹ đã kiên trì dõi theo thế nào, thì trong cuộc khổ nạn của Người khi thực hiện ơn cứu rỗi, Mẹ cũng kiên cường gắn bó như vậy. Chính vì thế Giáo Hội đã không ngại gọi Mẹ là Đấng hiệp công cứu đời.
Mối liên hệ gắn bó tình mẫu tử giữa Đức Mẹ và Chúa Giêsu tự nhiên và hiển nhiên đến thế nên khi đã hoàn tất công cuộc cứu đời, Chúa Giêsu “lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng”, thì Đức Mẹ khi kết thúc cuộc sống trần thế, cũng được thông phần sự sống Phục Sinh và được đưa về trời cả hồn lẫn xác. Hơn nữa, nếu Chúa Giêsu ngự trên trời trong vinh quang để làm Vua các vua, thì Đức Maria ở trên trời cũng được trần thế hân hoan xưng tụng là Nữ Vương Thiên Đàng.
Là Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Maria đã đạt tới ơn cứu độ viên mãn, cận kề Chúa Kitô Phục Sinh, nên cũng đầy trải nghiệm trần thế để chỉ bảo, đầy phúc lộc quyền uy để nâng đỡ, và đầy bao dung nhân từ để chuyển cầu cho tất cả con cái Mẹ còn nơi dương thế. Nhận thức ta có Mẹ trên trời luôn quan tâm che chở là một niềm hạnh phúc lớn lao; nhận biết mình có Mẹ bên đời để được yêu thương nâng đỡ còn là niềm vui cụ thể; và nhất là tin tưởng rằng Mẹ Thiên Quốc với tấm lòng nhân hậu, với uy quyền rộng rãi luôn luôn lắng nghe thấu hiểu và sẵn sàng chuyển cầu thi ân còn là niềm hạnh phúc đầy tràn hơn nữa. Vì thế, các tín hữu đừng ngại đến với Mẹ và cũng đừng ngại cầu nguyện với Mẹ. Đức Maria đang ngự chốn trời cao không phải để xa cách cuộc sống nhân gian, mà để nhìn thấu phận người và gần gũi lòng người hơn.
Cùng với toàn thể Giáo Hội, trong tâm tình ca ngợi tung hô, chúng ta hãy tin tưởng dâng lên Nữ Vương Thiên Đàng, lời kêu xin trông cậy: “Xin cầu cùng Chúa cho chúng con, Alleluia!”
Hát: Nữ Vương Thiên Đàng (Ngô Duy Linh)
Kết thúc cuộc rước, khi chủ sự dâng hương xong, cộng đoàn ngồi.
Lời dẫn: Kính thưa cộng đoàn, giờ đây trong tâm tình con thảo, cộng đoàn chúng ta cùng hướng lòng về bên Me và lắng nghe những lời Mẹ bảo ban.
Hát: Tiếng Gọi Fatima (Phanxicô)
Suy niệm:
Năm xưa tại tiệc cưới Cana, Đức Maria đã tiên liệu và can thiệp kịp thời để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc cho gia chủ lẫn thực khách. Từ khi nhận lời ủy thác của Chúa Giêsu trên thánh giá: “Này là con Bà”, Mẹ Maria vẫn luôn dõi nhìn và chăm sóc toàn thể nhân loại với trái tim hiền mẫu. Khi cần, Mẹ vẫn đưa ra những lời căn dặn hướng dẫn để con cái không lạc bước sai đường.
Trong vòng hai thế kỷ gần đây, Đức Mẹ đã hiện ra nhiều lần ở nhiều nơi và trong nhiều thời điểm khác nhau để khuyến cáo người ta những điều hệ trọng liên quan đến phần rỗi con người cũng như triều đại của Thiên Chúa. Năm 1830, tại Paris, Pháp quốc, Mẹ hiện ra với chị Catarina Labuarê tập sinh Dòng Vinh Sơn Phaolô, trao cho sứ mệnh truyền bá việc mang ảnh Đức Mẹ Ban Ơn để cầu nguyện cho kẻ có tội ăn năn trở lại. Sau đó vào năm 1846, ở La Salette cũng tại nước Pháp, trước mặt hai thiếu niên Melanie Mathieu (nữ) và Maximin Giraud (nam), Mẹ đã ôm mặt khóc và thiết tha nhắn nhủ nhân loại hãy thôi đừng tiếp tục xúc phạm đến Thiên Chúa nữa. Và lần thứ ba cũng tại nước Pháp năm 1858, Mẹ đã hiện ra ở Lộ Đức với thiếu nữ Bernadetta để kêu gọi mọi kitô hữu thống hối cùng cầu nguyện cho các tội nhân. Và cách đây đúng 100 năm, vào năm 1917, tại ngọn đồi Cova da Iria ở Fatima nước Bồ Đào Nha, Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ chăn chiên là Luxia, 10 tuổi, cùng hai người em họ là Phanxicô, 9 tuổi và Giaxinta, 7 tuổi. Từ đó, nơi đây đã biến thành “địa điểm thống hối ăn năn” cho cả nhân loại.
Chị Luxia là một trong ba trẻ ngày ấy kể lại rằng câu nói cuối cùng và cũng là lời kêu mời tha thiết của Đức Mẹ trong lần hiện ra thứ sáu vào ngày 13.10.1917 đã ghi sâu vào tâm khảm chị, đó là: “Loài người cần phải cải thiện đời sống và xin ơn thứ tha mọi tội lỗi. Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm quá nhiều rồi.” Chắc chắn rằng câu nói đó đã tóm tắt toàn bộ sứ điệp của Đức Mẹ muốn gởi đến thế giới qua ba trẻ tại Fatima, tức lời kêu mời nhân loại hãy thành tâm ăn năn trở về cùng Thiên Chúa và hãy cải thiện đời sống! Qua ba trẻ tại Fatima, Đức Mẹ nhắc nhở lòai người trách nhiệm phải ăn năn quay trở về cùng Thiên Chúa, không chỉ vì tội riêng mình, nhưng còn vì tội mọi người khác nữa: “Các con hãy cầu nguyện, các con hãy cầu nguyện thật nhiều và hãy hy sinh hãm mình để đền thay cho kẻ có tội.” Cụ thể hơn, trong lần hiện ra vào ngày 13.07.1917, Đức Mẹ đã nói với ba trẻ: “Để cứu rỗi những người tội lỗi, Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ trên khắp thế giới. Nếu những điều Mẹ dạy được thi hành thì nhiều linh hồn được cứu rỗi và thế giới sẽ có hòa bình.”
Nhìn vào thực trạng thế giới 100 năm sau, chúng ta nhận ra rằng nền hòa bình nhân loại hiện đang trên bờ vực thẳm không phải do bom đạn hay vũ khí hạt nhân, và tương lai nhân loại thật đen tối không do những đe dọa đến từ Trung Ðông hay bán đảo Triều Tiên. Nhưng sự bấp bênh, nguy hiểm của tương lai nhân loại đang chịu tác động của một nền văn hóa toàn cầu, trong đó, người ta cố tình loại bỏ ảnh hưởng và sự hiện hữu của Thiên Chúa.
Chủ nghĩa vô thần tuy đã lui vào bóng tối, nhưng một lối sống vô thần lại đang ảnh hưởng trầm trọng đến tương lai nhân loại, đó là tư tưởng và lối sống tự do quá khích. Nhân danh tự do lựa chọn, nhân danh quyền làm mẹ, mỗi năm trên toàn thế giới có đến 60 triệu thai nhi bị tước mất quyền sống do hành động phá thai. Rồi người ta cũng cho mình có quyền cắt đứt sự sống của một người già cả bằng cái chết êm dịu, nhân danh sức khỏe, sự tốn kém trị liệu, và rất nhiều những lý do nhân đạo. Nói chung, do đánh mất ý thức tội lỗi, nên con người ngày nay đang làm nhiều điều sai trái mà cứ tưởng mình làm đúng, làm những việc tội lỗi mà vẫn cho là mình sống thánh thiện.
Thật may mắn, sứ điệp Fatima vẫn là phương thế mà con người có thể dùng để giải quyết những vấn nạn của xã hội, và những khó khăn cuộc sống hôm nay. Ðể phục hồi nền văn hóa sự sống, để cứu vãn nhân loại và thế giới khỏi đi sâu vào con đường diệt vong, con đường tự hủy diệt, cần phải có một phép lạ. Chính Chúa Giêsu là Đấng làm nên phép lạ, nhưng cũng như tại Cana, phép lạ ấy sẽ không thể nào xảy ra nếu không có sự can thiệp của Mẹ: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3) và việc thực thi lời Mẹ căn dặn: “Người bảo gì thì cứ làm theo” (Ga 2,5). Vậy tất cả chúng ta hãy nghe và thực thi lời Mẹ dạy bảo qua sứ điệp Fatima với ba thực hành cụ thể: Cải thiện đời sống; Tôn sùng Trái Tim Mẹ; và Lần Hạt Mân Côi.
Muốn nhận ra điều cần phải sửa đổi và canh tân đời sống, con người nhất thiết phải tìm gặp và tiếp cận với Ðấng thiêng liêng, cao cả qua cầu nguyện. Mặt khác, người ta khó có thể cầu nguyện sốt sắng được nếu như người ta không tiếp cận với Chúa qua Mẹ Maria; người ta cũng không thể yêu mến và đền bù bao tội lỗi xúc phạm đến Chúa khi không yêu mến và tôn sùng trái tim Mẹ. Để giúp con cái mình thực hiện được ước muốn đó, Mẹ Maria đã giới thiệu một phương thế cầu nguyện rất đơn sơ với chuỗi Mân Côi. Qua Kinh Mân Côi, Mẹ lôi kéo tâm hồn con người về với tình thương của Thiên Chúa nhờ việc chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô.
Thật vậy, kinh Mân Côi là một kinh nguyện có tính cách chiêm ngắm suy niệm phát xuất từ chính Kinh Thánh. Vì những mầu nhiệm cao trọng của Kinh Mân Côi được trích dẫn từ trong chính Kinh Thánh, nên mỗi khi lần chuỗi Mân Côi người tín hữu lại được diễm phúc hít thở chính tinh thần của Kinh Thánh. Đàng khác, Kinh Mân Côi đòi hỏi một nhịp điệu khoan thai, yên tĩnh và nhất là một tâm hồn thinh lặng để suy ngắm các mầu nhiệm trong cuộc đời Đức Giêsu mà chúng ta nhắc đến trước mỗi chục kinh. Nói chung, chúng ta cần đọc Kinh Mân Côi bằng cả tâm hồn của mình; lúc đó chúng ta mới thực sự “cùng Mẹ chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô” như xưa Mẹ đã ghi nhớ và suy đi gẫm lại trong lòng những điều liên quan đến cuộc đời con của Mẹ.
Tóm lại, ba mệnh lệnh làm nên Sứ Điệp Fatima đều là những phương thế cứu độ, là đường dẫn con người đến với Chúa. Sứ điệp ấy vẫn luôn hợp thời và mang lại hiệu quả cho thế giới hôm nay. Canh tân đời sống, tôn sùng Trái Tim Mẹ, và lần hạt Mân Côi chính là ba đòi hỏi căn bản và cần thiết mà người tín hữu phải thực hiện để thế giới được hòa bình, các gia đình luôn hạnh phúc, và con người ở khắp nơi hết lầm than, đau khổ.
Thinh lặng cầu nguyện riêng ít phút.
III. CÙNG MẸ CẦU NGUYỆN
Lời dẫn: Giờ đây, cùng với toàn thể Giáo hội, cộng đoàn chúng ta hãy chiêm ngắm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Kitô và cuộc đời Đức Mẹ qua những tràng chuỗi Mân Côi.
Hát: Tràng Hoa Mân Côi (Phạm Xuân Chiến)
Đọc 50 kinh Mân Côi, suy niệm các mầu nhiệm mùa Mừng hay Sáng.
Sau đó, tùy nghi đọc một số kinh quen thuộc.
Ø KẾT THÚC:
Chủ sự có thể nói ít lời trước khi dâng lời nguyện kết thúc:
Lạy Chúa, Chúa đã đặt Mẹ của Con Chúa làm Mẹ chúng con. Xin cho chúng con khi kiên trì sám hối và cầu nguyện cho thế giới được ơn cứu độ, chúng con có thể góp phần mở mang Nước Chúa Kitô mỗi ngày một hữu hiệu hơn. Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.
Chủ sự ban phép lành và giải tán cộng đoàn:
Chúc anh chị em ra về bình an.
- Tạ ơn Chúa.
Hát: Xin Vâng (Mi Trầm)