26/05/2016 -

Sư phạm giáo dục

699
Bí quyết sống yên tâm (tt-2)

 

BÍ QUYẾT SỐNG YÊN TÂM (tt)

Nguyên tác Don´t Sweat The Small Stuff...and it´s all small stuff

của Richard Carlson, Ph.D

Dịch giả Tôn Thất Bàng,     www.khoahoc.net

 

Nên ý thức ảnh hưởng quả cầu tuyết của sự suy nghĩ của bạn  (1)

Môt kỹ thuật đầy mãnh lực để trở nên bình an hơn là ý thức được độ nhanh của sự suy nghĩ tiêu cực và không an toàn có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Có khi nào bạn để ý đến mức độ căng thẳng bạn cảm nhận khi bạn bị kẹt trong suy nghĩ của bạn không? Và rắc rối thêm là càng để tâm vào những chi tiết của bất kỳ việc gì đang làm bạn bực mình thì bạn càng cảm thấy còn tệ hại hơn. Từ ý nghĩ này dẫn đến ý nghĩ khác, và cứ thế cho đến một lúc nào đó bạn trở nên lo lắng không thể tưởng tượng nỗi.

Chẳng hạn bạn có thể thức giấc nửa đêm và nhớ đến việc cần phải gọi điện thoại ngày mai. Rồi thay vì thấy nhẹ nhõm khi đã nhớ ra việc gọi quan trọng như vậy, bạn bắt đầu diễn tập một cuộc đàm thoại có thể xảy ra với ông chủ của bạn, khiến cho bạn càng bực bội hơn. Chẳng mấy chốc bạn tự nghĩ, ’Tôi không thể tưởng nỗi mức độ bận bịu của tôi. Tôi phải gọi năm mươi cú điện thoại một ngày’. Có ai sống như thế này không? và cứ liên tục như thế cho đến khi bạn cảm thấy tội nghiệp cho chính bạn. Đối với nhiều người kiểu ’tấn công tư tưởng’ này có thể tiếp diễn vô thời hạn. Thật vậy, các thân chủ của tôi đã kể cho tôi nghe họ phải bỏ nhiều ngày và nhiều đêm vào việc diễn tập đầu óc kiểu này. Tất nhiên bạn không tài nào cảm thấy bình an khi trong đầu có đủ thứ chuyện lo lắng và bực mình.

Cách giải quyết vấn đề này là chú ý đến việc gì đang xảy ra trong đầu của bạn trước khi những ý nghĩ của bạn có cơ hội tạo nên động lực. Bạn càng sớm bắt quả tang mình đang tạo quả cầu tuyết trong đầu thì việc chận đứng hành động đó càng dễ hơn. Trong ví dụ của chúng ta đây bạn có thể lưu ý đến sự suy nghĩ mang tính quả cầu tuyết ngay khi bạn khởi sự duyệt qua danh sách những việc bạn phải làm ngày hôm sau. Vậy thì thay vì ám ảnh về ngày sắp tới của bạn, bạn tự nhủ, ’Ôi, tôi lại đi vào con đường cũ nữa’, và tỉnh táo diệt nó tận mầm mống. Bạn chận đứng dòng tư tưởng trước khi nó có cơ hội khởi động. Sau đó bạn có thể chú ý không phải vào mức độ không kham nỗi của  bạn mà vào mức độ biết ơn vì đã nhớ đến cú điện thoại cần phải gọi. Nếu lúc đó là nửa đêm, bạn hãy viết lên một mãnh giấy và ngủ trở lại. Thậm chí bạn có thể cứu xét chuyện để sẵn bút giấy cạnh giường để ghi những việc như vậy.

Thật sự bạn có thể là một người rất bận bịu, nhưng nhớ rằng cứ để trong đầu đầy những ý nghĩ không kham nỗi công việc chỉ làm cho vấn đề trầm trọng thêm bằng cách làm cho bạn có cảm tưởng căng thẳng thậm chí nhiều hơn căng thẳng bạn đã bị. Hãy làm thử bài tập nho nhỏ giản dị này lần tới khi bạn bắt đầu thấy ám ảnh về thời khóa biểu của bạn. Bạn sẽ ngạc nhiên về mức độ hiệu quả có thể có của nó.

Đừng lo lắng những chuyện nhỏ

Thường thường chúng ta cho phép chúng ta lo lắng về những chuyện mà khi xem xét kỹ càng hơn không phải là những chuyện thật sự quan trọng đến thế. Chúng ta tập trung vào những vấn đề và những điều quan tâm nhỏ rồi thổi phồng chúng quá mức. Chẳng hạn một người lạ có thể chạy xe chèn ngay trước mặt chúng ta khi đang lưu thông. Thay vì lờ đi và tiếp tục những chuyện trong ngày của chúng ta, chúng ta tự tin rằng chúng ta tức giận chuyện ấy là đúng. Chúng ta tiếp tục trong đầu một cuộc đụng độ tưởng tượng cho đến khi đạt được kết quả mới thôi. Nhiều người trong chúng ta thậm chí có thể sau đó kể lại cho một người khác nghe việc đã xảy ra thay vì chỉ cần cho nó qua đi.

Nếu bạn không làm gì được thì cứ để cho người lái xe kia nhận lấy sự rủi ro ở chỗ khác vậy. Bạn hãy cố gắng thương xót cho anh ấy, và nhớ rằng chạy xe vội đến mức đó rất khổ sở. Cách này giúp chúng ta có thể duy trì cảm giác an lạc và tránh được việc tự mình nhận lấy rắc rối của người khác.

Có nhiều ví dụ  ’chuyện nhỏ’ tương tự xảy ra hàng ngày trong đời sống của chúng ta. Dù chúng ta phải chờ đợi khi sắp hàng, phải nghe lời chỉ trích bất công, hay dù phải làm phần lớn nhất của công việc chúng ta cũng được những cái lợi to lớn nếu chúng ta biết không lo lắng những chuyện nhỏ. Rất nhiều người bỏ rất nhiều sinh lực của họ vào ’việc lo lắng những chuyện nhỏ’ đến nỗi họ hoàn toàn đánh mất cảm xúc với nét quyến rũ và vẻ đẹp của cuộc đời. Khi bạn dấn thân vào việc thực hiện mục tiêu này bạn sẽ thấy rằng bạn càng có nhiều năng lực để xử sự tử tế hơn và dịu dàng hơn.

Hãy làm hòa với sự bất hoàn hảo

Tôi vẫn chưa gặp một người toàn hảo tuyệt đối nào có đời sống nội tâm đầy thanh tịnh. Nhu cầu về toàn hảo và ham muốn về thanh tịnh nội tâm mâu thuẫn với nhau. Bất cứ lúc nào chúng ta si mê có được một cái gì như thế nào đó, tốt hơn cái sẵn có của nó, cơ hồ như chúng ta đang tham gia vào một trận đánh đang thua. Thay vì bằng lòng và biết ơn về những gì chúng ta có, chúng ta lại để tâm vào cái khiếm khuyết của một chuyện gì đó và sự cần thiết phải sửa khiếm khuyết đó của chúng ta. Khi chúng ta chú tâm vào cái sai sót, điều đó ngụ ý là chúng ta bất bình, không bằng lòng.

Dù nó liên quan đến chúng ta như cái tủ áo không ngăn nắp, vết trầy trên chiếc ô-tô, một thành tựu không hoàn hảo, một vài cân chúng ta muốn xuống hay liên quan đến ’những cái không hoàn hảo’ của một người khác như dáng điệu, cung cách, hay cách sống của người ấy thì chính hành động tập trung vào sự bất hoàn hảo lôi kéo chúng ta ra khỏi mục tiêu của chúng ta: nên có thái độ tử tế và dịu dàng. Chiến thuật này không liên quan gì đến việc ngưng gắng sức của bạn mà liên quan đến việc si mê và chú trọng thái quá vào cái sai quấy của cuộc sống. Nó liên quan đến nhận thức rằng trong khi luôn luôn có một cách thực hiện một việc gì đó tốt hơn thì điều đó không có nghĩa là bạn không thể thưởng thức và quý trọng thực trạng đã có của các sự việc.

Giải pháp ở đây là bắt lấy chính bạn khi bạn rơi vào thói quen khư khư cho rằng các sự việc nên khác hơn sự hiện hữu của chúng. Ngay bây giờ bạn hãy dịu dàng nhắc nhở bản thân rằng đời sống được như thế này là tốt rồi. Không có sự phán xét của bạn, mọi việc cũng sẽ tốt đẹp. Một khi bạn bắt đầu loại bỏ sự đòi hỏi cần phải toàn hảo trong mọi lãnh vực của đời bạn, bạn sẽ bắt đầu khám phá cái toàn hảo trong chính cuộc sống.

Đừng nghĩ rằng những người dịu dàng, thanh thản không thể là những người thành công vượt bực

Một trong những lý do chính khiến nhiều người trong chúng ta cứ vội vã, kinh hãi, thích tranh đua và tiếp tục sống một đời sống như thể một cuộc cấp cứu khổng lồ, là sự lo sợ rằng nếu chúng ta trở nên bình an và nhân từ hơn, chúng ta sẽ đột ngột chấm dứt việc đạt được những mục tiêu của chúng ta. Chúng ta trở nên lười biếng và lãnh đạm.

Bạn có thể trấn an sự lo sợ này bằng cách ý thức rằng sự trái ngược lại mới thật là chân lý. Suy nghĩ sợ hãi, hốt hoảng làm tiêu hao một số năng lượng to lớn và làm cạn kiệt óc sáng tạo và động lực thúc đẩy xuất phát từ cuộc sống. Khi bạn lo sợ hay hốt hoảng, đúng là bạn bất động hóa tiềm năng lớn nhất của mình, chưa nói đến sự khoái lạc. Bất kỳ thành quả nào bạn đạt được cũng đều bất chấp sự lo sợ của bạn, nghĩa là không phải do lo sợ.

Tôi được cái may mắn có chung quanh tôi một số người rất thanh thản, bình an và nhân từ. Trong số ấy có những người là những tác giả những sách bán chạy nhất, những phụ huynh nhân từ, những người làm việc cố vấn, những chuyên gia điện toán, và những quản trị viên trưởng.  Tất cả đều thành công trong việc họ làm và rất có năng lực về nghề nghiệp của họ.

Tôi đã học được bài học quan trọng này: Khi bạn có được tâm thanh tịnh, bạn ít  bị phân tâm bởi những gì bạn muốn, bạn cần, bạn thích và bạn lo. Như vậy việc tập trung, chăm chú, thành tựu các mục tiêu của bạn và trả lại cho người khác sẽ dễ dàng hơn.

Hãy làm điều tốt cho người khác và đừng nói cho ai  biết chuyện đó

Trong lúc nhiều người trong chúng ta thường xuyên làm những việc tốt cho những người khác, chúng ta gần như chắc chắn sẽ nói đến những cử chỉ tử tế của chúng ta với ai đó, tìm sự tán thành của họ một cách kín đáo.

Khi chúng ta chia sẻ sự tử tế hay độ lượng của chính mình với một người khác, hành động này làm cho chúng ta cảm thấy như chúng ta là những người có  nghĩ đến người khác, nó nhắc chúng ta nhớ đến mức độ tốt của chúng ta và mức độ đáng được đối xử tử tế của chúng ta.

Trong lúc tất cả những cử chỉ tử tế tự nó là tuyệt vời, thì có một cái gì đó còn kỳ diệu hơn về việc làm có nghĩ đến người khác mà không bao giờ đề cập đến việc ấy với bất cứ ai. Bạn luôn luôn cảm thấy sảng khoái khi bạn cho người khác. Thay vì làm giảm bớt những cảm giác lạc quan bằng cách nói cho người khác biết lòng tốt của chính bạn thì bạn có thể giữ lại tất cả những cảm giác lạc quan ấy bằng cách giữ nó trong lòng mình.

Quả thật ta nên cho vì mục đích là cho, chứ không phải cho để nhận lại một cái gì đó. Đây mới là đúng điều bạn đang làm khi bạn không đề cập gì đến lòng tốt của bạn với người khác -- phần thưởng của bạn là những cảm giác ấm áp đến từ cử chỉ biếu tặng. Lần sau khi bạn làm việc gì thật sự tốt cho ai, hãy giữ nó trong lòng và sung sướng trong niềm vui tràn ngập của việc tặng biếu ấy.

Hãy phát huy tình thương

Không có gì giúp chúng ta xây dựng cái nhìn sâu rộng của chúng ta hơn sự phát triển tình thương cho người khác. Tình thương là một cảm giác của sự thông cảm. Nó bao hàm sự sẵn lòng đặt địa vị mình vào địa vị người, bỏ đi cái quan trọng nơi bạn và tưởng tượng khi ở vào hoàn cảnh khó khăn của người khác bạn sẽ như thế nào và đồng thời cảm thấy thương người ấy. Đó chính là sự nhìn nhận rằng những khó khăn, nỗi khổ, và thất vọng của người khác mỗi chút đều thực giống như là của chính chúng ta -- thường thường còn trầm trọng hơn nhiều. Nhìn nhận sự kiện này và cố gắng cống hiến cách giúp đỡ nào đó tức là chúng ta mở cửa trái tim của chính chúng ta và làm tăng cảm giác tri ân của chúng ta lên rất nhiều.

Tình thương là cái gì bạn có thể phát huy bằng cách thực hành. Nó bao hàm hai điều: ý định và hành động. Ý định có nghĩa giản dị là bạn mở cửa con tim của mình để đón nhận người khác; bạn nới rộng tầm quan trọng của sự vật hay của con người từ chính bạn đến người khác. Hành động có nghĩa đơn giản là cái ’bạn làm gì liên quan đến ý định ấy’. Bạn có thể biếu một ít tiền hay thời giờ (hay cả hai) một cách đều đặn cho một lý do chính đáng gần gũi với tấm lòng của bạn. Hoặc có lẽ bạn sẽ nở một nụ cười xinh đẹp và mở lời ’xin chào’ chân thật với những người bạn gặp lúc đi đường. Cái điều bạn làm không quan trọng lắm, chỉ cái hành động của bạn mới là quan trọng. Như Mẹ Teresa nhắc nhở chúng ta, ‚Chúng ta không thể làm những việc vĩ đại trên quả đất này. Chúng ta chỉ có thể làm những việc nhỏ với tình thương vĩ đại’.

Tình thương phát huy cảm giác tri ân của bạn bằng cách vứt bỏ sự chú ý đến tất cả những chuyện nhỏ mà phần đông chúng ta đã học để xem chúng là quá quan trọng. Khi bạn thường xuyên để thì giờ suy gẫm về sự nhiệm mầu của cuộc đời -- sự nhiệm mầu là bạn có đầy đủ khả năng đọc sách này -- món quà thị giác, tình thương, và tất cả những món quà còn lại, nó có thể giúp nhắc nhở bạn rằng nhiều chuyện bạn nghĩ tới như ’chuyện lớn’ thực sự chỉ là ’chuyện nhỏ’ mà bạn đang biến thành  chuyện lớn.                                    

Hãy tự nhắc nhở khi bạn chết công việc của bạn vẫn không hết

Rất nhiều người trong chúng ta sống đời mình như thể mục đích bí ẩn của nó là phải làm sao cho xong hết mọi việc. Chúng ta thức khuya, dậy sớm, tránh những cuộc vui, và cứ bắt người thân của chúng ta phải chờ đợi. Tiếc thay, tôi đã chứng kiến nhiều người đã bắt người thân của mình phải chờ quá lâu đến nỗi người thân không còn thích duy trì mối quan hệ với họ nữa. Chính tôi trước đây thường làm như vậy. Thường thường chúng ta tự tin rằng chuyện ám ảnh với danh sách những việc ’phải làm’ của chúng ta chỉ là tạm thời -- chứ một khi chúng ta vượt qua được danh sách ấy, chúng ta sẽ trầm tĩnh, thanh thản và sung sướng. Nhưng sự thật thì chuyện nầy hiếm khi xảy ra. Khi các mục trên danh sách  được loại ra thì những mục mới lại thay vào.

Đặc tính của ’chỗ đựng văn thư đến’ là chỗ có dụng ý để chứa các văn kiện đến chứ nó không có dụng ý là phải trống. Luôn luôn có những cú điện thoại phải gọi, những kế hoạch phải hoàn tất, và công việc phải làm. Tất nhiên có thể biện luận rằng một ’chỗ đựng văn thư đến’ đầy là quan trọng cho sự thành công. Điều này có nghĩa là đang cần đến thời giờ của bạn đó!

Tuy nhiên, bất luận bạn là ai hay bạn làm việc gì, hãy nhớ rằng không có gì quan trọng hơn cái cảm giác hạnh phúc và yên tâm của chính bạn và của những người thân. Nếu bạn bị ám ảnh là phải làm mọi việc cho xong, bạn sẽ không bao giờ có cảm giác an lạc! Trong thực tế gần như mọi việc đều có thể chờ. Trong đời làm việc của chúng ta rất ít chuyện thật sự rơi vào loại ’khẩn cấp’. Nếu bạn chăm chú vào công việc của bạn thì mọi cái sẽ xong đúng thời hạn.

Tôi thấy rằng nếu tôi (thường xuyên) tự nhắc nhở mục đích của cuộc sống không là  làm cho xong tất cả mọi việc mà để thưởng thức từng bước trên đường đi và sống một cuộc sống đầy tình thương thì dễ cho tôi nhiều hơn khi kiểm soát sự ám ảnh của tôi với việc hoàn tất danh sách những việc phải làm. Bạn hãy nhớ khi bạn lìa đời sẽ vẫn còn việc chưa xong cần được đảm trách.  Và bạn biết sao không? Có người khác sẽ làm việc ấy cho bạn! Đừng bỏ phí thêm nữa những giây phút quý báu của đời bạn để hối tiếc những chuyện không thể tránh được.

 (1) ảnh hưởng lan rộng nhanh chóng, không thể kiểm soát được của sự suy nghĩ 

114.864864865135.135135135250